09/12/2024
Từ ngày 21/10 đến 1/11/2024, tại Cali, Colombia đã diễn ra cuộc họp lần thứ 16 của Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP 16) với sự tham dự của gần 200 quốc gia nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal kể từ khi được thông qua tại COP 15 năm 2022. COP 16 ghi nhận những tiến bộ đạt được trong hai năm qua và kêu gọi hành động mạnh mẽ của các thành viên nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất mát thiên nhiên vào năm 2030. Sau gần 2 tuần đàm phán, COP 16 khép lại với những bước tiến quan trọng trong việc đưa kiến thức và vai trò của người dân bản địa, cộng đồng địa phương vào bảo tồn đa dạng sinh học; thống nhất đưa vào vận hành một cơ chế chia sẻ lợi ích từ thông tin di truyền kỹ thuật số; thông qua kế hoạch hành động về đa dạng sinh học và sức khỏe; các quy trình xác định các khu vực biển có tầm quan trọng về sinh thái hoặc sinh học (EBSA)… Tuy nhiên, COP16 đã không đạt được thỏa thuận về huy động và đóng góp tài chính; đồng thời cũng chưa xác định được cơ chế giám sát việc thực hiện các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal và cơ chế lập kế hoạch, giám sát, báo cáo và đánh giá (PMRR).
Những bước tiến quan trọng tại COP 16
Ra mắt Quỹ Cali chia sẻ lợi ích từ thông tin di truyền số
Sau khi thống nhất tại COP 15 về việc thành lập một cơ chế đa phương, bao gồm một quỹ toàn cầu, để chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng thông tin trình tự kỹ thuật số về tài nguyên di truyền (DSI) một cách công bằng và bình đẳng hơn, các đại biểu tại COP 16 đã thúc đẩy việc đưa cơ chế này vào hoạt động. Có thể nói đây là một quyết định mang tính lịch sử có tầm quan trọng toàn cầu. Quyết định này đề cập đến các ngành dược phẩm, công nghệ sinh học, chăn nuôi và thực vật cùng các ngành công nghiệp khác hưởng lợi từ DSI nên chia sẻ những lợi ích đó với các nước đang phát triển, người dân bản địa và cộng đồng địa phương.
Theo các hướng dẫn đã thỏa thuận, các công ty lớn và các ngành khác được hưởng lợi từ việc sử dụng DSI phải đóng góp vào “Quỹ Cali”, dựa trên tỷ lệ phần trăm lợi nhuận hoặc doanh thu của họ. Mô hình này hướng tới các công ty lớn phụ thuộc nhiều vào DSI và miễn trừ các tổ chức nghiên cứu học thuật, công cộng và các chủ thể khác sử dụng DSI nhưng không được hưởng lợi trực tiếp. Các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi từ phần lớn quỹ này, với các khoản phân bổ hỗ trợ thực hiện KMGBF, theo các ưu tiên của chính phủ các nước đó. Ít nhất một nửa số tiền tài trợ dự kiến sẽ hỗ trợ cho người dân bản địa và cộng đồng địa phương, bao gồm phụ nữ và thanh thiếu niên, thông qua chính phủ hoặc bằng các khoản thanh toán trực tiếp thông qua các tổ chức do người dân bản địa và cộng đồng địa phương xác định. Ngoài ra, một số quỹ có thể hỗ trợ xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.
Thỏa thuận này đánh dấu tiền lệ về việc chia sẻ lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học với một quỹ được thiết kế để hoàn trả một phần số tiền thu được từ việc sử dụng đa dạng sinh học để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên ở nơi cần được giúp đỡ nhất.
Tăng cường vai trò của người dân bản địa và cộng đồng địa phương
Một quyết định mang tính bước ngoặt tại COP 16, các Bên đã thông qua một Chương trình làm việc mới về Điều 8(j) và các điều khoản khác của Công ước liên quan đến người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Chương trình chuyển đổi này đặt ra các nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo sự đóng góp có ý nghĩa của người dân bản địa và cộng đồng địa phương đối với ba mục tiêu của Công ước là (i) bảo tồn đa dạng sinh học, (ii) sử dụng bền vững đa dạng sinh học và (iii) chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích), cũng như việc thực hiện KMGBF. Thông qua Chương trình này, các quyền, đóng góp và kiến thức truyền thống của người dân bản địa và cộng đồng địa phương được đưa cụ thể hơn vào chương trình nghị sự toàn cầu.
Các Bên cũng nhất trí thành lập một cơ quan thường trực mới, dự kiến sẽ được xây dựng trong hai năm tới. Cơ quan mới này sẽ nêu các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Điều 8j và tăng cường sự tham gia, tương tác của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong tất cả các quy trình của Công ước. Một quyết định tiếp theo được đưa ra nhằm công nhận vai trò của người gốc Phi, bao gồm các tập thể hiện rõ lối sống truyền thống, trong việc thực hiện Công ước và bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Thực hiện và giám sát KMGBF
Tại COP16, các đại biểu cũng đánh giá tiến độ thực hiện KMGBF kể từ khi thành lập vào năm 2022. Theo đó có khoảng 119 quốc gia, đại diện cho phần lớn trong số 196 Bên của CBD đã đệ trình các mục tiêu đa dạng sinh học quốc gia - các biện pháp chính sách và hành động nhằm giúp đạt được 23 mục tiêu của KMGBF. Ngoài ra, cho đến nay, 44 quốc gia đã đệ trình Chiến lược Đa dạng sinh học quốc gia và Kế hoạch hành động làm tài liệu chính sách hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu quốc gia này. COP 16 đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể đạt được trong vòng hai năm và nhấn mạnh các quốc gia cần phải đẩy nhanh hành động.
Đánh giá và áp dụng các công nghệ sinh học tổng hợp
Sinh học tổng hợp là chủ đề nổi bật tại COP 16, hướng đến những lợi ích tiềm năng của nó trong khi xem xét các rủi ro. Để giải quyết bất bình đẳng trong sự tham gia của các nước đang phát triển vào lĩnh vực sinh học tổng hợp, quyết định này đưa ra một kế hoạch hành động theo chủ đề mới nhằm giúp giải quyết nhu cầu xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức của các Bên, người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Bằng cách giúp các quốc gia đánh giá và áp dụng các công nghệ sinh học tổng hợp, COP 16 hướng đến mục tiêu thúc đẩy đổi mới trong bảo vệ đa dạng sinh học. Trong thời gian tới sẽ có hướng dẫn xác định các lợi ích tiềm năng của sinh học tổng hợp và xem xét những tác động tiềm tàng của những phát triển công nghệ gần đây. Đây là cơ hội duy nhất để khám phá sinh học tổng hợp liên quan đến ba mục tiêu cơ bản của CBD và trong việc triển khai KMGBF.
Quản lý các loài ngoại lai xâm hại
Quyết định của COP 16 về các loài ngoại lai xâm hại giải quyết một trong năm tác động trực tiếp hàng đầu gây mất đa dạng sinh học, trong đó nhấn mạnh nhu cầu hợp tác quốc tế, xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển. Quyết định này đề xuất các hướng dẫn để quản lý các loài ngoại lai xâm hại, đề cập đến các vấn đề như thương mại điện tử, phương pháp phân tích đa tiêu chí và các vấn đề khác. Theo đó, các cơ sở dữ liệu mới, các quy định thương mại xuyên biên giới được cải thiện và sự phối hợp chặt chẽ với các nền tảng thương mại điện tử nhằm mục đích giải quyết những lỗ hổng trong việc quản lý rủi ro từ các loài xâm hại và phù hợp với các mục tiêu của KMGBF, nơi các phương pháp tiếp cận liên ngành và hợp tác đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Quy trình xác định khu vực biển có ý nghĩa sinh thái
COP 16 đã nhất trí về một quy trình mới và tiến hóa để xác định các khu vực biển có ý nghĩa về mặt sinh thái (EBSA). Theo CBD, công việc về EBSA, xác định các phần quan trọng và dễ bị tổn thương nhất của đại dương được bắt đầu vào năm 2010 và trở thành một lĩnh vực trọng tâm, tuy nhiên việc này đã bị cản trở trong hơn 8 năm do các mối quan ngại về pháp lý và chính trị. COP 16 đã thổi luồng sinh khí mới vào quá trình này, thống nhất về các cơ chế mới để xác định các EBSA và cập nhật các EBSA hiện có, đảm bảo rằng việc lập danh mục thông tin của các khu vực này có thể hỗ trợ lập kế hoạch và quản lý bằng khoa học và kiến thức tiên tiến nhất hiện có. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm các EBSA đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển, với những bước đi lớn đang được thực hiện để thực hiện mục tiêu về khu bảo tồn 30 x 30 và chuẩn bị cho việc thực hiện thỏa thuận mới về đa dạng sinh học biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia trong tương lai.
Quản lý động vật hoang dã bền vững và bảo tồn thực vật
Tại COP 16, một trong nội dung quan trọng nhất được thảo luận là bảo vệ các loài hoang dã. Quyết định về quản lý động vật hoang dã bền vững nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát, xây dựng năng lực và sự tham gia toàn diện của người dân bản địa, cộng đồng địa phương và phụ nữ. Để đạt được mục đích này, quyết định kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như CITES và FAO để thực hiện. Khung này khuyến khích nghiên cứu về cách thức sử dụng động vật hoang dã, mất đa dạng sinh học và mối liên hệ giữa các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Điều này cho thấy, thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động của mất đa dạng sinh học đối với sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, COP 16 đã cam kết điều chỉnh các nỗ lực bảo tồn thực vật theo khuôn khổ giám sát KMGBF. Điều này bao gồm việc cập nhật Chiến lược toàn cầu về bảo tồn thực vật với các chỉ số cụ thể và mẫu báo cáo chuẩn hóa, đảm bảo rằng tiến trình bảo vệ thực vật có thể đo lường được và phù hợp với các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu.
Phê duyệt Kế hoạch hành động toàn cầu về đa dạng sinh học và sức khỏe
Tại COP 16, các Bên tham gia CBD đã phê duyệt Kế hoạch hành động toàn cầu về đa dạng sinh học và sức khỏe. Kế hoạch được thiết kế để giúp hạn chế sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm từ động vật, ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm và thúc đẩy các hệ sinh thái bền vững. Chiến lược này áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện “Một sức khỏe” công nhận sức khỏe của các hệ sinh thái, động vật và con người là có mối liên hệ với nhau. Nhận thấy rằng tình trạng mất đa dạng sinh học và sức khỏe kém thường có chung những nguyên nhân như nạn phá rừng, ô nhiễm và biến đổi khí hậu, Chiến lược nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết những mối đe dọa này để mang lại lợi ích cho cả hệ sinh thái và con người. Chiến lược này nhấn mạnh nhu cầu giáo dục và thúc đẩy hiểu biết về mối liên hệ giữa đa dạng sinh học và sức khỏe, cũng như nhu cầu tăng cường các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái bền vững, hỗ trợ y học cổ truyền và giảm thiểu sự phá hủy môi trường sống. Đặc biệt chú ý đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm người dân bản địa, những người phụ thuộc vào đa dạng sinh học địa phương để lấy thực phẩm, thuốc men và bản sắc văn hóa, cũng như thanh thiếu niên, được coi là những người đóng góp quan trọng cho các sáng kiến bảo tồn và sức khỏe.
Đánh giá rủi ro
Tại Cali, các Bên tham gia Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học hoan nghênh hướng dẫn tự nguyện mới về việc đánh giá rủi ro do các sinh vật sống biến đổi gen (LMO) được tạo ra từ công nghệ điều hướng gen (gene-drive) gây ra. Đây là một cột mốc trong quản lý an toàn sinh học quốc tế nhằm tăng cường tính nghiêm ngặt và minh bạch về mặt khoa học của các quy trình đánh giá rủi ro trong Nghị định thư. Công nghệ điều hướng gen có khả năng lan truyền nhanh chóng các gen biến đổi vào quần thể hoang dã và đây là động thái tăng cường quy trình đang được thúc đẩy trong bối cảnh ngày càng có nhiều tranh luận về công nghệ chuyển gen, đặc biệt là trong các ứng dụng kiểm soát dịch hại, kiểm soát bệnh tật và nông nghiệp.
Hướng dẫn mới nhấn mạnh tính minh bạch khoa học và độ chính xác trong các đánh giá rủi ro, đây là bước quan trọng hướng tới các tiêu chuẩn an toàn thống nhất để quản lý các sinh vật biến đổi gen (LMOs) trên toàn thế giới. Tài liệu hướng dẫn mới tập hợp các tài liệu hướng dẫn tốt nhất hiện có để đánh giá rủi ro môi trường, đồng thời nhấn mạnh vào phương pháp phòng ngừa. Hướng dẫn này mang tính tự nguyện, các quốc gia có thể điều chỉnh các đánh giá theo bối cảnh quốc gia, tùy theo đặc điểm hệ sinh thái của họ. Sự linh hoạt này rất quan trọng ở các khu vực có hệ sinh thái đa dạng và sẽ giúp các cơ quan quản lý đưa ra quyết định sáng suốt, tính đến cả lợi ích và rủi ro của LMO được tạo thành từ công nghệ điều hướng gen.
Những vấn đề cần giải quyết trong các kỳ họp tiếp theo
COP16 kết thúc với một số bước tiến quan trọng nhưng lại không đạt được các thỏa thuận quan trọng khác như thỏa thuận về đóng góp tài chính và chưa xác định được cơ chế giám sát việc thực hiện các mục tiêu của Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh – Montreal, cơ chế lập kế hoạch, giám sát, báo cáo và đánh giá (PMRR). Vì vậy, trong các phiên họp tiếp theo của COP 16 cần phải đề cập và giải quyết những vấn đề sau:
Huy động nguồn lực tài chính cho đa dạng sinh học
Các bên cần xem xét một Chiến lược mới về huy động nguồn lực để đảm bảo 200 tỷ đô la hàng năm vào năm 2030 từ mọi nguồn để hỗ trợ các sáng kiến về đa dạng sinh học trên toàn thế giới, phù hợp với Mục tiêu 19 của KMGBF. Mục tiêu 18 của KMGBF cũng đề cập đến việc giảm các động cơ có hại ít nhất 500 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030. Các bên cũng cần xem xét khả năng tạo ra một công cụ tài chính toàn cầu chuyên dụng mới cho đa dạng sinh học để tiếp nhận, giải ngân, huy động và nêu rõ nhu cầu tài trợ. Cho đến nay, Công ước đã có thể dựa vào các nguồn lực được huy động để hỗ trợ các mục tiêu và mục đích của KMGBF thông qua nhiều thỏa thuận song phương, nguồn tư nhân và từ thiện, cũng như các quỹ chuyên dụng như:
Quỹ Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF), được nhất trí tại COP 15 năm 2022 và được thành lập trong vòng chưa đầy một năm bởi Cơ quan Môi trường Toàn cầu (GEF). Quỹ này chấp nhận các khoản đóng góp từ chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức từ thiện, và tài trợ cho các dự án có tác động lớn ở các khu vực đang phát triển, tập trung hỗ trợ các quốc gia có hệ sinh thái dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các quốc đảo nhỏ và các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Cho đến nay, 11 quốc gia tài trợ cũng như Chính phủ Quebec đã cam kết gần 400 triệu đô la Mỹ cho Quỹ GBF, với 163 triệu đô la Mỹ được cam kết trong COP 16.
Quỹ Đa dạng sinh học Côn Minh (KBF) được ra mắt tại COP 16 với khoản đóng góp 200 triệu đô la Mỹ từ Chính phủ Trung Quốc. KBF hỗ trợ hành động nhanh chóng để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDG và các mục tiêu 2050 của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
COP 16 cũng xem xét đánh giá hiệu quả của GEF, đóng vai trò là cơ chế tài chính của Công ước. Đánh giá lưu ý rằng GEF đã đạt được tiến bộ đáng kể trong vai trò của mình trong việc huy động nguồn lực và hỗ trợ thực hiện các hoạt động đạt được các mục tiêu của CBD. Báo cáo của GEF gửi COP 16 lưu ý rằng trong hai năm đầu tiên của chu kỳ tài trợ hiện tại (GEF-8), GEF đã phê duyệt 2,42 tỷ hỗ trợ trực tiếp cho KMGBF.
Hoàn thiện Khung giám sát của KMGBF
Các bên dự kiến sẽ hoàn thành một bước quan trọng bằng cách hoàn thiện khuôn khổ giám sát đã được thống nhất tại COP 15. Khuôn khổ giám sát rất cần thiết cho việc thực hiện KMGBF vì nó cung cấp các tiêu chuẩn chung mà các bên sẽ sử dụng để đo lường tiến độ thực hiện 23 mục tiêu.
Cơ chế lập kế hoạch, giám sát, báo cáo và đánh giá (PMRR)
Về PMRR, các Bên dự kiến sẽ đưa ra các quyết định quan trọng về cách thức tiến độ thực hiện KMGBF sẽ được xem xét tại COP17 như một phần của đợt đánh giá toàn cầu đã lên kế hoạch. Các bên dự kiến sẽ xác định cách thức mà các cam kết từ các bên khác ngoài chính phủ quốc gia có thể được đưa vào Cơ chế PMRR - bao gồm các cam kết từ thanh niên, phụ nữ, người dân bản địa và cộng đồng địa phương, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và chính quyền cấp dưới. Ngoài ra, mẫu báo cáo quốc gia bao gồm các chỉ số chính của khuôn khổ giám sát cũng phải được hoàn thiện.
Phú Hà
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2024)