Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững

04/08/2015

   Phát triển du lịch bền vững (DLBV) là phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu về hiện tại của du khách và người dân bản địa, song hành với các hoạt động bảo tồn cảnh quan, các nguồn tài nguyên du lịch, BVMT cho phát triển du lịch trong tương lai.

   Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường là yêu cầu cấp thiết. Đáp ứng yêu cầu này, các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó có môi trường du lịch.

   1. Quản lý nhà nước về BVMT trong hoạt động du lịch

   Du lịch được khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan.BVMT trong hoạt động du lịch đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hệ thống các văn bản pháp luật quy định BVMT trong hoạt động du lịch đã bước đầu được hình thành, tạo hành lang pháp lý phát triển DLBV.

   Luật Du lịch 2005 quy định: Nguyên tắc phát triển du lịch là phát triển DLBV (Điều 5). Luật BVMT 2014 quy định hoạt động BVMT được khuyến khích là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên (Điều 6); các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú phải thực hiện các biện pháp BVMT (Điều 77).

   Ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó nhấn mạnh quan điểm "Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước". Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 321/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013 - 2020 với mục tiêu chính là xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên, đảm bảo nguyên tắc phát triển DLBV. Ngày 4/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2151/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013-2020, trong đó đề cập đến gìn giữ và BVMT du lịch, văn hóa ứng xử với khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.

   Ngày 30/12/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về việc Hướng dẫn BVMT trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Thông tư đã quy định rất cụ thể và chi tiết trách nhiệm BVMT của đơn vị tổ chức lễ hội; các tổ chức, cá nhân quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh tại cơ sở, kinh doanh vận chuyển khách.Ngày 12/4/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí Nhãn DLBV Bông sen xanh làm công cụ để đánh giá, quản lý công tác BVMT đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam.

   Như vậy, trong thời gian qua, các văn bản quy định về BVMT trong hoạt động du lịch được ban hành là một trong những nỗ lực rất lớn của Việt Nam nhằm huy động nguồn lực tổng hợp liên kết các ngành, các địa phương cho du lịch phát triển theo quan điểm, mục tiêu và định hướng về phát triển bền vững. Tuy nhiên, các quy định về BVMT trong hoạt động du lịch còn thiếu những cơ chế, công cụ pháp lý cụ thể để BVMT, chưa làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc BVMT và những biện pháp khuyến khích cần thiết để đảm bảo thực thi các quy định về BVMT. Đây là những nội dung cần được lưu ý khi hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT lĩnh vực du lịch.

   Bên cạnh đó, để phát triển DLBV, cần phát triển những chính sách, quy định về chi trả dịch vụ môi trường.Chi trả dịch vụ môi trường hệ sinh thái là công cụ kinh tế giúp những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó.Trên thực tế, Việt Nam cũng đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tuy nhiên đối tượng chi trả là nhà máy thủy điện, nhà máy sản xuất nước... mà chưa có đối tượng là khách du lịch.Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có sự phân công thống nhất đầu mối quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia... cũng như quy định khung pháp lý đầy đủ về chi trả dịch vụ môi trường đối với các hệ sinh thái.

   Ngoài ra, DLBV còn liên quan đến nhiều vấn đề như văn hóa bản địa, sử dụng lao động địa phương và nâng cao đời sống cho người dân bản địa, giáo dục môi trường, đóng góp cho công tác bảo tồn... Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho DLBV hiện nay chưa đề cập đầy đủ đến những vấn đề này, đồng thời thiếu các cơ chế hỗ trợ khuyến khích các cá nhân tổ chức tham gia vào các mô hình DLBV.

BVMT là yêu cầu cấp thiết hướng đến phát triển du lịch bền vững

   2. Một số giải pháp BVMT gắn với phát triển DLBV

   Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch thời gian qua đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng, song đồng thời cũng gây áp lực không nhỏ lên môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên... Để đảm bảo phát triển DLBV, một số giải pháp cần được quan tâm nhằm tăng cường BVMT trong phát triển du lịch:

   Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó quy định những nội dung mới như du lịch có trách nhiệm, chi trả dịch vụ môi trường hệ sinh thái (đối tượng là khách du lịch), tăng cường chế tài xử phạt vi phạm...;

   Chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu du lịch đảm bảo tính khoa học, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng;

   Tăng cường năng lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, khu bảo tồn, phân công thống nhất đầu mối quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia… Cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý các khu bảo tồn và vườn quốc gia, các cơ quan hành chính và an ninh địa phương, cơ quan quản lý trung ương, các công ty du lịch, đại diện các cộng đồng nhân dân địa phương;

   Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; Trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và BVMT, phát triển DLBV;

   Phát triển sinh kế cho người dân góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường.Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng.

   Tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa phương thức hợp tác trong phát triển DLBV. Các nhà đầu tư, tài trợ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội trong và ngoài nước có thể tham gia và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển DLBV khi có cơ chế khuyến khích, kêu gọi tham gia hợp lý.

 

TS. Nguyễn Thế Đồng
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn