Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh tại một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

29/11/2022

 

    Việt Nam đã và đang có những nỗ lực trong việc quan tâm đến những yếu tố môi trường và đề ra những kế hoạch tăng trưởng xanh,kế hoạch phát triển bền vững mang tầm quốc gia. Trước những tác động nghiêm trọng của môi trường đến sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển thị trường vốn xanh để tài trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường đã được Đảng,Chính phủ và các Bộ, ngành ưu tiên thực hiện. Việc xây dựng khung pháp lý về việc ban hành TPX chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy thị trường TPX phát triển, là công cụ hữu hiệu quan trọng huy động vốn nhằm thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các dự án BVMT bền vững tạiViệt Nam. Do đó, việc đưa ra một số khuyến nghị giải pháp để hoàn thiện, phát triển vấn đề này trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia là quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

    Kinh nghiệm phát triển TPX tại Trung Quốc

    Từ năm 2015,Trung Quốc chính thức ban hành các văn bản liên quan đến trái phiếu xanh. Sau đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã ban hành Chỉ thịvề trái phiếu tài chính xanh, quy định các nội dung: (i) Khái niệm TPX; (ii) Danh mục các ngành mà TPX tài trợ;(iii) Những chủ thể được phép phát hành TPX; (iv) Thủ tục đề nghị được phát hành TPX; (v) Các nguyên tắc trong quá trình sử dụng và quản lý nguồn thu từ phát hành TPX; (vi) Các biện pháp hỗ trợ phát triển TPX. Chỉ thị về trái phiếu tài chính xanh đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về trái phiếu, thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh,tạo cơ hội để các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có thể huy động được thêm nguồn vốn để hỗ trợ các dự án môi trường. Về mặt hình thức, Chỉ thị về TPX là một văn bản pháp luật toàn diện, hàm chứa mọi vấn đề cơ bản xoay quanh TPX, đảm bảo vận hành TPX trên thực tế. Điều này góp phần tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc trong công cuộc phát triển TPX nói riêng và góp phần tạo nên sự tinh gọn,hạn chế cồng kềnh cho hệ thống pháp luật nói chung.Về mặt nội dung,Chỉ thị gồm có 3 phần chính, điều chỉnh 3 vấn đề lớn liên quan đến TPX gồm: Định hình TPX bằng cách cung cấp khái niệm và xác định danh mục các ngành được TPX tài trợ nhằm xác định phạm vi hoạt động của nguồn vốn huy động, tập trung triển khai các dự án môi trường; Xác định chủ thể được phép phát hành và quy định các thủ tục hành chính về TPX, tạo nền tảng pháp lý đểChính phủ, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tiến hành phát hành và huy động vốn.Những quy định này nhằm hạn chế các chủ thể khác phát hành TPX tràn lan và củng cố tính hợp pháp của các loại TPX trên thị trường; Quyđịnh các nguyên tắc và biện pháp để quản lý, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển TPX nhằm đảm bảo cho sự vận hành TPX trên thực tế, đáp ứng đầy đủ các nguyên tắcđược đề ra, thực hiện các biện pháp phù hợp, từ đó, TPX được phát triển đúng mục đích, góp phần cả ithiện và BVMT.

    Bên cạnh đó, nhằm mục đích điều chỉnh việc đánh giá và chứng nhận TPX, nâng cao chất lượng đánh giá, chứng nhận TPX và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường TPX, PBoC và Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc ban hành Thông báo về “Hướng dẫn đánh giá và chứng nhận TPX”. Thông báo này đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của TPX trên thực tế, là cơ chế đảm bảo đầu tiên của việc đánh giá và công nhận TPX, theo đó, công việc đánh giá và công nhận phải đáp ứng đủ các điều kiện và được thực hiện đúng các quy trình mà văn bản này đã đề ra. Thông qua văn bản này, quy trình phát hành và huy động vốn từ TPX sẽ phát triển và thúc đẩy, tinh gọn và hạn chế những loại TPX không được phép phát hành, giảm gánh nặng, sức ép công việc cho Ủy ban Tiêu chuẩn TPX.

    Đồng thời, Ủy ban Tiêu chuẩn TPX cũng ban hành Thông báo về việc ban hành quy tắc hoạt động chi tiết để đánh giá dựa trên thị trường đối với các tổ chức đánh giá và chứng nhận TPX (thử nghiệm) và các tài liệu hỗ trợ. Thông báo này nhằm tiêu chuẩn hóa và cải thiện hành vi  đánh giá và chứng nhận TPX của các cơ quan có thẩm quyền và thúc đẩy phát triển tiêu chuẩn hóa các sản phẩm TPX thông qua việc xây dựng “Tiêu chí đánh giá TPX”, đóng vai trò quan trọng cho quá trình xét duyệt và công nhận TPX, góp phần thúc đẩy xây dựng tính pháp lý, công khai, minh bạch của TPX trên thị trường. Theo đó, Ủy ban đóng vai trò chủ chốt trong việc hạn chế việc công nhận, đánh giá TPX trái pháp luật, tăng cường giám sát các tổ chức thẩm định và công nhận TPX là giúp thúc đẩy phát triển TPX theo đúng định hướng vì môi trường.

        ​Hàn Quốc

    Hàn Quốc hướng tới phát triển nền kinh tế xanh toàn diện thay vì chỉ chú trọng phát triển TPX để huy động vốn. Theo đó, Hàn Quốc phát triển 7 mô hình,  liên quan đến 7 lĩnh vực khác nhau trong đời sống, mà các lĩnh vực này đều ảnh hưởng  lớn đến các vấn đề môi trường, gồm có:

    Xã hội các bon thấp: Mô hình đầu tiên mà Chính phủ Hàn Quốc xây dựng để làm động lực phát triển toàn diện mô hình kinh tế xanh là mô hình “Xã hội các bon thấp”. Theo đó, mô hình nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhưng phải trong bối cảnh giảm phát thải khí nhà kính ở mức độ nhất định để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Con đường “Xã hội các bon thấp” đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và BVMT, tạo thuận lợi cho các lĩnh vực xanh khác phát triển. Để luật hóa mục tiêu này, Hàn Quốc đã ban hành Luật khung về Tăng trưởng xanh các bon thấp năm 2010.

Sàn giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, Trung Quốc

    Tái tạo năng lượng: Năng lượng tái tạo đã thu hút được sự chú ý của Chính phủ vì nó được coi là một giải pháp cho vấn đề phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mất an ninh năng lượng. Trong quá trình đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu của nền kinh tế, việc sử dụng những năng lượng tái tạo hoặc năng lượng sạch là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo phát triển kinh tế và đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Để thúc đẩy tái tạo năng lượng, Nhà nước đã ban hành những chính sách giảm thuế đối với các công ty tham gia sử dụng năng lượng sạch vào sản xuất. Điều này góp phần phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo trật tự an ninh năng lượng và khắc phục các vấn đề môi trường.

    Công nghệ xanh: Chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra rằng đổi mới công nghệ là chìa khóa để hiện thực hóa các tham vọng về năng lượng, là chìa khóa thành công trong việc giảm phát thải. Do đó, quốc gia này đã và đang tiến hành đầu tư vào công nghệ để thúc đẩy kinh tế xanh trên diện rộng.

    Lối sống xanh: Lối sống xanh là cách sống nhận ra được sự nghiêm trọng của suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu, từ đó tạo ra bộ tích hợp các thông lệ và thói quen sử dụng tài nguyên một cách thân thiện, bền vững với môi trường. Các chương trình và hành động chính sách nhằm thúc đẩy lối sống xanh gồm có mua sắm xanh và tiêu dùng xanh, chứng nhận cửa hàng xanh, thỏa thuận tự nguyện mua sắm xanh, dán nhãn và tích điểm các bon và cuối cùng là lãnh đạo xanh.

    Công nghiệp xanh: Chiến lược ngành công nghiệp xanh của Hàn Quốc bao gồm hai hợp phần: Xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có và tạo ra ngành công nghiệp xanh mới cung cấp hàng hóa, dịch vụ về môi trường. Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và theo đổi công nghiệp xanh, bởi đây là một lĩnh vực rủi ro, nhiều biến động, thời gian thu hồi vốn thường kéo dài trong nhiều năm. Do đó, chứng chỉ xanh và công cụ tài chính xanh như TPX  đang phát triển một cách hạn chế ở Hàn Quốc.

    Giao thông xanh và đất nước xanh: Chính phủ Hàn Quốc hướng tới cắt giảm khí thải độc hại từ xã hội cơ giới hóa, xây dựng môi trường thân thiện trong khu dân cư  đông đúc. Kế hoạch này bao gồm xanh hóa đất nước và các thành phố; mở rộng không  gian sinh thái; thúc đẩy xây dựng các tòa nhà xanh; thiết lập một hệ thống giao thông xanh và tạo điều kiện sử dụng xe đạp.

    Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc với nguồn ngân sách khan hiếm, luôn tiến hành đặt ra những ưu tiên trong các lĩnh vực thúc đẩy kinh tế xanh. Các công cụ tài chính mà Hàn Quốc đang sử dụng là các khoản vay thương mại xanh và chính sách; bảo lãnh  chính sách xanh; quỹ chính sách xanh; bảo hiểm chính sách xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ còn kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp hay chủ đầu tư lớn, bởi đó là những   đối tượng có thể chịu được rủi ro tốt hơn và đủ khả năng để chấp nhận thu hồi vốn trong dài hạn.

    Singapo

    Cũng giống như Hàn Quốc, thay vì chú trọng phát triển TPX như là một công cụ tài chính hữu hiệu cho các dự án môi trường, Singapo tập trung trực tiếp vào việc triển khai lần lượt các dự án môi trường, bao gồm: Giảm phát thải các bon; trung  tâm năng lượng sạch; trung tâm của giải pháp tài chính và đầu tư xanh. Cụ thể, Singapo đặt ra hàng loạt các mục tiêu cho các kế hoạch tương lai, như là cắt giảm 8.000 tấn khí thải nhà kính thông qua sử dụng năng lượng sạch cho xe công vụ và chuyển đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang điện tử; đầu tư vào hạ tầng cảng và lưu trữ các nhiên liệu không phát thải các bon, tập trung buôn bán, trao đổi tín chỉ các bon; cung cấp các giải pháp tài chính xanh và các tư vấn dịch vụ môi trường, cung cấp giải pháp đầu tư xanh, trong đó bao gồm trái khoán xanh, là một loại trái phiếu hỗ trợ các dự án môi trường, có lãi suất cố định và được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành.

    Như vậy, có thể thấy, TPX đóng vai trò là công cụ hành chính hữu hiệu song quan trọng nhất vẫn là phải đưa các dự án môi trường vào thực nghiệm, triển khai chúng trên thực tế và đem lại hiệu quả tích cực trong việc cắt giảm ô nhiễm môi trường. Singapo đã lập ra các kế hoạch dài hạn để tiến hành thúc đẩy xanh toàn diện, mà trong  đó, trái khoán xanh là một trong những công cụ tài chính giúp huy động vốn toàn dân. Chính phủ nước này không tập trung cao độ hay ban hành những văn bản pháp luật cụ thể liên quan đến trái khoán xanh, mà họ xem xét trái khoán xanh như là một loại trái phiếu thông thường đầu tư vào lĩnh vực xanh do Nhà nước thiết kế, tại đây người dân có thể lựa chọn đầu tư nếu họ có mong muốn nhận tiền lãi cố định và có được sự bảo đảm bằng tài sản của các tổ chức phát hành.

    Một số khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về TPX tại Việt Nam

    Từ kinh nghiệm của những quốc gia đã phát triển về lĩnh vực này, để hoạt động phát hành trái phiếu tại Việt Nam phát huy được tính hiệu quả và đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững, một số khuyến nghị nhằm đảm bảo thực hiện quy định pháp luật về TPX trên thực tế tại Việt Nam gồm:

    Thứ nhất, hoàn thiện khung chính sách tài chính xanh: Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, Chính phủ Việt Nam cần ban hành các văn bản cụ thể quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định TPX, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý, sử dụng nguồn vốn hình thành từ TPX để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá các công ty phát triển bền vững nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cho TPX.

    Thứ hai, Nhà nước cần ban hành một thông tư liên tịch với sự kết hợp của nhiều ban, ngành để tổng hợp những hướng dẫn, quy định liên quan đến TPX. Đồng  thời, Nhà nước tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ sở pháp lý, cũng như khuôn khổ chính sách và cơ chế quản lý thị trường đối với TPX. Hiện nay, khung pháp lý cơ bản về TPX của Việt Nam hiện nay chưa mang tính hoàn thiện và thống nhất, do đó, việc tổng kết pháp luật là rất cần thiết để tiến hành điều  chỉnh thiếu sót cũng như giải quyết những nội dung dư thừa, chồng chéo. Đặc biệt, cần phải xây dựng các văn bản hợp nhất hoàn thiện quy định pháp luật về TPX. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hợp nhất như đã đề xuất là rất quan trọng, điều này sẽ tạo ra được cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ để giúp các chủ thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, theo dõi, tìm hiểu và triển khai thực hiện một cách thống nhất hiệu quả các yêu cầu pháp lý đặt ra về TPX.

Thứ ba, cần phát triển các cơ sở hạ tầng và các định chế trung gian của thị trường nhằm xúc tiến TPX. Bên cạnh đó, phải thể hiện tính hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế về TPX khi tiến hành thúc đẩy thị trường.

    Thứ tư, ban hành chính sách ưu đãi về TPX để khuyến khích phát hành và thu hút các nhà đầu tư, tạo nên mối quan hệ cung - cầu trên thị trường   chứng khoán, mà tại đó, TPX là một kênh đầu tư mới với mức lãi suất hấp dẫn hoặc các chính sách ưu đãi kèm theo. Cụ thể hơn, các chính sách về ưu đãi thuế, phí cho các nhà phát hành và đầu tư TPX có thể tạo động lực thúc đẩy thị trường TPX ở Việt Nam.

    Thứ năm, đa dạng hóa các sản phẩm TPX với những mục   đích và ưu đãi khác nhau để tổ chức phát hành và nhà đầu tư có thể tự do cân nhắc, lựa chọn danh mục phát hành và đầu tư phù hợp với mình. Một thị trường nên có nhiều sản phẩm để thu hút và thúc đẩy giao dịch. Từ đó, thị trường TPX ở Việt Nam sẽ trở nên sôi động và phát triển.

    Thứ sáu, Chính phủ cần tiến hành liên kết với các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Thế giới để được hướng dẫn thực hiện phát hành và phát triển TPX trên  thị trường. Sau khi được công nhận và tin tưởng, Nhà nước cần thúc đẩy phát hành TPX quốc tế nhằm kêu gọi những nguồn đầu tư lớn mạnh.

    Thứ bảy, tăng cường vai trò trung gian của ngân hàng trong việc phát hành và quản lý TPX do các điều kiện thuận lợi như xếp hạng tín dụng cao và bộ máy quản trị chuyên nghiệp. Hiện nay, hầu hết các dự án xanh được thực hiện ở các nước đang phát triển có quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu quy mô tối thiểu của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới, do đó, việc gộp các dự án quy mô nhỏ, sử dụng các ngân hàng làm trung gian huy động sẽ có thể đạt được các điều khoản tài trợ có lợi hơn đối với các dự án xanh. 

    Thứ tám, bên cạnh những giải pháp về chính sách, chế độ trên, Chính phủ Việt Nam cần nâng cao nhận thức của người dân. Những chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh nói chung, hệ thống tài chính xanh nói riêng cần được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để hoàn thiện đầy đủ yếu tố cung cầu cho việc phát triển TPX tại Việt Nam.

    Trong bối cảnh Việt Nam từng bước tiến hành các chuyển đổi quan trọng trong vấn đề BVMT, TPX là chế định quan trọng nhằm kêu gọi nguồn vốn huy động trên thị trường tài chính với mục đích thúc đẩy những dự án nhằm phát triển bền vững, BVMT. Do đó, TPX có những đặc điểm riêng biệt  và quá trình phát hành, triển khai TPX trên thực tế cần có những quy định thống nhất, rõ ràng, mang tính chuyên ngành để điều chỉnh một cách phù hợp. Hiện nay, mặc dù đã có các văn bản quy định về TPX nhưng vẫn chưa cụ thể,  dẫn đến một số khó khăn trong việc triển khai trên thực tế. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho những quy định về TPX nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay là điều quan trọng và cấp thiết.

Nguyễn Thị Thu Hoài

Viện Khoa học Môi trường

Châu Thị Tâm

Đại học Kinh tế Nghệ An

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)

    Tài liệu tham khảo

  1. Luật BVMT năm 2020.

  2. Bộ Công Thương Việt Nam (2021), “Những nỗ lực triển khai Kinh tế xanh của Singapore”,https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/nhung-no-luc-trien-khai-kinh- te-xanh-cua-singapore.html, truy cập ngày 17/9/2022.

  3. Global Green Growth Institute (2015), “Kinh nghiệm tăng trưởng xanh của Hàn Quốc: Quá trình, kết quả và bài học rút ra”,19F Jeongdong Building, 21 - 15 Jeongdong-gil, Jung-gu, Seoul, 100 - 784, Korea.

  4. International Capital Market Association (2021), “Green Bond Principles Voluntary Process Guidelines for Issuing Green Bonds”, ICMA group.

  5. Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Thống đốc NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn