Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Phát triển bền vững du lịch sinh thái tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng

08/10/2018

TÓM TẮT

    Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) quần đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng được UNESCO công nhận 2004, có tổng diện tích 26.241 ha,bao gồm 2 phần: trên cạn (đảo) 17.041 ha và nước (biển) trên 9.200 ha, với 366 hòn đảo lớn nhỏ.Trong đó, 2 Khu bảo tồn (KBT) là Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà và KBT biển cấp quốc gia nằm trong KDTSQTGquần đảo Cát Bà, có giá trị cao về đa dạng sinh học (ĐDSH), cần được bảo tồn và phát triển bền vững.

    Ngay sau khi được công nhận là KDTSQTG, hoạt động du lịch sinh thái (DLST) đã khởi sắc và phát triển nhanh. DLST ở quần đảo Cát Bà đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

Từ khóa: Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, quần đảo Cát Bà, đa dạng sinh học, du lịch sinh thái bền vững.

I. Mở đầu

    Mục đích của KDTSQTG là bảo tồn ĐDSH để phát triển bền vững DLST. Việc phát triển hình thái DLST ở quần đảo Cát Bà nhằm phát huy thế mạnh của hệ sinh thái trên cạn, vùng biển và các nguồn vốn tự nhiên cùng với bản sắc văn hóa của cộng đồng hải đảo, phục vụ cho ngành công nghiệp không khói ở Hải Phòng nói chung và huyện đảo Cát Bà nói riêng. 

    Quần đảo Cát Bà có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ là VQG và KBT biển của Việt Nam mà còn tập trung nhiều giá trị đặc biệt về sinh thái, cảnh quan, địa chất - địa mạo mang tầm quốc tế, đượcTổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc(UNESCO) công nhận. KDTSQTG quần đảo Cát Bà là một trong những khu ở Việt Nam đã đi tiên phong trong phát triển bền vững, đặc biệt theo xu hướng “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”.

     Sau 14 năm được UNESCO công nhận là KDTSQTG, các hoạt động du lịch ở quần đảo Cát Bà đã phát triển nhanh, trong đó có loại hình DLST, nhưng các hoạt động này còn tự phát. Nhằm góp phần làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển DLST ở KDTSQTG quần đảo Cát Bà dựa trên nguyên tắc DLST là động lực thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH, nền tảng cho phát triển DLST. Bài báo xem xét thực trạng và xu thế phát triển DLST ở KDTSQTG  quần đảo Cát Bà, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững, đặc biệt gắn kết phát triển DLST với bảo tồn ĐDSH.

II. Hiện trạng và thuận lợi, khó khăn trong phát triển DLST

2.1. Hiện trạng phát triển

2.1.1. Khái quát

    Quần đảo Cát Bà hiện nay có vị thế quan trọng trên bản đồ bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững của thế giới – nơi ghi nhận nhiều giá trị và danh hiệu quốc gia và quốc tế (gồm danh hiệu chính thức và phi chính thức). Nghiên cứu thực địa đã thu được kết quả về DLST ở Bảng 1.

 

Bảng 1. Tổng hợp khách tham quan các tuyến du lịch tại VQG Cát Bà (người)

 

Khách tham tuyến rừng tại khu trung tâm VQG*

 

Khách tham các tuyến biển

Khách tham tuyến rừng và biển của VQG

Năm

Việt Nam

Quốc tế

Tổng cộng

Việt Nam

Quốc tế

Tổng cộng

Việt Nam

Quốc tế

Tổng cộng

2013

30.756

13.926

44.692

62.184

38.174

100.358

92.940

52.100

145040

2014

37.100

17.050

54.150

80.202

45.103

125.305

117.302

62.153

179.455

2015

20.157

16.027

36.184

246.041

130.121

376.162

266.198

146.148

412.346

2016

27.135

15.412

42.547

205.847

109.827

315.674

232.982

125.239

358.221

2017

36.294

18.781

55.075

296137

206.651

502.788

364.471

193392

557.863

Nguồn: Thông tin thu thập từ VQG Cát Bà

 

    Về tổng số khách tham quan, nhìn chung có sự gia tăng về số lượt theo các năm từ năm 2013 - 2017. Theo báo cáo năm 2017, tổng số lượt khách tham quan cả tuyến rừng và biển của VQG là 557.863. Tổng số lượt khách tăng gần 200% so với năm 2016. Về tuyến rừng tại VQG, số lượng khách tăng 29,45% so với năm 2016. Năm 2017, số lượt khách tham quan đạt 55.075 lượt, tăng 1,7% so với 54.150 lượt khách năm 2014; các tuyến biển có số lượng khách tăng 52,27% so với năm 2016. Mặc dù, lượng khách tham quan các tuyến rừng và biển đều có xu hướng tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng của các tuyến biển vẫn cao vượt trội. Ở các tuyến rừng, tốc độ tăng trưởng là 21,16% vào năm 2014, 17,59% năm 2016 và 29,45% năm 2017, thì mức độ tăng trưởng của tuyến biển đạt 24,86% năm 2014, 59,27% năm 2017, thậm chí tới 200% năm 2015. Theo khảo sát, trong các hoạt động tham quan, tắm biển được lựa chọn nhiều nhất (96%), leo núi (64%), địa danh nổi tiếng (60%), du lịch nhà vườn (52%).  Hoạt động chèo thuyền, lặn biển ngày càng được du khách lựa chọn, chiếm 48% và 44%. Có thể thấy, các hoạt động du lịch liên quan đến tuyến biển ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, thu hút khách du lịch tham gia.

    Về lựa chọn tuyến tham quan, các tuyến biển chiếm ưu thế. Năm 2017, số lượt khách đến tuyến biển chiếm hơn 90%, cao gấp 9 lần so với tuyến rừng. Xu hướng này vẫn được duy trì khi tỷ lệ khách đến tuyến biển luôn chiếm 88 - 90% từ năm 2015 đến nay.

    Điều này đã được thể hiện qua kết quả khảo sát: Về cơ cấu khách tham quan, lượng khách trong nước vẫn là chủ yếu. Năm 2017, số lượt khách Việt Nam đạt 364.471 lượt, chiếm 65,33%, trong khi số lượt khách quốc tế đạt 193.392 lượt, chiếm 34,67%. Số lượng khách nước ngoài tham gia vào các tuyến rừng đang có xu hướng ngày càng tăng và có tốc độ tăng nhanh hơn so với du khách trong nước. Khách trong nước chủ yếu đến vào mùa hè (bắt đầu từ dịp 30/4, kết thúc 2/9), chiếm khoảng 90% tổng lượng khách Việt Nam trong cả năm. Trong đó, cao điểm là các tháng 6, 7. Trong khi đó, khách quốc tế phân bố đều trong năm, nhưng chủ yếu là những tháng mùa đông, cao điểm là đợt nghỉ lễ dài ngày cuối năm. Khách du lịch quốc tế đến Cát Bà thường đi theo các tour du lịch do các hãng lữ hành trong nước tổ chức, ngoài ra một số đi theo các đoàn do các tổ chức khác nhau, trung bình có khoảng 15-20 người. Điều này, phản ánh thói quen du lịch của du khách trong nước là đi nghỉ hè, nghỉ dưỡng, yêu thích các tuyến biển với các hoạt động như tắm biển, nghỉ dưỡng. Trong khi đó, du khác nước ngoài thường yêu thích khám phá, leo núi, kết hợp lặn biển, chèo thuyền. Trong nghiên cứu, số lượng khách trong nước được phỏng vấn chiếm 92%, đến từ 7 tỉnh, TP, tập trung ở phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình. Trong đó, số lượng khách  đến từ Hải Phòng cao nhất (22%), sau đó là Hà nội (13,02%), Hưng Yên (12%). Qua báo cáo về lượng khách du lịch qua các năm, cũng như kết quả bước đầu của khảo sát, ta có thể thấy sự gia tăng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của khách trong nước càng cao, đồng thời thị trường quốc tế còn rất rộng mở mà du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái cần tập trung khai thác. Thị trường trong nước cần mở rộng về các tỉnh phía bắc cũng như hướng về các tỉnh miền trung và miền nam.

    Tổng thu từ du lịch sinh thái: Tổng thu từ khách du lịch ngày càng tăng, đóng góp 80% vào cơ cấu ngành dịch vụ và 30% tổng thu kinh tế huyện Cát Hải. Trong đó, nguồn thu từ du khách trong nước khoảng 159,6 tỉ, chiếm 63,2% tổng thu chung [1]. Mặc dù, tổng thu từ khách quốc tế thấp hơn so với trong nước, nhưng so với tỷ trọng khách trong nước và quốc tế thì nguồn thu của khách quốc tế cao hơn so với khách trong nước. Nguyên nhân là do nguồn thu từ ngoại hối, từ các dịch vụ khách nước ngoài sử dụng cao hơn khách trong nước. Ngoài ra, tổng thu từ hoạt động DLST vẫn chiếm tỷ  trọng vừa và nhỏ. Năm 2017, tổng thu từ các hoạt động DLST chiếm 35%, trong đó, các tuyến rừng chiếm 25%, còn tuyến biển chiếm 75% [1]. Tuy nhiên, tổng thu từ hoạt động DLST từ 2013-2017 có xu hướng ổn định và tăng dần, với mức trung bình khoảng 15%/năm. Qua đó, cho thấy tiềm lực về phát triển DLST ở KDTSQTG quần đảo Cát Bà, cần tiếp tục tập trung, nghiên cứu, khai thác hợp lý.

2.1.2. DLST đối với các ngành kinh tế

    Nông nghiệp: Phát triển mô hình nhà vườn, kết hợp DLST, du lịch cộng đồng ở những xã như Xuân Đám, Trân Châu, Việt Hải, Hiền Hào. Trong cơ cấu cây trồng, không chỉ tập trung trồng lúa, người dân còn trồng thêm cây màu, rau quả sạch, đặc biệt là các loại cây ăn quả như vải, hồng, cam quýt ở xã Gia Luận, Hiền Hào, Xuân Đám, phục vụ cho người dân và khách du lịch.

    Công nghiệp: DLST chưa tác động lớn tới ngành công nghiệp của Cát Hải.

    Tiểu thủ công nghiệp: Chưa có những sản phẩm thủ công có giá trị, thu hút khách du lịch. VQG có bánmột số mặt hàng thủ công từ tre, gỗ, côn trùng làm quà lưu niệm.

    Dịch vụ: DLST là một phần của du lịch Cát Bà, góp phần phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ khách sạn-du lịch, thương mại, giao thông vận tải.

     Dịch vụ khách sạn-du lịch: Hiện nay, du khách đến tham quan, du lịch có nhiều hình thức lựa chọn nơi ở, chủ yếu gồm những hình thức nghỉ tại trung tâm vườn, các khu nghỉ dưỡng, resort ở phân khu phục hồi sinh thái, các nhà nghỉ khách sạn ở trung tâm thị trấn Cát Bà, ở các tàu trên vịnh, các resort trên đảo hoặc homestay. Trong đó, các nhà nghỉ khách sạn ở trung tâm thị trấn chiếm ưu thế, còn nghỉ tại trung tâm vườn được lựa chọn ít nhất. Đặc biệt, xuất hiện hình thức nghỉ dưỡng homestay và resort trên đảo mới được đưa vào khai thác.

    Nhà nghỉ tại khu trung tâm của VQG, có 3 khu nhà khách với tổng số 29 phòng, nhà ăn 250 chỗ, nhà hội thảo: 250 chỗ, do Vườn tổ chức các hoạt động dịch vụ. Tại phân hành chính dịch vụ và phục hồi sinh thái, Vườn liên doanh liên kết với 6 doanh nghiệp xây dựng các khu nghỉ dưỡng, resort tại 6 điểm, tổng số khoảng 95 phòng [2].

    Nhà nghỉ khách sạn ở thị trấn Cát Bà, theo báo cáo năm 2017, Cát Bà hiện có 165 cơ sở lưu trú bao gồm 100 khách sạn các loại và 65 nhà nghỉ với 3.060 buồng. Trong số các khách sạn có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao và 13 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao [1]. Bên cạnh đó, một số resort đã được xây dựng và đưa vào khai thác trên các đảo nhỏ như Monkey Island Resort ở đảo Khỉ.

    Ngoài ra, một số tour du lịch cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng trên các tàu trên vịnh Lan Hạ, cái bèo. Theo số liệu năm 2017, có khoảng 12 tàu lớn, với tổng số phòng là 100 phòng.

    Hình thức mới đang được phát triển và ngày càng phổ biến đó là homestay, hình thức này dễ dàng, thuận tiện, chi phí thấp, được nhiều người lựa chọn.

    Qua khảo sát, du khách chủ yếu lưu lại 2 - 3 ngày, đặc biệt là ngày cuối tuần, chiếm 98%. Trong đó, số lượng khách lựa chọn khách sạn, nhà nghỉ gần trung tâm chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 53%), sau đó là nghỉ ở vùng đệm, khu phục hồi sinh thái (gần 14%). Tỷ lệ khách lựa chọn resort trên đảo (11%), homestay (9%) và thấp nhất là nghỉ trong VQG (5%). Đặc biệt, chất lượng phòng được du khách đánh giá khá cao, khoảng 60% khách du lịch đánh giá tốt, 32% bình thường và 8% không tốt.

    Có thể nói, quần đảo Cát Bà có cơ sở lưu trú lớn, khả năng phục vụ lượng khách tăng cao. Trên các trang đặt phòng nổi tiếng nhất, dễ dàng có thể lựa chọn một khách sạn, nhà nghỉ phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là số lượng khách không đồng đều, tăng đột biến cuối tuần, nên tình trạng hết phòng vẫn diễn ra. Chất lượng phòng cần cải thiện, tiện nghi, thoải mái hơn.

    Dịch vụ giao thông vận tải: DLST góp phần phát triển dịch vụ giao thông vận tải. Các dịch vụ cho thuê xe du lịch ngày càng tăng. Du khách có thể thuê xe máy ở trong vườn quốc gia, di chuyển tới các địa trong thị trấn Cát Bà, hoặc thuê xe đạp khám phá các làng du lịch như Việt Hải, Trân Châu. Du khách có thể đi tàu trên vịnh Lan Hạ, khám phá các đảo, hoặc đi thuyền trong rừng ngập mặn Phù Long, Gia Luận.

2.1.3. Phát triển DLST với xã hội

    Cộng đồng dân cư là những người tham dự trực tiếp trong việc phát triển DLST. Người dân tham gia vào các hoạt động DLST như cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, buôn bán, trải nghiệm cộng đồng và hướng dẫn viên. Trong đó, hoạt động dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vận tải chiếm tỷ trọng cao nhất (51%), tập trung ở khu vực thị trấn Cát Bà. Trong khi đó, các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi  chiếm tỉ trọng thấp hơn, tập trung ở các xã Việt Hải, Phù Long, Xuân Đám, Trân Châu (22%). Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên các tàu, thuyền, bè nuôi  chiếm tỷ trọng (26%). Những dịch vụ như hướng dẫn viên, buôn bán hàng thủ công vẫn còn hạn chế. Phần lớn, người dân làm việc phục vụ trong các điểm kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, các điểm du lịch. Còn trong hoạt động nông nghiệp, đặc biệt ở những làng chài như Việt Hải, Phù Long, trồng trọt, chăn nuôi đã hỗ trợ phát triển DLST và là một điểm thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Hoạt động du lịch nhà vườn cũng đã kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi để trở thành một sản phẩm DLST hấp dẫn.

    DLST tạo ra sinh kế, giúp ổn định đời sống nhân dân, 80% người dân được hỏi muốn tiếp tục ở lại, xây dựng quê hương, đặc biệt trong đó có 54% người dân đang làm việc về nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, 20% người dân muốn thay đổi công việc để có thu nhập tốt, cuộc sống ổn định.

    Bên cạnh đó, hoạt động bảo tồn, duy trì tài nguyên cũng góp phần phát triển DLST. Mặc dù, 95% người dân nhận thức về trách nhiệm bảo tồn tài nguyên DLST thuộc trách nhiệm của chính quyền, 81% cho rằng thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhưng 35% nhận thức dân cư, đặc biệt ở vùng đệm và ven biển có trách nhiệm trong phát triển DLST, bảo tồn tài nguyên du lịch. Các doanh nghiệp, khách du lịch cũng có trách nhiệm trong việc phát triển DLST, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

2.1.4. Phát triển  DLST với môi trường

    Môi trường gồm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường tự nhiên là những tài nguyên trực tiếp của DLST. Do đó, các nguồn tài nguyên cần được khai thác hợp lý và bảo tồn. Về tài nguyên sinh thái, sự đa dạng về các hệ sinh thái là một đặc điểm thu hút du khách tới tìm hiểu và khám phá. Trải nghiệm sự đa dạng của các hệ sinh thái khác nhau như rừng thường xanh trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven biển, rạn san hô đã được đưa vào các tuyến, điểm, được du khách đón nhận.

    Bên cạnh đó, sự phong phú về nguồn lợi thủy sản là một điểm hấp dẫn khách du lịch. Sự đa dạng về cảnh quan đã được đưa vào các tuyến DLST, tạo nên sự phong phú hấp dẫn cho DLST ở Cát Bà. Du khách có thể được khám phá từ cảnh quan trên cạn như rừng núi, các thung lũng, cho tới vùng đất ngập mặn, bãi bồi, núi đá vôi, bãi biển trong cùng hoặc khác tuyến du lịch. Hệ thống các hang động, núi đá được đưa vào tham quan, chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, mức độ khai thác nguồn tài nguyên vẫn dừng lại ở mức độ tham quan, chưa được khai thác sâu, và đa dạng để hấp dẫn khách du lịch hơn. Do mới đưa vào khai thác nên chưa có tác động mạnh tới thiên nhiên, môi trường. Các bãi biển còn hoang sơ, yên tĩnh, nước biển trong xanh, cảnh quan nguyên vẹn, chưa bị biến đổi bởi các hoạt động xây dưng, buôn bán. Bên cạnh đó, phương tiện di chuyển trong thị trấn phổ biến là xe điện, xe đạp, nên không khí tương đối trong lành. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ rác thải du lịch, hoạt động của con người tới cảnh quan, hệ sinh thái, động vật cần những biện pháp xử lý kịp thời.

    Theo ghi nhận của nghiên cứu, 60% du khách đánh giá môi trường không khí của Cát Bà tốt, trong lành, 28% du khách đánh giá bình thường và 12% đánh giá ô nhiễm, chủ yếu là từ những du khách quốc tế. Về môi trường biển, chủ yếu du khách vẫn đánh giá tốt, trong sạch. Tuy nhiên, tỷ lệ khách nhận định ô nhiễm (26%) cao hơn so với nhận đình bình thường (14%), cho thấy những tín hiệu về môi trường biển ở quần đảo Cát Bà. Trong các biểu hiện về ô nhiễm, rác nổi trên mặt nước và có mùi khó chịu là những biểu hiện phổ biến nhất, chiếm 78% và 56% ý kiến du khách. Một số khách còn quan sát được hiện tượng cá chết (22%), hay nước đổi màu (20%) ở một số địa điểm.

    Trong khi đó, khảo sát thực hiện trên cộng đồng địa phương cho thấy, 62% người dân nhận thấy môi trường không khí tốt, 21% đánh giá bình thường và 17% đánh giá ô nhiễm. Còn về môi trường nước, 59% đánh giá tốt, 22% nhận thấy chất lượng bình thường và 19% cho rằng môi trường nước bị ô nhiễm. Tương tự như với khách du lịch, biểu hiện phổ biến nhất về ô nhiễm môi trường là rác nổi trên mặt nước (81%), có mùi khó chịu (49%), cá chết (35%), và nước biến đổi màu (31%). So với đánh giá của khách du lịch, đánh giá của cộng đồng phản ánh sự ảnh hưởng của phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái. Môi trường không khí cũng như nước theo đánh giá của cộng đồng thấp hơn so với khách du lịch. Môi trường nước bị ảnh hưởng nhiều hơn môi trường không khí, biểu hiện là đánh giá ô nhiễm môi trường nước cao hơn mô trường không khí, trong khi đánh giá tốt về môi trường không khí cao hơn nước. Bên cạnh đó, những biểu hiện mạnh mẽ như cá chết (35%), nước đổi màu (31%) cao hơn đánh giá của khách du lịch (22% và 20%) phản ánh ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường nước rõ rệt, phổ biến hơn. Ngược lại, theo người dân, những biểu hiện như rác nổi trên mặt nước (81%), có mùi khó chịu (49%) không thể hiện sự ô nhiễm, có thể do điều kiện, thói quen sống của người dân địa phương. Mặc dù nghiên cứu mới thực hiện bước đầu, nhưng đã phản ánh một phần hiện trạng của môi trường trong quá trình phát triển du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng.

    Rác thải luôn là vấn đề nghiêm trọng trong việc phá triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, cho sản phẩm của du lịch sinh thái gắn liền với môi trường tự nhiên. Tình trạng vứt rác bừa bãi, đặc biệt ở những tuyến rừng Kim Giao-đỉnh Ngự Lâm, Ao Ếch Việt Hải đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Rác thải chủ yếu là các chai nhựa, túi ni lông bị khách du lịch bỏ lại trên đường đi, rất khó phân hủy, đặc biệt khi không có người thu dọn, rác thải ngày càng tích trữ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan cũng như đời sống của các loài sinh vật. Trong khi đó, rác thải trên biển đến từ hoạt động tham quan các đảo trong vịnh, từ sinh hoạt, sản xuất của các bè nuôi cá ở vịnh cũng như các tàu thuyền du lịch. Rác thải làm ô nhiễm nguồn nước, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng các loài sinh vật ở biển.

2.2. Những thuận lợi và khó khăn

    * Những thuận lợi: KDTSQTG quần đảo Cát Bà có đầy đủ những điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, đặc biệt là DLST như không khí trong lành, cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng. Bên cạnh đó, cảnh quan phong phú như núi đá vôi, tùng, áng, các bãi triều, thu hút khách du lịch khám phá rừng ngập mặn Phù Long, Gia Luận, rạn san hô ở đảo Khỉ. Ngoài ra, Cát Bà có điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến DLST biển như vịnh Lan Hạ với nước biển trong xanh, khung cảnh tuyệt đẹp, cùng hàng trăm hòn đảo trong vịnh. Những bãi cát trắng trải dài hàng km, nước biển trong xanh, không gian yên tĩnh, hoang sơ đã tạo nên bãi tắm đẹp như Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Dứa. Ngoài ra, hệ thống các hang động đẹp, kiến trúc đặc sắc với nhiều hình thù, đặc trưng cho địa hình karst như động Thiên Long, động Trung Trang cũng hấp dẫn du khách tham quan, khám phá.

    * Khó khăn: Về các tuyến du lịch, các địa điểm chưa kết nối với nhau, các hoạt động chưa đa dạng, hấp dẫn. Các dịch vụ hỗ trợ tại điểm du lịch như hướng dẫn viên, bản đồ hỗ trợ, cung cấp thông tin, điểm nghỉ ngơi còn sơ sài. Trình độ lao động chưa cao, khả năng giao tiếp với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài còn yếu. Điều này đã hạn chế sự phát triển DLST nói riêng và du lịch nói chung ở Cát Bà, do nơi đây đón rất nhiều các đoàn khách quốc tế. Đặc biệt, những sản phẩm du lịch như khám phá động Trung Trang, hang Quân Y, rừng ngập mặn Phù Long, làng chài Việt Hải cần có hướng dẫn viên bản địa để truyền tải, kết nối với du khách.  Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhà nghỉ khách sạn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt vào dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ, phòng nghỉ và các dịch vụ phòng chưa tiện nghi, hiện đại. Việc cấp nước cho sinh hoạt, du lịch còn khó khăn. Sự phối hợp giữa các ban ngành, VQG, Ban quản lý và doanh nghiệp, hãng lữ hành còn yếu, chưa khiển khai, mở rộng.

2.3. Nguyên nhân

    DLST đã được đưa vào khai thác trong những năm gần đây và mang đến những tác động tích cực, góp phần phát triển du lịch, đóng góp vào kinh tế chung của toàn huyện Cát Hải, đặc biệt là nông nghiệp và dịch vụ. Ngành nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt kết hợp cùng tài nguyên môi trường sẵn có tạo thành những sản phẩm du lịch sinh thái như khám phá làng chài Việt Hải, khám phá rừng ngập mặn Phù Long, Gia Luận hấp dẫn khách du lịch. Các ngành dịch vụ hỗ trợ cho DLST cũng được phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Với nguồn nhân lực vốn có, DLST giúp ổn định lực lượng lao động, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế. Nguồn thu từ du lịch được tái đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường trạm, giúp cải thiện cuộc sống cho người dân. DLST nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, bảo vệ thiên nhiên cảnh quan của người dân địa phương. DLST giúp khách du lịch có cơ hội gần hơn để khám phá môi trường thiên nhiên, các hệ sinh thái, cảnh quan của Cát Bà, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

    Tuy nhiên, DLST cũng gây nên những tác động tiêu cực tới môi trường, xã hội ở quần đảo Cát Bà. Tnh trạng vứt rác bừa bãi ở rừng, hang động, các đảo, vịnh, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy cảnh quan, ảnh hưởng tới đời sống các loài sinh vật trên cạn và dưới nước. Việc xây dựng các công trình kiến trúc, nhà nghỉ khách sạn, resort ảnh hưởng tới đời sống, tập tính của các loài sinh vật. Khai thác lâm sản như mật ong, cây thuốc, nuôi trồng thủy sản quá mức, gây áp lực tới rừng và biển Cát Bà.

III. Kiến nghị phát triển DLST bền vững

    KDTSQ Quần đảo Cát Bà có tiềm năngđể phát triển DLST theo hướng bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và BVMT. Tuy nhiên, DLST đang có những bước phát triển ban đầu nêngặp nhiều khó khăn. Những khuyến nghị được đề xuất mong muốn góp phần hỗ trợ phát triển DLST ở KDTSQTG quần đảo Cát Bà.

    Tăng cường nghiên cứu cơ bản về tài nguyên DLST để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, phát triển DLST, đồng thời phục vụ công tác bảo tồn.Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy để tiết kiệm thời gian di chuyển, đợi phà, chất lượng nhà nghỉ, khách sạn để du khách cảm thấy thoải mái, tiện nghi.

    Tuyên truyền, giáo dục người dân và khách du lịch về vẻ đẹp của thiên nhiên, môi trường Cát Bà, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường, ĐDSH ở KDTSQTGquần đảo Cát Bà thông qua áp phích, tranh ảnh, poster và phim ảnh chiếu ở trung tâm thị trấn Cát Bà;Mở rộng các sản phẩm DLST, đưa vào khai thác các tuyến, địa điểmmới hấp dẫn,đặc biệt ở các đảo mới trong quần đảo Cát Bà.

IV. Kết luận

    KDTSQTG quần đảo Cát Bà được thiên nhiên ưu đãi với không khí trong lành, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, sơn thủy hữu tình. Vì vậy, công tác duy trì, bảo tồn những giá trị thiên nhiên vô giá cần được đặc biệt chú trọng. Trong những năm gần đây, DLST tại  KDTSQTG phát triển, số lượt khách và doanh thu từ DLST tăng trưởng ngoạn mục. Việc phát triển DLST rừng, biển với các dịch vụ đi kèm là bước đi vững chắc và không thể thiếu trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư để khai thác đưa vào sử dụng phục vụ lợi ích dân sinh và bảo tồn ĐDSH cần được quan tâm đến các giải pháp trên cả 3 khía cạnh là bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

    Công tác quản lý  DLST còn nhiều hạn chế, ý thức giữ gìn và bảo vệ cảnh quan của khách tham quan, hộ kinh doanh và hộ dân sinh sống nơi đây còn chưa tốt. Chất thải chưa được thu gom triệt để, công tác xử lý còn chưa kịp thời, đặc biệt trên các tuyến, tua DLST. Nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường chiếm tỷ lệ cao, gây ảnh hưởng đến nước mặt, nước ngầm và chất lượng thủy, sinh vật trên biển. Khí thải của các tàu hoạt động trên biển cũng chưa được quản lý chặt chẽ và xử lý trước khi thải ra môi trường. Do đó, có thể thấy công tác quản lý  DLST chưa thực sự hiệu quả và hướng tới bền vững.

    Chính vì vậy, để phát triển DLST tại KDTSQTG quần đảo Cát Bà theo hướng bền vững, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức;tăng cường công tác quản lý bảo tồn DDSH, quản lý chất thải, nước thải và không khí và sự chung tay của chính quyền địa phương, khách du lịch, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhân dân để BVMT sinh thái KDTSQTG bền vững.

 

Phạm Thị Bích Thủy

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt III năm 2018)

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ban quản lý KDTSQTG quần đảo  Cát Bà (2017), Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/203 của Chính phủ và các Quyết định số 2089/2014/UBND; 2095/2014/QĐ-UBND của UBND TP. Hải Phòng.
  2. VIJATECH, TEKKLINK (2014), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng.

 

To conserve the Biodiversity of the Cat Ba World Biosphere

Reserve from the perspective of developing eco-tourism

 

                                                                Pham Thi Bich Thuy1

1Vietnam Association for Conservation of Nature and Environment

 

Abstract

    The Cat Ba World Biosphere Reserve, which was recognized by UNESCO in 2004, covers a total area of 26,241 hectares, comprising two parts: the part on land (part of the islands), 17.041 hectares and the part of the water (part of the sea), 9,200 hectares, most of 366 small islands in the Cat Ba archipelago. Accordingly, the two protected areas are Cat Ba National Park and National Marine Protected Area lying in the Biosphere Reserve with high biodiversity values that need to be preserved and developed sustainably.

   Immediately after being recognized as the World Biosphere Reserve, tourism activities, especially eco-tourism, have prospered and developed rapidly. The role of ecotourism in Cat Ba Archipelago has become a spearhead industry increasingly attracting the attention of many domestic and international visitors.

Key words: World Biosphere Reserve, Cat Ba Islands, Biodiversity, Sustainable Ecotourism.

 

 

Ý kiến của bạn