Banner trang chủ
Chủ Nhật, ngày 30/06/2024

Hội đồng châu Âu thông qua Đạo luật công nghiệp không phát thải

05/06/2024

    Hội đồng châu Âu vừa thông qua một quy định thiết lập khuôn khổ các biện pháp nhằm củng cố hệ sinh thái sản xuất công nghiệp không phát thải của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là “Đạo luật công nghiệp không phát thải”. Mục đích của đạo luật này là thúc đẩy triển khai các công nghệ không phát thải cần thiết để đạt được mục tiêu khí hậu của EU, tận dụng sức mạnh của thị trường chung để củng cố vị thế dẫn đầu của EU trong lĩnh vực công nghệ xanh.

    Đạo luật công nghiệp không phát thải là một trong 3 sáng kiến lập pháp then chốt của kế hoạch công nghiệp Thỏa thuận Xanh, cùng với Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng và cải cách thị trường điện, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp không phát thải của EU và hỗ trợ quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang thời kỳ trung hòa khí hậu.

    Tiến trình hướng tới các mục tiêu của Đạo luật công nghiệp không phát thải sẽ được đo lường bằng hai tiêu chí mang tính định hướng: Thứ nhất, năng lực sản xuất các công nghệ không phát thải ròng, chẳng hạn như tấm pin mặt trời, tuabin gió, pin lưu trữ và máy bơm nhiệt, đạt 40% nhu cầu triển khai của EU. Thứ hai, tăng thị phần của Liên minh đối với các công nghệ này lên 15% tổng sản lượng của thế giới vào năm 2040.

    Phát biểu tại cuộc họp các Bộ trưởng EU về nông nghiệp và nghề cá diễn ra ngày 27/6/2024 tại Brussels, Bộ trưởng Kinh tế, đổi mới, lao động, kinh tế xã hội và nông nghiệp vùng Flanders của Bỉ, Jo Brouns nhấn mạnh, Đạo luật công nghiệp không phát thải là một trong những nền tảng của chính sách công nghiệp mới. Văn bản pháp lý này sẽ giúp EU dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về công nghệ xanh và đảm bảo rằng sự đóng góp của loài người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng sẽ làm giảm sự phụ thuộc, tăng cường quyền tự chủ chiến lược, giúp chúng ta tạo ra tăng trưởng và việc làm trong EU.

Ảnh minh họa

    Bên cạnh đó, Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào công nghệ xanh bằng cách đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án chiến lược và việc tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm công nghệ chiến lược, cụ thể là trong mua sắm công hoặc đấu giá năng lượng tái tạo. Ngoài ta, Luật cũng sẽ góp phần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động châu Âu trong các lĩnh vực này, tạo ra một nền tảng để phối hợp hành động của EU trong trung hòa các-bon.

    Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, với NZIA, EU sẽ có một môi trường pháp lý cho phép mở rộng quy mô sản xuất công nghệ sạch một cách nhanh chóng, tạo điều kiện tốt nhất để khu vực có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh và phục hồi nhanh của nền tảng công nghiệp của EU; hỗ trợ tạo ra việc làm chất lượng và một lực lượng lao động lành nghề, bằng cách tạo ra một môi trường kinh doanh thống nhất và có thể dự báo được về lĩnh vực sản xuất công nghệ sạch.

    Được biết, EU đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ sản xuất 40% các sản phẩm mà khối này cần để giảm phát thải khí nhà kính. Những sản phẩm này bao gồm năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, máy bơm nhiệt, máy điện phân, các công nghệ khử các-bon khác trong đó có cả công nghệ thu giữ các-bon. Cùng với đó, EU cũng đặt mục tiêu đạt 15% sản lượng toàn cầu về các công nghệ này vào năm 2040. NZIA cũng đề xuất hợp lý hóa việc cấp giấy phép cho các dự án thúc đẩy sản xuất của EU, bảo đảm đa số giấy phép cho các dự án được cấp trong vòng 6 - 9 tháng. Các cơ quan mua sắm sản phẩm công nghệ sạch sẽ cần phải đưa ra sự lựa chọn không chỉ dựa trên giá cả, mà còn phải dựa vào 30% trọng số đối với tính bền vững và khả năng phục hồi nhanh của sản phẩm.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà sản xuất của EU cung cấp ít hơn 3% số lượng tấm pin năng lượng mặt trời triển khai ở khu vực, việc đạt được mục tiêu này sẽ đặc biệt khó khăn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, trong khi đó, lĩnh vực năng lượng gió của EU mạnh hơn rất nhiều.

    Đáng chú ý, Đạo luật Công nghiệp phát thải ròng bằng 0 (NZIA) bao gồm các biện pháp đối với đầu tư vào giáo dục, đào tạo và đổi mới sáng tạo, với việc thành lập các học viện công nghiệp phát thải ròng bằng 0, hướng tới đào tạo 100.000 lao động trong vòng 3 năm và hỗ trợ sự công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn.

    Sau khi được Chủ tịch Nghị viện và Chủ tịch Hội đồng châu Âu ký, Đạo Luật sẽ được công bố trên Công báo chính thức của EU và có hiệu lực vào ngày công bố.

Trần Tân

Ý kiến của bạn