Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Phát triển kinh tế chất thải ở một số nước trên thế giới - Bài học cho Việt Nam

13/04/2018

ThS. Hàn Trần Việt, Bùi Hạnh Ngân

Viện Khoa học Môi trường

   

      Ngày nay, trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt do tốc độ khai thác phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), môi trường đang ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng với khối lượng lớn chất thải phát sinh. Chất thải đang được xem là thách thức lớn trong công tác quản lý môi trường ở Việt Nam. Trước thực trạng đó, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải phát sinh, nâng cao hiệu quả quản lý, đặc biệt đối với đối tượng là chất thải rắn, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành những quy định cụ thể để quản lý chất thải. Theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2050 có nêu phát triển thị trường, xây dựng nền kinh tế chất thải (KTCT) là một trong những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản thực hiện mục tiêu đề ra

     1. Tổng quan một số vấn đề về KTCT
     Tại Việt Nam, theo thống kê của Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) và Bộ Xây dựng năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Đây được đánh giá là nguồn tài nguyên có giá trị vô cùng lớn, mang lại giá trị kinh tế phục vụ sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mục tiêu KTCT kinh tế từ chất thải chưa đạt được như mong muốn, chất thải chưa được coi là nguồn tài nguyên có giá trị và giá trị sử dụng, các thị trường thứ cấp như thị trường mua bán sản phẩm tái chế, thị trường mua bán khí thải và năng lượng... chưa thật sự phát triển, nhà nước chưa tạo được nguồn thu đầy đủ từ chất thải thông qua các chính sách quản lý, vẫn phải bao cấp cho các dịch vụ xử lý chất thải, hàng năm vẫn phải chi hàng nghìn tỷ đồng để chi trả cho các dịch vụ liên quan tới thu gom, xử lý chất thải và khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường.     

     KTCT là một khái niệm mới, có mối liên hệ mật thiết với nội dung của kinh tế học và kinh tế môi trường. Hiện nay có nhiều khái niệm và quan điểm khác nhau về KTCT.

     Theo OECD (2004), Tổng quan về KTCT: KTCT có thể giúp cân bằng giữa lợi ích và chi phí, đảm bảo mục tiêu quản lý chất thải sẽ được đạt chi phí thấp nhất tới xã hội.

     Cục Môi trường, thực phẩm và nông thôn, Nobel House (2011): KTCT và chính sách quản lý chất thải. Ngoài những lợi ích về môi trường, tiết kiệm tài chính cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cho chính phủ, KTCT sẽ giúp giảm sử dụng tài nguyên, giảm chi phí xử lý, chôn lấp chất thải, tạo ra hệ thống quản lý chất thải hiệu quả hơn cả về số lượng chất thải phát sinh và cách thức mà chất thải được xử lý.

     Một quan điểm khác khi tiếp cận với khái niệm KTCT, đó là KTCT tập trung vào phương án phòng ngừa và giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Xét về phương diện kinh tế, phương án này sẽ giảm chi phí xã hội trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên, tài sản vật chất của quốc gia.             

     KTCT bao gồm các khía cạnh phát sinh thu gom, vận chuyển, tái chế,thiêu đốt hoặc chôn lấp các chất thải. Chúng được sinh ra từ các hoạt động của một nền kinh tế và những tác động về mặt kinh tế của công tác thiêu đốt, chôn lấp các chất thải đó tới môi trường một khi chúng thải ra môi trường (KTCT đô thị ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1999).

     Qua việc nghiên cứu, tham khảo các khái niệm khác nhau về KTCT ở trên thế giới và một số khái niệm ở Việt Nam, mặc dù có những nội dung và cách tiếp cận vấn đề khác nhau, song trong phạm vi bài viết có thể tổng hợp được các nội dung về KTCT như sau:

     - KTCT là việc xây dựng các cơ chế làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giảm chi phí xử lý chất thải đối với doanh nghiệp thông qua các hoạt động quản lý với đối tượng là chất thải.

     - KTCT cũng có thể hiểu là việc sử dụng các công cụ kinh tế để hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường hàng hóa và dịch vụ về sản phẩm tái chế, coi chất thải là một hàng hóa có thể khai thác, tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho các bên liên quan.

     2. Một số nội dung phát triển KTCT ở các nước trên thế giới

     2.1. Sự phát triển và triển khai thực hiện thuế liên quan đến chất thải

     Theo nghiên cứu của Bod Davis và Michael Doble, thuế bãi rác đã được triển khai thực hiện ở Anh từ những năm 1996. Thuế này áp dụng đối với đối tượng là rác thải công nghiệp và rác thải đô thị và được chia theo mức tỷ lệ thu thuế khác nhau tùy thuộc vào từng loại rác thải. Ban đầu mức thu thuế ở mức thấp và mức thu thuế sẽ được tăng theo từng năm phụ thuộc vào thành phần rác thải, mức độ ô nhiễm môi trường...

     Phụ thuộc vào từng loại bãi rác bất cả ở khu vực đô thị hay nông thôn, có thực hiện thu hồi năng lượng hay không thì chi phí ngoại ứng của bãi rác là từ 1 - 9 USD/tấn rác. Năm 1998 nghiên cứu về thuế bãi rác chỉ ra rằng, thuế bãi rác có ảnh hưởng tới quyết định quản lý rác thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới ¾ số các công ty có hoạt động tái chế, tái sử dụng rác thải để tối thiếu hóa chi phí cho thuế bãi rác.

     Thuế chất thải ở Nauy được giới thiệu từ năm 1999. Mục tiêu của thuế này là bù đắp chi phí thiệt hại về môi trường gây ra bởi quá trình xử lý rác thải cuối cùng. Loại thuế này được áp dụng với mong muốn tạo nguồn kinh phí đóng góp hoạt động tái chế, tái sử dụng rác thải. Khi mới được giới thiệu, số tiền thuế thu được sẽ được phân bổ tới các cơ sở quản lý bãi rác và các nhà máy đốt rác. Từ khi được triển khai thực hiện, có một sự thay đổi rất lớn tại các bãi rác. Năm 1998, 43% lượng rác sinh hoạt được chôn lấp tại các bãi rác, 33% được tái chế và 23% được đốt. Năm 2002, con số này lần lượt là 24%, 45% và 31%.

     Năm 1995, Hàn Quốc sửa đổi đạo luật quản lý chất thải và đưa vào áp dụng hệ thống phí chất thải. Hệ thống phí này còn khuyến khích phân loại và tái chế chất thải đối với các sản phẩm như giấy, kim loại và nhựa tổng hợp. Từ năm 1995 đến 2003, Hệ thống phí mới đã tạo ra khoảng 7,7 tỷ USD tính theo các lợi ích kinh tế do giảm thiểu được khoảng (6,1 x 107 tấn) chất thải và tăng tỷ lệ thu gom tái chế khoảng (2,8 x 107 tấn).

     2.2. Nội dung phát triển thị trường tái chế

     Đức, Trung Quốc và các nước EU cũng đã và đang xem tái chế chất thải như là một nội dung quan trọng trong chính sách môi trường quốc gia. Tái chế không chỉ đơn thuần giúp giảm thiểu chất thải, gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguồn tài nguyên vô tận, quý giá, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng, tài nguyên thiên nhiên cao hơn bao giờ hết và cũng đang dần cạn kiệt.Trung Quốc đang xây dựng các quy định về tái chế chất thải, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn tái chế. Luật đẩy mạnh sản xuất sạch (Law on the Promotion of Clean Production) được thông qua ngày 29/6/2002. Luật này cũng quy định về việc ưu tiên mua các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên của các cấp chính quyền.

     Áp dụng các công cụ kinh tế, phát triển thị trường, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho quản lý tái chế chất thải đã được tiến hành từ lâu tại các nước phát triển và nay đang được các quốc gia đang phát triển rất quan tâm. Xem xét kinh nghiệm liên quan của Ấn Độ, một quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á có nhiều điểm tương đồng về KT-XH sẽ đem lại nhiều bài học bổ ích cho Việt Nam. Ở Ấn Độ, lượng chất thải rắn bình quân mỗi năm tăng hơn 5%. Vì những tiêu chuẩn quản lý chất thải rắn đô thị tại nước này chưa thỏa đáng, nên Chính phủ đã ban hành những quy định mới về xử lý chất thải rắn đô thị. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn tương đối chậm. Chính vì thế, Ấn Độ đang chuyển hướng sang khu vực tư nhân. Với thị trường thu gom và xử lý trị giá 570 triệu đô la Mỹ, khu vực tư nhân đang thu hút rất nhiều sáng kiến về xử lý rác thải. Rác thải đang đem lại những cơ hội kinh doanh mới cho Ấn Độ.

     Có nhiều mô hình tham gia của khu vực tư nhân trong chuỗi quy trình xử lý chất thải rắn đô thị Ấn Độ, bao gồm mô hình trả phí, trong đó thành phố sẽ trả cho các công ty tư nhân xử lý chất thải rắn một khoản phí đối với mỗi tấn rác thải được thu gom, phân loại và xử lý. Đây là mô hình phổ biến nhất ở Ấn Độ.

     3. Một số vấn đề rút ra đối với Việt Nam

     Việc đẩy mạnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý chất thải được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ những khó khăn và áp lực mà chất thải rắn đang tạo ra trong bối cảnh phát triển KT-XH hiện nay. KTCT là quá trình tất yếu khách quan xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Quá trình này đã được sớm nghiên cứu và triển khai ở các nước và đã thu được những kết quả khích lệ. Trong phạm vi bài viết đã giới thiệu khái quát về một số nội dung có liên quan tới KTCT mà các nước đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Để phát triển được nội dung KTCT ở Việt Nam phù hợp với điều kiện và đặc điểm KT-XH, một số vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới là:

     Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung và các giải pháp để triển khai áp dụng các công cụ kinh tế như thuế phí, ký quỹ hoàn trả, đặt cọc…trong quản lý chất thải. Việc này nhằm tạo ra các nguồn thu phù hợp, đóng góp vào ngân sách nhà nước để chi trả các chi phí trong quản lý và xử lý chất thải.

     - Nghiên cứu tạo lập thị trường sản phẩm tái chế, tạo cơ chế thuận lợi cho người mua, người bán và các bên có liên quan tham gia thị trường đầy tiềm năng này ví dụ thị trường sản phẩm phân bón, gạch ốp lát, thị trường mua bán khí thải…

     - Có các chính sách cụ thể, hợp lý để khuyến khích khối tư nhân, đơn vị ngoài nhà nước tham gia thực hiện thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải, tạo ra công an việc làm, thu nhập và tài chính từ chính chất thải.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ISPONRE. Nghiên cứu, xây dựng quy định pháp luật về tái chế chất thải rắn trong Luật BMTV (sửa đổi) và văn bản hướng dẫn chi tiết.

2. TS. Nguyễn Thị Hồng Liễu. Tình hình quản lý chất thải rắn ở Việt Nam và sự tham gia của khối tư nhân.

3. Addressing the Economics of  Waste, OECD.

4. The effiecient functioning of waste markets in the European Union, EU.

Ý kiến của bạn