Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Ðẩy mạnh kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

04/08/2015

   Năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về BVMT, trong bối cảnh Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Theo đó, các văn bản dưới Luật được ban hành, với nhiều nội dung điều chỉnh phù hợp với thực tế quản lý nhà nước về BVMT.Để các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật thì hoạt động thanh tra, kiểm tra về môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước.

Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động BVMT Lương Duy Hanh công bố Quyết định thanh tra tại tỉnh Bình Dương

   Trong 6 tháng đầu năm 2015, Tổng cục Môi trường đã thành lập 4 Đoàn thanh tra, kiểm tra trên địa bàn 18 tỉnh/TP gồm: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Dương, Đắc Nông, Long An, Tây Ninh, Hà Nam, Hà Tĩnh, Bắc Cạn, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, với 549 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn (KBT) được thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, Tổng cục còn phối hợp với Sở TN&MT TP. Hà Nội, UBND quận Hà Đông thực hiện thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT đối với 2 cơ sở tái chế thùng phuy gây ô nhiễm môi trường tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội (đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 514.500.000 đồng, đồng thời, buộc các cơ sở phải khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật) và 1 Công ty có dấu hiệu vi phạm về BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Bắc Cạn.

   Do đối tượng được thanh tra, kiểm tra hàng năm lên đến gần 1.000 cơ sở, nên việc ban hành kết luận sau thanh tra cũng được quan tâm chỉ đạo, đảm bảo chất lượng, có tính khả thi, là yêu cầu để các đối tượng thanh tra, kiểm tra có cơ sở khắc phục các vi phạm, tồn tại. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Tổng cục Môi trường đã ban hành 505 kết luận thanh tra, kiểm tra đối với 505 cơ sở, khu công nghiệp, VQG/KBT được thanh tra, kiểm tra vào quý IV năm 2014; qua đó, đã lập biên bản và trình Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ban hành 205 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, với tổng số tiền xử phạt là 20.527.019.240 đồng; ban hành 18 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.

   Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra

   Để nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, ngoài nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, Tổng cục Môi trường còn thường xuyên phối hợp với các Sở TN&MT rà soát, hoàn thiện danh sách đối tượng dự kiến thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra công tác BVMT giữa Bộ TN&MT và các địa phương; giảm phiền hà cho doanh nghiệp và địa phương.

   Bên cạnh đó, Tổng cục còn tiếp tục rà soát, tăng cường việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với các dự án đầu tư đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhằm đẩy nhanh tiến độ xác nhận hoàn thành công trình BVMT trước khi dự án đi vào vận hành chính thức. Từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã tiếp nhận 58 hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, trong đó đã kiểm tra trình Tổng cục trưởng ký xác nhận hoàn thành 19 hồ sơ, triển khai kiểm tra thực tế, yêu cầu hoàn thiện 29 hồ sơ và đang xử lý 10 hồ sơ để kiểm tra, xác nhận theo quy định.

   Qua kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có chuyển biến tích cực. Mặc dù đang gặp khó khăn để duy trì sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải hàng chục tỷ đồng; các hồ sơ, thủ tục về môi trường đã dần được hoàn thiện; thu gom, quản lý, xử lý chất thải ngày càng được quan tâm, thực hiện. Công tác quản lý BVMT tại các địa phương cũng từng bước được hoàn thiện và hiệu quả.

   Tuy nhiên, trong quản lý và thực hiện chính sách pháp luật về BVMT còn nhiều bất cập cần tiếp tục được quan tâm tháo gỡ. Cụ thể, Luật BVMT năm 2014 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, nhưng việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành trong một số lĩnh vực (phế liệu nhập khẩu, kiểm tra hoàn thành đề án BVMT chi tiết, kiểm tra thu dọn lòng hồ trước khi tích nước…) gây khó khăn, lúng túng cho địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là sự thiếu ổn định tương đối trong các quy định về BVMT, điển hình là việc thay đổi từ bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường sang bản cam kết BVMT và nay thành Kế hoạch BVMT... Việc xác định danh mục dự án không phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT đã giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo Phụ lục II, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và kế hoạch BVMT còn chưa sát với thực tế, nhiều loại hình hoạt động có hệ thống xử lý chất thải nhưng không thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành.

   Trong khi chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của các địa phương còn hạn chế, nội dung chung chung, không sát với thực tế; còn có tình trạng lách luật xác định cam kết BVMT thay vì phải ĐTM (đối với dự án khai thác đá có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp). Việc thẩm định cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH) chưa sát với thực tế, số lượng đăng ký thấp so với phát sinh, áp mã không đúng quy định gây khó khăn cho công tác quản lý.

   Mặc dù ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên nhưng các vi phạm về BVMT còn khá phố biến, tập trung vào nhóm hành vi không có xác nhận hoàn thành công trình BVMT và thực hiện các nội dung ĐTM đã được phê duyệt. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn xem báo cáo ĐTM/cam kết BVMT chỉ là thủ tục hành chính cần có để xin đầu tư. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm phân loại, thu gom, chuyển giao CTNH theo quy định, do nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết và trên địa bàn không có đơn vị thu gom, xử lý CTNH. Những tồn tại nêu trên một phần do cơ quan quản lý thiếu tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể để doanh nghiệp thực hiện.

   Tình trạng đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) từ nguồn vốn ngân sách ở một số địa phương có công nghiệp kém phát triển (khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…) đã dẫn đến tình trạng nhiều KCN đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hạ tầng thu gom nước mưa, nước thải chưa hoàn thiện…

Kiểm tra, thu mẫu bụi lò luyện thép tại Chi nhánh Công ty CP Thép Pomina, Bà Rịa - Vũng Tàu

   Tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BVMT

   Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ một số giải pháp:

   Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014; thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu hoặc không phù hợp với thực tiễn.

   Tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và địa phương với nhiều hình thức để lắng nghe phản hồi về các quy định được ban hành, từ đó tổng hợp, có kế hoạch sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Về lâu dài, cần nghiên cứu hình thành khung pháp luật về BVMT sát với thực tế và yêu cầu của quản lý nhà nước nhằm hạn chế việc thay đổi trong một thời gian nhất định, gây lúng túng cho địa phương và doanh nghiệp.

   Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT cho cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương và doanh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đây là hoạt động tạo sự chuyển biến ngay sau khi thanh tra, kiểm tra thông qua công cụ là xử phạt, tạm đình chỉ hoạt động, công khai thông tin vi phạm…

   Với việc tăng cường kiểm soát hoạt động BVMT trong năm 2015 và những năm tiếp theo, chắc chắn các quy định pháp luật về BVMT theo Luật BVMT năm 2014 sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, công tác quản lý nhà nước về BVMT ngày càng chặt chẽ, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng

Cục Kiểm soát hoạt động BVMT

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn