Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Tác động của biến đổi khí hậu tới sự di cư và đời sống văn hóa truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long

26/04/2021

     Tóm tắt

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng không ít đến tính cố kết của khối cộng đồng dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); người dân đã di cư vì sinh kế kéo theo sự thay đổi trong việc tham gia vào các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, sự đóng góp của những người di dân đến văn hóa địa phương nên việc tổ chức thực hiện các sinh hoạt văn hóa truyền thống cũng được duy trì.

     Từ khóa: BĐKH, sinh kế, sự di cư, văn hóa truyền thống, ĐBSCL.

     Nhận bài: 23/2/2021; Sửa chữa:  11/3/2021; Duyệt đăng: 17/3/2021.

     1. Đặt vấn đề

     BĐKH là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và được xem là một vấn nạn toàn cầu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy Việt Nam nằm trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất do BĐKH mà ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước thảm họa thiên tai. BĐKH làm tăng khả năng bị tổn thương và tạo nguy cơ làm chậm hoặc đảo ngược quá trình phát triển. “Nhiều báo cáo và dẫn chứng khoa học đã chỉ ra rằng, Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, là một trong những “điểm nóng” về BĐKH và nước biển dâng trên thế giới, gây nên nhiều tổn thương cho sinh kế người dân”[4].

     Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, Bộ TN&MT công bố năm 2016 cho thấy, ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập rất cao. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, sẽ có khoảng 38,9% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%) [1].

     BĐKH tác động đến các nhóm xã hội ở các khía cạnh khác nhau, trong đó có vấn đề di cư. Di cư trong nước là chủ yếu và ở đây được tính bao gồm cả tái định cư. Theo một vài nghiên cứu gần đây, cứ mỗi năm ĐBSCL mất đi khoảng hơn 1 triệu người dân phải di dời nơi sinh sống do hạn hán, xói mòn vùng biển hay ngập mặn. Theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) công bố ngày 9/1/2018, những tác động của BĐKH có thể ảnh hưởng đến 12% dân số nước này vào năm 2021. Từ năm 2008 - 2015 người dân di cư để lánh nạn do hậu quả của thiên tai (IDMC, 2016); tuy nhiên, vẫn có những người đã buộc phải di cư do chính những biện pháp được thực hiện nhằm bảo vệ họ trước những tác động của BĐKH. Một hành lang di cư(chủ yếu là di cư trong nước) đã được hình thành nối vùng ĐBSCL và các thành phố như Cần Thơ và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Trong đó di cư nội vùng (tái định cư) là luồng di cư lớn nhất trong khi di cư nội địa giữa các vùng chiếm tỷ trọng thấp hơn [2]. Đồng thời, chính sách xuất khẩu nhân công lao động theo hợp đồng tạm thời (từ vài tháng đến vài năm) - bao gồm cả hợp pháp và không hợp pháp - cũng ngày càng trở nên nhiều và phổ biến hơn ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Trong đó, vùng nông thôn là nguồn cung cấp nhân lực di cư chính. Di cư theo thời vụ hoặc di cư lâu dài nhằm mục đích cải thiện sinh kế cá nhân hoặc gửi tiền về hỗ trợ gia đình và cộng đồng ở quê nhà vì suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu [3].

     Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm điều tra về tác động của BĐKH có ảnh hưởng đến khối cộng đồng dân cư, sự di cư, đời sống văn hóa truyền thống ở quy mô hộ gia đình.Với các tôn giáo - tín ngưỡng khác nhau của người dân địa phương, cuộc điều tra này giúp nhận thấy cách người dân nhận thức và thích nghi với tình trạng BĐKH, đang tác động từ đời sống vật chất đến tinh thần của họ trong cộng đồng. Người được phỏng vấn hiểu hoặc được cắt nghĩa rõ ràng về các khái niệm sử dụng trong cuộc phỏng vấn. Cán bộ chính quyền địa phương không tham gia vào cuộc điều tra để đảm bảo tính khách quan.

     2. Đối tượng và phương pháp khảo sát

     2.1. Xác định khối cộng đồng dân cư được lựa chọn tiêu biểu trong nghiên cứu

     Dựa vào đặc điểm lịch sử, kinh tế - xã hội của ĐBSCL, các cộng đồng dân cư chính như người Việt, Hoa, Chăm và Khmer chiếm số lượng lớn tại các tỉnh được khảo sát trong nghiên cứu này.

     Các địa phương ven biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, ngập mặn, triều cường, hạn hán, xói lở… được quan tâm trong thực hiện khảo sát. Đồng thời, người dân ở khu vực khảo sát có đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng đa dạng theo văn hóa đặc điểm lịch sử, kinh tế - xã hội khu vực như: Mẹ Quan Âm Nam Hải, chùa (người Việt và Khmer), đình, nhà thờ người Chăm, nhà thờ Công giáo, miếu thờ bà chúa xứ…

     2.2. Đối tượng của cuộc khảo sát

     Người dân di cư trong bối cảnh BĐKH diễn ra và nhiều yếu tố khác tác động như sinh kế bị giảm hoặc mất, quy hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng của Chính phủ…Trong phạm vi của nghiên cứu này, phỏng vấn được thực hiện năm 2019 trong phạm vi các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang với tổng số phiếu là 320 phiếu. Quy mô mẫu được phân bổ theo khu vực có đồng bào đại diện nhóm dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm có sự di cư với sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống đặc trưng, đồng thời cũng là khu vực có người dân chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu.

     Ngoài ra, đặc điểm chung của người dân sống trong các khu vực này là cùng chịu chung tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, nhưng có hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

     2.3. Thiết kế phiếu khảo sát

     Phiếu điều tra được thực hiện thiết kế có nội dung nhằm thu thập các thông tin sau:

     Phần 1: Thông tin cá nhân của chủ hộ/ người được điều tra, thông tin về thời gian hộ đã cư trú tại địa phương; thông tin về các thành viên của hộ: mối quan hệ với chủ hộ, giới tính, tháng năm sinh theo dương lịch và tuổi tròn, trình độ học vấn và một số câu hỏi khác. Phần này nhằm xác định các thành viên hộ có phải là người di cư hay là người không di cư (bản xứ);

     Phần 2: Thông tin về số lượng nhân khẩu trong gia đình trong và ngoài độ tuổi lao động, số lượng nhân khẩu tăng hay giảm trong thời gian gần đây, nơi di cư đến và nguyên nhân di cư. Điều kiện sinh kế của hộ là gì, có chịu ảnh hưởng của BĐKH hay không hay chịu ảnh hưởng gián tiếp từ quy hoạch ở địa phương, thu nhập hàng năm. Phần này nhằm xác định các thành viên hộ là người di cư ở độ tuổi và trình độ nào, ước lượng lý do di cư.

     Phần 3: Thông tin về trình độ văn hóa và tôn giáo, tập tục thờ cúng của gia đình ở địa phương, sự đóng góp của người di cư trong phong tục thờ cúng tín ngưỡng ở địa phương; các nhận định của chủ hộ về hình thức và quy mô các lễ hội văn hóa tâm linh - tín ngưỡng tôn giáo ở địa phương hiện nay có thay đổi gì so với trước kia; sự hiểu biết của người dân ở chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc duy trì các hoạt động văn hóa tâm linh - tín ngưỡng tôn giáo ở địa phương hiện nay.

  1. Xử lý thông tin phiếu điều tra

     Các số liệu được nhập và xử lý qua bảng tính Microsoft Excel 2010, được lập bảng và xử lý theo địa phương (tỉnh) để xếp hạng. Số phiếu được đưa vào xử lý là 320 phiếu.

     3. Kết quả và thảo luận

     3.1. Điều kiện sinh kế của người dân trong khảo sát

     Theo điều kiện địa lý tự nhiên của từng địa phương thì các hộ dân tham gia sinh kế khác nhau. Mỗi hộ có thể tham gia nhiều ngành nghề khác nhau để đảm bảo sinh kế… đặc điểm chung của người dân sống trong các khu vực trong khảo sát này là cùng chịu chung tác động của thiên tai và BĐKH, nhưng hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

     Bảng 1. Thống kê nghề theo sinh kế của hộ gia đình ở các địa phương được khảo sát

Đơn vị tính: hộ

 

Trà Vinh

Bến Tre

Bạc Liêu

An Giang

Kiên Giang

Cà Mau

Tiền Giang

Làm lúa

10

2

2

0

16

4

9

Nuôi trồng thủy sản

22

4

8

0

9

42

0

Chăn nuôi gia súc, gia cầm

15

6

3

8

3

4

5

Làm thuê, lao động đơn giản

7

0

4

14

7

4

2

Làm nghề tại nhà

5

2

0

11

1

0

1

Trồng trọt hoa màu

40

4

8

24

5

3

12

Đánh bắt thủy hải sản

12

0

4

0

0

0

0

Mua bán nhỏ

25

3

15

10

6

4

6

Khác

7

5

1

0

14

8

11

Tổng số hộ khảo sát

84

21

29

32

63

48

43

Ghi chú: Do câu hỏi có nhiều phương án trả lời, nên tổng các câu trả lời không bằng tổng số hộ khảo sát

     Kết quả khảo sát cho thấy, điều kiện sinh kế của các hộ tại các địa phương khá đa dạng (Bảng 1), như ở Trà Vinh, An Giang và Tiền giang thì nghề trồng trọt chiếm đa số, trong khi đó, tại Bến Tre thì nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, hay tại Bạc Liêu thì phần lớn điều kiện sinh kế của các hộ là nghề mua bán nhỏ. Tại Kiên Giang, nghề làm lúa và tại Cà Mau thì sinh kế chủ yếu là nghề nuôi trồng thủy sản.

     3.2. Ảnh hưởng của BĐKH đến di dân và sinh hoạt văn hóa cộng đồng

     Người dân di cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra và nhiều yếu tố khác tác động như sinh kế bị giảm hoặc mất, qui hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng của Chính phủ… các hộ gia đình có thể không di dân hoàn toàn mà chỉ có người trong độ tuổi lao động đi tìm sinh kế hoặc các hộ có điều kiện nhà ở và kinh tế tốt hơn thì vẫn có đủ khả năng bám trụ. Sự di cư ở đây được hiểu là sự di chuyển từ vùng này sang vùng khác có thể là đi đến các địa phương trong cùng một tỉnh (nông thôn - nông thôn) hay đi từ nông thôn lên thành thị hay ra khỏi phạm vi quốc gia nhằm mục đích tìm kiếm, thay đổi sinh kế.

     Tuy một số trường hợp người dân vẫn chưa nghĩ rằng nguyên nhân của sự di cư của người thân trong gia đình là do biến đổi khí hậu, mà là do điều kiện kinh tế trở nên khó khăn; nhưng người dân có hợp tác tích cực với cán bộ điều tra khảo sát. Theo đó, nhận định của người dân về sự ảnh hưởng của BĐKH, của sinh kế kéo theo di dân và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong cộng đồng trong việc ảnh hưởng sinh kế thể hiện ở bảng sau:

     Bảng 2.Nhận định của người dân về sự ảnh hưởng của BĐKH đến di dân và sinh hoạt văn hóa truyền thống.

   Đơn vị tính: %

 

Trà Vinh

Bến Tre

Bạc Liêu

An Giang

Kiên Giang

Cà Mau

Tiền Giang

Nhận định của người dân về ảnh hưởng của BĐKH

78,6

42,9

96,6

100

31,7

56,3

51,2

Nhận địnhcủa người dân về sinh kế ảnh hưởng đến di dân

72,6

0

100

100

3,2

0

7,0

Nhận địnhcủa người dân về di dân ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng

52,4

61,9

69,0

65,6

25,4

52,1

48,8

     Bảng 2 cho thấy, người dân được phỏng vấn ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang ý thức được sự tác động của BĐKH, trong đó, tỷ lệ cao nhất ở An Giang. BĐKH và những thay đổi bất thường của thời tiết có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế và thu nhập của người dân. Người dân ở các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang cũng nhận thấy được sự ảnh hưởng của BĐKH, nhưng họ thay đổi điều kiện sống và sinh kế theo chiều hướng thuận lợi như “sống chung với BĐKH” nên sinh kế không bị ảnh hưởng nhiều.

     Kết quả khảo sát nhận định của người dân về sinh kế ảnh hưởng đến di dân cho thấy các tỉnh Bạc Liêu và An Giang, Trà Vinh có tỷ lệ cao tương ứng 100%, 100% và 72,6% . Hầu như các hộ đều có người di dân về các khu công nghiệp ở trong tỉnh hay đi các tỉnh khác; có người tham gia xuất khẩu lao động; có người di dân do kết hôn với Việt kiều hay người nước ngoài, nhưng số đó chiếm tỷ lệ ít. Riêng sự di dân trong nội vùng, nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, với mục đích thay đổi sinh kế thì không được người dân xem xét như là di dân tại các trường hợp ở Cà Mau và Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre người dân có thể di chuyển giữa các địa bàn khu vực để thay đổi sinh kế.

     Có thể thấy, hoạt động tín ngưỡng của người dân phần lớn ở chùa, nhà thờ (Công giáo và đạo Hồi)… còn theo đặc trưng nghề nghiệp và khu vực sinh sống có các tục tín ngưỡng Miếu bà chúa xứ, chùa Ông, lễ hội Nghinh ông, đình thần… Sự đa dạng trong văn hóa tín ngưỡng thể hiện rất rõ đặc biệt là bà con ở vùng ven duyên hải. Từ việc di dân để thay đổi sinh kế, người dân cũng có thay đổi theo văn hóa thôn xóm, tập tục thờ cúng, văn hóa tín ngưỡng ở địa phương. Việc thay đổi sinh kế ảnh hưởng đến các sinh hoạt văn hóa trong khối cộng đồng dân cư theo nhiều chiều hướng khác nhau. Người dân vì lý do mưu sinh có thể không tham gia được các lễ hội tâm linh ở địa phương mình nhưng có đóng góp cho lễ hội qua người thân còn ở lại địa phương. Đồng thời, việc di chuyển cũng giúp họ biết đến văn hóa tín ngưỡng ở địa phương họ đến làm việc. Kéo theo các kết quả về sự di dân, sự thay đổi nhiều trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở Bạc Liêu, An Giang chiếm tỷ lệ cao hơn các tỉnh còn lạitrong các địa phương được điều tra.

     Tuy nhiên, có thể thấy sự thay đổi tín ngưỡng, phong tục tập quán thờ cúng thể hiện rõ ở tất cả các địa phương. Cao nhất là Bạc Liêu với tỷ lệ 69,0%, tiếp theo là An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Tiền Giang và Kiên Giang. Hầu hết thông tin cung cấp là người dân chuyển đổi sinh kế chủ yếu là đi làm việc ở các thành phố lớn và khu công nghiệp vùng ven thành phố, điển hình là TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lân cận có khu công nghiệp.

     4. Kết luận

     Theo kết quả phỏng vấn chung, người dân nhận thấy được các yếu tố thay đổi từ thời tiết, điều kiện canh tác, nhưng một số người dân không khẳng định là do biến đổi khí hậu mà họ di dân. Người dân chỉ xác định vì nhu cầu học tập, hoặc đời sống nên họ rời địa phương này sang địa phương khác để tìm kiếm sinh kế vì trong hộ gia đình vẫn còn người ở lại địa phương. Người dân nhận định các lễ hội trong sinh hoạt văn hóa địa phương thay đổitheo chiều hướng tích cực bởi các lý do:

     - Người dân đi làm xa hoặc dân di cư ít có điều kiện để trở về địa phương đúng ngày diễn ra lễ hội văn hóa ở địa phương, nhưng việc di cư đi các vùng khác đã thay đổi điều kiện kinh tế của các hộ; người dân có thu nhập hơn nên họ đóng góp cho các hoạt động văn hóa tín ngưỡng cộng đồng ở quê hương nhiều hơn. Người di cư đã gửi tiền về cho người còn lại ở địa phương và đóng góp vào các lễ hội tâm linh truyền thống.

     - Mặc dù dân địa phương đã di cư đi, giảm số lượng người ở địa phương, nhưng người dân có đóng góp ngân sách về cho người còn lại. Đồng thời, nhà nước có quan tâm đến các tín ngưỡng văn hóa tâm linh ở địa phương nhiều hơn thông qua việc trùng tu các đền đài, chùa miễu, đường sá. Từ đó thu hút khách du lịch nhiều hơn, tạo điều kiện cho người dân từ các địa phương khác đến tham dự đông. Do đó, các văn hóa tín ngưỡng ở địa phương vẫn được duy trì.

Nguyễn Thị Thanh Nhiện, Lâm Thị Thu Thảo, Trương Văn Hiểu

Trung tâm Nghiên cứu Thích ứng BĐKH và Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I/2021)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016).Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam, Nxb. Tài nguyên môi trường và bản đồ Việt Nam, trang 78.

[2]. https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20180219-dong-bang-cuu-long-di-cu-bien-doi-khi-hau (ngày 16/3/2019)

[3]. Đặng Nguyên Anh, Irene Leonardelli, Ana Alicia Dipierri. 2016. Đánh giá bằng chứng: di cư, môi trường, và biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tổ chức Di cư Quốc tế IOM.(21.40.45.57)

[4] Peter Chaudhry and Greet Ruysschaert (2008). Climate Change & Human Development in Vietnam: A case study for the Human Development Report 2007/2008. Oxfam and UNDP.

IMPACT OF CLIMATE CHANGE ON MIGRANTS LEAD TO CHANGE IN THE TRADITIONAL CULTURAL ACTIVITIES

Nguyen Thi Thanh Nhien, Lam Thi Thu Thao, Truong Van Hieu

Center for climate change adaptation research and community development support(CRCS)

     Abstract: Climate change in the Mekong Delta has significantly affected the cohesion of the residential community, which leads the decline in family size and change of traditional lifestyle; Due to hardship in earning for a living, no longer do people join in traditional cultural festivals of the locality as they did in the past. However, the contribution of migrants on the local culture festivals, so the traditional cultural activities are also maintaining.

     Key words: Climate change, livehood, migration, traditional culture, the Mekong Delta region

 

Ý kiến của bạn