Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy

08/10/2019

Nguyễn Lan Anh1, Lại Minh Hiền2, Trần Thanh Lâm3, Ngô Thị Định3, Đỗ Thị Mỹ Lương3, Lê Anh Tú3, Ngô Đức Thuận3, Mai Thị Huyền3

1Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

2Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học

3Viện Khoa học Môi trường và Biến đổi khí hậu

TÓM TẮT

     Xuân Thủy có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái (DLST) với sự đa dạng của các kiểu sinh cảnh, các loài động, thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái đất ngập nước. Phát triển DLST bền vững cần thiết hoàn thiện các chính sách, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ… Đặc biệt, phát triển loại hình du lịch này cần phải gắn kết sự tham gia của cộng đồng tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy qua việc nâng cao nhận thức, kỹ năng… trong vận hành các hoạt động nhằm phát triển DLST.

    Từ khóa: Du lịch sinh thái, cộng đồng, vườn quốc gia Xuân Thủy.

I. Mở đầu

    VQG Xuân Thủy là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển đất ngập nước Đồng bằng sông Hồng, song song với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), VQG Xuân Thủy thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân bản địa, phát triển hoạt động du lịch. Một trong những loại hình du lịch được ưu tiên lựa chọn là DLST. Trong đó, DLST dựa vào cộng đồng được ưu tiên phát triển.

    DLST dựa vào cộng đồng – hay nói cách khác là tăng cường phát huy năng lực của cộng động địa phương để hướng tới phát triển du lịch bền vững. DLST dựa vào cộng đồng là loại hình DLST giúp cho du khách, người dân địa phương thấu hiểu, tận hưởng và bảo vệ môi trường thiên nhiên và di sản văn hóa tồn tại chung quanh cộng đồng, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.

II. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập số liệu           

    Thu thập số liệu thứ cấp: Là phương pháp phổ biến, mang lại hiệu quả cao trong quá trình nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, các thông tin thứ cấp đã thu thập bao gồm các tài liệu đã được công bố về DLST, các văn bản, chính sách về phát triển DLST, các báo cáo hoạt động du lịch liên quan đến khu vực nghiên cứu,...

     Thu thập số liệu sơ cấp: Nhóm nghiên cứu đã đi khảo sát thực địa các tuyến điểm du lịch tại khu vực nghiên cứu để đánh giá hiện trạng tài nguyên cũng như hiện trạng tổ chức DLST dựa vào cộng đồng.

2.2. Tham khảo ý kiến chuyên gia

     Trong suốt quá trình nghiên cứu, nhóm đã luôn trao đổi, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn và các đồng nghiệp, cũng như tham khảo ý kiến các chuyên gia/các tổ chức hỗ trợ phát triển DLST, cán bộ quản lý các cấp có kinh nghiệm nhằm cho nghiên cứu được hoàn thiện hơn, mang tính khách quan, có giá trị khoa học và giá trị về thực tiễn ứng dụng.

III. Kết quả nghiên cứu

3.1. Tiềm năng DLST dựa vào cộng đồng của VQG Xuân Thủy

     VQG Xuân Thủy (Nam Định) nằm ngay cửa sông Ba Lạt của sông Hồng, là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) đất ngập nước Đồng bằng sông Hồng. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn. VQG Xuân Thủy cách thủ đô Hà Nội khoảng 150 km về phía Đông Nam; thời gian di chuyển từ 2 - 2,5 giờ là một khoảng cách hợp lí cho du lịch tham quan VQG vào dịp cuối tuần. Đồng thời, VQG Xuân Thủy nằm ngay tại một trong những cửa sông lớn đổ ra biển Đông, việc kết nối với các tuyến đường sông, đường biển thuận lợi.

    Hệ sinh thái rừng ở VQG Xuân Thủy là những sinh cảnh đặc trưng cho kiểu rừng ngập mặn ở ven biển Bắc bộ với tính ĐDSH cao. Theo thống kê, VQG có trên 220 loài chim thuộc 41 họ của 11 bộ, trong đó có trên 150 loài di cư, 50 loài chim nước và có tới 09 loài nằm trong sách đỏ quốc tế. Đây là nơi lưu giữ nguồn gen của một số loài có nguy cấp, như rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò thìa, choi choi mỏ thìa, mòng biển, diệc đầu đỏ, diệc trắng… Các loài chim di trú có thời điểm lên tới 30.000 - 40.000 con tạo thành những đàn chim rợp trời kết hợp với sinh cảnh rừng ngập mặn bao la giao hoà giữa sông và biển đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học cũng như du khách trong nước và quốc tế.

     Khu vực VQG Xuân Thủy là vùng đất với lịch sử của quá trình lấn biển mở mang bờ cõi, mang những sắc thái riêng đã tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách. Văn hóa mở đất của cư dân Đồng bằng sông Hồng là văn hóa tiêu biểu của cộng đồng dân cư vùng đệm VQG Xuân Thủy. Những nét sinh hoạt văn hoá mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước như: chèo cổ, hát chầu văn, bơi chải, múa lân, chọi gà hay đấu vật… trong các lễ hội cùng với sinh hoạt thường nhật của cộng đồng đã gắn kết mọi người với nhau trong mối quan hệ mật thiết.

3.2. Thực trạng hoạt động DLST dựa vào cộng đồng tại VQG Xuân Thủy

Về khách du lịch

     Kết quả khảo sát thực địa cho thấy lượng khách quốc tế du lịch tại VQG Xuân Thủy đa dạng nhiều đối tượng (các nhà khoa học, khách đến quan sát chim; tham quan vùng nước ngập). Trong đó, lượng khách đến VQG để quan sát chim chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 80%) tập trung mùa chim di trú (tháng 9, 10 năm trước – tháng 3, 4 năm sau). Đối tượng khách du lịch này thường lưu trú dài; nhưng khả năng chi trả không nhiều. Nhìn chung, lượng khách quốc tế còn nhỏ và ít có khách đi theo tour DLST.

    Khách du lịch nội địa là nguồn khách chủ yếu của VQG, thường từ 4000 – 6000 lượt khách/năm, khoảng 200 đoàn/năm. Quá trình phỏng vấn người dân thuộc vùng đệm VQG Xuân Thủy cho thấy, khách nội địa đến tham quan nghiên cứu chủ yếu là học sinh, sinh viên, khách du lịch và con em địa phương đi xa về thăm quê. Tuy nhiên, một lượng lớn khách đến VQG và chủ yếu là khách đi du lịch thiên nhiên chứ không có động cơ du lịch sinh thái chính thức. Đây là thực trạng chung về tình trạng khách du lịch sinh thái ở Việt Nam nói chung. Nếu so với một số VQG phát triển du lịch mạnh mẽ như Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng thì lượng khách đến vườn còn khiêm tốn (VQG Cúc Phương khoảng 75 000 lượt/năm; VQG Phong Nha - Kẻ Bàng khoảng 85 000 lượt/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với một số VQG có hệ sinh thái tương tự như VQG Tràm Chim (6000 lượt/năm) thì Xuân Thủy có lượng khách du lịch ở vào mức độ khá. Điều này cho thấy, DLST dù đang trong thời kì định hình hoạt động, nhưng là loại hình du lịch phát triển phổ biến trong VQG.

Các hình thức DLST dựa vào cộng đồng tại VQG Xuân Thủy:

(1) Tham quan, thưởng ngoạn những cảnh quan đất ngập nước vùng cửa sông bao gồm vùng rừng ngập mặt, biển vùng cửa sông. Một số hình thức tham quan: khách thưởng ngoạn cảnh quan vùng ngập mặn cửa sông, đặc biệt là phong cảnh rừng phi lao, các cồn cát; quan sát cảnh biển. 

(2) Xem chim: Ngắm, quan sát các loài chim quý; những loài chim phố biến và tham quan cảnh rừng. Hình thức quan sát: Chủ yếu bằng mắt thường hoặc ống nhòm.

(3) Nghiên cứu văn hóa, cộng đồng: Tìm hiểu về lịch sử hình thành phát triển vùng đất ngập nước Xuân Thủy; tham gia các hoạt động văn hóa đậm văn minh lúa nước, trải nghiệm bến cá Nam Hải, thăm làng dệt lưới, làm nước mắm Giao Hải, thăm thú chợ quê.       

(4) Tham quan và học tập kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của dân địa phương vùng đệm, thăm các đầm tôm, tham quan phương thức nuôi trồng thủy sản quảng canh cải tiến của các chủ đầm, câu cá trong đầm và quan sát các loài chim hoang dã.

(5) Du lịch tập huấn, hội thảo.

    Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong hoạt động du lịch khá đa dạng, dưới hai hình thức: Trực tiếp (kinh doanh dịch vụ homestay, hướng dẫn viên bản địa, cung cấp dịch vụ tham quan…) và gián tiếp (cộng đồng kinh doanh một số mô hình kinh tế mà khách du lịch có thể tham gia trải nghiệm như mô hình nuôi ngao, nuôi tôm…).  Dịch vụ homestay phát triển tại xã Giao Xuân với khoảng 10 hộ kinh doanh, 7 - 12 phòng nghỉ, trang thiết bị khá đầy đủ, đảm bảo có thể phục vụ cùng một lúc tối thiểu là 16 khách và cao nhất là 30 khách. Giá phòng thuê giao động từ 80 – 300 nghìn/ngày. Những người dân tham gia phục vụ khách du lịch đã được tham gia những khoá tập huấn về nghiệp vụ du lịch, có khả năng đón tiếp khách. Đối với các mô hình kinh tế khác, khi thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch, người dân cũng được tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kĩ năng giao tiếp với khách.

    Vai trò của BQL và chính quyền địa phương đang rõ rệt hơn trong quá trình khai thác và vận hành các hoạt động DLST dựa vào cộng đồng như xác định ranh giới giữa vùng đệm và vùng lõi để quản lý và đầu tư thích hợp; quản lý các hoạt động sinh kế, quy hoạch vùng nuôi tôm, nuôi ngao thương phẩm và vùng khai thác tự do…; triển khai chế tài xử phạt các hành vi việc săn bắt, bẫy chim và xâm hại tài nguyên môi trường của Vườn bằng mọi hình thức… thành lập câu lạc bộ bảo tồn chim, xây dựng chòi cung cấp thông tin và tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, bảo vệ tài nguyên rừng; di dời đàn gia súc ra khỏi vùng lõi, quy hoạch vùng chăn thả mới cho người dân; quy hoạch các tuyến DLST dựa vào cộng đồng phù hợp, quy hoạch các xã kinh doanh du lịch.

    Tuy nhiên, thực tế, việc phát triển DLST dựa vào cộng đồng tại VQG còn nhiều hạn chế.

(1) Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động DLST cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Quy mô và hình thức tổ chức còn nhỏ lẻ, mờ nhạt. Hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trong vườn chủ yếu mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản – nhu cầu tham quan, sự trải nghiệm của khách du lịch mới chỉ là thăm cảnh đồng quê, quan sát chim, quan sát cánh đồng nuôi ngao, tôm – chưa có nhiều dịch vụ thu hút sự tham gia của khách.

(2) Năng lực ban quản lý trong vận hành, điều phối và cân bằng giữa phát triển du lịch và vấn đề bảo tồn tài nguyên VQG chưa được hiệu quả. Hoạt động DLST dựa vào cộng đồng chưa được xem là một hoạt động sinh kế hiệu quả khi mục tiêu phát triển sinh kế trong VQG là một vấn đế không dễ thực hiện, bởi nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH phải đặt lên hàng đầu và những hoạt động sinh kế khác đem lại nguồn thu nhập ổn định (nuôi ngao, nuôi tôm, đánh bắt thủy hải sản…).

(3) Năng lực cộng động địa phương tham gia vào DLST cộng đồng tại Vườn còn một số hạn chế: Trình độ và thái độ của các hướng dẫn viên bản địa chưa chuyên nghiệp; cũng như chưa học được cách ứng xử với từng loại du khách khác nhau; từng loại đối tượng sinh vật khi khai thác vào hoạt động DL. Khả năng ngoại ngữ của người dân bản địa thấp, việc giao tiếp với khách du lịch quốc tế hạn chế; nghiệp vụ hướng dẫn chuyên sâu về DLST, người dân địa phương chưa thật sự nắm bắt tốt.         

 (4) Các hoạt động quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, hình thức DLST chưa được đẩy mạnh. Đầu tư phát triển DLST dựa vào cộng đồng chưa cao, hiện nay đa số các hoạt động hỗ trợ tại vườn là của các tổ chức quốc tế theo mục đích bảo tồn. 

3.3. Các giải pháp phát triển hiệu quả loại hình DLST dựa vào cộng đồng tại VQG Xuân Thủy

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch phù hợp

     Rà soát và định hình lại hệ thống nhà nghỉ homsestay đảm bảo vệ sinh, tiện nghi mà vẫn phù hợp với cảnh quan VQG và gần gũi với thiên nhiên. Theo kinh nghiệm của các nước, khi xây dựng hệ thống nhà nghỉ cho khu du lịch (KDL) trong các khu đất ngập mặn, thường xây dựng dạng nhà nghỉ dưỡng thấp, bên cạnh các tán cây rừng ngập mặn; dựa trên vật liệu tự nhiên (tre, ngói, cây rừng ngập mặn), hoàn thiện hệ thống cấp nước, nhà vệ sinh để tránh ô nhiễm môi trường.

- Phát huy năng lực của ban quản lý vườn trong việc vận hành, điều phối và cân bằng giữa các hoạt động du lịch với hoạt động bảo tồn; giữa hoạt động DL với hoạt động sinh kế khác

     Việc phát triển các hoạt động sinh kế như các đầm nuôi tôm; đầm nuôi ngao theo hình thức quảng canh diễn ra mạnh mẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường cảnh quan chung và nguồn nước phục vụ du lịch. Việc giải quyết các xung đột giữa các hình thức kinh tế cần thiết có can thiệp của Ban quản lý (BQL) vườn. BQL cần được đào tạo về cách thức quản lý các VQG, am hiểu chính sách và cần có khả năng linh hoạt để điều hướng các hoạt động sinh kế của người dân một cách hợp lí. Trong đó, BQL có thể thành lập BQL du lịch cộng đồng để điều phối hoạt động du lịch (DL) trong vườn và phối hợp với các hình thức sinh kế khác đảm bảo hài hòa mục tiêu kinh tế và mục tiêu bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học.

- Tăng cường phát triển các dự án, chương trình nhằm năng cao năng lực của cộng đồng trong phát triển DLST

      Hiện nay, có nhiều dự án, chương trình giúp hỗ trợ, tập huấn cho người dân, BQL và doanh nghiệp DL trong vườn. Trong nhiệm vụ  KH – CN cấp quốc gia về Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý, sử dụng khôn khéo đất ngập nước tại Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ BQL và người dân trong việc triển khai loại hình DLST dựa vào cộng đồng, đồng thời hỗ trợ thành lập và cắm biển hiệu, biển báo trong vườn; hướng dẫn thành lập các BQL du lịch xã; tổ chức khóa học về nghiệp vụ DL, tập huấn cho 30 người dân thuộc vùng đệm VQG Xuân Thủy về nghiệp vụ DLST gắn với cộng đồng; phát huy năng lực của cộng đồng dân xã Xuân Giao nhằm tăng cường năng lực du lịch sinh thái vùng lõi và hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng vùng đệm. Tại đây, người dân được đánh giá, hướng dẫn thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến DLST dựa vào cộng đồng.

- Đảm bảo chiến lược công - tư trong phát triển và quảng bá và thu hút đầu tư DLST cộng đồng

     Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các thành phần của VQG: hệ sinh thái – người dân sinh sống trong vườn – người dân tham gia hoạt động DLST – doanh nghiệp kinh doanh DL - chính quyền – BQL vườn. Trong đó, hệ sinh thái cần được hưởng nhiều nhất lợi ích mà DL đem lại. Điều này, thông qua việc nguồn doanh thu có được từ hoạt động du lịch phải cần quay trở lại phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển đa dạng nguồn gen của vườn. Người dân địa phương và người dân tham gia hoạt động DL cần được hưởng quyền lợi từ việc kinh doanh DL; từ quyền lợi đó sẽ xác định trách nhiệm của họ đối với hoạt động DL. Doanh nghiệp kinh doanh DL trong VQG cần hiểu được giá trị của việc đảm bảo sự ĐDSH đối với sự tồn vong của doanh nghiệp; từ đó có cách thức hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp và đóng góp trở lại cho hoạt động bảo tồn. Chính quyền và BQL là đối tượng đi trước nhưng hưởng lợi sau trong chiến lược phát triển DLST; nhưng đây là nguồn lợi hiệu quả, đầy đủ thể hiện sự phát triển và vị trí của VQG trong hệ thống các VQG của VN và thế giới. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác, phát triển các nội dung liên kết quảng bá DL là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hoạt động này ở Xuân Thủy chưa nhiều.

IV. Kết luận

     Như vậy, muốn phát triển DLST dựa vào cộng đồng trong VQG cần thiết phải có một chiến lược rõ ràng, chiến lược này hướng tới đối tượng khách DLST cụ thể; mỗi người dân trong vườn phải là một hướng dẫn viên – một thuyết minh viên - một người trồng cây – một nhà sinh học mới có thể đảm trách vai trò vừa triển khai hoạt động DL phục vụ khách vừa là một nhà bảo tồn sinh học. Điều này không khó nếu như người dân được tập huấn, hiểu rõ về tầm quan trọng của sự sinh trưởng trong vườn với cuộc sống của mình. Hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các thành phần là một trong những nội dung mà hiện nay VQG Xuân Thủy cần hướng tới để đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài.

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, Số Chuyên đề Tiếng Việt II năm 2019)

Lời cảm ơn

     Nghiên cứu này được thực hiện và hoàn thành nhờ sự hỗ trợ của Đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý, sử dụng khôn khéo đất ngập nước tại Khu DTSQ ven biển liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng”, mã số ĐTĐL.CN-24/17. Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn.

Tài liệu tham khảo

[1]. VQG Xuân Thủy, 2014, Hồ sơ Ramsar.

[2]. VQG Xuân Thủy, 2017, Báo cáo Du lịch 2005 - 2015

[3]. Cục Kiểm lâm và Hiệp hội VQG và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, 2007,  Báo cáo điều tra đánh giá hiện trạng bảo tồn thiên nhiên, DLST và giáo dục môi trường ở VQG và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.

[4]. Phạm Trung Lương, 2002, DLST: Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” NXB Giáo dục.

[5]. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

 

THE DEVELOPMENT OF ECOLOGICAL TOURISM BASED ON THE COMMUNITY IN XUAN THUY NATIONAL PARK

 

Nguyễn Lan Anh1, Lại Minh Hiền2, Trần Thanh Lâm3, Ngô Thị Định3, Đỗ Thị Mỹ Lương3, Lê Anh Tú3, Ngô Đức Thuận3, Mai Thị Huyền3

1Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

2Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học

 3Viện Khoa học Môi trường và Biến đổi khí hậu

ABSTRACT

     Xuan Thuy, has many potentials to develop ecotourism with the diversity of habitats, flora and fauna species, characterizes the wetland ecosystem. Sustainable ecotourism development requires to complete policies, upgrade infrastructure systems and service quality, etc. In particular, developing this type of tourism needs to integrate community participation in the Park through raising awareness, skills, etc. in operating activities to develop ecotourism.

Keywords: Ecotourism, community, Xuan Thuy National Park.

 
Ý kiến của bạn