Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Chi phí ngoại ứng về môi trường và sức khỏe cộng đồng của phương án quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam

12/04/2022

    Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gồm hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý. Ở mỗi hoạt động đều gây ra những tác động tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, hay còn được gọi là ngoại ứng. Hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các phương tiện vận chuyển. Hoạt động xử lý chất thải tùy vào những công nghệ khác nhau đều có các ngoại ứng tới môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và từ đó gây ra những tác động tới sức khỏe, bệnh tật với cộng đồng. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng nhiều nghiên cứu, dự án đã thực hiện lượng hóa chi phí ngoại ứng của hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Kết quả cho thấy chi phí ngoại ứng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

1. Quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở Việt Nam

    Các phương pháp thu gom và vận chuyển chất thải phổ biến tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn về cơ bản gồm quy trình thu gom sơ cấp và quy trình thu gom thứ cấp. Quy trình thu gom sơ cấp được áp dụng đối với chất thải phát sinh từ hộ gia đình, hộ kinh doanh tới các điểm tập kết. Phương tiện sử dụng cho việc thu gom sơ cấp là các xe đẩy tay hoặc xe tải nhỏ. Việc thu gom thứ cấp sẽ được thực hiện từ các điểm tập kết, tới trạm trung chuyển và tới nhà máy xử lý, bãi chôn lấp cuối cùng. Phương tiện được sử dụng trong giai đoạn này là các xe tải lớn, xe ép rác.

    Về xử lý một trong những phương án phổ biến hiện nay trong xử lý CTRSH ở Việt Nam là phương án chôn lấp, trong đó có khoảng 30% bãi chôn lấp hợp vệ sinh với các yêu cầu kỹ thuật cao như có lớp lót đáy, có lớp phủ bề mặt, có hệ thống thu khí bãi rác, hệ thống xử lý nước rỉ rác và 70% bãi chôn lấp còn lại là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

    Để giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp,ở Việt Nam hiện đã đầu tư phát triển một số phương án xử lý khác như sản xuất phân hữu cơ (phân compost), đốt thu hồi năng lượng, đốt không thu hồi năng lượng hay phương án xử lý hỗn hợp. Việc áp dụng phương án công nghệ xử lý CTRSH mới thay thế cho công nghệ chôn lấp giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế khối lượng chất thải phải chôn lấp, giảm quỹ đất cho phương án chôn lấp.

2. Xác định ngoại ứng từ phương án thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH

    Thực tế phương án thu gom, vận chuyển CTRSH ở cả khu vực đô thị và nông thôn có thể gây ra ngoại ứng, trong đó lớn nhất và phổ biển đó là khí thải phát sinh từ các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH. Khí thải phát sinh từ các phương tiện vận chuyển chất thải như SO2, NO2, CO, khói bụi… sẽ được thải trực tiếp và gây ô nhiễm môi trường không khí. .

    Đối với mỗi phương án xử lý khác nhau, ngoại ứng cũng khác nhau. Yếu tố ngoại ứng chính được tạo ra từ bãi chôn lấp đó là khí bãi rác. Thành phần chính của khí bãi rác là khí nhà kính, bao gồm 2/3 là khí mê tan (CH4) và 1/3 là khí CO2 (DEFRA, 2004a). Ngoài việc phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác còn gây nhiễm độc cho môi trường nước; lan truyền chất độc bao gồm nước thải chưa qua xử lý vào nước ngầm và nước mặt. Đối với phương án xử lý khác CTRSH, tùy thuộc vào từng công nghệ khác nhau mà ngoại ứng sẽ khác nhau.

3. Lượng hóa chi phí của ngoại ứng của hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH

    Khi xem xét tới chi phí liên quan tới hoạt động quản lý CTRSH có hai khía cạnh cần quan tâm đó là chi phí trực tiếp và chi phí ngoại ứng. Chi phí trực tiếp liên quan tới chi phí đầu tư (CAPEX) và chi phí vận hành (OPEX) (EPA, 1997), Hogg, 1996, Weng và Fujiwara, 2011). Đây là những chi phí trực tiếp do nhà đầu tư dự án chi trả.

    Chi phí ngoại ứng là những chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý của các cơ sở xử lý chất thải gây ra. Chi phí này bao gồm những chi phí thiệt hại về sức khỏe và những thiệt hại về môi trường (Atkinson và Mourato, 2016; Ferrara, 2008; Jamasb và Nepal, 2010).

    Trên thế giới nhiều nghiên cứu đã tính toán và lượng hóa chi phí ngoại ứng của hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Kết quả tính toán chỉ ra rằng thiệt hại tính bằng tiền của các ngoại ứng là tương đối lớn. Khi xem xét về mặt chi phí tài chính thì xử lý chất thải bằng công nghệ khác sẽ thường tốn kém chi phí hơn so với việc chôn lấp. Tuy nhiên khi xét về khía cạnh kinh tế rộng hơn (bao gồm cả chi phí xã hội, môi trường) thì xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến ưu việt hơn so với công nghệ chôn lấp thông thường.

    Ở cấp độ quốc tế đã có nhiều nỗ lực để tính toán chi phí thiệt hại do tác động tới tới môi trường của phương án thu gom, vận chuyển và các phương án xử lý chất thải khác. Các nghiên cứu này đều lượng giá giá trị thiệt hại do các tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí, tác động tới sức khỏe do ô nhiễm môi trường, tác động của biến đối khí hâu.

    Tại Hồng Kông, chi phí ngoại ứng của vận chuyển CTRSH tập trung vào các khí thải là NOx, CO2, SO2. Các kỹ thuật đánh giá được sử dụng là phương pháp giá trị hưởng thụ, phương pháp đánh giá rủi ro liều lượng đáp ứng, phương pháp chi phí du lịch, chi phí kiểm soát. Tổng chi phí môi trường được tính toán từ việc vận chuyển chất thải là 0,67 HK$/t chất thải được thu gom.

Bảng 1. Phát thải và chi phí từ việc vận chuyển chất thải

Chất thải

Phát thải (g/t của chất thải

Chi phí môi trường (HK$/t chất ô nhiễm)

Chi phí  (HK$/t)

Hạt

3,1

16,671

0,05

CO

20,2

7,207

0,14

HC

8,7

42,900

0,37

NOx

39,8

98

0,0039

CO2

986,4

104

0,1

 

Nguồn: Shan Shan Chung và cộng sự

    Về xử lý CTRSH, chi phí ngoại ứng được tính toán tập trung nhiều vào phương án chôn lấp và phương án đốt. Kết quả ước tính chi phí ô nhiễm từ bãi chôn lấp là 2£/tấn chất thải ở bãi chôn lấp. Việc cộng chi phí ngoại ứng và chi phí môi trường làm cho chi phí bãi chôn lấp là 5£/tấn đối với chất thải được chôn lấp.

Bảng 2. Chi phí ngoại ứng của bãi chôn lấp chất thải ở Anh

(đơn vị tính: £/tấn)

 

Bãi chôn lấp ở đô thị không có hệ thống thu khí bãi rác

Bãi chôn lấp mới có hệ thống thu khí bãi rác

Bãi chôn lấp ở nông thôn không có hệ thống thu khí bãi rác

Bãi chôn lấp mới ở nông thôn có hệ thống thu khí bãi rác

Nóng lên toàn cầu

CO2

0,32

(0,08-0,87)

0,46

(0,12-1,27)

0,32

(0,08-0,87)

0,46

(0,12-1,27)

CH4

2,36

1,36

2,36

1,36

Ô nhiễm không khí

na

na

na

na

Nước rỉ rác

0,45

0

0,45

0

Ghi chú: na: là chưa có số liệu                                            (Nguồn: OECD, 2007)

    Tại Hồng Kông, tính toán chi phí ngoại ứng cho thấy cứ 1.000 tấn chất thải được chôn lấp thì tạo ra lượng nước rỉ rác trung bình với chi phí ngoại ứng trung bình là 0,15HK$. Ước tính tổng chi phí ngoại ứng của phương án chôn lấp chất thải là 288 HK$/t. Tổng chi phí ngoại ứng của phương án đốt chất thải ở Hồng Kông là 215,8 HK$/ chất thải.

    Tại Iceland, các nhà nghiên cứu đã áp dung phương pháp chuyển giao giá trị để tính toán chi phí ngoại ứng của phương án chôn lấp với các kịch bản khác nhau. Kết quả tính toán của Anh quốc trong năm 1990, 2000 được sử dụng để tính toán chi phí ngoại ứng của phương án chôn lấp tại Iceland.

Bảng 3. Tổng chi phí ngoại ứng của ô nhiễm không khí/tấn chất thải được chôn lấp, theo phương án chôn lấp khác nhau

 

Kịch bản A:

Phát sinh toàn bộ vào môi trường

Kịch bản B:

75% thu hồi khí để đốt và 25% thải vào không khí

Tổng chi phí ngoại ứng của ô nhiễm không khí (giá trị € năm 2000)

1,64

1,24

Nguồn: Paul K. Gorecki và cộng sự 2010

    Bên cạnh những nghiên cứu về chi phí ngoại ứng của phương án chôn lấp và phương án đốt CTRSH, một số phương án xử lý khác cũng được tính toán tổng chi phí ngoại ứng. Cụ thể được tổng hợp trong Bảng 04.

Bảng 4. Chi phí nội bộ và chi phí ngoại ứng của các giải pháp xử lý chất thải rắn

Phương án

Chi phí nội bộ

(Euro/tấn)

Chi phí ngoại ứng

(Euro/tấn)

Đốt (chỉ thu hồi năng lượng)

51,23

 

60,55-69,67

 

Đốt (thu nhiệt và thu hồi năng lượng)

68,18

 

38,73 – 48,21

 

Bãi chôn lấp thông thường

9,12

 

21,63- 29,54

 

Bãi chôn lấp thu hồi năng lượng (chôn lấp hợp vệ sinh)

7,7

 

16,27 – 21,01

 

Sản xuất phân compost và xử lý cơ sinh học MRF

19,7

 

0,47-2,65

 

 

 Nguồn: Kemal Korucu và cộng sự, 2016

    Chi phí và lợi ích ngoại ứng chiếm khoảng 10% tổng chi phí cho hoạt động xử lý chất thải bằng phương pháp đốt và 25% tổng chi phí đối vơi phương pháp chôn lấp (Jamash và cộng sự).

Kết luận, kiến nghị

    Các mô hình kinh tế tân cổ điển thường giả định rằng việc loại bỏ chất thải là miễn phí. Và hầu hết người tiêu dùng đều thực hiện theo giả định như trên. Việc thu gom, vận chuyển và đặc biệt là xử lý chất thải không chỉ gồm chi phí cố định như chi phí về máy móc, phương tiện, lao động, đất đai… mà còn phát sinh các chi phí ngoại ứng, đó là các chi phí về môi trường như ô nhiễm nước, ô nhiễm môi trường đất và chi phí thiệt hại tới sức khỏe cộng đồng.

    Một trong những nguyên nhân của việc phát sinh CTRSH quá mức bắt nguồn từ việc toàn bộ chi phí của hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải chưa được tính toán đầy đủ, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chi phí ngoại ứng. Chi phí ngoại ứng từ các hoạt động trên chưa được tính toán và nhìn nhận là một phần cấu thành trong tổng chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Việc bỏ qua các chi phí ngoại ứng sẽ dẫn tới những thiếu sót trong công tác quản lý chất thải rắn.

    Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xem xét và đánh giá chi phí ngoại ứng của hoạt động quản lý CTRSH, tác giả đề xuất cần nghiên cứu, bổ sung nhóm chi phí ngoại ứng trong việc tính tổng chi phí hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Điều này có nghĩa đối với giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH cần tính toán dựa trên trên chi phí xã hội. Trong đó chi phí xã hội sẽ được tính bằng chi phí trực tiếp (chi phí đầu tư và chi phí vận hành) cộng với chi phí ngoại ứng. Với việc bổ sung nhóm chi phí ngoại ứng trong cơ cấu tổng chi phí, giá dịch vụ của hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sẽ phán ảnh được đầy đủ các loại chi phí của hoạt động này. Kết quả là người xả thải rác sẽ phải xem xét, cân nhắc việc xả thải, cụ thể là thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, giảm khối lượng xả thải chất thải ra môi trường để hạn chế tối đa ngoại ứng phát sinh, từ đó hạn chế được các chi phí ngoại ứng, từ đó sẽ giảm được giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH mà người sử dụng dịch vụ phải chi trả.

ThS. Hàn Trần Việt

 Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Somnath Debnath, Exploring full cost accounting approach to evaluate cost of MSW services in India.

2. Reka Soos, 2017, Financial Aspect of Solid Waste Management.

3. M. Kemal Korucu và cộng sự, 2016, The effects of external costs on the system selection for treatment and disposal of municipal solid wastes: a deterministic case study for a pre-assessment.

4. Paul K. Gorecki và cộng sự 2010, An Economic approach to municipial waste management policy in Ireland.

5. Matheso và Ruud de Mooij, 2019, Disposal is not free: Fiscal Instrument to Internalize the Environmental Costs of Solid Waste.

6. Shan Shan Chung và Chi Sun Poon, 1997, Quatifying Externalities in Solid Waste Management in Hong Kong.

7. OECD, 2007, Working Group on Waste Prevention and Recycling: Instrument mixies addressing household waste.

 

Ý kiến của bạn