Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Nghiên cứu các dịch vụ hệ sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nhằm bảo tồn và phát triển bền vững

07/01/2022

TÓM TẮT

    Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là một khu đất ngập nước cửa sông, ven biển có khu hệ động, thực vật phong phú và đa dạng với 88 loài thực vật, 113 loài động vật và các kiểu sinh thái đất ngập nước khác nhau. Trong đó có 8 loài động vật thuộc Nghị định 06/2019/ NĐ-CP và 1 loài thực vật trong Danh lục đỏ IUCN. Mặc dù còn một số hộ nghèo, nhưng người dân sống xung quanh khu bảo tồn tự hào về truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử và văn hóa biển sâu sắc, trong đó có việc thờ cá ông (Ông Nam Hải).

    Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng bao gồm các nhóm dịch vụ cung cấp, điêù tiết, văn hóa và hỗ trợ.. Trong đó, các dịch vụ cung cấp và điều tiết như cung cấp nguồn lợi thủy sản, nước cho trồng trọt, điều hòa lũ lụt và đặc biệt là chống xói lở và hạn chế nước biển dâng là rất quan trọng đối với hệ sinh thái cũng như đối với người dân tại Thạnh Phú. Bên cạnh đó, các dịch vụ văn hóa và hỗ trợ cũng rất cần được quan tâm.

    Mặc dù công tác bảo tồn còn gặp nhiều sức ép từ phát triển kinh tế - xã hội như làm vuông tôm, nuôi trồng thủy, hải sản và công nghiệp như điện gió, việc tiếp tục duy trì và bảo tồn hệ sinh thái tại đây cũng như các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái của chúng là vô cùng quan trọng cho việc bảo tồn thiên nhiên cũng như phát triển bền vững khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng trầm trọng hiện nay.

Từ khóa: Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú; Dịch vụ hệ sinh thái

I. MỞ ĐẦU

    Theo Chương trình đánh giá hệ sinh thái (HST) thiên niên kỷ (Millennium Ecosystem Assessment) của UNEP (2005), dịch vụ HST là “những lợi ích con người có được từ các HST, bao gồm dịch vụ cung cấp như thức ăn và nước; các dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán; các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng; và các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi ích phi vật chất khác”.

    Đất ngập nước cửa sông ven biển nói chung, rừng ngập mặn (RNM) nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường, nhất là ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

    Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là một khu đất ngập nước có tính đa dạng sinh học cao, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rất quan trọng cho khu vực, được thành lập theo Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và đến năm 2005 được điều chỉnh lại tại Quyết định số 57/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2005, với diện tích là 2.584 ha.

    Công tác bảo tồn là vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái mà chúng mang lại nhằm phục vụ cho phát triển bền vững – tức là „phát triển đáp ứng được các yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau“ (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, 2018).

    Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng như đánh giá về các dịch vụ hệ sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú cho đến nay hầu như chưa được tiến hành. Bài báo này tập trung vào việc xác định các dạng tài nguyên sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái mà chúng mang lại của khu bảo tồn nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững khu vực Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

II. CÁCH TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Cách tiếp cận

    Đề tài vận dụng cách tiếp cận nghiên cứu hệ thống và tổng hợp, liên ngành giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tiếp cận HST (Ecosystem Approach); tiếp cận phát triển bền vững (PTVB), tiếp cận lịch sử - viễn cảnh, tiếp cận dựa vào cộng đồng và phân tích các bên liên quan. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng vận dung tiếp cận phân tích tổng hợp DPSIR: Động lực (Driver) - Áp lực (Pressure) - Hiện trạng (State) - Tác động (Impact) - Đáp ứng/Ứng phó (Response).

2.2. Phương pháp nghiên cứu           

a) Phương pháp kế thừa và tổng hợp tài liệu: các số liệu kinh tế - xã hội (KT-XH), điều kiện tự nhiên, ĐDSH, diễn biến sử dụng đất của các địa phương; các báo cáo của đề tài/dự án, chương trình nghiên cứu có liên quan; các bản đồ chuyên đề, ảnh vệ tinh khu vực nghiên cứu để phục vụ cho những nghiên cứu phân tích đánh giá dự liệu không gian bằng các phần mềm GIS (Hệ thống thông tin địa lý) phù hợp như ArcGIS, MapInfo.

b) Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: được áp dụng để thu thập bổ sung các thông tin, số liệu và dữ liệu về hiện trạng môi trường, các điều kiện tự nhiên, ĐDSH, hiện trạng và biến động diện tích RNM, các dịch vụ HST, đặc điểm KT-XH, tập quán và kinh nghiệm khai thác tài nguyên và nguồn lợi, các hoạt động sinh kế, công tác quản lý và bảo tồn RNM,...

c) Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (RRA)/Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (RPA) lồng ghép phân tích giới: điều tra và thu thập các thông tin bằng bảng hỏi có cấu trúc, bán cấu trúc, phỏng vấn sâu , hoặc đánh giá thông qua sự tham gia của các nhóm thông tin viên chủ chốt khác nhau.

d) Các phương pháp phân tích số liệu và lượng giá dịch vụ: sử dụng phần mềm Excel hoặc SPSS. Chúng tôi cũng sử dụng phương pháp RAWES để đánh giá tần suất cho điểm.

g) Phương pháp bản đồ, viễn thám và GIS: Tư liệu viễn thám (Landsat, SPOT,...) được sử dụng để thành lập bản đồ hiện trạng và bản đồ biến động RNM, hiện trạng sử dụng đất,... Các phần mềm GIS như ArcGIS, MapInfo được sử dụng xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, thành lập bản đồ chuyên đề.

III. KÊT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Khái quát về đặc điểm tự nhiên và kinh tế-xã hội

3.1.1. Đặc điểm tự nhiên

    Khu bảo tồn Thạnh Phú thuộc địa bàn hành chính các xã An Điền, Thạnh Hải và Thạnh Phong huyện Thạnh Phú, nằm cuối cù lao Minh, giữa 2 sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, tiếp giáp biển Đông (Hình 1).

    Tọa độ địa lý:

- Từ 9047’35” đến 9058’26” vĩ độ Bắc;

- Từ 106034’46” đến 106036’51” kinh độ Đông.

Hình 1. Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre

    Kết quả điều tra, cập nhật hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp đến thời điểm tháng 8 năm 2019 thì tổng diện tích tự nhiên của khu rừng Thạnh Phú là 2.584,00 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 1.886,82 ha, và diện tích đất chưa có rừng là 697,18 ha. Diện tích này được phân bổ trong ba phân khu là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi), phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính, dịch vụ.

3.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

    Trên địa bàn các xã An Điền, Thạnh Hải, Thạnh Phong hiện có 6.704 hộ với 22.834 người dân đang sinh sống . Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong vùng còn khá cao, hiện nay có 861 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,84% cao hơn bình quân toàn huyện Thạnh Phú (11,86%); số hộ cận nghèo là 390 hộ, chiếm tỷ lệ 5,82% cao hơn bình quân toàn huyện Thạnh Phú (5,06%).

    Tình hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu là:

  • Trồng trọt: Tổng diện tích lúa là 1.220,55 ha, trong đó diện tích lúa mùa cấy xen trong ao nuôi tôm quảng canh khoảng 7,85 ha, sản lượng bình quân khoảng 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng 18,84 tấn. Tổng diện tích gieo trồng màu các loại 1.306 ha với các nông sản chủ yếu là dưa hấu, đậu phộng, sắn (củ đậu), xoài.
  • Chăn nuôi: Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tổng đàn có 46.685 con. Trong đó đàn bò hiện có 6.850 con; đàn heo 1722 con; đàn dê 3.123 con; đàn gia cầm 34.990 con.
  • Thuỷ sản: Diện tích nuôi thuỷ sản 7.577,76 ha, trong đó: diện tích tôm rừng 745 ha, sản lượng thu hoạch 59,6 tấn; nuôi tôm quảng canh 5.480,76 ha, sản lượng thu hoạch 548,08 tấn; nuôi tôm thâm canh 752 ha, sản lượng thu hoạch 6.016 tấn; nuôi nghêu 550 ha; nuôi sò 50 ha. Hoạt động khai thác thuỷ sản ổn định, toàn 03 xã có 111 tàu thuyền công suất nhỏ chủ yếu khai thác ven bờ (Đào Văn Hải, 2021).

3.1.3. Di tích văn hóa, lịch sử

    Trong khu vực Thạnh Phú có các di tích, văn hóa và lịch sử có ý nghĩa lịch sử và giá trị lớn như: 1) Di tích lịch sử Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh trên biển; 2) Di tích lịch sử mộ 21 người; và đặc biệt là 3) Giá trị văn hoá lăng Ông Nam hải và 4) và miễu Bà.

3.2.Tài nguyên đa dạng sinh học

3.2.1. Tài nguyên thực vật

    Kết quả điều tra, rà soát danh lục thực vật rừng ở khu rừng đặc dụng Thạnh Phú hiện có 88 loài thuộc 73 chi thuộc 34 họ thực vật khác nhau, trong đó nhóm loài thực vật ngập mặn thực thụ 14 loài,  nhóm loài tham gia vào tổ thành thực vật ngập mặn thực có 9 loài và 65 loài còn lại thuộc nhóm loài xâm nhập ngập mặn. Trong 88 loài thực vật có 1 loài thực vật quý, hiếm có tên trong Danh lục đỏ IUCN là Đước đôi (Rhizophora apiculata Bl..).

3.2.2. Tài nguyên động vật

    Kết quả khảo sát thực địa, phỏng vấn người dân địa phương và tham khảo tài liệu, rà soát, chúng tôi đã xác định có 113 loài động vật thuộc  43 họ, 17 bộ khác nhau. Trong đó: Lớp thú có 14 loài; Lớp chim 70 loài; Lớp bò sát 24 loài; Lớp ếch nhái 5 loài thuộc bộ không đuôi.

    Có 8 loài trong danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (Bảng 1).

Bảng 1. Danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

TT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Nghị định số 06/2019/NĐ-CP

1

Cầy hương

Viverricula indiaca

IIB

2

Mèo rừng

Felis bengalensis

IIB

3

Rắn hổ mang chúa

Ophiophagus hannah

IB

4

Rái cá lông mượt

Lutra perspicillata

IB

5

Rái cá thường

Lutra lutra

IB

6

Bồ nông chân xám

Pelecanus philippinsis

IB

7

Cò lạo xám (Hạc xám)

Mycteria cinerea

IIB

8

Cổ rắn

Anhinga melanogaster

IB

    Đây là các loài động vật không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện sinh kế của người dân.

3.2.3. Hệ sinh thái, cảnh quan rừng và nguồn gen

    Khu bảo tồn Thạnh Phú có các hệ sinh thái đặc trưng cho vùng đất ngập nước cửa sông ven biển. Đó là các bãi bồi (bãi bùn hoặc cát pha bùn, các cửa sông, các khu rừng ngập mặn, các đụn cát có hoặc không có phi lao, các ao nuôi trồng thủy sản.

    Khu rừng Thạnh Phú có 6 cảnh quan rừng: (1) Cảnh quan rừng ngập mặn tự nhiên; (2) Cảnh quan rừng trồng Đước; (3) Cảnh quan rừng trồng Bần; (4) Cảnh quan rừng trồng Mắm; (5) Cảnh quan rừng trồng Phi lao; (6) Cảnh quan rừng trồng Dừa nước.

    Ngoài các loài động, thực vật quý hiếm và nguồn lợi hải sản đa dạng thì nguồn gen quý tại khu vực Thạnh Phú phải kể đến Ba khía, Ốc leng, Củ sắn (Củ đậu) và Xoài tứ quý....

3.3. Các dịch vụ hệ sinh thái

    Các dịch vụ hệ sinh thái của khu vực đất ngập nước khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú được tóm tắt ở Bảng 2 dưới đây.

Bảng 2. Các dịch vụ hệ sinh thái

Dịch vụ Hệ sinh thái
Mức độ
Mô tả
Dịch vụ cung cấp
Thức ăn
+
Thủy sản, đặc biệt con Ba khía, cá thòi lòi
Nước ngọt
++
Trồng lúa, củ đậu, dưa hấu, xoài Tứ Quý
Gỗ, củi
+++

Gỗ (một số ít hộ sống trong vùng lõi của KBT)

Dịch vụ điều tiết

Điều hòa khí hậu
+

Khí hậu mát mẻ

Lọc không khí
+

Không khí trong lành

Chu kỳ dinh dưỡng
++

Lá cây, cành cây rơi xuống làm cho đất tơi xốp

Hấp thụ và lưu trữ các bon
+

Hấp thụ các bon, nhưng do rừng ở đây nghèo nên sư hấp thụ không nhiều”

Kiểm soát lũ lụt, chắn sóng

 
+

Rừng ngăn sự xâm nhập mặn

Dịch vụ văn hóa

Du lịch
+

Du lịch ở KBTTNĐNN Thạnh Phú chưa phát triển, chỉ là du lịch tự phát do công ty tư nhân tổ chức đi tắm biển và ăn hải sản.

Giáo dục và nghiên cứu
++

Các hoạt động giáo dục và nghiên cứu còn hạn chế

Tham quan giải trí
++

Chỉ có một số hoạt động câu cá

Ngắm chim
++

Ngoài các đoàn khảo sát thì chưa có hoạt động ngắm chim tại địa phương

Giá trị tinh thần/truyền cảm hứng
+++

Ít thấy tính tâm linh, hay văn hóa, tinh thần của Khu đất ngập nước này.

Dịch vụ hỗ trợ

Tái tạo dinh dưỡng cho đất
++

Đất phù sa và cành cây lá rụng góp phần tái tạo dinh dưỡng cho đất (đất ở RNM).

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp
+

Nhờ có RNM chắn sóng, ngăn nước mặn nên người dân mới có thể làm nông nghiệp.

Bãi đẻ, nguồn cung ứng thức ăn, con giống tự nhiên
+

Là nơi ương và sinh sản của nhiều loài hải sản cũng như một số loài động vật khác.

Nguồn: Điều tra thực địa 2020, 2021

Ghi chú: +            Cao

              ++         Trung bình

              +++      Thấp

3.3.1. Dịch vụ cung cấp
    Các dịch vụ cung cấp của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thạnh Phú điển hình: cung cấp thực phẩm (+ = 40) đều có tác dụng tích cực đóng góp tại KBTTN Thạnh Phú. 
    Hình 2 cho thấy sự chiếm ưu thế của những đóng góp tích cực được tạo ra bởi các vùng đất ngập nước đối với cuộc sống của con người. Có sự khác biệt giữa bốn loại dịch vụ hệ sinh thái chính. Dịch vụ cung cấp quan trọng nhất, với nước ngọt, chất xơ và nhiên liệu, nguồn gen và xử lý chất thải cũng mang lại hiệu quả tích cực sự đóng góp. Dịch vụ văn hóa không phát triển tại KBTTN Thạnh Phú, du lịch, văn hóa, tín ngưỡng đều chưa phát triển.

Hình 2. Dịch vụ cung cấp và văn hóa - tần suất cho điểm

    Sự thay đổi tổng thể trong việc phân phối các đóng góp tích cực (++ hoặc +) được thực hiện bởi các dịch vụ hệ sinh thái được minh họa bằng cách vẽ biểu đồ điểm trung bình cho mỗi dịch vụ hệ sinh thái so với độ lệch chuẩn. Dữ liệu chứng minh rằng khi tần suất của điểm số ++ tăng, sự biến đổi cũng tăng lên cho thấy rằng đối với những dịch vụ này, ý nghĩa của chúng khác nhau giữa các dịch vụ. Ngược lại, các dịch vụ có điểm có xu hướng + cho thấy sự tương đồng cao hơn. Dịch vụ cung cấp chủ yếu tập trung vào cung cấp thức ăn và nước sạch cho nuôi trồng thủy sản, sự cho điểm không đồng đều giữa các mức độ, đặc biệt dịch vụ văn hóa, hầu như những người phúc đáp đều cho điểm 0, thực tế là du lịch, văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục ở KBTTN Thạnh Phú chưa phát triển (Bảng 3).

Bảng 3. Tần suất của điểm các dịch vụ hệ sinh thái (dịch vụ cung cấp)

Dịch vụ hệ sinh thái

N

++

+

0

-

--

Nước sạch

60

5

25

26

3

1

Thức ăn

60

11

43

6

0

0

Sợi và nhiên liệu

60

1

14

45

0

0

Nguồn gien

62

3

23

36

0

0

Hóa vi sinh, thuốc nam, dược phẩm

62

3

46

12

1

0

Nguồn cây cảnh

62

3

5

54

0

0

Đất sét, khoáng sản

62

0

1

61

0

0

Xử lý chất thải

62

1

28

25

5

3

Thu năng lượng từ không khí tự nhiên và dòng nước

62

0

1

61

0

0

Cung cấp nơi sống

62

27

25

10

0

0

Dịch vụ văn hóa

Di sản văn hóa

62

2

18

41

0

1

Giải trí và du lịch

60

7

17

33

3

0

Giá trị thẩm mỹ

62

4

37

19

1

1

3.3.2. Các dịch vụ điều tiết 

    Các dịch vụ điều tiết: điều tiết nước (++ = 16), điều hòa khí hậu toàn cầu (++ = 15) và tổng hợp ảnh (++ = 14) cũng đóng góp tích cực đáng kể. Điều tiết khí hậu địa phương (+ = 48), ngăn ngừa sâu bệnh (+ = 45). Xử lý chất thải (- = 3) đóng góp nhiều nhất xảy ra ở cả 3 xã vùng đệm của KBTTN Thạnh Phú. Các dịch vụ điều tiết mang lại nhiều đóng góp tích cực trong việc điều hòa khí hậu, trên cả quy mô địa phương và toàn cầu; sự điều tiết của nước; kiểm soát ô nhiễm không khí; tầm quan trọng của đất ngập nước trong việc thụ phấn và khả năng hoạt động sinh thái của các vùng đất ngập nước để kiểm soát sâu bệnh hại và các loại bệnh truyền nhiễm đều được ghi nhận (Bảng 4 và Hình 3).

Bảng 4. Tần suất các dịch vụ điều tiết và điểm

Dịch vụ hệ sinh thái
N
++
+
0
-
--
Điều tiết chất lượng không khí
60
9
40
7
4
0
Điều tiết khí hậu- khu vực
62
8
48
6
0
0
Điều tiết khí hậu – toàn cầu
62
15
17
29
1
0
Điều tiết nước ngọt
62
16
35
10
1
0
Điều tiết nguy cơ thiên nhiên2
62
2
23
36
1
0
Điều tiết côn trùng
61
4
45
9
3
0
Điều tiết dịch bệnh – con người
61
2
25
33
0
1
Điều tiết dịch bệnh – vật nuôi
51
0
8
43
0
0
Điều tiết xói mòn
62
8
27
27
0
0
Lọc nước và xử lý chất thải
62
6
30
23
3
0
Thụ phấn
62
3
50
7
2
0
Điều tiết độ mặn, điều tiết cháy
62
0
19
43
0
0
Điều tiết tiếng ồn và tầm nhìn
61
1
36
20
4
0
 

Hình 3. Dịch vụ điều tiết - tần suất cho điểm
    Sự thay đổi tổng thể trong việc phân phối các đóng góp tích cực (++ hoặc +) được thực hiện bởi các dịch vụ hệ sinh thái được minh họa bằng cách vẽ biểu đồ điểm trung bình cho mỗi dịch vụ hệ sinh thái so với độ lệch chuẩn. Dữ liệu chứng minh rằng khi tần suất của điểm số ++ tăng, sự biến đổi cũng tăng lên cho thấy rằng đối với những dịch vụ này, ý nghĩa của chúng khác nhau giữa các dịch vụ. Ngược lại, các dịch vụ có điểm có xu hướng + cho thấy sự tương đồng cao hơn. 
3.3.3. Các dịch vụ hỗ trợ được ghi nhận tại KBTTN Thạnh Phú

    Các dịch vụ hỗ trợ được ghi nhận tại KBTTN Thạnh Phú theo phương pháp RAWES, tần suất và mức độ cho điểm được thể hiện trong Bảng 5 và Hình 4: hình thành đất (+ = 26), chu kỳ dinh dưỡng (+ = 42)

Bảng 5.  Tần suất các dịch vụ hỗ trợ và điểm số

Dịch vụ hệ sinh thái

N

++

+

0

-

--

Hình thành đất

62

6

26

30

0

0

Năng suất sơ cấp

62

9

28

23

2

0

Chu kỳ dinh dưỡng

62

8

42

11

1

0

Chu kỳ nước

61

6

29

23

3

0

Quang hợp

62

14

25

23

0

0

Hình 4. Dịch vụ hỗ trợ - tần suất cho điểm

    Dịch vụ hỗ trợ tại KBTTN Thạnh Phú được đánh giá đóng góp tiềm năng theo hướng tích cực tương đối cao, tuy nhiên, tỷ lệ những người cho rằng dịch vụ này đóng góp không đáng kể (điểm 0) cũng chiếm gần 1/2, điều này cho thấy, mặc dù dịch vụ hỗ trợ của dịch vụ hệ sinh thái ở đây không cung cấp trực tiếp bằng tiền cho người dân, tuy nhiên, họ cũng nhận thấy vai trò của nó trong đời sống và sản xuất.

3.3.4. Dịch vụ văn hóa

    Các giá trị về văn hóa xã hội mà người phỏng vấn trả lời trong quá trình khảo sát thực địa cho thấy họ nhận thức tốt về đa dạng sinh học và các di tích lịch sử cũng như kinh tế và cuộc sống bền vững. Tuy nhiên, các giá trị thẩm mỹ, văn hóa, giải trí, tinh thần và giải pháp trị liệu không được đánh giá cao. Bên cạnh đó, mặc dù có một số hoạt động du lịch được phát triển nhưng còn hạn chế. Các hoạt động xem chim hầu như chưa có.

IV. KẾT LUẬN

    Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là một khu đất ngập nước cửa sông, ven biển có khu hệ động, thực vật phong phú và đa dạng. Tại đây đã thống kê được 88 loài thực vật, 113 loài động vật và các kiểu sinh thái đất ngập nước khác nhau.

    Kinh tế-xã hội của khu vực chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, khu vực vẫn còn một số hộ nghèo, nhưng người dân sống xung quanh khu bảo tồn tự hào về truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử và văn hóa biển sâu sắc, trong đó có việc thờ cá ông (Ông Nam Hải).

    Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng. Trong đó, các dịch vụ cung cấp và điều tiết như cung cấp nguồn lợi thủy sản, nước cho trồng trọt, điều hòa lũ lụt và đặc biệt là chống xói lở và hạn chế nước biển dâng là rất quan trọng đối với hệ sinh thái cũng như đối với người dân tại Thạnh Phú. Bên cạnh đó, các dịch vụ văn hóa và hỗ trợ cũng rất cần được quan tâm. Mặc dù hiện nay, du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng chưa phát triển, xong các tài nguyên để phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân và góp phần vào công tác bảo tồn, phát triển bền vững của khu vực là rất lớn. Khu vực này cũng là nơi ương và sinh trưởng của nhiều loài thủy sản có ý nghĩa kinh tế và khoa học cao. Thêm vào đó, khu vực còn là nơi sống của 8 loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ và một loài thực vật trong Danh lục đỏ IUCN - và cũng là tài nguyên du lịch quan trọng.

    Công tác bảo tồn còn gặp nhiều sức ép từ phát triển kinh tế - xã hội như làm vuông tôm, nuôi trồng thủy, hải sản và công nghiệp như điện gió,…Kết quả nghiên cứu của chúng tôi mới chỉ là bước đầu. Cần có các khảo sát nghiên cứu sâu hơn về chức năng cũng như các dịch vụ hệ sinh thái của khu vực nhằm bảo tồn thiên nhiên cũng như phát triển bền vững khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng trầm trọng hiện nay.

Lời cảm ơn: Bài báo được hoàn thành trong khuôn khổ của Đề tài “Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Bến Tre và Nam Định, đề xuất các giải pháp quản lý và sử dụng bền vững”. Mã số QG.19.71.56. Chúng tôi xin cảm ơn Đại học Quốc gia Hà Nội đã tài trợ kinh phí để thực hiện đề tài. Cảm ơn Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN đã tạo điều kiện và hỗ trợ chúng tôi trong suốt quá trình triển khai, thực hiện. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các lãnh đạo địa phương tỉnh Bến Tre và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thạnh phú đã tạo điều kiện, hỗ trợ, cung cấp thông tin và cử cán bộ tham gia điều tra cùng đoàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Assessment, M. E., 2005. Ecosystems and Human Well-being: Bio-diversity Synthesis (Millennium Ecosystem Assessment Series). Island Press, Washington, DC.

2. Báo cáo dự án đầu tư bảo vệ và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre giai đoạn 2005 - 2010;

3. Chính phủ CHXHCN Việt Nam, 2021. Nghị định 06/2019/ NĐ-CP. Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

4. Craik, R.C & Lê Quý Minh (2018). Birds of Vietnam. Lynx and Birdlife International Field Guides. Lynx Editions, Barcelona.

5. Đào Văn Hải, 2021. Nghiên cứu sinh trưởng và trữ lượng cacbon của rừng trồng Đước đôi (Rhizophora apiculata Blume.) tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Luận văn Thạc sĩ Lâm học. Trương Đại học Lâm nghiệp. Pp 80+ trang.

6. Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, 2018. Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. NXB Chính trị quốc gia sự thật. Hà Nội, 2018. 667 trang.

7. Hoàng Văn Thắng (Chủ nhiệm), Hà Thị Thu Huế, Nguyễn Viết Lương, Hoàng Hải Dương, Đỗ Nhật Huỳnh, 2021. Báo cáo Tổng hợp đề tài Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Bến Tre và Nam Định, đề xuất các giải pháp quản lý và sử dụng bền vững. Mã số QG.19.71. 56.

8http://www.iucnredlist.org/apps/redlist/search

Hoàng Văn Thắng, Hà Thị Thu Huế, Đỗ Nhật Huỳnh, Hoàng Hải Dương

Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Viết Lương

Viện Công nghệ vũ trụ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

 

Research on ecosystem services of Thanh Phu Nature Reserve, Ben Tre province for conservation and sustainable development

Hoang Van Thang, Ha Thi Thu Hue, Hoang Hai Duong, Do Nhat Huynh

Central Institute for Environment and Natural Resources Studies (CRES), Vietnam National University, Hanoi (VNU).

Nguyen Viet Luong

Space Technology Institute (STI), Vietnam Academy of Science and Technology (VAST)

    The Thanh Phu Nature Reserve of Ben Tre province is an estuarine wetland system. It contents a richness and diversity of plants and animals. A total number of 88 plant speices and 113 animal species have been identified together with many wetland types. Of those species, there are 8 animal species belong to Decree No.06/2019/ ND-CP of the Government of Vietnam and 1 plant species under IUCN Redlist. Despite some poor families still remained, the local people are pround of their spiritial history and marine culture inclung the worship the whale (Sir Nam Hai). The Thanh Phu Nature Reserve provides four groups of ecosystem services including provision, regulation, culture and support. Of those, provision and regulation services like fishery products, water for agriculture, flood control and bank erosion and sea level rise prevention are very crucial to ecosystems as well as local people of Thanh Phu. In addition, cultural and support services are needed taken into consideration. Despite the pressure from socio-economic development like shrimp farming, aquaculture and wind energy development, the continuing maintenance and conservation the ecosystems with their functions and ecosystem services play very important role for the conservation and sustainable development of the area, especially in the context of serious climate change and sea level rise recently.

Key words: Thanh Phu Nature Reserve; Ecosystem services.

 

Ý kiến của bạn