Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Đánh giá cảnh quan thiên nhiên cho phát triển du lịch thiên nhiên ở xã Nà Hẩu, tỉnh Yên Bái

02/02/2024

Tóm tắt

    Cảnh quan thiên nhiên khác với cảnh quan nhân tạo, có nguồn gốc thiên nhiên và được hình thành lâu dài trong lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Nó cần được đánh giá để thấy được sự khác biệt duy nhất, từ đó để phục vụ cho phát triển du lịch thiên nhiên (natur-based tourism) và du lịch sinh thái (ecotourism). Việc đánh giá giá trị cảnh quan - theo nhiều nhà nghiên cứu quốc tế - thì không hề đơn giản vì mang tính chủ quan nhiều hơn khách quan, phụ thuộc vào tâm trí và thẩm mỹ của con người. Trong bài có nêu ví dụ nghiên cứu ở bãi đá cổ xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, trong đó có áp dụng phương pháp đánh giá tổng hợp gồm phương pháp đo tính cảnh quan (landscape measurement) và đánh giá cảnh quan (landscape evaluation). Kết quả nghiên cứu là kiểm kê toàn bộ tài nguyên du lịch ở bãi đá cổ và đánh giá cảnh quan cho từng đối tượng cũng như toàn bộ bãi đá. Nó là cơ sở quan trọng cho quy hoạch du lịch thiên nhiên và du lịch sinh thái ở địa phương.

Từ khóa: Đánh giá cảnh quan thiên nhiên, du lịch thiên nhiên, du lịch sinh thái, bãi đá cổ xã Nà Hẩu.

 

ASSESSMENT OF NATURAL LANDSCAPE FOR NATUR-BASED TOURISM DEVELOPMENT IN NA HUU COMMUNE, YEN BAI PROVINCE

Abstract

    Natural landscapes are different from human-made landscapes, which have natural origins and were formed over a long period of time in the history of the development of the earth's crust. It needs to be evaluated in terms of value to see the unique differences, thereby serving the development of nature-based tourism and ecotourism. Assessing landscape value, according to many international researchers, is not simple because it is more subjective than objective, depending on the human mind and aesthetics. In the article, there is a study case at the ancient rock field in Na Hau commune, Van Yen district, Yen Bai province. Here, a comprehensive assessment method was applied, including landscape measurement and landscape evaluation. The study result is to inventory the entire tourism resources of the ancient stone field and evaluate the landscape value for each object as well as for the entire rock field. It is an important basis for local NBT and ecotourism planning.

Keywords: Assessing natural landscapes, nature-based tourism, ecotourism and ancient stone fields in Na Hau commune.

1. Mở đầu

    Cảnh quan được tạo từ các thành phần của môi trường tự nhiên như địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng và sinh vật, trong đó phân biệt cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo (Cường, Cường, & Nguyên, 2020). Trong khoa học, cảnh quan thiên nhiên được định nghĩa một cách chung nhất như sau: “Đó là môi trường ở ngoài trời, có nguồn gốc thiên nhiên hay do con người tạo dựng mà ta có thể cảm nhận trực tiếp khi tham quan và sử dụng môi trường đó. Một khung cảnh hay tiểu/bối cảnh (scene) là một tập hợp nhỏ của cảnh quan được quan sát từ một vị trí hay điểm quan sát theo một hướng nhất định ...” (Arriaza, Cañas-Ortega, Cañas-Madueño, & Ruiz-Aviles, 2004).

    Mức độ nguyên bản của cảnh quan phụ thuộc vào mức độ tác động của con người. Nên đến nay, những cảnh quan thiên nhiên - tồn tại ở dạng nguyên thủy ban đầu khi chưa chịu tác động của con người - không còn nhiều. Gìn giữ cảnh quan thiên nhiên là vô cùng cần thiết vì qua đó có được nguồn nước sạch, hệ sinh thái lành mạnh, cộng đồng và nền kinh tế sôi động, khả năng phục hồi khí hậu, di sản văn hóa, hoạt động giải trí ngoài trời và cảm giác về vùng miền của điểm đến thể hiện rõ nhất. Chính vì vậy, Luật BVMT năm 2020 (Mục 4, Điều 20, 21) đã quy định về bảo vệ môi trường “cảnh quan” và “thiên nhiên”, cảnh quan thiên nhiên được coi là một tài nguyên hay di sản thiên nhiên. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cần có cách tiếp cận tổng hợp, đòi hỏi việc hợp tác, liên kết của nhiều đối tác ở các vùng miền địa lý, thuộc nhiều lĩnh vực và nền văn hóa. Sở dĩ vậy vì công tác bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong thực tế vô cùng phức tạp, trải rộng ở một diện tích lớn và nhiều khi phải kết nối các điểm bảo tồn riêng lẻ với nhau để thành một quần thể đẹp, ví dụ Công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang hay di sản thiên nhiên thế giới ở vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất trong bảo vệ và bảo tồn là phải thực hiện trên đất với nhiều sở hữu khác nhau (Nhà nước, cộng đồng và tư nhân), với nhiều lợi ích khác nhau, thậm chí xung đột nhau. Chính vì vậy, nhiều khi có mâu thuẫn trong đánh giá cảnh quan khi đứng ở các góc độ khác nhau, ví dụ điển hình là vụ quây núi thành 'hòn non bộ' ở vùng đệm của vịnh Hạ Long.

    Đánh giá cảnh quan thiên nhiên để phục vụ cho mục đích quy hoạch và quản lý du lịch, trong đó chú trọng đến hai hình thức đang nổi lên là: du lịch thiên nhiên NBT (natur-based tourism) và du lịch sinh thái (ecotourism). Theo Mishra (2020), NBT là một dạng du lịch sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên sơ và không phát triển. Khách du lịch đến để tham quan một vùng thiên nhiên chưa phát triển, còn ở dạng khá nguyên sơ, ví dụ tham quan Rừng săng lẻ ở huyện Tương Đương (tỉnh Nghệ An), đây là một khu rừng cổ thụ độc nhất ở nước ta. Còn du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm khi đến tham quan khu vực thiên nhiên còn tương đối hoang sơ nhằm bảo tồn môi trường, duy trì và phát triển phúc lợi kinh tế - xã hội cho người dân địa phương, đồng thời khách tham quan có thêm kiến thức và hiểu biết thông qua diễn giải và giáo dục, ví dụ du lịch vườn quốc gia Cúc Phương hay Vịnh Hạ Long.

    Theo Ngân hàng thế giới thì du lịch thiên nhiên, sau Đại dịch Covid-19, trở thành một chủ đề được nhiều giới quan tâm mà chúng ta cần phát triển hướng tới. Du lịch thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời đóng góp vào các thỏa thuận và khuôn khổ toàn cầu quan trọng như Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Tiềm năng đặc biệt của nó là tạo việc làm và tăng trưởng, đồng thời bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái đặc biệt (Mishra, 2020). Du lịch thiên nhiên trở thành một triển vọng hấp dẫn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam nếu như biết khai thác. Chính vì vậy, đánh giá cảnh quan thiên nhiên là quan trọng.

    Trong đánh giá, chúng ta chuyển từ cách tiếp cận cấu trúc và tiểu/bối cảnh của cảnh quan sang cảnh quan chung được cảm nhận, nghĩa là ấn tượng chủ quan về một cảnh quan thực sự ở trước mắt. Nhiều tác giả coi việc đánh giá cảnh quan là việc so sánh giữa hai hay nhiều cảnh quan với nhau ở góc độ về chất lượng hình ảnh trực giác (Arriaza, Cañas-Ortega, Cañas-Madueño, & Ruiz-Aviles, 2004). Như vậy việc đánh giá cảnh quan mang tính chủ quan nhiều hơn là khách quan. Khi nghiên cứu tài liệu trên thế giới thì có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau. Chính vì vậy cần phải đơn giản hóa về phương pháp luận và dễ áp dụng trong thực tế để tạo điều kiện cho nhóm cán bộ có chuyên môn hẹp mà vẫn làm được (Jacques, 1980).

    Bài viết đánh giá thực trạng của cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch thiên nhiên và du lịch sinh thái miền núi và so sánh với một số nước trong khu vực có điều kiện cảnh quan núi rừng tương tự. Cuối cùng, áp dụng phương pháp tổng hợp để đánh giá giá trị và chất lượng cảnh quan thiên nhiên của bãi đá cổ Nà Hẩu như một ví dụ điển hình ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

2. Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá giá trị/chất lượng cảnh quan

2.1. Khái niệm về cảnh quan thiên nhiên

    Nghiên cứu của Mahan và Mansouri (2018) có đưa ra khái niệm: “Cảnh quan là một tạo hóa của thiên nhiên qua hàng triệu năm, một thành phần độc lập của nhân loại, nhưng nó luôn được đặt trong mối tương tác với con người và khó tách ra”.

    Ngày nay, chúng ta hiểu cảnh quan là một hiện tượng phức tạp, đa chiều được hình thành bởi sự tương tác giữa tâm trí con người và các hiện tượng tự nhiên bên ngoài, trong sự tương tác giữa tâm trí và hiện tượng là cả một quá trình nhận biết, cảm nhận và phát triển thẩm mỹ của con người. Nó luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi. Còn theo Bulut và Yilmaz (2008), cũng như một số tác giả trên thế giới, cảnh quan được hiểu là cách mà ta nhìn nhận trực giác và phải coi nó quan trọng như tài nguyên đất và nước. Điều thú vị, do tính chủ quan cao như vậy nên cảnh quan là một hiện tượng không thể nghiên cứu được bằng các phương pháp khách quan. Hay nói cách khác, các tiêu chí khách quan và các thành phần khách quan không phù hợp để đánh giá cảnh quan một cách tổng thể. Hình 1 là một ví dụ cụ thể cho thấy, cùng một đối tượng và cùng một góc nhìn cảnh quan, nhưng cách nhìn nhận của hai người khác nhau, dĩ nhiên có phần trùng nhau. Tuy nhiên, các nhà lý thuyết luôn cố gắng đơn giản hóa chủ đề này và phân tích độc lập các khía cạnh khác nhau của cảnh quan. Song cần lưu ý trong thực tế áp dụng. Nếu thiên về lượng hóa thì dễ bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng của cảnh quan, ngược lại, nếu coi trọng định tính thì nhiều khi làm cho cảnh quan bị cường điệu hơn thực tế vốn có của nó.

    Cách tiếp cận tổng thể coi cảnh quan là một hiện tượng khách quan liên chủ thể, là kết quả của sự tương tác giữa một sự kiện bên ngoài (tính khách quan) và tâm trí con người (tính chủ quan) cũng như đưa tính khách quan đó vào bộ lọc tâm trí của con người. Tâm trí ở đây được hiểu là các khía cạnh của nhận thức như ý thức, trí tưởng tượng, suy nghĩ, cảm xúc … Như vậy cảnh quan phụ thuộc vào nhận thức và thẩm mỹ của từng người và sự tồn tại của nó trong không gian. Nếu thay đổi về không gian, chất lượng hoặc độ tin cậy của nó thì cảnh quan sẽ thay đổi. Điều này ta thấy qua nhiều ví dụ ở Việt Nam, cảnh quan thiên nhiên vô cùng đẹp bị phá vỡ bởi những công trình bằng vật liệu hiện đại như bê tông, kính hay cáp treo.

Hình 1. Cảnh quan thiên nhiên phụ thuộc vào cảm nhận và cá tính con người - Cùng một vị trí, nhưng cách nhìn nhận và thẩm mỹ về cảnh quan khác nhau

    Hai tác giả Mahan và Mansouri đã chỉ ra thực trạng trong phân tích cảnh quan. Các nhà lý luận cố gắng đơn giản hóa chủ đề này và phân tích tách biệt các khía cạnh khác nhau của cảnh quan. Đôi khi, các nhà khoa học buộc phải “cắt giảm” cảnh quan xuống một khía cạnh định lượng hay đôi khi xem xét nhiều về mặt định tính thay vì bản thân cảnh quan. Vì vậy, có thể đánh giá cảnh quan theo các tiêu chí định tính và định lượng. Như vậy, cảnh quan được chia làm ba nhóm tiêu chí để đánh giá: chất lượng, số/khối lượng và hình ảnh (Hình 2).

Hình 2. Sơ đồ đánh giá cảnh quan thiên nhiên theo ba nhóm tiêu chí (Mahan & Mansouri, 2018)

    Hiện nay, có nhiều nghiên cứu đưa ra hai khái niệm về giá trị cảnh quan (landscape value) và chất lượng cảnh quan (landscape quality). Theo Jacques (1980) thì hai khái niệm này được dung chung. Chất lượng và giá trị cảnh quan thiên nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố sau:

- Cảnh quan nông nghiệp (agricultural landscape) gồm cảnh quan nông thôn, sản xuất nông nghiêp, tình hình đô thị hóa, việc áp dụng các chính sách, dân số, tính biến đổi của các mẫu hình.

- Lâm nghiệp (forest) gồm sự đa dạng của động vật và thực vật, bảo tồn, thảm thực vật, cộng đồng dân cư, môi trường sống.

- Bảo tồn (conservation): chất lượng, quản lý, phát triển, mẫu hình.

- Sử dụng đất (land use) gồm diện tích được sử dụng và các tác động ảnh hưởng.

- Hệ sinh thái (ecology) phụ thuộc đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.

2.2. Phương pháp đánh giá giá trị cảnh quan

    Theo Amir & Gidalizon (1990), hầu hết các phương pháp đánh giá cảnh quan đều có sử dụng các dữ liệu đã được thu thập từ những khảo sát trước đó. Áp dụng ý kiến của chuyên gia trong định lượng, phân loại và đánh giá các đặc điểm của khu vực cũng như đánh giá những thay đổi tiềm ẩn do phát triển kinh tế - xã hội, ví dụ thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất thổ canh hay đất thổ cư, nguy cơ sạt lở núi rừng do chặt phá quá nhiều ở thượng nguồn. Về cơ bản có thể áp dụng ba phương pháp đánh giá cảnh quan như sau:

    Đo tính cảnh quan (landscape measurement) là phương pháp kiểm kê những gì thực sự tồn tại trong cảnh quan thiên nhiên.

    Đánh giá cảnh quan (landscape evaluation) là phương pháp đánh giá chất lượng của cảnh quan bằng trực quan mang tính khách quan xét theo sở thích cá nhân hoặc xã hội đối với các loại cảnh quan.

    Ước tính giá trị cảnh quan (landscape value) là phương pháp điều tra và đo tính những giá trị hoặc sở thích của những người được khảo sát về cảnh quan qua quan sát (Hình 3).

Quan sát ở khoảng cách gần

Quan sát ở khoảng cách xa

Hình 3. Phương pháp quan sát cảnh quan thiên nhiên ở các vị trí và khoảng cách

    Trong bài này có áp dụng hai phương pháp a và b, trong đó áp dụng phân tích theo các yếu tố và chỉ tiêu như trong Bảng 1. Còn phương pháp c - nền tảng chủ yếu vào phương pháp định giá ngẫu nhiên CVM (Contingent Valuation Method) và phương pháp chi phí du lịch TCM (Travel Cost Method) - thì không được đề cập trong nghiên cứu ở đây.

Bảng 1. Các chỉ tiêu đánh giá cảnh quan trong quản lý tài nguyên theo trực quan (theo Mahan & Mansouri, 2018)

Yếu tố

Tiêu chí

Tên các tiêu chí dùng để đánh giá

1. Đánh giá chất lượng cảnh quan

7 tiêu chí về chất lượng

Hình dạng đất đai (địa mạo), địa chất, thay đổi về thực vật, nước, màu sắc và cảnh quan lân cận, những thiếu hụt nào đó, văn hóa.

2. Phân tích mức độ nhạy cảm của cảnh quan

6 tiêu chí

Loại người sử dụng (khách), tần suất sử dụng, mối quan tâm chung nhất của họ, việc sử dụng đất ở vùng lân cận, những diện tích đặc biệt và các yếu tố đặc thù khác.

3. Mô tả cảnh quan từ khoảng cách của người quan sát

3 khoảng cách

Khoảng cách quan sát.

Quan sát hay ngắm nhìn cảnh quan từ các khoảng cách gần, trung bình cho đến xa.

3. Thực trạng phát triển du lịch thiên nhiên và du lịch sinh thái ở miền núi Việt Nam khi so sánh với Lào

    Việt Nam có cả hai thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên biển và tài nguyên rừng phục vụ cho du lịch. Theo nghiên cứu của các chuyên gia và nhà khoa học, cảnh núi rừng là thành phần quan trọng cho phát triển du lịch thiên nhiên nếu còn giữ được đặc tính nguyên sơ ban đầu của nó mà chưa chịu sự can thiệp thô bạo của con người. Đây là bài toán được và mất, nếu gìn giữ nguyên sơ thì không thu hút lượng du khách lớn của du lịch đại trà hiện nay, chỉ thích check-in ở điểm đến được xây dựng hiện đại, nhưng sẽ mất đi nhóm du khách thích nguyên sơ. Đó nhóm du khách thích ngắm chim, ngắm đàn khỉ, tìm hiểu đa dạng sinh học ở rừng, săn mây, đi bộ đường dài trong rừng già nguyên sơ… Hiện nay, tình trạng bê tông hóa và cáp treo hóa ở nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng đã ảnh hưởng ít nhiều đến cảnh quan thiên nhiên. Chỉ có những khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ và gần như còn nguyên bản sẽ là những điểm hấp dẫn cho khách du lịch ở trong và ngoài nước trong tương lai khi nhận thức về thiên nhiên của người Việt Nam được nâng tầm và trào lưu du lịch đại trà sẽ bão hòa và lắng xuống.

    Lào, một đất nước có diện tích rừng chiếm trên 70% diện tích của cả nước và không có bờ biển dài và đẹp như Việt Nam. Nhưng Lào lại là một thiên đường của văn hóa, thiên nhiên và lịch sử. Du khách đến Lào để tham quan cảnh thiên nhiên nguyên sơ như rừng già nhiệt đới bạt ngàn và còn gần như nguyên sơ. Còn Việt Nam diện tích rừng giảm đi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua, chiếm chưa đến 50% diện tích cả nước và chất lượng rừng thì suy kiệt. Hiện nay có một vài khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia có diện tích không lớn và đã bị can thiệp “thầm lặng” của con người trong khai thác tài nguyên rừng.

    Bảng 2 so sánh lượng khách du lịch quốc tế đến Lào và Việt Nam vào năm 2019 trước khi dịch Covid-19 xảy ra do chưa có đủ số liệu thống kê của năm 2023. Tuy số du khách quốc tế đến Lào chỉ bằng 26,7% của Việt Nam. Nhưng nếu so sánh số khách quốc tế với tổng số dân thì Lào có tỷ lệ 64%, còn Việt Nam 18,3%. Như vậy cường độ đón khách của Lào cao hơn nhiều. Đóng góp của du lịch vào GDP của Lào cao hơn hẳn Việt Nam. Nhiều khách quốc tế đến Lào nhiều lần, còn đến Việt Nam chỉ một lần. Theo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào năm 2023, lượng du khách đến Lào tăng một phần là nhờ giao thông được cải thiện, đặc biệt tuyến đường sắt quốc tế đã giúp việc đi lại nhanh chóng và thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, những khu vực có sức hấp dẫn với vẻ đẹp tự nhiên như Luangprbang, Khu vực Bốn nghìn đảo (Siphandone), ở Nam Lào cũng khiến du khách say mê khám phá nhờ phong cảnh nước non hùng vĩ.

Bảng 2. Một vài con số so sánh giữa ba quốc gia có nhiều núi đồi ở châu Á

Quốc gia

Diện tích (ngàn km2)

Tỷ lệ núi rừng (%)

Dân số (tr. người)

Số liệu năm 2022

Đóng góp của khách quốc tế 2019

GDP đầu người (USD/ người)

PPP đầu người (USD/ người)

Khách đến (tr. khách)*

Doanh thu (tỷ USD)*

Phần trăm của GDP (%)

Lào

230

70

7,5

2.088

9.384

4,8

0,97

5,20

Việt Nam

313

50

98,2

4.163

13.456

18,0

11,83

3,54

 

Ghi chú: * số liệu của https://data.worldbank.org/indicator/ST.INT.RCPT.CD?locations=VN-LA-NP và số liệu của International tourism revenue, percent of GDP by country, around the world | TheGlobalEconomy.com

4. Đánh giá cảnh quan thiên nhiên cho bãi đá cổ Nà Hẩu

4.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

    Nà Hẩu là xã nằm cách trung tâm huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái khoảng 30 km về phía Nam, ở vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (KBTTN), trong một thung lũng hẹp trải dài, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 5.640,36 ha, trong đó rừng đặc dụng chiếm 80%, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, kết hợp với địa hình bị chia cắt nên tạo thành hai tiểu vùng khí hậu: Phía Bắc có độ cao trung bình 500 m so với mặt nước biển (ít mưa, nhiệt độ trung bình 21-23ºC, lượng mưa bình quân 1.800 mm/năm, độ ẩm thường xuyên 80-85%, có những ngày chịu ảnh hưởng của gió Lào); phía Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (có lượng mưa lớn, bình quân 1.800-2.000 mm/năm, nhiệt độ trung bình 23-24ºC, độ ẩm không khí 81-86%, có các hiện tượng thời tiết khác như sương muối và mưa đá). Kết quả khảo sát, phân tích các điều kiện phát triển du lịch của xã về điều kiện vật chất, hệ sinh thái, văn hóa - xã hội, kinh tế, cơ sở hạ tầng và đề xuất phát triển nơi đây thành một “ốc đảo” du lịch thiên nhiên và du lịch sinh thái miền núi, với nguồn lực được huy động từ cộng đồng người dân địa phương. Đây hướng đi bền vững cho phát triển du lịch thiên nhiên và sinh thái tại xã Nà Hẩu.

4.2. Quá trình và kết quả đánh giá cảnh quan thiên nhiên

    Trước hết chúng tôi tiến hành đánh giá cảnh quan thiên nhiên của bãi đá cổ xã theo phương pháp đã nêu trên. Trong khảo sát đánh giá cảnh quan ở bãi đá cổ Nà Hẩu, chúng tôi gồm các chuyên gia là PGS. TS Nguyễn Trung Dũng, ThS. Nguyễn Mạnh Hà và TS. Nguyễn Quang Tuấn, đã kết hợp với chính quyền địa phương để thực hiện theo quy trình bốn bước sau:

    Bước 1: Khảo sát sơ bộ có kết hợp với cán bộ của UBND xã Nà Hẩu để có được bức tranh tổng thể về bãi đá cổ.

    Bước 2: Khảo sát chi tiết trên cơ sở các văn bản pháp lý như Quyết định của UBND huyện Văn Yên với sự tham gia của các phòng chuyên môn là Phòng Văn hóa - Thông tin, Tài Nguyên Môi trường, chuyên gia, đại diện của UBND xã Nà Hẩu, đại diện của Hạt Kiểm Lâm, Văn phòng Quản lý Đất đai và đại diện của người dân xã. Trong đó đặc biệt tham khảo các văn bản pháp lý khác như Quyết định số 1086/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; Quyết định 512 ngày 19.10.2006 của UBND tỉnh về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Luật Đất đai 2013 và 2023, …

    Bước 3: Khảo sát chuyên sâu cho từng khu vực của bãi đá và từng cụm đá ở mọi góc độ theo các tiêu chí như: (1) vật lý gồm: vị trí địa lý, độ dốc, độ cao, diện tích, địa mạo, địa chất…, (2) sinh học bao phủ, (3) hoạt động kinh tế của con người như sự đe dọa đến tính nguyên bản, nguyên sơ của bãi đá hay tác động của con người, và (4) tính thẩm mỹ và khả năng hấp dẫn khách du lịch (Bảng 3). Bước 3 được tiến hành trong nhiều ngày tại điểm nghiên cứu.

    Bước 4: Trình bày kết quả ở Hội thảo với sự hỗ trợ của tổ chức Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF của Đức), trước UBND huyện Văn Yên.

    Chi tiết đánh giá được thể hiện tổng hợp trong Báo cáo “Kiểm kê và đánh giá tài nguyên du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: bãi đá ở xã Nà Hẩu”. Bảng 3 là một bảng chi tiết để đánh giá từng tảng/phiến đá.

Bảng 3. Mẫu điền các thông tin của từng bãi đá nghiên cứu

Vật lý

Vị trí địa lý:

Độ dốc:

Độ cao:

Diện tích:

Địa mạo và cảnh quan thiên nhiên:

Nguồn nước:

Loại đất (thổ nhưỡng):

Loại đá (địa chất):

Quan sát xa:

Quan sát gần:

Sinh học

Lớp phủ mặt đất:

Nông nghiệp:

Hoạt động kinh tế của con người

Định cư của người dân:

Khả năng tiếp cận:

Những yếu tố nhân tạo:

Về khía cạnh chính trị/kinh tế:

Nhận xét chung về thẩm mỹ

Nhận xét chung về thẩm mỹ:

    Sau đây là những kết quả đánh giá quan trọng nhất trích từ báo cáo:

- Như trong Hình 4 và 5 thì bãi đá được chia làm ba khu vực A, B và C. Bãi A gồm các khối đá nằm dưới thung lũng hầu hết có mầu xám đen, có nhiều mạch đá ăn ngầm dưới đất. Đây là cụm trung tâm với số lượng khối đá nhiều và cũng phong phú, ngộ nghĩnh nhất, có giá trị cao về cảnh quan. Bãi B gồm các khối đá nằm ở trên đỉnh cao, vị trí được người dân truyền miệng là “Cổng trời”. Bãi đá C gồm các khối đá nằm ở trên đồi có mầu nâu đỏ và hình dạng đặc biệt.

- Trong nghiên cứu địa chất thì tiến hành hai bước. Trước tiên nhận diện các đặc trưng địa chất của đá và sau đó nghiên cứu đối chiếu với các tài liệu địa chất đã công bố như: Bản đồ địa chất 1:200.000, tài liệu về các phân vị địa tầng Việt Nam, các công bố về địa chất của khu vực. Như vậy khu vực bãi đá cổ Nà Hẩu nằm trong diện phân bố của phức hệ Ca Vịnh. Phức hệ này có diện phân bố khá lớn trên địa bàn huyện Văn Yên và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, thuộc đới cấu trúc Phan Si Pan, được nhiều nhà địa chất quan tâm và có những quan điểm khác nhau về nguồn gốc của phức hệ này. Có ba loại đá chính là mắc ma (Igneous rocks), đá trầm tích (Sedimentary rocks) và đá biến chất (Metamorphic rocks). Ở bãi đá Nà Hẩu, chủ yếu là loại đá biến chất. Thành phần gồm Tonalit (đá có màu xám nhạt), Plagiogranit Migmatit có cấu tạo dạng dải hoặc uốn nếp, Granitoid có cấu tạo dạng Gneis.

- 14 khối đá lộ ở bãi A: hầu hết là địa hình Karst sót của đá hoa hệ tầng Sapa (có tuổi trên 600 triệu năm), có 2 khối đá lớn được xác định là được vận chuyển từ nơi khác tới (dịch chuyển trên sườn dốc) và đây là 2 khối đá biến chất của phức hệ Ca Vịnh. Các khối đá chỉ bị phong hoá nhẹ trên bề mặt, đá tươi nguyên khối, đôi chỗ nứt nẻ. Do ảnh hưởng của các hệ thống khe nứt kiến tạo kết hợp với quá trình hoà tan, ăn mòn rửa lũa đá tạo ra những hình địa mạo lý thú. Ví dụ ở Hình 6, khối đá nhìn như một con khủng long hay một con bò tót, tùy theo quan điểm thẩm mỹ và trí tưởng tượng của người đánh giá; Hình 7 như một đầu rồng vươn lên bầu trời. Ngoài ra còn có những phiến đá khi gõ vào có âm thanh như một đàn đá. Khi xác định chất lượng đá và tuổi đá thì có áp dụng những nghiên cứu địa chất tại hiện trường (Hình 8).

- 13 khối đá bãi B thuộc loại đá siêu biến chất của phức hệ Ca Vịnh (có tuổi trên 2 tỷ năm), gồm nhiều loại đá khác nhau. Mức độ phong hoá trung bình đến nhẹ và không đều. Do cấu tạo phân phiến (đặc trưng của đá biến chất do nén ép) và nứt nẻ kiến tạo, kết hợp với phong hoá, bào mòn không đều tạo ra những mỏm đá sót. Các khối đá ở đây phần lớn có dáng uy nghi, vách thẳng đứng lên trời và để lại nhiều vết tích đặc biệt. Ví dụ có cột đá cao trông như người phụ nữ bế con chờ chồng.

- Như vậy, cảnh quan thiên nhiên của bãi đá cổ Nà Hẩu là một kiệt tác của thiên nhiên, cần được gìn giữ phục vụ du lịch thiên nhiên và du lịch địa chất. Những yếu tố rủi ro làm ảnh hưởng đến cảnh quan có được chỉ ra như việc trồng quế ở các diện tích xung quanh có nguy cơ che lấp bãi đá, việc san ủi đất để làm nương và dẫn nước làm biến đổi địa hình, diện mạo… Ngoài ra cũng đề xuất để bãi đá nguyên sơ và chỉ cần những thay đổi nhỏ như tạo đường đi tham quan giữa các phiến/tảng đá.

Hình 4. Những bãi đá A, B và C của Nà Hẩu

Hình 5. Vị trí của 14 khối / tảng đá quan trọng ở bãi đá A

Hình 6. Tương tự như một con khủng long có sừng hay một con bò tót Nam Mỹ

Hình 7. Tương tự như đầu rồng đang vươn mình từ thung lũng

Hình 8. Nghiên cứu và đánh giá địa chất đối với từng khối đá

5. Kết luận

    Tài nguyên du lịch là nền tảng cho phát triển bền vững, đồng thời là công cụ để chuyển đổi toàn nền kinh tế. Các giá trị của cảnh quan thiên nhiên cần được gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn. Vì vậy, cần đánh giá giá trị cảnh quan thiên nhiên để phục vụ cho mục đích quy hoạch và quản lý phát triển du lịch được hiệu quả.

    Xã Nà Hẩu có cảnh quan thiên nhiên còn nguyên vẹn và cần phải được khai thác cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt hệ sinh thái rừng, bãi đá và vườn dương xỉ cổ đại ở Nà Hẩu là một kiệt tác của thiên nhiên… Các cảnh quan thiên nhiên được xác định và khai thác một cách thích hợp sẽ nâng cao thu nhập của người dân. Chính vì vậy, công tác đánh giá giá trị cảnh quan thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở xã Nà Hẩu là cần thiết. Kết quả đánh giá cảnh quan của bãi đá cổ Nà Hẩu là một ví dụ cho những công tác kiểm kê và đánh giá tài nguyên du lịch tiếp theo để lập quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp - du lịch - sinh thái gắn với cộng đồng của người dân vùng cao, đây là cơ sở để chính quyền địa phương ban hành những chính sách cho phép phát triển kinh tế trong khu BTTN một cách có kiểm soát. Đồng thời, xây dựng quy chế du lịch thiên nhiên và sinh thái; cần có cơ chế phân chia lợi ích, hưởng chi phí do du lịch mang lại; bảo vệ nghiêm ngặt chất lượng rừng nguyên sinh…

Lời cảm ơn

    Chúng tôi rất chân thành cám ơn UBND huyện Văn Yên và UBND xã Nà Hẩu đã tạo điều kiện cho nhóm chuyên gia tình nguyện nghiên cứu đánh giá cảnh quan thiên nhiên ở bãi đá cổ Nà Hẩu. Đặc biệt chân thành cám ơn tổ chức FNF (Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom) của Đức đã đứng ra phối hợp với Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học để chúng tôi có thể trình bày những kết quả nghiên cứu khoa học ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

PGS. TS. Nguyễn Trung Dũng

Nguyên giảng viên Đại học Thủy lợi, Chuyên gia tư vấn về Phát triển bền vững

ThS. Nguyễn Mạnh Hà

Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

TS. Nguyễn Quang Tuấn

Đại học Thủy lợi

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Amir, S., & Gidalizon, E. (1990). Expert-based method for the evaluation of visual absorption capacity of the landscape. Journal of Environmental Management of Elsevier, Vol. 30, Issue 3, 251-263.

2. Arriaza, M., Cañas-Ortega, J., Cañas-Madueño, J., & Ruiz-Aviles, P. (2004). Assessing the visual quality of rural landscapes. Landscape and Urban Planning of Springer, Vol. 69, Issue 1, 115-125.

3. Bulut, Z., & Yilmaz , H. (2008). Determination of landscape beauties through visual quality assessment method: a case study for Kemaliye (Erzincan/Turkey). Environmental Monitoring and Assessment , Vol. 141, 121-129.

4. Cường, P., Cường, T., & Nguyên, P. (2020). Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên - Một cách tiếp cận mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tạp chí Môi trường, số 4, 24-27.

5. Hampicke, U. (2013). Kulturlandschaft und Naturschutz - Probleme, Konzepte, Ökonomie. Wiesbaden, Germany: Springer Spektrum.

6. Jacques, D. (1980). Landscape Appraisal: The Case for a Subjective Theory. Journal of Environmental Management, Vol. 10, 107-113.

7. Lien, T. (2019). Quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh Lào Cai. Hanoi: Hanoi Achitechtural University, Dissertation (LATS).

8. Macauley. (2013, 9 4). Review of existing methods of landscape assessment and evaluation. Retrieved from Macaulay Land Use Research Institute: https://disconnectedlandscapes.wordpress.com/2013/09/04/different-methods-of-landscape-assessment-macauley-2012/

9. Mahan, A., & Mansouri, S. (2018). Developing a Landscape Assessment Model (A review study of current methods and approaches to landscape assessment). The Scientific Journal of NAZAR research center (Nrc) for Art, Architecture & Urbanism, Vol.14 / No.56, 31-40.

10. Mishra, S. (2020). Tools and resources for nature-based tourism. New York: The World Bank Group.

Ý kiến của bạn