Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Huy động nguồn lực thực hiện NDC: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

08/01/2022

Tóm tắt

    Biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành thách thức chung của toàn nhân loại. Nỗ lực để hạn chế các nguyên nhân gây ra BĐKH là trách nhiệm của mỗi quốc gia, lĩnh vực và cá nhân. Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để chủ động ứng phó với BĐKH thông qua việc triển khai đồng thời hoạt động thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK). Quyết tâm, cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế chống lại BĐKH được thể hiện thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020 và đệ trình Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC).

    Là quốc gia đang phát triển và chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với tác động của BĐKH. Bài viết nhằm tổng hợp, phân tích các nguồn lực hỗ trợ thực hiện các hành động khí hậu trên thế giới (nguồn lực tài chính, kỹ thuật, khoa học và công nghệ…) và kinh nghiệm quốc tế trong việc huy động, tiếp cận các nguồn lực này cho thực hiện NDC của Việt Nam.

Từ khóa: Nguồn lực, tài chính, công nghệ, BĐKH, NDC

1. Đặt vấn đề

    Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do BĐKH (GermanWatch 2020), để hạn chế tác động của BĐKH, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các diễn đàn, hoạt động, cam kết quốc tế về giảm nhẹ và ứng phó với BĐKH. Việt Nam là một trong 20 quốc gia đầu tiên gửi Báo cáo NDC cập nhật (Báo cáo) đến UNFCCC vào tháng 9/2020.

    Báo cáo đề ra mục tiêu về giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với BĐKH phù hợp với hiện trạng, dự báo phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước đến năm 2030. Cụ thể, về giảm nhẹ phát thải KNK, Báo cáo đưa ra mục tiêu bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và mức giảm sẽ tăng lên 27% khi có các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đối với thích ứng với BĐKH, Báo cáo đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao hiệu quả thích ứng thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực; Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

    Tuy nhiên, để triển khai thực hiện thành công các nội dung ở NDC cập nhật, Việt Nam cần huy động các nguồn lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực khác nhau. Vì thế, việc tiếp cận và huy động các nguồn lực hỗ trợ ứng phó BĐKH là cần thiết đối với Việt Nam. Bài viết cung cấp kinh nghiệm quốc tế trong việc huy động nguồn lực để thực hiện các hành động khí hậu nói chung, cũng như các nội dung đề ra trong NDC nói riêng, từ đó đề xuất một số định hướng, giải pháp cho Việt Nam.

2. Tổng quan về các nguồn lực hỗ trợ ứng phó BĐKH

    Trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm thực hiện NDC và Chương trình Nghị sự 2030, hợp tác Nam - Nam, Bắc - Nam, ba bên và đa phương được sử dụng như một công cụ, diễn đàn hữu hiệu để các quốc gia cùng hợp tác, hỗ trợ nhau nhằm đạt được mục tiêu chung là giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH song song với phát triển KT - XH một cách bền vững. Trong đó:

    Hợp tác Nam - Nam: được biết đến và sử dụng để chia sẻ nguồn lực tài chính, kỹ thuật và tri thức giữa các quốc gia đang phát triển (thường là các quốc gia ở Nam bán cầu) (UNOSSC, 2018).

    Hợp tác Bắc - Nam: là khuôn khổ hợp tác phát triển chung giữa miền Bắc (các quốc gia phát triển) và miền Nam (các quốc gia đang phát triển) trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và kỹ thuật (UCLG-ASPAC, 2016).

    Hợp tác ba bên (North-South-South): là hợp tác trong đó, các quốc gia tài trợ truyền thống (những quốc gia ở phía Bắc) và các tổ chức đa phương tạo điều kiện để các sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam được cung cấp tài trợ, đào tạo, quản lý và chuyển giao công nghệ.

    Hợp tác đa phương đề cập đến các ràng buộc, hoặc mối quan hệ giữa hai, hay nhiều quốc gia mà không có sự phân biệt vai trò, hoặc phân biệt đối xử giữa những quốc gia có liên quan.

2.1. Nguồn tài chính khí hậu

    Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) điều phối dòng tài chính khí hậu thông qua 2 kênh chính: (1) Sáng kiến tài chính (SKTC), tập trung vào việc hỗ trợ các tổ chức tài chính khu vực tư nhân (ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp bảo hiểm) trong giảm thiểu rủi ro khí hậu, nắm bắt cơ hội thương mại từ hành động khí hậu hướng tới thực hiện các biện pháp cần thiết để điều chỉnh tổng thể danh mục đầu tư cho giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với BĐKH nhằm đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris; (2) Các dự án liên quan đến tài chính khí hậu, tập trung vào việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiếp cận nguồn tài chính khí hậu (trực tiếp và thông qua các tổ chức được công nhận) như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Quỹ Thích ứng (AF), cũng như thông qua các nguồn công khai song phương, hoặc đa phương khác.

a) Sáng kiến tài chính (SKTC)

    SKTC thuộc UNEP FI là thiết chế quan hệ đối tác toàn cầu được thiết lập giữa UNEP và tổ chức tài chính vào năm 1992, sau Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro (Braxin). UNEP FI bao gồm 215 thành viên từ các tổ chức tài chính và 41 tổ chức hỗ trợ (UNEP FI, n.d.). Các thành viên của SKTC của UNEP chủ yếu là các ngân hàng, nhà đầu tư và công ty bảo hiểm.

    SKTC có chiến lược thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và thiết chế tài chính toàn cầu, cũng như khuyến khích việc thực hiện tốt hơn các nguyên tắc bền vững ở tất cả các cấp độ hoạt động của các tổ chức tài chính. Trọng tâm của sáng kiến là truyền cảm hứng cho các thành viên đưa các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị vào các mối quan hệ và giao dịch với khách hàng. SKTC của UNEP được biết đến với sứ mệnh hỗ trợ trong việc tạo điều kiện và định hình tương tác giữa các đối tác khác nhau trong nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường và BĐKH.

b) Các quỹ khí hậu xanh (GCF)

- GCF ra đời trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris, là quỹ khí hậu lớn nhất thế giới, được giao nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển nâng cao và hiện thực hóa tham vọng đề ra trong NDC, hướng tới phát thải thấp, thích ứng với khí hậu.

    Để xin tài trợ từ GFC, các tổ chức cấp địa phương, quốc gia và khu vực cần trải qua 5 bước: Tự đánh giá, nộp đơn xin xét duyệt dự án/chương trình, đánh giá bởi Ban thư ký GCF, quyết định bởi hội đồng và cuối cùng là tiến hành các thỏa thuận pháp lý. Đơn xin xét duyệt dự án/chương trình được GCF tiếp nhận trên cơ sở luân phiên, không có thời hạn nộp đơn đăng ký xin xét duyệt dự án/chương trình như một số

    GEF được thành lập trước thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio năm 1992, với sự hợp nhất 184 quốc gia trong quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự (CSO) và khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững quốc gia. Từ năm 1992, GEF đã cung cấp gần 20,5 tỷ USD viện trợ không hoàn lại và huy động hơn 112 tỷ USD đồng tài trợ cho hơn 4.800 dự án tại 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thông qua Chương trình Tài trợ nhỏ (SGP), GEF đã hỗ trợ gần 24.000 sáng kiến cho cộng đồng và các CSO tại 133 quốc gia (GEF, 2021).

    Là tổ chức tài chính hoạt động độc lập, GEF cung cấp tài trợ cho các dự án liên quan đến đa dạng sinh học, BĐKH, vùng biển quốc tế, suy thoái đất, suy giảm tầng ôzôn, loại bỏ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), thủy ngân, quản lý rừng bền vững, an ninh lương thực, thành phố bền vững.

- AF được thành lập để tài trợ cho các dự án và chương trình thích ứng cụ thể tại các quốc gia đang phát triển là thành viên của Nghị định thư Kyoto và đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương bởi tác động tiêu cực của BĐKH. Từ năm 2010, Quỹ đã hỗ trợ hơn 28 triệu người hưởng lợi (Adaptation Fund, 2021). Quỹ đã tiên phong trong cơ chế tiếp cận trực tiếp, trao quyền cho các quốc gia tiếp cận nguồn vốn và phát triển các dự án trực tiếp thông qua các đơn vị thực hiện quốc gia được công nhận.

    Quá trình xét duyệt của AF nhằm đảm bảo đơn vị tuân thủ các tiêu chuẩn về ủy thác và bảo vệ trong khi tiếp cận các nguồn tài chính của Quỹ. Quá trình xét duyệt gồm 5 bước chính: Đề xuất ý tưởng, đăng ký, sàng lọc bởi Ban Thư ký của Hội đồng quản lý Quỹ, xem xét bởi Hội đồng xét duyệt, khuyến nghị của Ban Xét duyệt (Adaptation Fund, 2020). Hội đồng Quỹ chấp nhận và xem xét các đề xuất dự án định kỳ 3 lần/năm và chương trình thích ứng ưu tiên tài trợ. Thời hạn nộp ý tưởng đề xuất dự án được ghi rõ trên trên trang web chính thức của Quỹ - www.adaptationfund.org (Adaptation Fund, 2019)

c) Nguồn tài chính song phương

    Các quỹ tài chính khí hậu nêu trên có nguồn lực dồi dào, tuy nhiên, để tiếp cận các quỹ này thì quy trình, điều kiện xét duyệt mất nhiều thời gian và có tính cạnh tranh cao. Vì vậy, nguồn tài chính song phương có thể giải quyết hạn chế của các quỹ khí hậu.

    Nguồn tài chính song phương do các nước phát triển hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia đang phát triển (còn gọi là hợp tác Bắc - Nam). Đây được cho là nguồn lực dễ tiếp cận, trực tiếp và mang lại những đóng góp rõ rệt cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với tác động của BĐKH. Các nguồn tài chính này thường được tài trợ thông các cơ quan, tổ chức hợp tác phát triển của các nước phát triển tại những quốc gia đang phát triển. Ví dụ, Tổ chức GIZ của Cộng hòa Liên bang Đức, USAID (Mỹ), JICA (Nhật Bản), SIDA (Thụy Điển), Irish Aid (Ireland)... Danh sách các tổ chức hợp tác phát triển được Ban Thư ký của UNFCCC công bố trên trang thông tin để các tổ chức địa phương, quốc gia và khu vực quan tâm có thể trực tiếp tìm hiểu.

d) Nguồn tài chính đa phương

    Bên cạnh các nguồn tài chính song phương thì các nguồn tài chính đa phương cũng được nhắc tới trong Điều 11.5 của UNFCCC, trong đó, nhấn mạnh các bên là nước phát triển cũng có thể cung cấp và các bên là quốc gia đang phát triển tận dụng những nguồn tài chính liên quan đến việc thực hiện Công ước thông qua các kênh đa phương. Một số chương trình và dự án về BĐKH của các tổ chức tài chính đa phương là Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) với các dự án về thích ứng với BĐKH; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với các dự án về giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, chương trình năng lượng sạch…; Ngân hàng Phát triển Caribbean (CDB) với dự án về quản lý rủi ro thiên tai và BĐKH…

    Bên cạnh đó, có một số quỹ tài chính đa phương khác như: Quỹ các-bon trong tương lai theo Sáng kiến thị trường các-bon của ADB (ADB CMI), Quỹ Năng lượng sạch châu Á (ACEF), Quỹ Đối tác kinh tế năng lượng sạch (CEFPF) ưu tiên hỗ trợ triển khai các dự án về tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.

2.2. Nguồn lực khoa học, công nghệ và kỹ thuật

    Trong Thỏa thuận Paris đã nhấn mạnh về nghĩa vụ của các nước phát triển trong việc hỗ trợ công nghệ kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển nhằm thực hiện mục tiêu chung về giảm nhẹ phát thải KNK, cũng như thích ứng với BĐKH. Việc tìm kiếm các hỗ trợ kỹ thuật có thể thông qua Trung tâm Công nghệ Khí hậu và Mạng lưới (CTCN), đây là chi nhánh hoạt động của Cơ chế Công nghệ Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH do UNEP và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chủ trì. Trung tâm thúc đẩy việc chuyển giao các công nghệ môi trường để phát triển các-bon thấp và khả năng chống chịu với khí hậu theo yêu cầu của các quốc gia đang phát triển. CTCN cung cấp các giải pháp công nghệ, nâng cao năng lực, tư vấn về khuôn khổ chính sách, pháp lý, quy định phù hợp với nhu cầu của từng quốc gia bằng cách khai thác chuyên môn của mạng lưới các tổ chức và công ty công nghệ toàn cầu.

    Yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật được đệ trình bởi Tổ chức đầu mối được chỉ định quốc gia (NDE) của CTCN. Các đầu mối ở mỗi quốc gia sẽ điều phối các yêu cầu từ chính quyền địa phương/quốc gia, tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân về nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển cũng có thể tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật thông qua các hợp tác Nam - Nam, Bắc -Nam, hoặc ba phương.

    Thông qua hợp tác Bắc - Nam, hợp tác ba bên, hoặc đa phương, các quốc gia phát triển không chỉ hỗ trợ tài chính, mà còn đưa ra các hỗ trợ kỹ thuật cụ thể bằng cách trao đổi với các chuyên gia, đào tạo nâng cao năng lực, đây là cơ hội để trao đổi, cập nhật công nghệ - kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển.

3. Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về huy động nguồn lực thực hiện NDC

3.1. Tăng cường tiếp cận và huy động nguồn lực từ các quỹ môi trường và khí hậu toàn cầu, các đối tác phát triển quốc tế

    Kinh nghiệm của các quốc gia đảo nhỏ SIDS (Small Island Developing States) và các quốc gia đang phát triển cho thấy, đây là nguồn lực quan trọng để ứng phó với BĐKH. Ví dụ, các nước Nauru, Papua New Guinea, Bangladesh, Thái Lan… đang thực hiện dự án hỗ trợ từ các quỹ môi trường và khí hậu đa phương như GCF, Quỹ Quốc gia kém phát triển (LDCF), AF, GEF và các dự án của Ngân hàng Thế giới (WB), ADB. Các đối tác phát triển khác cũng đóng vai trò quan trọng như GIZ, USAID, AUSAID… Các lĩnh vực hỗ trợ là lâm nghiệp, phòng chống thiên tai, hạ tầng thích ứng BĐKH, năng lượng tái tạo…

    Thời gian qua, Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn lực quốc tế, điển hình là Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH SPR-CC. Thời gian tới, nước ta cần tiếp tục phát huy, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là tiếp cận với các quỹ GCF, GEF và các đối tác phát triển, trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.

3.2. Thiết lập và vận hành các quỹ quốc gia để ứng phó với BĐKH

    Bangladesh đã thành lập các quỹ về ứng phó với BĐKH như Quỹ Doanh thu (là nguồn đóng góp doanh thu cho Bộ Tài chính, cung cấp tài chính cho các hành động ứng phó với BĐKH của các Bộ, ngành, Quỹ Ủy thác BĐKH Bangladesh (nhằm hỗ trợ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH) và Quỹ Chống chịu BĐKH Bangladesh (huy động nguồn lực từ các đối tác tài chính và đối tác phát triển của Bangladesh).

    Một quốc gia khác là Thái Lan cũng thành lập Quỹ quay vòng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng. Việt Nam chưa có quỹ riêng cho các hành động BĐKH, mới chỉ thành lập Quỹ BVMT (2003) chủ yếu để hỗ trợ cho các dự án xử lý, cải tạo môi trường và cũng chưa thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH do WB hỗ trợ. Kinh nghiệm của Bangladesh và Thái Lan về các quỹ BĐKH là bài học cho Việt Nam trong việc huy động nguồn lực ứng phó với BĐKH, đặc biệt là của toàn xã hội, bao gồm cả khối tư nhân.

3.3. Xây dựng và áp dụng thuế các-bon và thị trường buôn bán phát thải

    Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy, Việt Nam cần xây dựng và áp dụng một số cơ chế, chính sách về: Đánh thuế sử dụng nguyên, nhiên liệu phát sinh nhiều KNK và tạo ưu đãi, hỗ trợ trong đầu tư vào nguồn năng lượng sạch (thuế các-bon); Xây dựng và phát triển hệ thống buôn bán tín chỉ phát thải (ETS), trước mắt, tập trung cho một số ngành trọng điểm, phát thải lớn (nhiệt điện), sau đó, nâng mục tiêu và mở rộng. Là quốc gia đang phát triển với trình độ công nghệ thấp, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tham gia cơ chế tín chỉ chung (JCM) nhằm huy động đầu tư từ các quốc gia khác, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.

3.4. Thúc đẩy sự tham gia đầu tư của khối tư nhân trong ứng phó với BĐKH

    Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, việc huy động nguồn lực từ khối tư nhân rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải KNK. Việc phát hành Trái phiếu xanh được chú trọng, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Qua đó, phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ ứng phó với khí hậu và tăng cường sự tham gia đầu tư. Mặt khác, việc xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác công tư (PPP) cũng có vai trò quan trọng. Các dự án ứng phó với BĐKH thường kéo dài và lợi nhuận thấp, do đó, Chính phủ cần có cam kết về cơ chế, chính sách đảm bảo lợi ích và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Đây là chìa khóa nhằm mở cửa cho nguồn tài chính dưới dạng PPP vào các dự án ứng phó với BĐKH mà Việt Nam cần xem xét huy động trong thời gian tới.

3.5. Tăng cường sự hợp tác với các bên liên quan để nâng cao hiệu quả nguồn lực ứng phó với BĐKH

    Kinh nghiệm của các quốc gia đảo nhỏ (SIDS) và những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, cần phải nâng cao nhận thức để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án, mô hình thích ứng dựa vào cộng động, phát huy tri thức bản địa để thích ứng với BĐKH như tại Vanuatu (kiến thức bản địa được phát huy trong các dự án phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn). Ngoài ra, cần huy động sự tham gia và thực hành lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm các-bon thấp; Tăng cường sự hợp tác, điều phối giữa các Bộ, ngành và địa phương, thúc đẩy lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, chính sách phát triển để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ứng phó với BĐKH.

4. Kết luận và khuyến nghị

    Để huy động nguồn lực cho việc thực hiện NDC, Việt Nam cần đánh giá được nhu cầu về nguồn lực theo giai đoạn. Đồng thời, xác định các hoạt động ưu tiên phù hợp với nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Việc đánh giá thực trạng nguồn lực tài chính được thực hiện trên cơ sở rà soát các dòng tài chính hiện có và đánh giá nhu cầu tài chính cần thiết để thực hiện NDC. Mặt khác, cũng cần nhận diện các yêu cầu đặc biệt, cũng như ưu tiên đầu tư của các nguồn tài trợ khác nhau nhằm nâng cao khả năng đáp ứng và thu hút đầu tư.

    Sau khi xác định thực trạng, nhu cầu huy động hỗ trợ để thực hiện NDC, Việt Nam cần xây dựng các đề xuất dự án phù hợp với ưu tiên và đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà tài trợ quốc tế. Việc nghiên cứu kỹ tiêu chí lựa chọn, quy trình tài trợ của các quỹ khí hậu là cần thiết, đảm bảo việc đề xuất đúng lĩnh vực ưu tiên, đúng cơ quan tài trợ. Ví dụ, đối với AF, nếu đề xuất các dự án về giảm nhẹ phát thải KNK sẽ không được xem xét phê duyệt, ngược lại với GCF, nếu gửi đề xuất là các dự án thích ứng thông thường như xây dựng đê ngăn mặn sẽ không được phê duyệt. Vì vậy, cần xác định rõ các hoạt động ưu tiên và nguồn lực để huy động.

    Quá trình huy động tài chính cho NDC cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị triển khai thực hiện (các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân). Do đó, việc xây dựng kế hoạch và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan là cần thiết để đảm bảo thông tin được chia sẻ kịp thời, hiệu quả.

    Bên cạnh đó, Việt Nam cần có cơ quan điều phối việc huy động nguồn lực chung, xây dựng quy trình quản trị, cũng như chiến lược huy động nguồn lực phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và bối cảnh quốc tế. Tạo dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư cũng là một trong những yếu tố giúp thu hút các nguồn lực tài chính cho thực hiện NDC. Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ cần các điều kiện chính sách phù hợp, bao gồm quy định pháp luật, mục tiêu và quy định, năng lực thể chế.

    Nguồn lực tài chính cho thực hiện mục tiêu NDC cần có sự chung tay đóng góp từ khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, khu vực tư nhân cung cấp phần lớn nguồn lực đầu tư để thực hiện các hành động khí hậu, tuy nhiên, nguồn tài chính công có vai trò quan trọng trong việc kích thích và tạo đòn bẩy thu hút cho đầu tư tư nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Adaptation Fund. (2019, December 4). Project funding. https://www.adaptation-fund.org/apply-funding/project-funding/

2. Adaptation Fund. (2020, July 8). Accreditation. https://www.adaptation-fund.org/apply-funding/accreditation/

3. Adaptation Fund. (2021, April 21). Governance. https://www.adaptation-fund.org/about/governance/

4. GCF. (n.d.). Accreditation process. Green Climate Fund. https://www.greenclimate.fund/accreditation/process

5. GEF. (2021, June 14). About us. Global Environment Facility. https://www.thegef.org/about-us

6. UNEP FI. (n.d.). Background - United Nations environment - Finance initiative. United Nations Environment - Finance Initiative - Partnership between 7. United Nations Environment and the global financial sector to promote sustainable finance. https://www.unepfi.org/about/background/

8. UNEP FI. (n.d.). Structure - United Nations environment - Finance initiative. United Nations Environment - Finance Initiative - Partnership between United 9. Nations Environment and the global financial sector to promote sustainable finance. https://www.unepfi.org/about/structure/

10. UNEP. (n.d.). United Nations Environment Programme Finance Initiative. United Nations Environment - Finance Initiative - Partnership between United Nations Environment and the global financial sector to promote sustainable finance. https://www.unepfi.org/

11. United Cities and Local Governments Asia-Pacific. (2016, April 5). North -South cooperation. UCLG ASPAC. https://uclg-aspac.org/en/what-we-do/decentralized-cooperations/north-south-cooperation/

12. UNOSSC. (2018, June 12). About South - South and triangular cooperation. https://www.unsouthsouth.org/about/about-sstc/

13. GermanWatch, 2019. Báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu (The Global Climate Risk Index - CRI) năm 2020 công bố tại cuộc họp các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 25 ở Tây Ban Nha.

Nguyễn Sỹ Linh, Vũ Hoàng Thùy Dương, Nguyễn Thị Thu Hà,

 Lưu Lê Hường, Lê Nam Thành và Lê Nam

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

 

Mobilizing resources to support NDC implementation: International experiences and lessons for Vietnam

Nguyễn Sỹ Linh, Vũ Hoàng Thùy Dương, Nguyễn Thị Thu Hà,

 Lưu Lê Hường, Lê Nam Thành và Lê Nam

Institute of Strategy and policy on natural resources and environment

Abstract

    Climate change has been known as a challenge of human being. Efforts to limiting the causes of climate change require responsibilities from countries, sectors and individual. Vietnam has been making great efforts to respond to climate change by synchronously implementing adaptation and mitigation activities. The determination and contribution of Vietnam and the international community to the fight against climate change is reflected the updated Nationally Determined Contributions which submitted to United Nations Convention on Climate Change (UNFCCC) in September 2020. As a developing country and one of the countries most heavily affected by climate change, Vietnam faces many difficulties and challenges in implementing climate actions to reduce greenhouse gas emissions and adapt to impacts of climate change. This article aims synthesize, analyze sources of resources to support the implementation of climate actions, particularly NDCs in the world (including financial, technical, scientific and technological resources and so on) and international experiences in mobilizing, accessing these resources for implementation of Vietnam’s NDC.

Keywords: resource, finance, technology, climate change, NDC.

Ý kiến của bạn