Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội

30/01/2019

   Hà Nội được đánh giá là có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, không chỉ về thành phần động, thực vật, chi (giống), loài, mà còn về hệ sinh thái (HST) và nguồn gen quý hiếm. Trong đó, Hồ Tây là ví dụ điển hình đa dạng về HST và có thể phân ra: HST vùng nước ven bờ và bờ với các quần xã sinh vật nổi thực vật bám đáy, thực vật thủy sinh bậc cao; Bờ hồ còn có các hang hốc, là nơi cư trú của các loài lươn, cua và tôm. HST khối nước giữa hồ có các quần xã sinh vật nổi, động vật tự bơi như cá. HST đáy hồ có các nhóm động vật đáy như giun ít tơ, trai, ốc, tôm, cua. Hồ Tây từng nổi tiếng với loài chim sâm cầm, gần đây ít gặp hơn nhưng có một loài khác là le le thường xuất hiện nhiều nhất là vào buổi sáng hoặc chiều.

1. Đặt vấn đề

    Hà Nội không chỉ thừa hưởng nhiều nguồn gen quý của cả nước mà còn được sở hữu nguồn gen cây trồng đặc sản, trong đó, đã thống kê được 6 nhóm, 131 loài cây và 1357 giống, bao gồm cây ăn quả, cây rau, cây cảnh… Ngoài ra, Hà Nội còn có vườn thú, vườn bách thảo, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ suy giảm ĐDSH. Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn ĐDSH TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung nhằm bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững nguồn gen quý hiếm, ĐDSH và HST tự nhiên quan trọng của Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với BVMT. Với 4 mục tiêu cụ thể, trong đó phục hồi, bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững ĐDSH về giống (chi), loài, nguồn gen sinh vật và HST của TP.

2. Cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch ĐDSH TP. Hà Nội

    Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, quy hoạch bảo tồn ĐDSH là giải pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn ĐDSH. Do đó, quy hoạch bảo tồn sẽ trả lời được ba câu hỏi quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH, đó là: Bảo tồn cái gì, ở đâu và bảo tồn như thế nào. Kết quả của quy hoạch bảo tồn sẽ chỉ rõ, đối tượng cụ thể cần bảo tồn là gì? Có thể là loài quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cũng có thể là HST tự nhiên đặc thù nhưng đang bị suy thoái, hoặc cảnh quan đẹp, có giá trị về văn hóa, lịch sử nhưng đang bị xâm hại. Tiếp đến, quy hoạch bảo tồn ĐDSH phải chỉ rõ địa điểm, nơi sống của đối tượng cần bảo tồn, ít nhất là tọa độ địa lý, độ cao so với mực nước biển, đang tồn tại trong HST nào: Rừng, đất ngập nước, khu dân cư… Cuối cùng, đưa ra các hình thức bảo tồn: bảo tồn tại chỗ: (In - situ), bảo tồn chuyển chỗ (Ex –situ) hoặc bảo tồn theo cộng đồng, nhóm cộng đồng, thậm chí là hộ gia đình. Hiện nay, hướng cộng đồng tham gia công tác bảo tồn đang được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, vì đây là biện pháp bảo tồn hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.

    Cơ sở khoa học quan trọng nhất cho việc quy hoạch bảo tồn ĐDSH là hiện trạng ĐDSH, gồm 3 hợp phần: HST, thành phần loài (động thực vật) và nguồn gen.

2.1. Hệ sinh thái

    Kết quả điều tra, khảo sát, kết hợp thu thập các thông tin có liên quan, đã xác định được Hà Nội có 10 HST, trong đó có 6 HST tự nhiên và 4 HST nhân tạo, đó là: HST rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiết đới cây lá rộng xen cây lá kim ở độ cao từ 600m trở lên; HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng trên núi đất (độ cao dưới 600m); HST rừng hỗn giao tre nứa xen cây gỗ; HST rừng trên núi đá vôi; HST trảng cây bụi , trảng cỏ; HST đất ngập nước; HST khu dân cư đô thị, thị tứ, thị trấn; HST khu dân cư nông thôn; HST rừng trồng và HST nông nghiệp. Trong 6 HST tự nhiên, có 4 HST rất đặc trưng:

a. HST rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới cây lá rộng xen cây lá kim ở độ cao từ 600 m trở lên. HST này chỉ có ở Vườn quốc gia Ba Vì, diện tích 1.003,3ha chiếm 0,3% diện tích tự nhiên của TP. Đây là HST còn giữ được tính nguyên sinh vì ít bị tác động. Đã xác định được HST này có 1.054 loài thuộc 126 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Về động vật có 63 loài thú, 104 loài chim, 23 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. HST này được ví là ‘phòng tiêu bản sống” vì có nhiều mẫu chuẩn hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Thực vật Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Thực vật TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Pari. HST này cũng có nhiều loài đặc hữu Bắc bộ, tức là chỉ phân bố từ vĩ tuyến 20vĩ độ Bắc trở ra.

b. HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng trên núi đất ở độ cao từ 600 m trở xuống. Phân bố chủ yếu ở Vườn quốc gia Ba Vì, ngoài ra, còn có ở khu vực Đầm Long, Khu K9, các xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân…, có diện tích 13.921,25 ha, chiếm 4,18% diện tích tự nhiên Thành phố. HST này chủ yếu là rừng thứ sinh, nhưng có 2 vườn cây thuốc ở độ cao 400m, là vườn cây thuốc người Dao và vườn cây thuốc của Học viện Quân y. Hai vườn cây thuốc này đã sưu tầm được khá nhiều cây thuốc không chỉ ở Vườn quốc gia Ba Vì mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước.

c. HST rừng trên núi đá vôi. Phân bố chủ yếu ở khu vực Hương Tích, Quan Sơn. Cả nước hiện có 1152.000ha núi đá (chủ yếu là núi đá vôi), nhưng chỉ có 396.200ha có rừng, còn lại 756.000ha là núi đá trọc. Trong khi đó, HST núi đá vôi của Hà Nội có diện tích 4.272,10ha hầu hết còn được phủ bởi rừng, tạo nên chốn “thâm sơn cùng cốc”, rừng núi âm u, cảnh quan ngoạn mục. Có lẽ vì thế mà chúa Trịnh Sâm đã ban tặng cho Hương Tích là “Nam thiên đệ nhất động”.

    Hệ thực vật ở đây có 491 loài, 91 họ thuộc 4 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có rau sắng (Meliantha suavis), nghiến (Exentrodendrontonkinense), lan một lá (Nervilia fordii) được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 1 loài được ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP là sưa (Dalbergia tonkinensis). Về động vật có 32 loài thú, 65 loài chim, 18 loài bò sát và 25 loài ếch, trong đó có 7 loài thú được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); bò sát, ếch nhái có 12 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007).

d. HST đất ngập nước. Hà Nội có tới 220 hồ, trong đó nhiều hồ nổi tiếng như: Hồ Tây, hồ Gươm, hồ Đồng Mô – Ngải Sơn, Hồ Quan Sơn và  hồ Xuân Khanh…

    Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) ngày 12/4/2018 công bố đã phát hiện được một con rùa cùng loài với rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. Trước đó, loài rùa này đã phát hiện được ở hồ Đồng Mô – Ngải Sơn. Như vậy, loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus  swinhoei) hiện nay chỉ còn 4 con trên thế giới, riêng Hà Nội có 2 con.

    Quần thể di tích Hương Sơn chắc chắn sẽ kém phần hấp dẫn về mặt tâm linh nếu như không có suối Yến, suối Phú Yên và các thủy vực khác bởi vì sẽ không có hình ảnh “chim gõ mõ, cá nghe kinh”.

    Hà Nội có 4 HST nhân tạo, trừ HST rừng trồng, còn lại đều đang lưu  giữu nhiều nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm, cây di sản (cây cổ thụ sống vài tram năm trở lên) cần bảo tồn.

2.2. Thành phần loài

    Kết quả khảo sát, thu thập tài tiệu đã xác định được thành phần loài hệ động, thực vật Hà Nội như sau:

a. Thành phần hệ thực vật, được thể hiện ở Bảng 1.

 

Bảng 1. Sự phân bố số họ, chi và loài theo ngành của hệ thực vật Hà Nội

TT

Tên ngành

Số họ

Số chi

Số loài

1

Khuyết lá thông - Psilotophyta

1

1

1

2

Cỏ tháp bút - Equisetophyta

1

1

2

 

3

Thông đất - Lycopodiophyta

2

3

12

4

Dương xỉ - Polypodiophyta

22

45

97

5

Hạt trần – Gymnospermae

8

11

17

6

Hạt kín – Angiospermae

181

804

1618

6.1

Lớp hai lá mầm - Diotyledones

141

633

1304

6.2

Lớp một lá mầm - Monocotyledones

40

171

314

 

Tổng cộng

215

865

1747

 

   Như vậy, hệ thực vật Hà Nội chiếm 75,4% tổng số họ, 37,6% tổng số chi và 17,1% tổng số loài của hệ thực vật Việt Nam. Đặc biệt, hệ thực vật Hà Nội có đầy đủ 6 ngành thực vật bậc cao, trong đó, Khuyết lá thông (Psilotophyta) là ngành cổ nhất của hệ thực vật Việt Nam, xuất hiện từ kỷ đệ tam được xem là hóa thạch sống, hiện chỉ có duy nhất 1 họ, 1 chi  và 1 loài với số lượng cá thể rất ít.

b. Thành phần hệ động vật.

    Hệ động vật Hà Nội do bị tác động mạnh nên tương đối nghèo. Các loài thú lớn hoang dã như hổ, báo, gấu hầu như không còn, chỉ có một số loài  thú nhỏ như các loài chuột, chồn, sóc, cầy, cáo; Chim tương đối phong phú, trong đó có một số loài chim nước di cư. Ngoài ra, còn có bò sát, ếch nhái, cá và động vật không xương sống.

c. Thành phần động vật có xương sống.

    Kết quả điều tra, khảo sát, phỏng vấn người dân địa phương, đã thống kê được thành phần động vật có xương sống như sau: 

 

Bảng 2. Thành phần động vật có xương sống

TT

Tên lớp

Số bộ

Số họ

Số loài

1

Thú

8

25

77

2

Chim

17

50

177

3

Bò sát

2

12

37

4

Ếch nhái

1

4

18

5

8

21

73

 

d. Thành phần động vật không xương sống.

    Thành phần động vật không xương sống gồm 7 ngành, số lượng, bộ, họ, loài của mỗi ngành rất khác nhau, phong phú nhất cả về số bộ, họ và loài là ngành Côn trùng. NgànhTagrigrada chỉ duy nhất có 1 lớp, 1 bộ, 1 họ và 1 loài. Bảng 3 là kết quả điều tra, thu thập mẫu vật, xác định thành phần động vật không xương sống của Hà Nội.

 

Bảng 3 . Thành phần động vật không xương sống

TT

Tên ngành

Tên lớp

Số bộ

Số họ

Số loài

1

Chân khớp

Giáp xác

3

8

44

2

Giun tròn

Trùng bánh xe

2

10

32

3

Thân mềm

+Chân bụng

4

4

33

 

 

+Hai mảnh vỏ

3

3

26

4

Chân khớp

Giáp xác lớn

1

1

14

5

Giun đất

Đỉa

1

1

3

 

 

+Giun ít tơ

1

2

11

 

 

+Giun nhiều tơ

1

2

2

6

Targrigrada

Eutargrada

1

1

1

7

Côn trùng

 

9

42

320

 

2. 3. Nguồn gen

a. Nguồn gen thực vật quý hiếm hoang dã: Có 53 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), trong đó có 11 loài vừa có trong Sách Đỏ Việt nam (2007) vừa có trong Nghị định 32/NĐ-CP.

b. Nguồn gen động vật quý hiếm hoang dã:

- Thú: Có 3 loài trong Sách ĐỏViệt Nam (2007) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP

- Chim: Có 8 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP. 3.2.3. Bò sát, ếch nhái có 5 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

- Cá: Có 2 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt nam (2007)

c. Nguồn gen cây trồng đặc sản TP. Hà Nội

* Nhóm cây ăn quả:

- Bưởi Diễn

- Bưởi đỏ Mê Linh

- Bưởi La Khê

- Quýt đường Canh

- Khế Bắc Biên

- Hồng xiêm Xuân Đỉnh...

* Nhóm Cây rau

- Rau sắng Chùa Hương

- Rau muống Linh Chiểu

- Khoai tây Thường Tín

- Cải bẹ Đông Dư

- Cải mơ Hà Nội

- Cải mào gà Hoài Đức

* Hoa cây cảnh

- Đào Nhật Tân

- Sen Hồ Tây

3. Quy hoạch bảo tồn ĐDSH TP. Hà Nội đến năm 2030

    Trên cơ sở hiện trạng ĐDSH và kết quả rà soát theo tiêu chí của Luật ĐDSH (2008), Nghị định 65/2010/NĐ-CP đã đề xuất hệ thống các khu bảo tồn của TP. Hà Nội đến năm 2030 như sau:

 

Bảng 4. Danh mục đề xuất thành lập các khu bảo tồn TP. Hà Nội

TT

Tên

Diện tích (ha)

Phân cấp bảo tồn

Cấp quản lý

Phân kỳ quy hoạch

Ghi chú

1

Vườn quốc gia Ba Vì

9.704,35

Vườn quốc gia

Trung ương

Theo quyết định 510 QĐ -TTg

Theo quyết định 510 QĐ -TTg

2

 

Hương Sơn

4.355

Khu bảo vệ cảnh quan

Thành phồ

TP

Chuyển đổi

​3

Vật Lại

10

nt

nt

nt

Thành lập mới

 

4

Chùa Thầy

17

nt

nt

nt

nt

​5

Quan Sơn

2741,10

nt

nt

nt

nt

6

Hồ Tây

527,517

nt

nt

nt

nt

7

Đồng Mô- Ngải Sơn

1228,8

Khu bảo vệ cảnh quan

nt

nt

nt

8

Hồ Suối Hai

1228,8

nt

nt

nt

nt

 

    Ngoài ra, còn đề xuất các cơ sở bảo tồn như: Bảo tồn quần thể lim cổ thụ ở Đền Và, bảo tồn các loài thực vật quý hiếm và các cây cổ thụ tại thành cổ Sơn Tây. Lập danh sách 63 cây di sản của TP. Bảo tồn nguồn gen thông qua các dự án ưu tiên của Sở NN&PTNT gồm: 14 nguồn gen cây ăn quả, 7 nguồn gen cây rau và 2 giống hoa, cây cảnh. Các nguồn gen vật nuôi như gà Mía, vịt cỏ Vân Đình.

4. Kết luận

    Phương án quy hoạch đã bảo tồn được 100% diện tích tự nhiên cùng với những HST quan trọng, những loài động, thực vật hoang dã quý hiếm và nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản của thành phố, phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô theo đề án quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Xây dựng thủ đô Hà Nội trở TP xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.

 

TS. Lê Trần Chấn, ThS. Vũ Thị Cúc1

Trung tâm Địa Môi trường và Tổ chức lãnh thổ1

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV năm 2018)

Ý kiến của bạn