Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Ðịnh hướng các hoạt động của ngành Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh

06/01/2015

     Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (Chiến lược TTX) với mục tiêu tiến tới xây dựng nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính (KNK) dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo Chiến lược này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược TTX, đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành, cơ quan mình.

     Để triển khai kịp thời và có hiệu quả Chiến lược quốc gia về TTX, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia.

     Ngành TN&MT có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu và giải pháp Chiến lược quốc gia về TTX đề ra, với 6 trên 7 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến TTX như: môi trường, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, BĐKH, biển và hải đảo. Vì vậy, việc định hướng các hoạt động của ngành TN&MT trong bối cảnh TTX là rất cần thiết. Trong thời gian tới, các định hướng giải pháp cần tập trung vào các hoạt động sau:

     1. Xây dựng và hoàn thiện khung thể chế theo định hướng TTX          

     Tập trung xây dựng và hoàn thiện Khung chính sách về TTX của ngành TN&MT giai đoạn 2015-2020. Trước hết, cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện khung thể chế nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX thông qua việc thực hiện nghiêm và có hiệu quả Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học, Luật BVMT và những quy định liên quan.

     Xây dựng và trình ban hành Luật Tái chế và các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại thân thiện với môi trường; Xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về không khí sạch, kiểm soát ô nhiễm nước.

     Tổ chức thực hiện và phối hợp xây dựng các chính sách tài chính liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX theo hướng tăng cường, phục hồi, tái tạo tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Các chính sách tài chính bao gồm: thuế, phí, trợ giá, các quỹ, các tiêu chí xanh/phát triển bền vững với doanh nghiệp, chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển, đất ngập nước, nhãn sinh thái.

     Rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch tổng thể phát triển ngành TN&MT nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách có hiệu quả.

     2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích hỗ trợ thực hiện TTX

     Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng về vai trò và ý nghĩa của TTX và khuyến khích việc thay đổi cơ cấu tổ chức, hoạt động, hành vi, lối sống theo hướng thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào công tác BVMT và nhân rộng các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế gắn với BVMT.

     Nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức thông qua việc ưu tiên khuyến khích áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nguyên liệu sạch.

     Nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật hỗ trợ sinh kế bền vững gắn với BVMT nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX.

     Hướng dẫn kỹ thuật để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức triển khai và mở rộng các mô hình sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, hài hòa và thân thiện với môi trường.

     Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng phát triển các mô hình thành phố bền vững về môi trường, làng sinh thái, mô hình phân loại rác thải tại nguồn theo phương pháp giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng (3R).

     3. Tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK

     Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu để thực hiện kiểm kê KNK định kỳ. Tăng cường phối hợp giữa các ngành để thường xuyên giám sát phát thải và quản lý các hoạt động giảm thiểu phát thải KNK.

     Áp dụng thử nghiệm và nhân rộng hệ thống quản lý, giao dịch phát thải KNK thuế, phí các bon.

     Xây dựng chính sách ưu đãi về tài chính, hỗ trợ về công nghệ để các doanh nghiệp thực hiện được kiểm kê và giảm phát thải KNK trong hoạt động sản xuất.

     Xây dựng và thực hiện đề án giảm phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải.

     Quản lý các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực sử dụng nước, đất, thay đổi sử dụng đất.

     Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường để làm cơ sở đánh giá công tác BVMT các địa phương. Hoàn thiện bộ tiêu chí để xác định các dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của các hoạt động ứng phó với BĐKH; quy trình và thủ tục xây dựng, thẩm định phê duyệt và giám sát đánh giá các dự án ứng phó với BĐKH.

     4. Đẩy mạnh hoạt động giảm phát sinh, tái chế, tái sử dụng chất thải và phát triển dịch vụ môi trường

     Nghiên cứu, ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn tại các đô thị, nông thôn trên cả nước và vùng hải đảo nơi dân cư tập trung sinh sống.

     Triển khai, áp dụng rộng rãi khoa học công nghệ tiên tiến trong các hoạt động phân loại, tái chế, xử lý rác thải. Áp dụng công nghệ phân loại, tái chế rác thải thành năng lượng, vật liệu xây dựng và phân hữu cơ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đô thị và nông thôn.

     Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc thu gom và xử lý chất thải trong đó chú trọng chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại nhằm quản lý triệt để chất thải phát sinh tại các địa phương.

     Hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để hiện đại hóa hoạt động tái chế ở các làng nghề. Đến năm 2020, loại bỏ các công nghệ cũ lạc hậu, độc hại đối với sức khỏe người lao động và gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề tái chế.

     Hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất ở nông thôn theo chu trình sinh thái khép kín, mô hình xử lý tốt chất thải làng nghề. Đến năm 2020, đảm bảo hầu hết rác thải nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường.

 

Thành phố Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc phát triển kinh tế gắn với BVMT

 

     Nghiên cứu, áp dụng các cơ chế về trợ giá sản phẩm tái chế nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm tái chế, phát triển thị trường các sản phẩm tái chế xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

     Xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường.

     5. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển nhanh các ngành sản xuất sản phẩm sinh thái, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

     Tuyền truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của các sản phẩm dán nhãn sinh thái; phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội.

     Tiếp tục xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về các sản phẩm dán nhãn sinh thái. Các loại hình sản phẩm, dịch vụ xem xét dán nhãn sinh thái theo lộ trình đến 2020 là: vật liệu xây dựng, lương thực và thực phẩm, giao thông vận tải, năng lượng, dệt may, đồ gỗ, thiết bị y tế.

     Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi về kinh tế (cho thuê đất, tín dụng, thuế) đối với sản xuất sản phẩm sinh thái; trợ giá các sản phẩm dán nhãn sinh thái nhằm từng bước thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm sinh thái.

     Ưu đãi đầu tư kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai các công nghệ sản xuất sản phẩm sinh thái, hỗ trợ mua bằng sáng chế các công nghệ và sản phẩm sinh thái

     Tăng cường hiệu quả áp dụng thuế và phí BVMT để điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý, trước hết đối với những sản phẩm có hại cho môi trường.

     Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, thân thiện môi trường.

     Nghiên cứu ban hành quy chế chi tiêu công xanh cho ngành TN&MT.

     6. Khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên

     Xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động về sử dụng và phát triển tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản theo hướng TTX đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

     Xây dựng và thực hiện các quy hoạch dài hạn về khai thác, sử dụng, dự trữ và bảo tồn tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản.

     Kiểm kê, đánh giá tình hình sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2000 - 2015.

      Lồng ghép các chính sách quốc gia với các kế hoạch hành động quốc tế về việc chống thoái hóa và sử dụng đất bền vững.

     Xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp các lưu vực sông, các vùng đầu nguồn, nước ngầm để bảo vệ đất và nước, giữ cân bằng sinh thái. Áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp và tăng cường bộ máy quản lý các lưu vực sông, các hệ sinh thái.

     Nâng cao năng lực cho các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương và cho cộng đồng dân cư trong việc quản lý và giám sát sử dụng nguồn nước. Huy động sự tham gia rộng rãi của người thụ hưởng nước vào quá trình lập kế hoạch vận hành và tài trợ cho các cơ sở hạ tầng về nước.

     Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ các nguồn nước dùng chung giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

     7. Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển các nguồn vốn tự nhiên

     Xây dựng kế hoạch và thực hiện hệ thống giám sát đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái, xây dựng các chỉ số giám sát và cơ sở dữ liệu về giám sát đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.

     Kiểm kê, đánh giá hiện trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng các vùng đất ngập nước và hướng dẫn các địa phương xây dựng, thực hiện các giải pháp bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước.

     Xây dựng các công cụ đánh giá giá trị kinh tế đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, khu bảo tồn và triển khai áp dụng các giải pháp phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.

     Nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính về phục hồi, phát triển nguồn vốn tự nhiên.

     Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hệ sinh thái, các khu bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy giảm.

     Xây dựng và thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.

     Cải tạo hành lang sinh thái ven biển, áp dụng mô hình quản lý bền vững các nguồn tài nguyên ven biển có sự tham gia của cộng đồng

     Kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về vốn tự nhiên và từng bước xây dựng hệ thống tài khoản xanh thông qua việc lượng giá các nguồn vốn tự nhiên.

     8. Mở rộng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế

     Phát triển nguồn nhân lực cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành kinh tế môi trường, quản lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm, BĐKH.

     Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành trong bối cảnh TTX cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành TN&MT.

     Lồng ghép kiến thức TTX vào các chương trình bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ ngành TN&MT các cấp. Xây dựng các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực về quản lý môi trường nhằm thực hiện TTX cho các cán bộ quản lý tại địa phương.

     Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho thực hiện TTX. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân và nhà nước trong hợp tác quốc tế thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.

     Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin về xây dựng và thực hiện các nội dung của Chiến lược quốc gia về TTX.

     Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong thực hiện Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về TTX.

 

PGS.TS. Bùi Cách Tuyến

Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng

ThS. Dương Xuân Điệp

Viện Khoa học môi trường,
Tổng cục Môi trường

Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

 

Ý kiến của bạn