Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Ðẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

03/09/2015

   1. Thực trạng hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với BVMT

   Tình hình khai thác và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng

   Trong thời gian qua, việc khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đã được thực hiện tốt.Các chủ đầu tư đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác hiện đại và chấp hành các quy định, quy phạm về khai thác các mỏ khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam và các đơn vị xi măng liên doanh với nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong khai thác, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phục hồi môi trường.

   Quá trình khai thác mỏ được thực hiện theo quy mô công nghiệp và có kế hoạch dài hạn, sử dụng phương pháp cắt tầng lớn, cơ giới hóa cao, đảm bảo an toàn với sản lượng lớn, đủ để cung ứng cho các nhà máy xi măng hoạt động ổn định, liên tục. Trong quá trình khai thác, các đơn vị đã chú trọng đến công tác BVMT và tuân thủ quy định hoàn nguyên sau khai thác đã được lập trong báo cáo ĐTM và phục hồi môi trường.Hiện nay, đa phần các mỏ khoáng sản đang trong quá trình khai thác, chưa đến giai đoạn hoàn nguyên mỏ. Một số mỏ sau khi kết thúc khai thác đã thực hiện nghiêm túc việc hoàn nguyên, phục hồi môi trường như mỏ đá Chu Dương, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng của Công ty xi măng ChinFon. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hiện tượng mất an toàn trong khai thác gây tai nạn chết người (mỏ Trại Sơn A của Công ty xi măng Phúc Sơn) và phát sinh bụi trong quá trình vận chuyển nguyên liệu tại một số cơ sở khai thác đá cung cấp cho các nhà máy xi măng.

   Tình hình khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD)

   Tổng công suất khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD hàng năm của cả nước gồm khoảng 2 triệu tấn cao lanh (40 cơ sở); 3 triệu tấn tràng thạch (30 cơ sở); 500 nghìn tấn sét trắng chịu lửa (10 cơ sở); 1 triệu tấn cát thạch anh, đôlômit (15 cơ sở)... Công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD phần lớn là cơ giới hóa kết hợp với một số công đoạn thủ công.Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã chú trọng đầu tư chế biến sâu, gắn với BVMT. Các dự án trước khi triển khai đều được thẩm định công nghệ chế biến sâu để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng cấp phép thăm dò, khai thác. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số các cơ sở chế biến công suất nhỏ, chưa được đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao độ thu hồi khoáng sản, còn ảnh hưởng tới môi trường.

   Hiện trạng môi trường trong hoạt động khoáng sản

   Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thường có tác động lớn đến cảnh quan, môi trường và sinh thái của khu vực mỏ. Hiện trạng môi trường và các hoạt động phục hồi môi trường các khu vực khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể từ khi Luật Khoáng sản và Luật BVMT được ban hành. Theo đó, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và khoáng sản làm nguyên liệu xi măng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT, trước khi cấp phép khai thác, chế biến đều phải được Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt.

   Trên thực tế, tác nhân gây ô nhiễm chính trong hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD là các hoạt động nổ mìn để khai thác đá. Do đó, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản đều phải thực hiện các quy định về môi trường (quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, xây dựng các công trình BVMT, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã thực hiện, các biệt pháp khắc phục sự cố môi trường... theo Báo cáo ĐTM hoặc Bản cam kết BVMT). Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép thực hiện đúng những quy định về môi trường thì một số cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD thông thường được UBND các tỉnh cấp phép chưa tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành.

   Hiện nay, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và khoáng sản làm xi măng còn phụ thuộc vào việc các chủ đầu tư sử dụng công nghệ thiết bị chế biến. Phần lớn, các cơ sở sản xuất xi măng lò quay công suất lớn, có sự đầu tư thiết bị khai thác, chế biến hiện đại cơ bản đảm bảo được các chỉ tiêu về nồng độ khí thải, nồng độ bụi, tiếng ồn và xử lý thu gom nước thải. Tất cả các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và khoáng sản làm nguyên liệu xi măng (bao gồm các cơ sở sản xuất xi măng, chế biến đá ốp lát, cát thủy tinh, cao lanh, felspat) được cấp phép theo quy hoạch đều được Bộ TN&MT thẩm định chặt chẽ.

   2. Các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý hoạt động khoáng sản làm VLXD gắn với BVMT

   Để góp phần đưa công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phát triển bền vững, đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật về quản lý khai thác gắn với BVMT trong hoạt động khoáng sản, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì là Bộ TN&MT thực hiện các nhiệm vụ thực hiện lập và điều chỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD, khoáng sản làm nguyên liệu xi măng trên cơ sở gắn với công tác BVMT, thẩm định công nghệ chế biến sâu làm cơ sở để cấp phép thăm dò, khai thác.

   Đồng thời phối hợp với Bộ TN&MT ban hành các quy định chặt chẽ, cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân có năng lực được cấp phép thăm dò, khai thác gắn với việc đầu tư các dự án chế biến sâu, công nghệ tiên tiến, hiện đại, BVMT; hoàn thiện chính sách liên quan đến quy định của Luật BVMT để tạo cơ sở cho các cơ quan chức năng quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, thẩm định các dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD đảm bảo thực hiện tốt việc BVMT.

  Mặt khác, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc UBND các địa phương trong công tác lập quy hoạch phát triển VLXD, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường; kiểm tra và kiên quyết kiến nghị thu hồi các giấy phép của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD không đủ năng lực, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên....; Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương tăng cường kiểm tra, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh, chặt chẽ các đề án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác theo quy định. Các dự án đề nghị cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ tiến tiến, hiện đại để đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường. Việc này phải được thẩm định trước khi cấp phép và kiểm tra khi dự án được thực hiện...

                Ái Dương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)

Ý kiến của bạn