Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Ðánh giá tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

20/05/2015

     Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, trong đó có tiêu chí về môi trường. Đây là Chương trình mục tiêu có tính chất quan trọng trên nhiều phương diện, nhằm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

     Sau 5 năm tổ chức thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác BVMT nông thôn như: Nhận thức về BVMT của các khu vực nông thôn được nâng cao; Nhiều phong trào cộng đồng vì môi trường được duy trì và phát triển; Một số địa phương đã đầu tư, đưa vào sử dụng các công trình, hạng mục môi trường như nước sạch, thu gom, xử lý rác thải, hệ thống tiêu thoát nước… Bên cạnh đó, tỷ lệ cây xanh khu vực nông thôn đã tăng lên; Cách thức và phương thức ứng xử của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với môi trường được đổi mới.

     Trong số 19 tiêu chí cơ bản của Chương trình, tiêu chí về BVMT (tiêu chí số 17) đang được tổ chức thực hiện sâu rộng trên phạm vi cả nước với mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực xã hội, trong đó xác định người dân là chủ thể giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường tại địa phương, cơ sở. Trên thực tế, nếu thực hiện tốt các tiêu chí khác nhưng không thực hiện đồng bộ, hiệu quả tiêu chí BVMT thì sẽ ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, tiêu chí BVMT trong xây dựng NTM vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

     Nội dung BVMT tại Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiêu chí số 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM chưa cụ thể, phụ thuộc vào các Chương trình khác như xóa đói giảm nghèo, Nước sạch và vệ sinh môi trường. Mặt khác, một số nội dung quan trọng về môi trường chưa được đề cập như biến đổi khí hậu (BĐKH), sử dụng và phát triển tài nguyên thiên nhiên, xử lý chất thải rắn, quy hoạch môi trường... Đến nay, trong số 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thì công tác BVMT mới chỉ được đánh giá trên một số tiêu chí như thu gom rác thải thông thường, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hoặc phong trào BVMT...

 

Hội viên Hội Phụ nữ huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh ra quân dọn vệ sinh môi trường

 

     Phần lớn, các địa phương chưa thống nhất xây dựng, ban hành tiêu chí BVMT trong xây dựng NTM, dẫn đến sự lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là các địa phương khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, các tiêu chí chưa cụ thể, thiết thực và phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền.

     Các tiêu chí phần lớn do cơ quan quản lý nhà nước ban hành, thiếu ý kiến đóng góp, tham vấn và phản biện của người dân; Hoạt động BVMT trong xây dựng NTM có sự tiến bộ bước đầu nhưng chưa rõ nét để khẳng định tính ưu việt của BVMT trong tổng thể các tiêu chí; Quy hoạch và đầu tư cơ sở vật chất cho BVMT còn chậm. Bên cạnh đó, BVMT vẫn mang tính phong trào, số lượng công trình, dự án BVMT chưa nhiều; Thiếu các văn bản pháp quy đặc thù phục vụ công tác BVMT nông thôn; Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các địa phương về môi trường còn hạn chế nên khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT còn hạn hẹp.

     Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện công tác tổng kết kế hoạch 5 năm giai đoạn I của Chương trình và coi đây là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình giai đoạn II. Vì vậy, Bộ TN&MT phối hợp các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương hướng dẫn đánh giá về tiêu chí BVMT trong tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

     Trước hết cần đánh giá rõ tỷ lệ % hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt quy chuẩn về môi trường, đảm bảo không có hoạt động làm suy giảm môi trường; Đường làng, ngõ xóm, ruộng đồng phải bố trí phương tiện và địa điểm thu gom, xử lý rác thải, nước thải; Tăng cường phát triển hệ thống cây xanh; Nghĩa trang phải được quy hoạch và quản lý nghiêm.

     Thứ hai, giai đoạn II của Chương trình cần bổ sung thêm một số tiêu chí như BĐKH, phòng chống thiên tai, bảo vệ đa dạng sinh học, xử lý chất thải rắn, quy hoạch môi trường... để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

     Thứ ba, cần sớm ban hành, thống nhất tiêu chí môi trường và các tiêu chí cần có sự đóng góp, tham vấn ý kiến trực tiếp của người dân, do người dân chủ trì thực hiện. Ngoài ra, cần đánh giá, xếp loại công tác BVMT trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

     Hiện nay, Bộ TN&MT đang tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo Môi trường quốc gia chủ đề “Môi trường nông thôn”, nhằm đánh giá tổng quát hiện trạng môi trường nông thôn giai đoạn 2010 - 2015; Xác định những định hướng trong việc điều chỉnh, bổ sung các chính sách, kế hoạch và giải pháp BVMT nông thôn. Đặc biệt, nhân sự kiện Ngày Môi trường thế giới 5/6/2015, Bộ TN&MT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo cấp Bộ, ngành về chủ đề “BVMT trong xây dựng NTM”, nhằm đánh giá và rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp thực hiệu hiệu quả công tác BVMT trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo.

 

Trương Văn Đạt - Phó Vụ trưởng

Phạm Ngọc Bách, Nguyễn Đức Vinh

Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ TN&MT

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2015

 

Ý kiến của bạn