Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/04/2024

Tích hợp giáo dục môi trường vào trong các cấp đào tạo

29/12/2021

Tóm tắt

    Mục đích nghiên cứu giáo dục môi trường (GDMT) nhằm truyền thụ và vận dụng những kiến thức, kỹ năng vào gìn giữ, bảo tồn, sử dụng môi trường theo cách thức bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai. Nó cũng bao hàm cả việc học tập để giảm thiểu và phòng tránh những thảm họa môi trường, xóa nghèo đói, tận dụng các cơ hội và đưa ra những quyết định hợp lý trong sử dụng tài nguyên.

Từ khóa: GDMT

1. GDMT

    Phát triển bền vững (PTBV) được coi là một chiến lược sống còn và cần thiết để bảo tồn thế giới và nhân loại. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên vào việc GDMT cho học sinh các cấp học một trong các cách tiếp cận tốt để duy trì sự PTBV.

     “Trái đất có đủ tài nguyên để cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người, nhưng không đủ để thỏa mãn lòng tham của tất cả.” - Mahatma Gandhi

    Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, GDMT đã được đưa vào hệ thống giáo dục của nhiều nước:  Liên Xô, Bỉ, Phần Lan, Đức, Nhật, Mêxicô, Mỹ… cho tới nay ở nhiều nước, GDMT đã được đưa vào giảng dạy như một môn học chính khóa, cũng nhiều nơi đưa vào như một môn học tự chọn, nhều nơi vẫn đưa vào theo kiểu tích hợp và lồng ghép trong các môn học truyền thống về tự nhiên, xã hội.

GDMT là gì?

    Có nhiều định nghĩa về GDMT tùy theo từng phương diện góc độ xem xét, song một khái niệm được hiểu rộng rãi hiện nay là: “GDMT là một quá trình phát triển những tình huống dạy/học hiệu quả giúp người dạy và người học tham gia giải quyết những vấn đề môi trường liên quan, đồng thời tìm ra một lối sống có trách nhiệm và được thông tin đầy đủ” (Jonathon Wigley, 2000).

    Tại Hội nghị liên Chính Phủ về GDMT (năm 1977 tại Grudia) UNESCO đã đưa ra định nghĩa: “GDMT là một quá trình tạo dựng cho con người những nhận thức và mối quan tâm đối với các vấn đề môi trường, sao cho mỗi người đều có đủ trình độ kiến thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng để có thể nảy sinh trong tương lai”.

    Trong khuôn khổ giáo dục ở nhà trường phổ thông, có thể hiểu đơn giản, GDMT là một quá trình tạo dựng cho học sinh ở những nhận thức và mối quan tâm về môi trường và các vấn đề môi trường.

Mục đích của GDMT

    GDMT không chỉ là việc học một lần trong đời, mà là học suốt đời và phải được tiến hành giáo dục sâu rộng ngay từ tuổi ấu thơ tới trưởng thành. Đối với các em học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường - lứa tuổi vị thành niên, GDMT có mục đích tạo nên “con người giác ngộ về môi trường” - the environmental person. Với người trưởng thành, mục đích này là “ người công dân có trách nhiệm về môi trường” - the environmental citizen. Với người đang hoạt động sản xuất, giảng dạy, dịch vụ, quản lý, mục đích này là hình thành “ nhà chuyên môn thấu hiểu về môi trường”- The environmental professional.

    Như vậy, mục đích cuối cùng của GDMT là tiến tới một xã hội hóa các vấn đề môi trường, nghĩa là tạo ra những công dân có nhận thức, có trách nhiệm về môi trường và biết sống về môi trường, theo những nấc thang sau:

Vai trò và ý nghĩa của công tác GDMT

    Năm 1987, tại Hội nghị về môi trường ở Moscow do UNEP và UNESCO đồng tổ chức, đã đưa ra kết luận về tầm quan trọng của GDMT: “Nếu không nâng cao được sự hiểu biết của công chúng về những mối quan hệ mật thiết giữa chất lượng môi trường với quá trình cung ứng liên tục các nhu cầu ngày càng tăng của họ, thì sau này sẽ khó làm giảm bớt được những mối nguy cơ về môi trường ở các địa phương cũng như trên toàn thế giới. Bởi vì, hành động của con người tùy thuộc vào động cơ của họ và động cơ này lại tùy thuộc vào chính nhận thức và trình độ hiểu biết của họ. Do đó, GDMT  là  một  phương  tiện  không  thể thiếu để giúp mọi người hiểu biết về môi trường”.

    Hội nghị quốc tế về GDMT của Liên hợp quốc tổ chức tại Tbilisi  vào  năm  1977  đã  đưa  ra  khái niệm: “GDMT có mục đích làm cho cá nhân và các cộng đồng hiểu được bản chất phức tạp của môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo là kết quả  tương  tác  của  nhiều  nhân  tố  sinh học, lý học, xã hội, kinh tế và văn hóa; đem lại cho họ kiến thức, nhận thức về giá trị, thái độ và kỹ năng thực hành để họ tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong phòng ngừa và giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý chất lượng môi trường”.

Một số phương thức và cách tiếp cận trong GDMT

    GDMT có nhiều phương thức, được phân chia thành các bộ phận phù hợp với trình độ nhận thức và tính chất đặc thù của cương vị công tác như:

- GDMT cho cộng đồng còn gọi là nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng được thực hiện chủ yếu thông qua các phương tiện thông  tin  đại  chúng,  các  đợt  tập  huấn ngắn hạn, các hoạt động văn hóa, truyền thông và các cuộc vận động quần chúng rộng rãi.

- GDMT cho  các nhà quản lý các cấp, cán bộ ra quyết định  được  thực  hiện  bằng  nhiều  biện pháp phù hợp.

- GDMT trong  hệ thống giáo dục và đào tạo ở các trường từ các trường mẫu giáo đến các trường cao đẳng và đại học.

- Đào tạo nhân lực chuyên môn về môi trường, bao gồm công nhân lành nghề, kỹ thuật viên, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.

    Như vậy, rõ ràng công tác đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng đều là những bộ phận vô cùng quan  trọng không  thể thiếu  trong  GDMT, thực hiện những mục tiêu chiến lược của GDMT.

    Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế  giới  cho  thấy  rằng, GDMT  thường  được  thực  hiện  theo  3 cách tiếp cận sau đây:

a) Xem môi trường là một đối tượng khoa học, người dạy truyền đạt cho người học các kiến thức của bộ môn khoa học về môi trường, cũng như phương pháp nghiên cứu về đối tượng đó. Cụ thể là:

- Cung cấp những hiểu biết về hệ thống tự nhiên và hoạt động của nó;

-  Cung  cấp  những  hiểu  biết  tác động của con người tới môi trường.

b) Xem môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo như một địa bàn, một phương tiện để giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Với cách tiếp cận này, môi trường sẽ trở thành “phòng thí nghiệm thực tế” đa dạng, sinh động cho người dạy và người học. Xét về hiệu quả học tập kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu có thể hiệu quả rất cao.

c) Truyền đạt kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường hình thành thái độ, ứng xử, ý thức trách nhiệm, quan niệm giá trị nhân cách, đạo đức đúng đắn về môi trường, cung cấp tri thức kỹ năng, phương pháp cần thiết cho những quyết định, hành động BVMT và phát triển bền vững.

    GDMT có hiệu quả nhất khi kết hợp cả 3 cách tiếp cận trên, tức là giáo dục kiến thức về môi trường trong môi trường cụ thể nhằm hướng đối tượng giáo dục có hành động vì môi trường.

2. Giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức cộng  đồng xã hội ở Việt Nam

GDMT ở các bậc học

Trường mầm non

    Giáo dục mầm non nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, là cơ sở quan trọng  đặt  nền  móng  ban  đầu  cho  việc hình thành nhân cách con người Việt Nam. Giai đoạn từ 0 - 6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Trong giai đoạn này, trẻ phát triển rất nhanh về mặt thể chất, nhận thức, tình cảm. Các mối quan hệ xã hội, những nét tính cách, phẩm chất và các năng lực chung… nếu không được hình thành ở trẻ trong lứa tuổi này, thì khó có cơ hội hình thành ở lứa tuổi sau.

    Hiện nay, cả nước có trên 15.000 trường  mẫu giáo, mầm non với gần 5,3 triệu  trẻ  em  và  trên  15.000  giáo  viên. Một lực lượng khá đông đảo sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng về môi trường và BVMT nếu đưa giáo dục BVMT vào trường mầm non.

Bậc tiểu học

    Tiểu học là bậc học cơ bản, là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng cho việc đào tạo trẻ em trở thành công dân tốt cho đất nước. Mục đích quan trọng của giáo dục BVMT không chỉ làm cho các em hiểu rõ tầm quan trọng của BVMT mà quan trọng là phải hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện với môi trường. Nếu ở cấp  học  này  các  em  chưa  hình  thành được tình yêu thiên nhiên, sống hòa đồng với thiên nhiên, quan tâm tới  thế  giới xung quanh, có thói quen sống ngăn nắp, vệ sinh thì ở các cấp sau khó có thể bù đắp được. Vì vậy, nội dung và cách thức BVMT trong trường tiểu học mang tính quyết định đối với việc hình thành những phẩm chất đó.

 Bậc trung học

    Ở cấp học này, nội dung GDMT phải được coi là nội dung chính thống, có hệ thống, có chất lượng và phải hiệu quả. Cách thức đưa vào chương trình phổ thông và phương thức đào tạo có thể mềm dẻo nhưng việc đánh giá kết quả phải được đặt ra một cách tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Cần phải giúp cho các em tự mình chiếm lĩnh được tri thức, kỹ năng và tự thân các học sinh xác định thái độ phái đối xử đúng đắn với thiên nhiên như chính ngôi nhà của mình.

Bậc đại học và sau đại học

    Giáo dục BVMT ở bậc đại học và sau đại học có thể được thực hiện theo 3 phương thức:

- Tiến hành như một môn học mới, hoặc một chuyên đề mới được đưa vào chương  trình:  Phương  thức  này  tương đối  rõ ràng, đơn  giản,  nhưng gặp khó khăn do chương trình đào tạo đang có không còn thời lượng cho môn học mới.

- Lồng ghép với các môn học khác: Phương thức này sẽ thuận lợi cho tính chất liên ngành, không đòi hỏi việc sắp xếp lại khung chương trình. Tuy nhiên lại gặp khó khăn lớn là phải đào tạo giáo viên mới và huấn luyện bồi dưỡng giáo viên đương chức về mục tiêu, nội dung và phương pháp lồng ghép.

- GDMT qua  các hoạt động ngoại khóa: Phương thức này được vận dụng để giải quyết khó khăn về quỹ thời gian học tập của học sinh. Giáo dục ngoại khóa có ưu điểm là sinh động, dễ gắn liền với thực tế, vừa cung cấp được kiến thức, kỹ năng, vừa có tác dụng rèn luyện nhận thức, thái độ. Tuy nhiên có khó khăn là không liên tục, không hệ thống và bị động với nhiều nhân tố bên ngoài.

Các cán bộ quản lý

    Những cán bộ quản lý các cấp chính là những người có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý còn chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của môi trường hoặc còn xem vấn đề môi trường là yếu tố gây cản trở với quá trình phát triển, với việc khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ cho  công  cuộc  phát  triển. Bởi  vậy,  ở nhiều ngành khi lập kế hoạch phát triển kinh tế, thì vấn đề môi trường mới chỉ được coi là nội dung mang tính tham khảo hoặc một nội dung bổ trợ mà chưa được  xem  là  mục  tiêu  cần  thiết  của ngành đó.

    Do đó, giáo dục thông qua đào tạo cập nhật môi trường là rất cần thiết để họ phải có trách nhiệm với môi trường mỗi khi cầm bút phê duyệt một dự án phát triển, một công trình xây dựng hay một quyết định có liên quan tới khai thác tài nguyên và BVMT.

Cộng đồng

    GDMT và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi lẽ cộng đồng  là  những  người  chịu  ảnh  hưởng trực tiếp bởi môi trường sống của chính họ, họ vừa là nguyên nhân vừa là những người gánh chịu hậu quả những vấn đề môi trường của địa phương. Khi được nâng cao nhận thức, kiến thức về BVMT sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia BVMT. Công tác này thường được thực hiện thông qua các hoạt động xã hội, các tổ chức quần chúng, các đoàn thể chính trị - xã hội để từng bước tiến tới xã hội hóa công tác BVMT, điều này có nghĩa là huy động các nhân tố thị trường và cộng đồng dân cư vào các mặt hoạt động trong lĩnh vực BVMT.

    Đây là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ, thời gian dài và đặc biệt là sự kết hợp hài hòa và tổng hợp các giải pháp. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể phát huy hiệu quả trong vấn đề này.

3. Công  tác  giáo  dục  và  nâng  cao nhận thức về BVMT

    Nhận thức được tầm quan trọng của việc GDMT trong công tác BVMT, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, những chương trình hành động cụ thể, và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các chương trình GDMT bao gồm cả chính khóa và ngoại khóa đã được triển khai tới tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, và vận động quần chúng cũng như các tổ chức xã hội khác tham gia vào việc BVMT tiến hành hàng năm. Hệ thống thông tin và dữ liệu môi trường cũng đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện hơn. Song song với những thành quả này, nội dung báo cáo cũng nêu lên những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về BVMT.

    Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã chỉ rõ: “BVMT là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới”.

- Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về Quyết định Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 Trong đó có nội dung: “ Cập nhật và đưa các nội dung giáo dục về phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo”.

- Luật BVMT  số 72/2020/QH12 ngày 17/11/2020  của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, Điều 5, 6 đề cập đến chính sách của Nhà nước  về  BVMT và  những hoạt động được khuyến khích, trong đó có  công  tác  tuyên  truyền,  giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực BVMT.

Một số kết quả đã đạt được

    Trong nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về BVMT đã luôn được chú  trọng.  Nhiều  hình  thức  nâng  cao nhận thức cộng đồng thông qua các tư liệu, tranh ảnh, các chiến dịch truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình), các cuộc thi sáng tác, viết, vẽ, tìm hiểu pháp luật về môi trường, các cuộc vận động quần chúng tham gia BVMT hằng năm được thực hiện thường xuyên và đi vào nền nếp.

Đào tạo

    Công tác đào tạo thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân về môi trường được thực hiện ở nhiều trường đại học. Một số trường đại học có chuyên khoa về môi trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia  TP.  Hồ  Chí  Minh,  Đại  học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học TN&MT...

    Nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về môi trường đã được tổ chức. Nhiều khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong nước và nước ngoài về môi trường được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức môi trường và về pháp luật môi trường cũng như kỹ năng quản lý cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội.

 Xây dựng hệ thống giáo dục, truyền thông môi trường

    Mạng lưới GDMT đã được hình thành, phát huy tác động tích cực trong việc phối hợp thực hiện công tác giáo dục, đào tạo về môi trường trên phạm  vi  toàn  quốc  cũng  như  hợp  tác trong khu vực và quốc tế. Báo cáo Môi trường quốc gia hằng năm thường xuyên được  xây  dựng  và  phổ  biến  tới  cộng đồng. Hệ thống quản lý thông tin và dữ liệu  môi  trường  phục  vụ  quản  lý  nhà nước về BVMT cũng đã được thiết lập và phát triển mạnh mẽ. Nhiều tổ chức tình nguyện về môi  trường  được thành lập, hoạt động tích cực trong lĩnh vực BVMT. Nhiều mô hình/điển hình tiên tiến về BVMT đã được xây dựng và phát huy hiệu quả trong hoạt động BVMT.

    Hằng năm, Giải thưởng Môi trưởng Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh và khuyến  khích  các  tập  thể,  cá nhân trong và ngoài nước có nhiều thành tích trong sự nghiệp BVMT Việt Nam.

    Tuy vậy, công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về BVMT vẫn còn tồn tại những hạn chế sau:

- Một số các Bộ/ ngành, địa phương chưa  làm  tốt  chức  năng  quản  lý  Nhà nước về BVMT trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường theo quy định của pháp luật.

- Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức trong giải quyết các vấn đề môi trường và nâng cao nhận thức môi trường.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức môi trường nói riêng còn hạn chế về số lượng, năng lực, khả năng chuyên môn.

- Chưa có được chương trình chung, thống nhất về giáo dục, đào tạo môi trường trong các trường học.

- Chương  trình  giáo  dục,  nâng  cao nhận  thức  môi  trường  cho  cộng  đồng mới chỉ dừng ở giai đoạn nhận thức, còn hạn chế khi đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.

- Các cơ quan truyền thông còn chưa thực sự phát huy chức năng của mình trong   lĩnh   vực  BVMT. Truyền thông về môi trường chưa phát huy hết hiệu quả và chưa được xã hội hóa đúng nghĩa.

4. Kết luận

    Đảm bảo công tác giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường được thực hiện hiệu quả rất cần thiết phải có các chương trình, giải pháp đồng bộ:

-Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo nhận thức môi trường nói riêng. Tăng cường cả số lượng và chất lượng, năng lực, khả năng chuyên môn.

- Xây dựng nội dung, chương trình giáo dục kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; đấu tranh với các biểu hiện vi phạm pháp luật môi trường. Xây dựng việc lồng ghép giáo dục ý thức bảo vệ môi trường dưới mọi hình thức nhằm đa dạng hóa phương thức giáo dục.

- Đánh giá hiệu quả hoạt động định kỳ hằng năm hoặc tổng kết 5 năm, 10 năm.

    Các chương trình đánh giá nhằm phổ biến, chia sẻ các kinh nghiệm hay, xác định những trở ngại, khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường,  từ  đó  tìm  ra những giải pháp khắc phục phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả GDMT tại Việt nam.

Tài liệu tham khảo

1) Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính Phủ.

2) Luật    Bảo    vệ    môi    trường    số 72/2020/QH12    ngày    17/11/2020    của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3) Quyết định sô 2262/QĐ –BGDĐT ngày 6/8/2020 của Bộ BGDĐT

4)  Hoàng Đức Nhuận, Nguyễn Văn Khang. Một số phương pháp tiếp cận GDMT. NXB Giáo dục. Hà Nội - 1999.

5)  Lê Văn Khoa và nnk. Khoa học môi trường (tái bản lần thứ 7). Hà Nội – 2010.

6)  Sổ tay hướng dẫn thực hiện chiến dịch truyền thông môi trường. Cục BVMT. Hà Nội - 2002.

7)  Hội nghị 10 năm công tác giáo dục, đào tạo môi trường. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hà Nội - 2000.

8)  Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Các cơ quan báo chí mặt trận và ngành môi trường phối hợp tuyên truyền, vận động BVMT. Hà Nội - 2010.

9)  Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Giáo dục biến đổi khí hậu, kinh nghiệm từ châu Âu và Việt Nam. Hà Nội - 2010.

10)  Tài liệu tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hà Nội - 2003.

11).https://greenviet.org/tin-tuc/giao-duc-moi-truong-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-dua-vao-tai-nguyen-thien-nhien/

12) https://sites.google.com/site/giaoducmoitruongtrongdhhh/Tin-hoc/boy10a.

13)https://moitruong.com.vn/chuyen-de-moi-truong/vai-tro-quan-trong-cua-giao-duc-moi-truong-8310.htm

14) http://daidoanket.vn/ca-nuoc-co-15500-truong-mam-non-521225.html

ThS. Nguyễn Mạnh Tưởng

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

INTEGRATING ENVIRONMENTAL EDUCATION INTO TRAINING LEVELS

MSc. Nguyen Manh Tuong

Institute of Strategy, Policy on Natural Resources and Environment

    ​Abstract

    Research purpose Environmental education is to impart and apply knowledge and skills in preserving, conserving and using the environment in a sustainable way for both present and future generations. It also includes learning to reduce and avoid environmental disasters, eliminate poverty, take advantage of opportunities, and make rational decisions about the use of resources.

    Keywords: Environmental education

Ý kiến của bạn