Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Áp dụng thực thi pháp luật liên quan đến các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

04/08/2015

   Ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 160/2013/NĐ-CP) và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Ban hành kèm theo Nghị định có danh mục 83 loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Các loài động vật đưa vào trong Danh mục này hầu hết là các loài hoang dã có số lượng rất ít và đang bị đe dọa tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên. Danh sách này bao gồm một số loài động vật rừng trong nhóm IB, IIB thuộc Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Nghị định số 32/2006/NĐ-CP), đồng thời bổ sung một số loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm (rùa biển, bò biển...).

   Để tránh việc đồng thời tồn tại hai văn bản pháp luật cùng quản lý một đối tượng, tại Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định “Chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP được xác định là loài ưu tiên bảo vệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này”. Điều này đồng nghĩa với việc nếu một loài ĐVHD được xác định là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng đồng thời thuộc nhóm IB, IIB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP thì phải áp dụng chế độ quản lý của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.

   Theo quy định Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) - Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Phạm tội gây hậu quả “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” thì có thể bị phạt lên đến 7 năm tù theo quy định tại Khoản 2 Điều 190.

   So với Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999, đối tượng được bảo vệ theo như mô tả tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2009 đã được sửa đổi từ “ĐVHD quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ” thành “động vật thuộc danh mục loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Thông tư số 19) chỉ có hướng dẫn về “các loài ĐVHD bị cấm theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, ngay từ năm 2009, khi Điều 190 Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung, nội dung hướng dẫn thực hiện Điều 190 tại Thông tư số 19 đã không còn phù hợp với đối tượng được quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2009 và do đó phần hướng dẫn này đương nhiên mất hiệu lực. Tuy nhiên, các nội dung hướng dẫn khác của Thông tư số 19 không bị sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự sửa đổi vẫn tiếp tục có hiệu lực áp dụng.

   Mặt khác, với sự ra đời của Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp với đối tượng được đề cập trong Điều 190 Bộ luật Hình sự 2009, đối tượng bảo vệ theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2009 phải được xác định là loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thay vì các loài thuộc nhóm IB theo quy định của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và các loài thuộc Phụ lục I Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) theo hướng dẫn tại Thông tư số 19.

   Như vậy, kể từ ngày 1/1/2014, mọi hành vi “săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép” hoặc “vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm” của loài ĐVHD (động vật rừng và thủy sinh) nếu được xác định là loài thuộc “Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” (bất kể trước đây loài đó được ghi nhận thuộc nhóm IB hay IIB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP) cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

   Tuy nhiên, theo thông tin phản hồi từ các tổ chức xã hội, các cơ quan thực thi pháp luật và báo chí thì việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP vẫn chủ yếu áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Việc áp dụng này là không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009. Để dừng việc áp dụng không phù hợp các văn bản pháp luật của Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định này đã quy định "Nghị định này không điều chỉnh đối với động vật rừng, thực vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ". Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan thực thi pháp luật sẽ không được áp dụng các quy định tại Nghị định số 157/2013/NĐ-CP để xử lý hành chính đối với các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP có trùng với tên các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.

Voọc chà vá chân nâu - một loài linh trưởng quý hiếm được ưu tiên bảo vệ 

   Để tăng cường thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP cũng như thực thi hiệu quả Điều 190 Luật số 37/2009/QH12 và đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, Bộ TN&MT vừa ban hành Công văn số 2592/BTNMT-TCMT ngày 22/6/2015 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan triển khai, áp dụng đúng quy định tại Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Theo đó, các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó phải truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.

   Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng khuyến cáo các cơ quan chức năng tại địa phương không tiến hành bán đấu giá, phát mại đối với tang vật là các loài động vật hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị thu giữ trong các vụ vi phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, hướng dẫn các cơ quan thực thi pháp luật vận dụng và xử lý tang vật theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, cụ thể là: các cá thể còn sống chỉ được phép tái thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp hoặc chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ nếu ốm yếu hoặc bị thương; các cá thể chết trong quá trình cứu hộ sẽ được chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc tiêu hủy đối với các cá thể bị chết do bệnh dịch hoặc không thể xử lý được bằng biện pháp nêu trên.

Trần Trọng Anh Tuấn

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn