Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 01/01/2025

Một số nguyên tắc khoanh vùng bảo tồn các giá trị di sản địa chất - Áp dụng thử nghiệm khoanh vùng bảo tồn di sản, cụm di sản địa chất khu vực Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

12/12/2022

Tóm tắt

    Hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất (CVĐC) được công nhận là CVĐC Toàn cầu và 1 CVĐC cấp tỉnh đã trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận. Hệ thống di sản của CVĐC Việt Nam (tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Đăk Nông, Quảng Ngãi) bước đầu đã được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản điều tra nghiên cứu xác lập và sơ bộ phân loại theo GILGES (Global Indicative List of Geological Sites). Sau khi đã được phát hiện, nhận dạng, sơ bộ phân loại và đánh giá xếp hạng thì công việc quan trọng tiếp theo là phải khoanh vùng, đảm bảo tính toàn vẹn của chúng, đồng thời xác định các yếu tố rủi ro, cả hiện hữu lẫn tiềm ẩn, cả tự nhiên lẫn nhân sinh, tác động đến chúng, từ đó đề xuất triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. Trong bài viết này,nhóm tác giả sẽ đề cập đến một số nguyên tắc trong khoanh vùng bảo tồn DSĐC và áp dụng thử nghiệm cho một cụm điểm di sản khu vực CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Từ khóa: CVĐC, DSĐC,  bảo tồn, khoanh vùng di sản.

Nhận bài: 7/11/2022; Sửa chữa: 16/11/2022; Duyệt đăng: 23/11/2022.

1. Mở đầu

    Trong lịch sử phát triển, nhận thức của con người về vai trò của thiên nhiên và cách ứng xử với thiên nhiên trải qua rất nhiều thay đổi. Từ thuở sơ khai, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Dần dần, họ đã biết cách sống thích ứng và hài hòa với thiên nhiên, biết khai thác những lợi thế của thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi trình độ khoa học công nghệ ngày càng phát triển và đạt được những đỉnh cao mới thì mức độ xâm hại của con người đối với thiên nhiên ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của loài người và muôn loài trên Trái Đất. Để góp phần giải quyết vấn đề này, UNESCO thông qua Mạng lưới CVĐC Toàn cầu luôn khuyến khích việc xây dựng và phát triển các CVĐC nhằm hướng tới thực hiện ba mục tiêu: Bảo tồn tổng thể các giá trị di sản (trong đó chủ đạo là các DSĐC); Nâng cao nhận thức cộng đồng về DSĐC, di sản thiên nhiên và ý thức BVMT, bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất; Phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng cư dân địa phương.  

    Việt Nam đến nay đã có 3 CVĐC được công nhận là CVĐC Toàn cầu và 1 CVĐC cấp tỉnh đã trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận. Hệ thống di sản của CVĐC Việt Nam (tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Đăk Nông, Quảng Ngãi) bước đầu đã được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản điều tra nghiên cứu xác lập và sơ bộ phân loại theo GILGES (Global Indicative List of Geological Sites). Tương tự như các loại hình di sản khác, đối với các di sản địa chất (DSĐC), sau khi đã được phát hiện, nhận dạng, sơ bộ phân loại và đánh giá xếp hạng thì công việc quan trọng tiếp theo là phải khoanh vùng, đảm bảo tính toàn vẹn của chúng, đồng thời xác định các yếu tố rủi ro, cả hiện hữu lẫn tiềm ẩn, cả tự nhiên lẫn nhân sinh, tác động đến chúng, từ đó đề xuất triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. Các biện pháp này có thể bao gồm cả các biện pháp phi công trình lẫn công trình, nhưng quan trọng hơn, cần được tích hợp với các loại hình di sản khác, đảm bảo bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của chúng. Hơn thế nữa, hiện tại có rất nhiều “geosites” có giá trị khoa học, thẩm mỹ nổi bật cũng cần được khoanh vùng bảo tồn.

2. Sự cần thiết của việc khoanh vùng bảo tồn DSĐC

    Hiện nay, các địa phương trong cả nước nói chung và các địa phương có CVĐC nói riêng đang có rất nhiều quy hoạch như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch xây dựng vùng, Quy hoạch du lịch, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch khai thác khoáng sản... Tuy nhiên, hầu hết các quy hoạch này đều được lập trong bối cảnh CVĐC chưa hoặc mới được thành lập, vì thế chưa lồng ghép các khái niệm về DSĐC, CVĐC... mặc dù đều định hướng phát triển khu vực theo hướng bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch. DSĐC như một dạng tài nguyên đáng kể, có thể góp phần quan trọng hiện thực hóa các quy hoạch nêu trên. Các vấn đề của CVĐC hay các tiêu chí, yêu cầu của UNESCO đối với một CVĐC... chưa được thể hiện trong các quy hoạch. Quan trọng hơn, bản thân các quy hoạch trên, có thể do các đơn vị tư vấn khác nhau lập, ở nhiều khía cạnh, cũng chưa được tích hợp với nhau một cách hữu cơ, và chưa giúp chính quyền và nhân dân địa phương có một cái nhìn tổng thể về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, cũng như hướng đi, mô hình và những giải pháp hướng tới phát triển bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, BVMT, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc điều tra khoanh vùng để bảo tồn các giá trị DSĐC, các geosite là thực sự cần thiết.

    Các nguyên tắc khoanh vùng DSĐC được xây dựng trên cơ sở phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu thu thập và tổng hợp tài liệu trong và ngoài nước. Đồng thời, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tế đảm bảo nguồn số liệu đủ độ tin cậy, chính xác cao. Các nguyên tắc khoanh vùng DSĐC được xây dựng sẽ được áp dụng cho việc khoanh vùng bảo vệ hệ thống DSĐC mạng lưới CVĐC Việt Nam; định hướng cho công tác bảo tồn tổng thể các giá trị di sản, tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị di sản, quản lý và khai thác hiệu quả các giá trị DSĐC cũng như các di sản khác, trên cơ sở đó đẩy mạnh phát triển du lịch địa chất và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển hài hòa giữa lợi ích của người dân và BVMT trong khu vực CVĐC, đáp ứng các tiêu chí do UNESCO đề ra đối với một thành viên của (GGN).

3. Một số nguyên tắc khoanh vùng di sản/cụm di sản

    Những công đoạn đầu tiên của công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản gồm:

  • Nhận dạng, phát hiện, mô tả di sản cùng các thuộc tính của di sản;
  • Đánh giá về tính chân xác (đối với di sản văn hóa) và tính toàn vẹn (cả di sản văn hóa lẫn di sản tự nhiên) của di sản;
  • Đánh giá, đề xuất, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di sản. Hoặc ít nhất, trước khi làm được việc này, là xây dựng danh mục các điểm di sản cần bảo vệ; 
  • Khoanh vùng bảo vệ di sản...

    Việc nhận dạng, phát hiện, mô tả, đánh giá di sản thường do các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau đảm nhiệm. Theo đó cơ bản phân ra di sản văn hóa (bao gồm các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ học...) và di sản tự nhiên (chủ yếu bao gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học về Trái đất, như đa dạng sinh học, hệ sinh thái, địa chất - địa mạo...). Các di sản văn hóa cũng được chia thêm ra thành di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

    Việc nhận dạng, phát hiện, mô tả, đánh giá các di sản văn hóa, cũng như các di sản tự nhiên liên quan đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái, là một công việc tương đối có truyền thống, cả ở trên thế giới lẫn ở Việt Nam. Kết quả là Nhà nước đã có một hệ thống cơ sở pháp lý khá đầy đủ, quy định, hướng dẫn chi tiết như đối với các di sản văn hóa là Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10, Luật số 32/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa... Đối với các giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái (cụ thể là các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên...) Quốc hội cũng đã ban hành một số đạo luật, như Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11, Luật Thủy sản số 17/2003/QH11, Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12.. Dưới đây, nhóm tác giả sẽ phân tích vị trí DSĐC và CVĐC trong Luật Khoáng sản và Luật Di sản văn hóa làm cơ sở để định hướng xây dựng nguyên tắc khoanh vùng di sản.

 3.1. Vị trí của DSĐC và CVĐC trong Luật Khoáng sản

    Nghiên cứu, phân tích điều 1 và 2 của Luật Khoáng sản, có thể nhận thấy, Luật Khoáng sản không bao trùm mọi loại hình tài nguyên địa chất. Vì thế, với tư cách như là một dạng tài nguyên địa chất và không được khai thác như một loại hình khoáng sản, các DSĐC không phải là khoáng sản. Các hoạt động nghiên cứu, điều tra về DSĐC, bảo vệ và phát huy giá trị DSĐC, xây dựng CVĐC, quản lý nhà nước về DSĐC và CVĐC... không phải là đối tượng áp dụng của Luật Khoáng sản.

3.2. Vị trí của DSĐC và CVĐC trong Luật Di sản Văn hóa

    Nghiên cứu các điều 4 của Luật Di sản văn hóa, Điều 28, 29, Mục 1, Chương IV của Luật Di sản Văn hóa có thể thấy rằng: DSĐC có thể được coi là một loại hình của di vật hoặc bảo vật quốc gia, tức là một loại hình của di sản văn hóa vật thể. Các yếu tố văn hóa cấu thành nên di sản địa văn hóa (DSĐVH) có thể được coi là một loại hình của di sản văn hóa phi vật thể. CVĐC có thể được coi là một loại hình của danh lam thắng cảnh. DSĐC, DSĐVH hoặc CVĐC có thể được chia thành các cấp độ địa phương, quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên cần có hướng dẫn, giải thích cụ thể thêm đối với DSĐC và CVĐC. Tóm lại, vận dụng Luật di sản văn hóa như đã nêu trên, có thể tiến hành khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị các DSĐC một cách tương tự như các điểm di sản văn hóa vật thể.

3.3. Đánh giá, xếp hạng DSĐC ở các CVĐC Việt Nam

    Để đánh giá, xếp hạng DSĐC, hiện nay chưa có một hệ thống đánh giá thống nhất. Mỗi quốc gia thường phát triển một hệ thống đánh giá của riêng mình mặc dù cũng tuân thủ một số nguyên tắc chung. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Đề tài KHCN cấp Nhà nước (Mã số KC.08.20/06-10) “Điều tra nghiên cứu các DSĐC và đề xuất xây dựng CVĐC ở miền Bắc Việt Nam” đã đề xuất một hệ thống đánh giá, xếp hạng DSĐC định lượng.

    Theo đó, các DSĐC cùng kiểu loại của từng khu vực được chuyên gia cho điểm trên cơ sở so sánh tương đối giữa chúng với nhau và với các DSĐC ở các khu vực khác. Tổng số điểm tối đa một DSĐC có thể đạt là 100. Trên cơ sở điểm đánh giá, các DSĐC được đề nghị xếp hạng thành: DSĐC cấp quốc gia (>50 điểm) và cấp địa phương (<50 điểm). Trong số các DSĐC cấp quốc gia, những di sản nào có tổng số điểm của các tiêu chí 1 (giá trị khoa học và giáo dục) và 2 (tính đa dạng địa chất) ≥ 35 điểm sẽ được đề nghị xếp hạng quốc tế.

    Theo đề xuất trên, các DSĐC sẽ được đánh giá một cách hệ thống, định lượng, theo các mục: Giá trị khoa học và giáo dục (bao gồm tính toàn vẹn, mức độ hiếm gặp, tính đại diện, mức độ điển hình); Tính đa dạng địa chất; Giá trị cảnh quan, thẩm mỹ; Giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử; Các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn (bao gồm các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn, hiện trạng pháp lý của công tác bảo tồn); và tiềm năng khai thác, sử dụng (bao gồm mức độ nổi trội, dễ nhận biết; vị thế địa lý; điều kiện đi lại; và triển vọng tạo công ăn việc làm mới).

3.4. Khoanh vùng di sản/cụm di sản

3.4.1. Đề xuất các mức bảo vệ các điểm di sản

    Theo như đã phân tích ở trên thì các di sản văn hóa, đa dạng sinh học và kể cả DSĐC đều có thể khoanh vùng bảo vệ vận dụng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Theo đó, theo quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì các khu vực bảo vệ DSĐC bao gồm:

  • Khu vực bảo vệ I gồm DSĐC và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành DSĐC. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
  • Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của DSĐC, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di sản nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di sản.
  • Hoạt động xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
  • Khoảng cách giữa các khu vực bảo vệ di sản cấp I và cấp II không được quy định cụ thể bởi luật hoặc nghị định, nhưng thường không quá nhỏ để làm mất ý nghĩa của việc khoanh vùng này, nhưng cũng không quá lớn để có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-xã hội khác. Trong thực tế khoảng cách này thường được xác định bởi đơn vị tư vấn phối hợp với các cấp quản lý địa phương, có xem xét đến đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, đặc thù quản lý ở địa phương, nhu cầu sử dụng đất cũng như các phương án phát triển kinh tế-xã hội khác..., thông thường dao động trong khoảng một (thiếu nội dung)

3.4.2. Khoanh vùng bảo vệ các cụm điểm di sản

    Quá trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá các loại hình di sản, thành lập CVĐC thực tế thường có một kết quả là xác định được một số cụm điểm di sản, bao gồm cả các giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, đa dạng sinh học lẫn địa chất, địa mạo... Các điểm di sản trong từng cụm thường nằm khá gần nhau và thường có một số đặc điểm chung, chẳng hạn như cùng được quyết định bởi một số yếu tố địa hình, địa vật, địa chất, địa lý tự nhiên, điều kiện khí hậu, hệ sinh thái, các yếu tố xã hội khác. Các điểm di sản này cũng thường bổ trợ, bổ sung lẫn cho nhau... Vì thế sẽ là khá thuận lợi nếu như tất cả chúng cùng được quản lý, bảo tồn (thí dụ bởi cùng một chủ thể quản lý, cùng một mô hình, cơ chế...) và phát huy giá trị một cách tổng thể (thí dụ cùng được khai thác, sử dụng trong khuôn khổ một tour du lịch. Chi phí cho việc quản lý, bảo tồn, hoặc việc đầu tư phát huy giá trị đồng thời các điểm di sản này cũng sẽ hợp lý hơn (thí dụ xây dựng một tuyến đường giao thông kết nối các điểm di sản này, hoặc một số hạng mục cơ sở hạ tầng khác như trạm dừng chân, nhà nghỉ, nhà hàng...). Ngược lại, nếu như các điểm di sản này không được tích hợp lại trong một cụm điểm, không được cùng quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, rất có thể xảy ra trường hợp là có những hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác (thí dụ khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng...) xen vào và vô tình phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái chung của cả cụm di sản.

    Vì thế trong phạm vi các CVĐC xuất hiện thêm khái niệm về cụm di sản, và theo đó nhu cầu khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị các cụm di sản. Đối với từng điểm di sản trong cụm, việc xác định ranh giới khu vực bảo vệ cấp I, cấp II vẫn thực hiện theo đúng quy định. Việc xác định ranh giới cụm di sản, ở đây gọi là cấp III, được thực hiện dựa trên một số yếu tố như: Ranh giới quản lý hành chính cấp huyện, xã; Các đặc điểm tự nhiên, như đường sống núi, sông suối; Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác... Nói cách khác, đường ranh giới cụm di sản, theo đó sẽ bao tất cả các điểm di sản của cụm, thuận với tự nhiên, thuận tiện cho việc quản lý, và không quá rộng để có thể ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển khác.

    Tương tự như các điểm di sản, các cụm di sản cơ bản sẽ được chính quyền địa phương các cấp huyện, xã quản lý về hành chính và được Sở VHTTDL/Ban quản lý CVĐC hỗ trợ về chuyên môn. Để thuận lợi cho việc quản lý các hệ thống cột mốc cụm và điểm di sản, chúng tôi quy ước một số ký hiệu như sau:

Bảng 1. Các kiểu DSĐC theo phân loại GILGES của UNESCO

TT

Kiểu DSĐC

TT

Kiểu DSĐC

1

Kiểu A: Cổ sinh

7

Kiểu F: Khoáng vật (khoáng sản)

2

Kiểu B: Địa mạo

8

Kiểu H: Kinh tế địa chất

3

Kiểu C: Cổ môi trường

9

Kiểu I: Kiến tạo (lịch sử địa chất)

4

Kiểu D: Đá

10

Kiểu K: Các vấn đề vũ trụ

5

Kiểu E: Địa tầng

11

Kiểu L: Những đặc trưng địa chất cỡ lục địa/đại dương

6

Kiểu V: Di sản văn hóa

12

Kiểu S: Đa dạng sinh học

 

    Mỗi một cột mốc di sản sẽ bắt đầu bằng chữ G (Geosite), tiếp theo chữ ký hiệu kiểu di sản, số tiếp theo là số thứ tự của điểm di sản trong hệ thống di sản;  số tiếp theo là thứ tự các cột mốc được xác định cho từng điểm di sản (tùy thuộc vào mức độ phân bố của di sản mà sẽ đánh dấu một số cột mốc cho điểm di sản (khoảng cách giữa 2 cột mốc dao động từ 50-100-200m cho điểm di sản, đối với cụm di sản dao động từ 500-1000m); Ví dụ: G1-B1-2 (G1 - Cụm di sản  số 1, B1 -  điểm di sản địa mạo được đánh số thứ tự 1 trong hệ thống di sản, 2: Vị trí mốc số 2;

4. Áp dụng thử nghiệm khoanh vùng bảo tồn di sản/cụm DSĐC

    Trên cơ sở các nguyên tắc khoanh vùng được xây dựng, tập thể tác giả đã áp dụng thử nghiệm khoanh vùng bảo tồn các điểm di sản/cụm điểm di sản khu vực CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng. Sau đây là kết quả khoanh vùng bảo tồn cho một điểm/cụm điểm di sản.

4.1. Khoanh vùng bảo tồn điểm di sản Địa hình đỉnh - lũng karst (G1-B8) thuộc cụm di sản số 1 - Thành Nà Lữ CVĐC Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng

    Điểm di sản Địa hình đỉnh - lũng karst thuộc kiểu B (Địa mạo), quá trình hòa tan rửa rũa bao quanh cánh đồng carư thể hiện quá trình karst theo 3 giai đoạn. Trên cơ sở khoa học và đánh giá thực tiễn, diện tích của điểm di sản G1-B8 được khoanh định trên toàn bộ diện tích đá vôi của hệ tầng Bắc Sơn (C-Pbs) trong địa phận xã Hồng Việt, huyện Hòa An. Diện tích khoanh định ở mức 2 có diện tích là 6,196 km2 (Hình 1).

  • Phía Bắc giáp sông Dẻ Rào
  • Phía Nam giáp đường giao thông liên xã, xóm Phiềng Xa xã Minh Tâm
  • Phía Đông giáp xóm Lam Sơn, xã Hồng Việt
  • Phía Tây giáp bản Khuổi Luông xã Bình Long

Hình 1. Sơ đồ khoanh vùng điểm di sản địa hình đỉnh lũng karst G1-B8

4.2. Khoanh vùng di sản cụm di sản số 1 - Cụm Nà Lữ

    Việc xác định ranh giới cụm di sản, ở đây gọi là cấp III, được thực hiện dựa trên một số yếu tố: Ranh giới quản lý hành chính cấp huyện, xã; Các đặc điểm tự nhiên, như đường sống núi, sông suối; Các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác...

    Nói cách khác, đường ranh giới cụm di sản, theo đó sẽ bao tất cả các điểm di sản của cụm, thuận với tự nhiên, thuận tiện cho việc quản lý, và không quá rộng để có thể ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển khác. Tương tự như các điểm di sản, các cụm di sản cơ bản sẽ được chính quyền địa phương các cấp huyện, xã quản lý về hành chính và được Sở VHTTDL/Ban quản lý CVĐC hỗ trợ về chuyên môn (Hình 2).

Hình 2. Sơ đồ khoanh vùng cụm di sản 1 - Thành Nà Lữ

    Cụm di sản Thành Nà Lữ gồm 26 điểm di sản, trong đó có 18 điểm di sản văn hóa, 8 điểm DSĐC (địa mạo, kiến tạo). Đã phân vùng bảo vệ di sản ở các mức sau: 13 điểm di sản văn hóa được Sở VHTT&DL khoanh định bảo vệ, 2 điểm khảo cổ xác định được vị trí; 3 điểm di sản văn hóa được khoanh định bảo vệ ở mức 1 và mức 2; 8 điểm DSĐC được khoanh vùng bảo vệ ở mức 2 - Vùng di sản bảo tồn tại chỗ, hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến cảnh quan di sản; Trong diện khoanh định bảo vệ của các điểm di sản cụm Thành Nà Lữ có các mỏ sau nằm trong diện đề xuất ngừng khai thác: Mỏ phốt phát Lam Sơn, Mỏ sắt Bó Lếch - Hào Lịch.

5. Kết luận

    Khoanh vùng di sản là yêu cầu thiết yếu cho việc thiết lập sự bảo vệ hiệu quả các di sản khu vực CVĐC. Cần vạch ra các đường ranh giới có thể đảm bảo tính toàn vẹn và/hoặc xác thực, thể hiện đầy đủ giá trị nổi bật của di sản.

    Khoanh vùng di sản có mục tiêu chính là xác định, mô tả chi tiết di sản, lưu giữ mẫu vật; xác định các yếu tố rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn, cả tự nhiên lẫn nhân sinh; đề xuất giải pháp giảm thiểu các yếu tố đó, bảo vệ, cải thiện cách tiếp cận di sản. Mặt khác, làm cơ sở để đề xuất, lựa chọn và triển khai phương án bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản, góp phần tạo sinh kế mới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc địa phương và phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững. Việc nghiên cứu đề xuất nguyên tắc khoanh vùng bảo tồn di sản sẽ góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

    Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Bộ TN&MT, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trong khuôn khổ Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn khoanh vùng bảo tồn các giá trị DSĐC”” và dự án cấp tỉnh cấp tỉnh: “Điều tra khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở khu vực CVĐC Non nước Cao Bằng”.

Tài liệu tham khảo

1. Bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1/200.000 tờ Chinh Si-Long Tân. Trung tâm Thông tin Lưu trữ Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2. Bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Bản Cốc Càng, Cao Bằng, BĐ 284 Danh pháp F48-45B+ F48-45D. Trung tâm Thông tin Lưu trữ Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

3. Đỗ Thị Yến Ngọc và nnk. 2018-2019. Tài liệu nguyên thủy điều tra, khảo sát khoanh vùng di sản CVĐC Non nước Cao Bằng ;

4. Quyết định số 1590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/09/2014 phê duyệt Đề án “Bảo tồn DSĐC, phát triển và quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam” đến năm 2020. Lưu trữ Viện ĐCKS.

5. Quyết định số 512/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/04/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

6. Trần Tân Văn và nnk, 2010. Báo cáo kết quả nghiên cứu “Điều tra nghiên cứu các DSĐC và đề xuất xây dựng CVĐC ở miền Bắc Việt Nam”. Lưu trữ Viện ĐCKS, 700 trang.

7. Trần Tân Văn và nnk, 2016. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản, xác định phạm vi, quy mô để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Toàn cầu ở tỉnh Cao Bằng (2016);

8. Trần Tân Văn và nnk 2016. Xây dựng Hồ sơ CVĐC (CVĐC) Non Nước Cao Bằng;

9. Trần Tân Văn và nnk, 2014. Đề cương đề án Chính phủ “Bảo tồn DSĐC, phát triển và quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam” (2014-2020). Lưu trữ Viện ĐCKS.

10. UNESCO Global Geoparks Network, 2010. Guidelines and cretaria for national geopark seeking UNESCO’s assistance to join the Global Geoparks Network. Cordination Unit, European Geoparks Network, BP 156, F-04005 Digne-les-Bains cedex, France, 12 papers.

11. Tài liệu thu thập các giá trị văn hóa – lịch sử Cao Bằng (nguồn Bảo tàng Cao Bằng).

Đỗ Thị Yến Ngọc, Trần Tân Văn, Hoàng Xuân Đức, Phạm Minh Hải, Phạm Thị Thúy, Đoàn Thị Ngọc Huyền

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2022)

 

Heritage protection zoning principles and pilot application to geoheritage and geoheritage clusters in the UNESCO Global Geopark Non Nuoc Cao Bang

Do Thi Yen Ngoc, Trần Tân Văn, Pham Thi Thuy, Hoang Xuan Duc, Pham Minh Hai, Doan Thi Ngoc Huyen

Vietnam Institute of Geosciences and Mineral Resources

Abstract

    Vietnam geopark network has so far had 3 geoparks recognized as UNESCO Global Geoparks and 1 provincial-level geopark that has also submitted application for UNESCO’s recognition as a global geopark. The heritage system of Vietnam geoparks (Ha Giang, Cao Bang, Dak Nong and Quang Ngai) was initially investigated, studied, established and preliminarily classified by the Vietnam Institute of Geosciences and Mineral Resources according to GILGES (Global Indicative List of Geological Sites).

    Similar to other types of heritage, with respect to geoheritage, after being discovered, identified, preliminarily classified and ranked, the next important task is zoning to ensure their integrity and identify risk factors, both existing and latent, natural and human-made, affecting them, thereby proposing measures to be taken to protect, conserve and promote their values. These measures can include both non-structural and structural ones, but more importantly, they should be integrated with other types of heritage, ensuring conservation and promotion of the overall values. Moreover, at present, there are many “geosites” with outstanding scientific and aesthetic values which also require zoning for conservation. This article presents some principles of zoning for geo-heritage conservation and trial application to a cluster of heritage sites in Non Nuoc Cao Bang UNESCO Global Geopark.

Key words: Geopark, geoheritage, heritage zoning, preserve.

Ý kiến của bạn