Banner trang chủ

Chủ trương, chính sách của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững

12/10/2013

Môi trường là một yếu tố nền tảng của phát triển bền vững (PTBV). Hiện nay, nguy cơ suy giảm chất lượng, suy thoái, ô nhiễm môi trường với xu hướng ngày càng gia tăng đang đe dọa tiến trình PTBV ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang gánh chịu tác động của BĐKH. Đối với môi trường, tác động của BĐKH không chỉ là hiện tại mà còn cả trong tương lai trung hạn và dài hạn. Các quyết định và quản lý phát triển trong thời gian tới ở Việt Nam được yêu cầu phải tính đến tác động của BĐKH. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới đã đưa thích ứng với BĐKH vào nội dung BVMT[1] và Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh quản lý TN&MT” đã được Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 7 (khóa XI) thông qua Nghị quyết, cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề môi trường trong bối cảnh BĐKH.

Tác động của BĐKH tới môi trường và các vấn đề môi trường đặt ra

Môi trường Việt Nam đang chịu tác động nhiều chiều của các nhân tố phát triển (công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập kinh tế quốc tế…) trong nhiều thập kỷ qua và nay đang phải chịu tác động của một nhân tố nữa là BĐKH. BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, được cảnh báo là sẽ tác động nghiêm trọng đến kinh tế, cuộc sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. BĐKH với những tác động ngày một gia tăng và khó lường ở nhiều lĩnh vực, khu vực sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường, làm tăng khả năng bị tổn thương, tạo nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH với ước tính thiệt hại kinh tế có thể lên tới 10% GDP[2]. Nếu tính thêm những mất mát về giá trị môi trường cũng như những mất mát về tiến bộ xã hội (tái nghèo, bệnh dịch, thất học...) thì con số thiệt hại này còn lớn hơn nhiều. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng mới nhất (Bộ TN&MT công bố ngày 17/4/2013) đã cảnh báo ở kịch bản phát thải cao, vào cuối thế kỷ 21 nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập, tương ứng là gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp. Đó là về nước biển dâng, còn nếu tính cả các tác động từ nhiệt độ tăng thì quy mô, phạm vi tác động của BĐKH còn lớn hơn nhiều ảnh hưởng cả những vùng khác của đất nước, như vùng trung du, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ…

Nước biển dâng do BĐKH gây nguy cơ ngập lụt cho các tỉnh ven biển miền Trung

Hiện tại, tác động của BĐKH tới môi trường cũng đã được xác nhận là ngày càng rõ rệt, có xu hướng gia tăng, tác động nhiều mặt tới tăng trưởng, phát triển kinh tế, BVMT và cuộc sống của con người ở các vùng miền nước ta. BĐKH đang tạo nên những vấn đề môi trường lớn trong hiện tại và tương lai, trong đó cấp bách hơn cả là các vấn đề liên quan tới đa dạng sinh học và an ninh môi trường. Báo cáo Môi trường quốc gia 2010 - Tổng quan môi trường Việt Nam đã xác định 5 vấn đề môi trường bức xúc của 5 năm qua (2006 - 2010), trong đó có 2 vấn đề liên quan trực tiếp và có nguyên nhân chính từ BĐKH là: Đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng và an ninh môi trường bị đe dọa[3]. Còn trong 5 năm tới (2011 - 2015) và cả các năm tiếp theo các vấn đề môi trường từ BĐKH đã được cảnh báo sẽ tiếp tục là trọng tâm của các quyết định về BVMT và phát triển.

Đa dạng sinh học vốn dĩ đã chịu nhiều tác động tiêu cực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa trong nhiều thập kỷ phát triển qua, thì nay lại gánh chịu thêm các tác động của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng, đang làm thay đổi môi trường sống của các hệ sinh thái, động thực vật, thậm chí có những nơi môi trường sống bị thay đổi lớn và nhanh chóng hơn, làm cho một số động vật, thực vật không kịp thích nghi và bị chết. Về lý thuyết, tác động của BĐKH làm cho hệ sinh thái có những biến đổi như[4]: Chỉ thị vật hậu mùa xuân đến sớm hơn; lục hóa trong mùa xuân đến sớm hơn; gia tăng các quần cư động vật trôi nổi trên các biển vĩ độ cao và các hồ trên cao; các loài cá di trú sớm hơn trên các sông. Đồng thời, với mức tăng nhiệt độ 1,5 - 2,50C có thể có những biến đổi về cấu trúc và chức năng của các loài di trú sinh thái trong các đới địa lý cùng với những hậu quả tiêu cực khác. Quá trình axít hóa đại dương chắc chắn tác động tiêu cực đến tổ chức và cấu trúc của các rạn san hô.

Trong những năm qua, các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long có hiện tượng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tới vài chục km, làm thay đổi môi trường nước, môi trường đất - 2 yếu tố cơ bản nhất cho sự sống và phát triển của động thực vật. Cụ thể, ở tỉnh Sóc Trăng, hiện độ mặn trong nước dẫn vào các đồng ruộng đã lên đến 10 phần nghìn, trong khi đó sức chịu mặn cao nhất của giống lúa gieo trồng hiện nay (giống ST) chỉ đạt 4 phần nghìn, vì vậy không một cây lúa nào chịu được độ mặn này và bị chết[5]. Chỉ báo này (lúa chết) cũng phản ánh những tác động tới các động thực vật khác trong vùng nơi bị nước mặn xâm nhập (tác động ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng...). Nước biển dâng cũng có nghĩa là diện tích đất bị thu hẹp và kèm theo đó là sự mất đi nhiều hệ sinh thái, loài động thực vật gắn với các hệ sinh thái đó.

BĐKH cũng đặt ra những vấn đề môi trường cấp bách khác liên quan tới an ninh môi trường không chỉ ở tầm quốc gia, khu vực mà còn ở toàn cầu, kéo theo những hệ lụy về chính trị, kinh tế, xã hội (bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, chiến tranh, dịch bệnh, nghèo đói… có nguyên nhân từ TN&MT). Việt Nam hiện là quốc gia nông nghiệp với sự phân bố không đồng đều và sự phụ thuộc lớn vào nguồn nước mặt. Bên cạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước mặt (hơn 60% tổng lượng nước mặt của nước ta có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia) thì BĐKH đang làm trầm trọng thêm sự phân bố và sự phụ thuộc này. Thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt đang không chỉ hiện diện trên thực tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương nước ta mà còn được cảnh báo về nguy cơ tăng cường cả về chiều rộng (phạm vi) và chiều sâu (chất lượng nước) trong tương lai gần với tác động của BĐKH. Sự thiếu hụt và nguy cơ gia tăng thiếu hụt về nước có nguyên nhân từ tác động của các thay đổi về nhiệt độ (lượng mưa, độ ẩm ...) và mực nước biển (xâm nhập mặn, mất đất...). Nước là nguồn gốc của mọi sự sống và sự thay đổi về nước sẽ kéo theo những thay đổi về môi trường sống cho con người và các hệ sinh thái, các loài động, thực vật khác. Sự thay đổi này hiện được cảnh báo là đe dọa tới an ninh môi trường, an ninh sinh thái, đòi hỏi phải được tính đến trong các quyết định phát triển ở tầm nhìn trung và dài hạn.

Các giải pháp BVMT trong bối cảnh BĐKH

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH cho giai đoạn 2009 – 2015 và tiếp theo, Chiến lược quốc gia về BĐKH với tầm nhìn đến 2050. Các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành và đang thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Theo số liệu của Bộ TN&MT, cho đến nay tất cả các Bộ, ngành Trung ương đã cơ bản hoàn thành Kế hoạch hành động về BĐKH và 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động về BĐKH. Về BVMT, bên cạnh chủ trương lớn, định hướng chung về môi trường và PTBV[6], Đảng đã có Nghị quyết, Chỉ thị chuyên biệt về công tác BVMT[7] trong bối cảnh phát triển mới, trong đó có BĐKH. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quốc hội đã có chương trình thảo luận về sửa đổi Luật BVMT (2005) trong các kỳ họp của năm 2013, trong đó có BVMT trong bối cảnh BĐKH.

Nhìn chung, chủ trương và định hướng cho công tác BVMT trong bối cảnh BĐKH thời gian tới được xác định là chủ động, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt vừa đảm bảo lợi ích lâu dài. Phương châm trong BVMT là lấy phòng ngừa là chính, đi đôi với kiểm soát, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bài toán khó cần lời giải tối ưu cho công tác BVMT trong bối cảnh BĐKH ở nước ta là làm sao chủ động trong ứng phó với BĐKH và đảm bảo chất lượng môi trường cho PTBV. Có nhiều khó khăn, thách thức nhưng đồng thời cũng có những thuận lợi, cơ hội cho việc tìm kiếm lời giải bài toán này.

Về thuận lợi, cơ hội, trước hết là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với BĐKH và BVMT. Nhận thức của toàn xã hội về BĐKH và BVMT đã được nâng cao, tuy còn ở mức độ khác nhau đối với các nhóm xã hội. Chính sách, thể chế và đầu tư cho ứng phó với BĐKH và BVMT đã được quan tâm xây dựng và từng bước tăng cường.

Về khó khăn, thách thức lớn nhất vẫn là trình độ phát triển của đất nước còn ở mức thấp, tiềm lực kinh tế còn hạn chế so với nhu cầu phát triển nhanh và bền vững trong khi mô hình tăng trưởng hiện tại là thiếu bền vững, dựa quá nhiều vào khai thác, sử dụng tài nguyên. Ý thức trách nhiệm với môi trường còn thấp và gắn với đó là hành vi, thái độ ứng xử của xã hội, của mỗi cá nhân còn chưa phù hợp, trong khi ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh, BĐKH tác động mạnh, phức tạp.

BĐKH đang hiện diện với các tác động tiêu cực ngày càng rõ rệt, gia tăng. Một loạt các giải pháp ứng phó với BĐKH và BVMT đã được xác định và tổ chức triển khai thực hiện. Tuy vậy, về cơ bản đó là những giải pháp chủ yếu nhằm vào các mục tiêu BĐKH hay BVMT. Các giải pháp BVMT trong bối cảnh (đúng hơn là để ứng phó với) BĐKH hiện đang được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách môi trường thảo luận và đề xuất nhằm vào yêu cầu và mục tiêu chiến lược đã xác định trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là “Nâng cao năng lực chủ động ứng phó với BĐKH”.

Nội hàm BVMT hiện nay đã được mở rộng, bao hàm thêm “thích ứng với BĐKH”[8]. Sự mở rộng này cũng có nghĩa là các giải pháp BVMT trong thời gian tới không chỉ cần phải tính đến yêu cầu thích ứng với BĐKH mà còn cả những giải pháp BVMT cho thích ứng với BĐKH một cách chủ động. Trước hết là hệ thống tự nhiên có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện BĐKH, hạn chế thấp nhất những tổn thất môi trường có thể xảy ra trong hiện tại và tương lai. Các giải pháp BVMT thích ứng với BĐKH còn đóng góp vào một nội dung khác của ứng phó với BĐKH là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua việc cải thiện và phát triển hệ thống tự nhiên (sinh thái rừng) để lưu giữ, hấp thụ khí nhà kính[9], hay thu gom, xử lý tốt chất thải cũng là góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính[10]. Các quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến cũng thể hiện cả sự “tính đến” và “cho” thích ứng với BĐKH. Cụ thể, các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học (mục 6 của Dự thảo Luật) đều yêu cầu các biện pháp BVMT cần được đặt “trong mối liên quan với phòng ngừa, thích ứng với BĐKH”. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có điểm khác biệt so với Luật BVMT hiện hành (ban hành năm 2005) là dành một mục riêng (mục 7) với tiêu đề “BVMT và ứng phó với BĐKH”, trong đó quy định về lồng ghép nội dung phòng ngừa, thích ứng với BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) trong thời gian tới (khi Luật BVMT mới được ban hành) được yêu cầu sẽ phải “đánh giá tác động hai chiều giữa các hoạt động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với môi trường và BĐKH, xây dựng hệ thống giải pháp phù hợp”[11].

Như vậy, các giải pháp BVMT trong bối cảnh BĐKH thời gian tới sẽ phải được xác định theo 2 hướng: điều chỉnh, bổ sung yêu cầu thích ứng với BĐKH trong các giải pháp BVMT đang thực hiện; xác định các giải pháp BVMT cho thích ứng với BĐKH. Ngoài 2 hướng trên, cần thực hiện các giải pháp sau:

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH và BVMT thích ứng với BĐKH;

Đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT và PTBV, trong đó có việc sửa đổi Luật BVMT và các văn bản dưới Luật sẽ sớm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện BVMT phù hợp với bối cảnh BĐKH;

Lồng ghép, tích hợp nội dung thích ứng với BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các giải pháp BVMT;

Rà soát, kiện toàn cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về BVMT đáp ứng yêu cầu PTBV trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập sâu rộng, đầy đủ với nền kinh tế thế giới và tác động ngày càng gia tăng rõ rệt của BĐKH;

Nghiên cứu, xây dựng mới Bộ luật khung về môi trường làm căn cứ để xây dựng các luật chuyên ngành về BVMT phù hợp với giai đoạn phát triển mới, trong đó có BĐKH;

Hình thành cơ chế tài chính mới huy động nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với BĐKH và BVMT, trong đó chú ý: xây dựng cơ chế đặc thù như là giải pháp đột phá để tạo và sử dụng nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với BĐKH; BVMT và hình thành một mục chi ngân sách cho sự nghiệp ứng phó với BĐKH và BVMT với mức chi đề xuất cụ thể (hàng năm ít nhất 5% tổng chi ngân sách) cho thời kỳ ngân sách mới (từ 2016), trong đó chi cho sự nghiệp môi trường không dưới 2%.

          PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn[12]

                                                                             Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013

 

[1] Tại Điều 3, khoản 3, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).

[2] Con số ước tính trong Chiến lược quốc gia về BĐKH của Việt Nam ở kịch bản mực nước biển dâng cao 1m.

[3] 3 vấn đề còn lại là: ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, quản lý môi trường còn nhiều bất cập, và vai trò của cộng đồng chưa được huy động đầy đủ.

[4] Theo: Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường, BĐKH và tác động ở Việt Nam, H. 2010, trang 88.

[5] Nguồn: BĐKH gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, trên trang web: http://vacne.org.vn/default.aspx?newsid=10504

[6] Chủ trương và định hướng này đã được xác định trong văn kiện các Đại Hội Đảng.

[7] Cụ thể là Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29-CT/BBT ngày 21/1/2009 của Ban Bí thư.

[8] Theo Luật BVMT (sửa đổi), Điều 3, Dự thảo đăng tải trên website của Bộ TN&MT, http://www.monre.gov.vn.

[9] Lượng khí nhà kính lưu giữ, hấp thụ hay giảm được sẽ được tính quy đổi thành đơn vị quyền phát thải (CERs) để có thể mua bán trên thị trường cacbon trên thế giới theo cơ chế phát triển sạch (CDM).

[10] Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính trong: CHXHCN VN, Bộ TNMT, Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung của LHQ về BĐKH, H. 2010, thì chất thải đóng góp 5,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở nước ta.

[11] Theo: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Điều 38, khoản 3).

[12] PGS. TS., Khoa Phát triển bền vững, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH VN.

Ý kiến của bạn