Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Đài Loan đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và kinh nghiệm đối với Việt Nam

16/12/2020

     Đài Loan được biết đến là một trong bốn con Rồng châu Á duy trì tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh giữa thập niên 1960 và thập niên 1990. theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), kinh tế Đài Loan xếp thứ 15 toàn cầu và thứ 4 châu Á. Với sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp IoT, hiện nay, Đài Loan được coi là thung lũng Silicon châu Á. Trong những năm qua, Đài Loan đã có bước tiến lớn về phát triển công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường.

     Quốc gia đi đầu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm xanh

     Trong quá trình phát triển đất nước, Đài Loan có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Những năm đầu tiên thành lập, Đài Loan gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế kém phát triển, nông nghiệp và công nghiệp đều rất lạc hậu, thất nghiệp phổ biến, mức sống thấp. Tuy nhiên, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Đài Loan đã có chiến lược phát triển ngành công nghiệp và các ngành dịch vụ. Quá trình phát triển kinh tế của Đài Loan đã trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu nền kinh tế dựa vào nông nghiệp (1973-1985), tiếp đó là các ngành công nghiệp nhập khẩu công nghệ, sản xuất dựa vào nhân công giá rẻ (1985-1994) và giai đoạn ba là chuyển đổi các ngành công nghiệp nội địa, tăng cường định hướng đổi mới sáng tạo (1994-2002), hiện nay đang chuyển sang phát triển nền công nghiệp xanh giá trị cao, xây dựng kinh tế  dựa vào tri thức. Để phát triển công nghiệp xanh, ngay từ giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế, Đài Loan đã ban hành chính sách phát triển các sản phẩm xanh. Theo WEF, Đài Loan hiện là quốc gia đi đầu sản xuất và cung cấp các sản phẩm xanh bao gồm các sản phẩm ICT, pin mặt trời (chiếm 14%), đèn LED (chiếm 22%), xe đạp… Tạp chí Phố Wall đánh giá, Đài Loan có tỷ lệ tái chế phế liệu cao đạt 60%, và chiếm thị phần lớn trên thế giới lên đến 46,17%. Nhằm thúc đẩy các sản phẩm xanh đến các thị trường mới, Chính phủ Đài Loan có chiến lược xúc tiến các dự án thương mại xanh. Hiệp hội phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) là một tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư phi lợi nhuận của Đài Loan. Hiệp hội trực thuộc Văn phòng Dự án Thương mại Xanh (GPTO), cơ quan nghiên cứu và tăng tốc đầu tiên được thành lập để hỗ trợ phát triển thương mại xanh ở Đài Loan. GPTO liên tục làm việc với các nhà cung cấp, sản xuất và thiết kế sản phẩm công nghệ xanh để phát triển mở rộng sang thị trường nước ngoài. Với những chính sách phát triển hiệu quả, nhiều thập kỷ qua Đài Loan đã trở thành nguồn sản xuất và xuất khẩu lớn, cung cấp cho thế giới những sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Với việc hình thành những chuỗi cung ứng dịch vụ và sản phẩm công nghiệp xanh toàn cầu. Từ năm 2017, ngành công nghiệp xanh của Đài Loan có kim ngạch xuất khẩu 9.829 tỷ đôla, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Năm 2018 với sự phát triển mạnh mẽ, doanh thu từ nền công nghiệp này tăng trưởng mạnh (tăng 30%). Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Đài Loan. Vì vậy, trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam, các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của doanh nghiệp Đài Loan là lựa chọn tốt cho nền công nghiệp xanh của Việt Nam.

Sản phẩm công nghệ xanh của Đài Loan với tính năng ưu việt, thân thiện với môi trường được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn

     Để thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, hướng tới nền kinh tế các bon thấp Đài Loan chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt thì các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững. Bắt đầu từ năm 2005, Đài Loan đã ban hành Đạo luật Phát triển Năng lượng tái tạo” (REDA). Hàng năm, Đài Loan có các chính sách ưu đãi về thuế đối với các  doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Các ưu đãi chính được đưa ra trong “Quy chế thúc đẩy nâng cấp các ngành công nghiệp” và “Biện pháp giảm đầu tư”. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ đến 13% cơ sở vật chất, được khấu trừ thuế cho tất cả các khoản thuế từ lợi nhuận trong kinh doanh; cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. Trong điều 9 của Quy chế thúc đẩy nâng cấp các ngành công nghiệp có quy định “nhập khẩu miễn thuế cho các thiết bị không sản xuất trong nước và chỉ giới hạn cho các thiết bị sử dụng trong công nghiệp”. Với các chính sách hỗ trợ hiệu quả, các doanh nghiệp Đài Loan đã phát triển các sản phẩm năng lượng tái tạo, trong đó việc nghiên cứu và sản xuất các hệ thống pin năng lượng mặt trời đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc với hơn 12% sản lượng), chiếm vị trí thứ 2 là đèn LED, xe đạp điện, vải tái chế, thân thiện môi trường, tái chế kính, thủy tinh… Bên cạnh đó, Đài Loan còn sản xuất những sản phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời như: đèn đường năng lượng mặt trời, máy bơm năng lượng mặt trời và đèn LED năng lượng mặt trời... có ưu điểm cung cấp ánh sáng tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí điện năng, giảm lượng khí thải các bon và có thể tái chế từ 95% trở lên. Đặc biệt, sản phẩm hệ thống lưới điện vi mô kết hợp pin lưu trữ đang được ứng dụng hiệu quả ở các nước nước Inđônêxia, Ấn Độ, Nhật Bản… Lưới điện vi mô này kết hợp năng lượng mặt trời, năng lượng gió được tích hợp cùng pin nhiên liệu hoặc sản phẩm pin tích trữ thông thường, có thể hoạt động độc lập, cung cấp nguồn điện xanh ổn định cho các khu vực nông thôn và hải đảo xa bờ, nơi khó phủ sóng lưới điện hoặc điện không ổn định.

     Ngoài ra, trong lĩnh vực lọc khí thải công nghiệp, công ty Active Technology Engineering Inc Đài Loan (là doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối thiết bị tự động hóa) còn sản xuất hệ thống lọc bụi tĩnh điện có khả năng lọc các hạt bụi siêu nhỏ, bao gồm cả bụi PM2.5. Công nghệ lọc bụi của Công ty được ứng dụng cho ngành sản xuất pha lê, xi măng, sắt thép và xử lý các loại rác thải. Một số nước như Singapore, Malaixia và Thái Lan đang ứng dụng công nghệ này. Cũng hoạt động trong lĩnh vực môi trường, Công ty Ever Clear Environmental Đài Loan là công ty công nghệ chuyên xử lý nước thải công nghiệp. Công ty đã cải tiến thành công công nghệ Fenton từ dạng bể thành tháp phản ứng (FBR-Fenton). Ưu điểm của công nghệ này là giảm được 50% lượng Fe dùng trong phản ứng và giảm được 60% lượng bùn sản sinh sau quá trình hoạt động nên tiết kiệm được nhiều chi phí vận hành. Công nghệ xử lý nước thải FBR-Fenton cấp 3 có thể ứng dụng cho các loại nước thải COD (các loại nước thải ô nhiễm, khó phân hủy vi sinh) như nước thải từ: sản xuất giấy, dệt nhuộm, da giày, các ngành hóa chất… Sản phẩm của FBR-Fenton có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2017. Tính đến thời điểm này, công ty đã xử lý khoảng 14 triệu m3 nước thải công nghiệp/năm ở Việt Nam…

     Kinh nghiệm đối với Việt Nam

     Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh tác động của BĐKH ngày càng rõ nét, do đó xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có được coi là nhiệm vụ cần thiết và là chìa khóa giảm nhẹ BĐKH, hướng tới tăng trưởng xahh, phát triển bền vững. Với những chính sách phát triển công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường ở Đài Loan, Việt Nam có thể  học hỏi để vận dụng vào điều kiện thực tế.

     Việc lựa chọn ngành công nghiệp để xanh hóa phụ thuộc chặt chẽ với điều kiện của từng quốc gia cũng như các đặc tính cụ thể của từng địa phương như các nguồn lực hiện có, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn công nghệ hoặc hệ thống kinh doanh. Để thực hiện xanh hóa các ngành công nghiệp, Chính phủ có vai trò then chốt trong việc phát triển hệ thống chính sách trong suốt giai đoạn đầu của quá trình. Các điểm chính cần được xem xét trong việc phát triển công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, bao gồm: Khả năng hiện có và cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng cần được xem xét trong sự phát triển của một ngành công nghiệp xanh; Việc đánh giá về triển vọng tổng thể và mức độ sẵn sàng suốt chuỗi giá trị cần được tiến hành; Thông tin phản hồi nên được trưng cầu trong suốt quá trình phát triển; Sự tham gia hợp tác của các tổ chức nghiên cứu và công ty tư nhân là cần thiết để đảm bảo sự nhất quán về tầm nhìn và mục tiêu phát triển của ngành. Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu, thách thức của mục tiêu và các chỉ số đề ra cùng với báo cáo đánh giá hiệu quả phương hướng và kết quả hoạt động. Cùng với đó, cơ chế cạnh tranh sẽ khuyến khích sự phát triển nền công nghiệp xanh khi các doanh nghiệp liên tục đổi mới sáng tạo công nghệ và sản phẩm của họ để thích ứng với nhu cầu tiêu dùng xanh. Hơn hết, Việt Nam cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm xanh.

     Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá, tuyên truyền về lợi ích của tăng trưởng xanh với nền kinh tế và môi trường, gắn kết các thành phần xã hội từ cấp độ cá nhân tham gia vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Trong tương lai, Chính phủ cần có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia và tận dụng lợi ích từ các dự án chuyển đổi xanh trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.

Thu Phương - Trần Tân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

 

 
 

 

Ý kiến của bạn