Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Cần xử lý nghiêm các hành vi nuôi gấu lấy mật

17/06/2015

     Kết quả khảo sát thái độ và hành vi sử dụng mật gấu của hơn 3.000 người tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cuối năm 2014 của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho thấy, tình trạng sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với năm 2009 và tính đến đầu năm 2015, chỉ còn khoảng 1.250 con gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên cả nước, giảm 72% so với số liệu năm 2005. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 2.000 con gấu nuôi lấy mật ở 15 tỉnh/thành trên cả nước như Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

     Để chăm sóc và bảo tồn các loài ĐVHD, năm 2006, Bộ NN&PTNT ra Quyết định số 47/2006/QĐ-BNN về việc ban hành quy chế quản lý gấu nuôi (có hiệu lực tại thời điểm đó) đã chỉ rõ: “Mọi cá thể gấu nuôi trái với quy định tại quy chế này đều bị tịch thu. Chủ nuôi cá thể gấu đó phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật”. Tuy vậy, cơ quan chức năng vẫn còn nhân nhượng trong việc xử lý các sai phạm, tiêu biểu như trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2014, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện 81 con gấu nuôi nhốt trái phép phục vụ mục đích du lịch, trích hút mật tại các trang trại trên địa bàn TP. Hạ Long (Quảng Ninh),  nhưng chỉ xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu 1 con gấu ngựa và gắn chíp quản lý và tiếp tục nuôi nhốt 80 cá thể gấu còn lại. Chính sự nhân nhượng này đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại nuôi gấu tại TP Hạ Long tiếp tục đón các đoàn khách du lịch Hàn Quốc đến tham quan, mua mật gấu trái phép.

 

Gấu bị nuôi nhốt và hút mật ở Hải Phòng

 

     Khảo sát mới đây của ENV cũng cho thấy trung bình mỗi ngày, trang trại gấu Trường Thịnh 2 đón tiếp khoảng 200 khách du lịch đến tham quan và mua mật gấu. Rõ ràng, khoản thu nhập lớn từ bán mật gấu trái phép trong 8 năm qua đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại đổi đời. Khi ENV có các hoạt động điều tra đối với hộ ông Nguyễn Thanh N. ở TP. Hạ Long, một số đối tượng đã xô ngã xe và dằn mặt cán bộ ENV.

     Đặc biệt, gần đây, khi nguồn lợi từ nuôi gấu giảm sút, các chủ trang trại có xu hướng bỏ mặc gấu đói và ốm chết. Tại TP. Hải Phòng, một số trung tâm cứu hộ có đủ khả năng vật chất, kỹ thuật đã đề nghị được cứu hộ và chăm sóc những con gấu nuôi nhốt đang hấp hối ở đây nhưng các chủ trại nhất định không chuyển giao nếu không “nhận được một khoản đền bù xứng đáng” với mức từ 40 - 50 triệu đồng/con.
     Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV nhấn mạnh, Việt Nam còn khoảng 2.000 con gấu có nguồn gốc từ tự nhiên đang được nuôi nhốt tại các trang trại trên toàn quốc. Việc thiết lập cơ chế “tiền trao gấu trả” như ở TP. Hạ Long không những thể hiện sự nhượng bộ của Nhà nước trước các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ ĐVHD mà còn tạo tiền lệ xấu trong quá trình quản lý hoạt động nuôi nhốt gấu nói riêng và bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp của Việt Nam nói chung”.

 

     Theo điều tra của ENV, gấu nuôi ở các cơ sở, trang trại trên địa bàn TP. Hạ Long đều là gấu ngựa, (gấu đen châu Á, một loài động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại), có xuất xứ từ thiên nhiên hoang dã, giá mỗi con mua về nuôi khoảng 70 triệu đồng.

     Đại sứ bảo vệ gấu - ca sĩ Mỹ Linh, người đã đồng hành với ENV trong nỗ lực chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam kêu gọi, nhiều con gấu đã phải chịu đựng cuộc sống tù ngục trong trang trại, chúng ta hãy cùng hành động nhằm chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

 

Hoàng Tố Uyên

Ý kiến của bạn