Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Nhãn các bon: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất áp dụng ở Việt Nam

11/03/2020

TÓM TẮT:

Chương trình nhãn các bon đã được một số quốc gia trên thế giới triển khai từ năm 2006 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các hệ thống siêu thị ở châu Âu. Lợi ích của nhãn các bon cũng được nhiều nghiên cứu chỉ ra như hạn chế tình trạng “rò rỉ” hay “chuyển dịch” phát thải từ quốc gia này sang quốc gia khác; việc áp dụng cách tiếp cận đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) trong quá trình tính toán lượng phát thải các bon giúp tính toán đầy đủ lượng khí nhà kính (KNK) phát thải trong từng giai đoạn của sản phẩm (nguyên liệu thô, sản xuất, vận chuyển, tiêu dung, thải bỏ) và giúp cho doanh nghiệp biết được công đoạn nào phát thải nhiều (thường đi cùng với tiêu hao năng lượng), đề từ đó có các biện pháp cắt giảm phù hợp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nóng lên toàn cầu và yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia trong việc giảm phát thải KNK, nhãn các bon có thể trở thành công cụ thị trường hữu ích trong việc huy động sự tham gia của cả bên cung (sản xuất) và bên cầu (người sử dụng) thúc đẩy phát triển theo hướng các bon thấp. Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách về tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp và đã thiết lập Chương trình nhãn xanh, nhãn năng lượng nhưng chưa thực hiện dán nhãn các bon cho sản phẩm nào. Từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK để đạt mục tiêu đã cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), việc triển khai Chương trình nhãn các bon sẽ giúp huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nỗ lực cắt giảm phát thải KNK, góp phần thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Vì vậy, kinh nghiệm về thiết lập, vận hành Chương trình nhãn các bon của Hàn Quốc và Thái Lan có thể rất hữu ích cho Việt Nam xem xét trong quá trình xây dựng Chương trình nhãn các bon giai đoạn tới

Từ khóa: Nhãn các bon; phát thải KNK; sản xuất và tiêu dùng bền vững; sản phẩm dán nhãn; dấu chân các bon

     I. ĐẶT VẤN ĐỀ

     Nhãn sinh thái (NST) nói chung, nhãn các bon nói riêng đã được một số quốc gia trên thế giới sử dụng như công cụ dựa trên thị trường trong quản lý và BVMT, trong đó có giảm nhẹ phát thải KNK trực tiếp hoặc gián tiếp [1]. Mục đích của nhãn các bon chính là cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ mức phát thải KNK như thế nào so với sản phẩm cùng loại trong suốt vòng đời sản phẩm. Nói cách khác, nhãn các bon chỉ ra lượng phát thải KNK của một sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ so với các sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ cùng loại dựa trên đánh giá lượng phát thải KNK trong LCA.

     Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, NST là công cụ chính sách do các tổ chức phát hành ra để truyền thông và quảng bá tính ưu việt tương đối về tác động tới môi trường của một sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại [2]. Trong khi đó, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) lại định nghĩa NST là sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc biểu đồ trên sản phẩm/nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí kỹ thuật, quảng cáo hay các hình thức khác [3].

     Điều này cho thấy, dù cùng một tên gọi là NST nhưng cách hiểu về nó vẫn còn có sự khác biệt giữa các cơ quan và tổ chức, tuy nhiên, mục đích cuối cùng của NST chính là cung cấp thông tin về môi trường của một loại sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ để người tiêu dùng biết và quyết định hành vi mua sắm của mình. Nhãn các bon thuộc NST, trong đó thông tin về môi trường chính là lượng phát thải KNK của một sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể nào đó [1]. Hình 1 thể hiện mỗi quan hệ giữa NST và nhãn các bon (gồm nhãn các bon thấp, nhãn dấu chân các bon, nhãn không các bon,…). Theo đó, NST hay nhãn môi trường có phạm vi rộng hơn nhãn các bon hay nói cách khác, nhãn các bon là một loại NST. Trong nhãn các bon có phân thành ba nhóm chính gồm nhãn dấu chân các bon, nhãn các bon thấp và nhãn không các bon.

 

Nguồn: Tổng hợp từ bài viết của Tiantian Liu, Qunwei Wang và Bin Su (2016)

 

     Nhãn các bon vì thế là một loại NST mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Vào năm 2006, 1 năm sau khi Nghị định thư Kyoto về giảm nhẹ phát thải KNK chính thức có hiệu lực, Quỹ Tín thác các bon (Carbon Trust) ở Anh mới bắt đầu triển khai thử nghiệm nhãn các bon đối với một số sản phẩm hàng hóa [4]. Hiện nay trên thế giới đã hình thành một số chương trình dán nhãn các bon (nhãn dấu chân các bon, nhãn các bon thấp, nhãn không các bon, nhãn trung hòa các bon…), áp dụng thử nghiệm ở nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Thụy Điển, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… và một số quốc gia đang phát triển như Thái Lan hay Đài Loan, Trung Quốc…[5-8].

     Việc nghiên cứu cơ sở lý thuyết và thực tiễn về nhãn các bon cũng như tiềm năng áp dụng tại Việt Nam là cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ thúc đẩy Chương trình nhãn các bon, góp phần đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển theo hướng các bon thấp trong thời gian tới ở Việt Nam. Nội dung bài viết sẽ tập trung rà soát, phân tích cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia về nhãn các bon và đánh giá tiềm năng triển khai Chương trình nhãn các bon tại Việt Nam. 

     II. VAI TRÒ CỦA NHÃN CÁC BON VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ DÁN NHÃN CÁC BON  

     Dán nhãn các bon cho các sản phẩm vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu mặc dù các công ty, tổ chức cấp nhãn và cơ quan quản lý nhà nước đã thử nghiệm phương pháp tính toán, thiết kế nhãn. Trong khi các phương pháp, quy trình tính toán đã được chuẩn hóa nhằm tính toán dấu chân các bon (tổng phát thải các bon) của một sản phẩm, tiếp cận trong dán nhãn vẫn chưa có tiêu chuẩn chung. Ý nghĩa của việc dán nhãn các bon là rõ ràng vì nếu không có thông tin về lượng phát thải các bon của sản phẩm thì người tiêu dùng rất khó để lựa chọn sản phẩm ít phát thải hơn. Tuy nhiên, nếu không có bên chứng nhận tin cậy thì rất khó để thị trường các sản phẩm nhãn các bon thấp phát triển. Theo Cohen và Vandenbergh (2012), BĐKH là vấn đề toàn cầu, thương mại quốc tế góp phần đáng kể vào lượng phát thải KNK nên một hệ thống dán nhãn các bon hiệu quả cần phải được xây dựng và chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, phương pháp tính toán phát thải và phương thức dán nhãn tương đồng là chìa khóa để nhãn các bon được các quốc gia thừa nhận [9]. Theo Mika Kortelainen và nnk (2016), trong thực tế tác động của dán nhãn các bon lên các sản phẩm hàng hóa đã góp phần giảm phát thải KNK, đặc biệt là vai trò của việc thiết kế mẫu nhãn các bon phù hợp sẽ tác động tích cực đến hành vi người tiêu dùng [10].

     Việc dán nhãn các bon ở góc độ nào đó đã tạo ra áp lực, yêu cầu các nhà sản xuất và phân phối phải cắt giảm lượng phát thải các bon trong quá trình sản xuất, lưu thông các sản phẩm hàng hóa của mình. Cohen và Vandenbergh (2012) chỉ ra rằng, phương pháp xác định lượng phát thải các bon của các sản phẩm và khung pháp lý chưa hoàn chỉnh về nhãn các bon là những thách thức trong việc xây dựng một chương trình dán nhãn các bon hiệu quả; việc phân tích cẩn trọng và lựa chọn nhóm sản phẩm để dán nhãn có thể làm giảm đáng kể lượng phát thải các bon theo cách tối ưu về chi phí cũng như thống nhất với các tiêu chuẩn thương mại quốc tế [9]. Bên cạnh đó, dù có tên gọi là nhãn các bon nhưng cách thức thể hiện và công bố thông tin cũng có nhiều khác biệt. Ví dụ, ở Mỹ, Công ty Walmart đã thực hiện chương trình nhãn riêng và dán cho tất các sản phẩm trong hệ thống cửa hàng của mình với thông điệp Công ty sẽ giảm phát thải KNK thông qua tối ưu hóa hệ thống vận chuyển (tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch), trồng rừng… nhưng không chỉ ra sản phẩm dán nhãn phát thải bao nhiêu và có thấp hơn sản phẩm cùng loại hay không. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, có 2 loại nhãn các bon, đó là nhãn các bon thấp và nhãn dấu chân các bon đều ghi rõ lượng phát thải các bon của sản phẩm. Đối với nhãn các bon thấp, lượng phát thải KNK phải thấp hơn từ 10 - 15% lượng phát thải của sản phẩm dán nhãn dấu chân các bon [11].

     Nhãn các bon được kỳ vọng cung cấp cho người tiêu dùng cơ hội để đưa ra lựa chọn phù hợp, đặc biệt là khi yêu cầu về giảm phát thải các bon đã trở thành mối quan tâm toàn cầu. Trên thế giới, nhiều quốc gia triển khai dán nhãn các bon (Hình 2).

 

Hình 2. Các quốc gia đã áp dụng nhãn các bon trên thế giới trong giai đoạn 2007 - 2010 (Nguồn: Liu, Wang và Su (2016)

 

     Theo thống kê của Mạng lưới dấu chân các bon châu Á (Asia Carbon Footprint Network-ACFN), đến nay trên thế giới đã có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai Chương trình nhãn các bon, trong đó Anh là quốc gia đầu tiên thực hiện việc dán nhãn giảm phát thải các bon (carbon reduction label) vào năm 2006 [12].

     Kết quả tổng hợp các chương trình nhãn các bon trên thế giới hiện nay cho thấy, tại khu vực châu Á thì Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan có nhiều sản phẩm được dán nhãn, trong đó, Hàn Quốc có nhiều sáng kiến và hoạt động hợp tác đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng nhãn các bon. Việc thiết lập Mạng lưới dấu chân các bon châu Á - ACFN và đặt trụ sở tại Hàn Quốc là bằng chứng cho nhận định trên. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng thúc đẩy nhãn các bon nhưng chủ yếu là nhãn dấu chân các bon, hay nói cách khác là nhãn ghi thông tin về phát thải các bon của sản phẩm (Bảng 1).

Bảng 1: Tổng hợp các chương trình nhãn các bon trên thế giới

Quốc gia

Chương trình dán nhãn

Năm triển khai

Cơ quan thực hiện

Anh Quốc

Nhãn giảm phát thải các bon

2006

Carbon Trust

Canada

Nhãn giảm phát thải các bon

2007

Carbon Counted

Nhãn các bon.org

2008

Conscious Brands

Mỹ

Chứng nhận không các bon

2007

Carbonfund.org

Footprint Chronicles

2007

Patagonia

Phân loại chỉ số xanh/Green Index rating

2007

Timberland

Nhãn các bon lương tri khí hậu/Climate Conscious Carbon Label

2008

The Climate Conservancy

Đức

Stop Climate Change

2007

AGRA-TEG

Thụy Điển

Climate Declaration

2007

  • Hội động Quản lý môi trường Thụy Điển (Swedish Environmental Management Council)
  • Viện Nghiên cứu môi trường Thụy Điển (Swedish Environmental Research Institute)

Verified Sustainable Ethanol Initiative

2008

  1.  

Thụy Sỹ

Climatop

2008

  •  

Hàn Quốc

Nhãn chứng nhận dấu chân các bon/Chứng nhận các bon thấp

Carbon Footprint Certification Label /Low Carbon Product Certificate

2009

Viện Công nghiệp và Công nghệ Môi trường Hàn Quốc (The Korea Environmental Industry and Technology Institute -KEITI)

Đài Loan

Dấu chân các bon sản phẩm/Product Carbon Footprint

2009

  • Cục BVMT Đài Loan (The Taiwanese Environmental Protection Administration -EPA)
  • Hiệp hội các nhà sản xuất điện tử và điện lạnh Đài Loan (The Taiwan Electrical and Electronic Manufacturers Association -TEEMA)

Thái Lan

Dấu chân các bon sản phẩm/Product Carbon Footprint

2009

  • Cơ quan Quản lý khí nhà kính Thái Lan (The Thailand GHG Management Organization -TGO)
  • Trung tâm Công nghệ vật liệu và kiêm loại quốc gia (National Metal and Materials Technology Centre -MTEC)

Nhật Bản

Dấu chân các bon của sản phẩm-PCF /Eco-Leaf / Carbon Footprint of Products

2009

  • Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế (Minister of Economy, Trade and Industry -METI)
  • Hiệp hội Quản lý môi trường công nghiệp (Japan Environmental Management Association for Industry -JEMAI)

Úc

Carbon Reduction Label

2010

Planet Ark

Pháp

Indice Carbon

2011

  • Cục Quản lý năng lượng và môi trường (Environment and Energy Management Agency)
  • Cục Tiêu chuẩn Pháp (French Standards Agency)

Trung Quốc

Dấu chân các bon của sản phẩm/Product Carbon Footprint

2013

Nhóm chứng nhận chất lượng Trung Quốc (China Quality Mark Certification Group)

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ báo cáo của Mạng lưới dấu chân các bon châu Á (2017)

 

     Trên thế giới cũng đã có nhiều sáng kiến liên quan đến dán nhãn các bon, nhãn dấu chân các bon (các bon thấp), đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp, cụ thể: Tại Anh, Quỹ Tín thác các bon (Carbon Trust) đã triển khai Chương trình nhãn các bon từ năm 2006. Tập đoàn TESCO - Chuỗi bán lẻ của Anh là doanh nghiệp thử nghiệm phương pháp PAS 2050 (do Viện Tiêu chuẩn của Anh quốc - BSI xây dựng) để đánh giá dấu chân các bon và giảm phát thải các bon một số sản phẩm hàng hóa tiêu dùng như đồ uống không cồn, cà chua, táo…

     Chuỗi siêu thị Casio của Pháp là siêu thị dầu tiên ở châu Âu thực hiện việc dán nhãn các bon. Nhãn được gọi là Indice Carbone và là nhãn định lượng tự phát hành. Phương pháp tính toán được xây dựng bởi dịch vụ thông minh Bio IS (the Bio Intelligence Service). Chuỗi siêu thị E. Leclerc cũng là một trong những công ty đầu tiên của Pháp giới thiệu nhãn các bon tự nguyện. Cả 2 loại nhãn trên đều được xây dựng dựa trên sự hợp tác với Cơ quan Năng lượng và môi trường Pháp (ADEME).

     Migros là chuỗi siêu thị của Thụy Sỹ đã giới thiệu chương trình nhãn tự cấp. Nhãn Migros Climatop sẽ được cấp cho các sản phẩm bày bán trong siêu thị nếu lượng phát thải các bon của sản phẩm đó thấp hơn 20% lượng phát thải của sản phẩm cùng loại.

     NST châu Âu (European Eco label) cũng có mục tiêu thể hiển lượng phát thải của sản phẩm. Tuy nhiên, nhãn này không định lượng mà dựa vào định tính về thông tin mức phát thải thấp hoặc không phát thải KNK.

     Ở Mỹ, Quỹ Các bon (Carbon Fund) đã xây dựng nhãn chứng nhận không các bon (Certified Carbon Free) trên cơ sở hợp tác với Quỹ Tín thác các bon (CT) và tính toán dấu chân các bon của sản phẩm được bồi hoàn (off-set). Bên cạnh đó, Bảo tồn hệ thống khí hậu Californian - The Californian Climate Conservancy - Một tổ chức của Trường đại học Stanford đã xây dựng nhãn Climate Conscious (tạm gọi là nhãn lương tâm khí hậu) để xếp hạng sản phẩm và lượng phát thải KNK do quá trình sản xuất gây ra, theo đó các sản phẩm được phân loại thành vàng, bạc hoặc đồng. Nhãn các bon Californian hướng đến tiêu chuẩn hóa dấu chân các bon của các công ty và bắt buộc các công ty này phải nộp số liệu đầu vào, đầu ra của quá trình sản xuất.

     KRAV (Hiệp hội Tiêu chuẩn các bon) ở Thụy Điển hiện nay đang xây dựng nhãn dấu chân các bon cho các sản phẩm sản xuất tại địa phương; Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Viện Oko và Viện Postdam về nghiên cứu tác động của khí hậu, THEMA 1 ở Đức đã điều phối việc xây dựng Chương trình thí điểm nhãn các bon; Tổ chức Carbon Counted của Canađa đã xây dựng nhãn (logo) Carbon Counted (tạm dịch là tính toán lượng phát thải các bon) cho các công ty.

     Ngoài ra, một số quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Phần Lan cũng đã xây dựng nhãn các bon của mình. Đặc biệt, Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống ghi nhãn dấu chân các bon của sản phẩm (CFP), do Bộ Môi trường triển khai từ tháng 2/2009. Viện Công nghiệp và Công nghệ Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Một tổ chức thuộc Bộ Môi trường đã vận hành Hệ thống ghi nhãn CFP [11]. Theo đó, giấy chứng nhận ghi nhãn CFP được cấp khi tổng lượng phát thải GHG được tính trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, bao gồm sản xuất, vận chuyển, phân phối, sử dụng và thải bỏ. Nhãn được gắn vào một sản phẩm để hiển thị dấu chân các bon của sản phẩm. Hệ thống ghi nhãn CFP bao gồm hai bước: Chứng nhận dấu chân các bon đầu tiên và chứng chỉ sản phẩm các bon thấp thứ hai.

     Bước 1 - Giấy chứng nhận dấu chân các bon được cấp cho một sản phẩm, khi tổng lượng phát thải KNK được tính toán trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Điều này có nghĩa lượng phát thải KNK từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô, sản xuất, vận chuyển, phân phối, sử dụng và thải bỏ sẽ được tính toán đầy đủ, thay cho chỉ tính toán phát thải trong giai đoạn sản xuất hay sử dụng như nhãn tiết kiệm năng lượng.

     Bước 2 - Giấy chứng nhận sản phẩm các bon thấp được trao cho các sản phẩm có chứng nhận bước 1, nếu lượng phát thải KNK của sản phẩm giảm và thấp hơn mức phát thải trung bình của các sản phẩm trong cùng loại hoặc khi sản phẩm đạt mục tiêu giảm phát thải KNK ở mức 4,24%.

      Tính đến cuối năm 2017, đã có 2.438 sản phẩm của 285 công ty được chứng nhận dấu chân các bon hay lượng phát thải KNK trong suốt vòng đời của sản phẩm. Sản phẩm có chứng nhận dấu chân các bon ở Hàn Quốc đã tăng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia châu Á nào khác [12]. Điều này thể hiện mối liên hệ giữa quy định pháp luật (Luật về tăng trưởng xanh) và các sản kiến, công cụ thực thi dựa vào thị trường.

      Dù nhãn các bon đã triển khai trên thế giới nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt là tiêu chuẩn và phương pháp tính toán dấu chân các bon hay lượng phát thải các bon suốt vòng đời sản phẩm. Thực tế lúc đầu được các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa, xây dựng phương pháp tính nhằm mục đích giảm chi phí trung gian, nhấn mạnh đến tính thân thiện môi trường và gia tăng lợi nhuận. Sau đó, khi nhãn các bon đã được triển khai tại các chuỗi cung ứng hàng hóa thì Chính phủ các nước bắt đầu có những điều chỉnh để đưa ra tiêu chuẩn chung. Tiêu chuẩn này do Nhà nước quản lý, trong một số trường hợp thì việc phối hợp với bên thứ 3 để dán nhãn nhưng chủ sở hữu các nhãn vẫn là Nhà nước. Tuy tiêu chuẩn về nhãn các bon còn có sự khác biệt giữa các quốc gia nhưng cách tính toán dấu chân các bon (tổng các bon phát thải) cơ bản vẫn dựa vào đánh giá LCA. Việc thực hiện LCA được tiến hành thông qua 4 bước cơ bản: Xác định mục tiêu và phạm vi tính toán; phân tích tính toán số liệu kiểm kê; giải thích kết quả tính toán và  đánh giá tác động tổng thể. Đây là phương pháp “từ cái nôi đến nấm mồ”, đảm bảo rằng toàn bộ phát thải các bon trong suốt vòng đời của một sản phẩm được tính toán [13]. Hiện tại có 3 tiêu chuẩn chính để tính toán phát thải KNK của sản phẩm, gồm PAS 2050, LCA và GHG Protocol, cả 3 tiêu chuẩn/phương pháp này đều cần thời gian để thu thập, xử lý số liệu, điều này làm cho việc dán nhãn các bon phát triển chậm hơn dự kiến do đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích mà nhãn các bon mang lại.

     III. ÁP DỤNG NHÃN CÁC BON Ở VIỆT NAM

     Giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ chính thức thực hiện mục tiêu đã đề ra trong NDC và tiếp tục điều chỉnh các nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước, hợp tác và hỗ trợ của quốc tế. Nhằm thực hiện NDC, hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế các bon thấp, thì thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ các bon thấp có vai trò quan trọng. Việc xác định một hàng hóa có thuộc loại các bon thấp hay không cần phải dựa trên tổng khối lượng KNK thải ra trong suốt chu trình của sản phẩm, từ sản xuất, lưu thông, sử dụng và thải bỏ trên một đơn vị sản phẩm được gọi là “dấu chân các bon”. Tuy nhiên, việc tính toán định lượng tổng phát thải KNK hay dấu chân các bon cho hàng hóa, dịch vụ đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí.

     Việt Nam hiện chưa có Chương trình dán nhãn các bon, nhưng Nhãn xanh (một loại hình NST) đã được xây dựng và phát triển. Năm 2009, Bộ TN&MT đã chính thức ban hành Chương trình Nhãn xanh Việt Nam với mục tiêu tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và BVMT thông qua việc khuyến khích các mẫu hình sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, được Nhà nước đánh giá, chứng nhận [14]. Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT là đơn vị đầu mối tiến hành triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam. Hiện nay, hệ thống đánh giá, chứng nhận và cấp Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường đã được xây dựng; đã có 17 bộ tiêu chí Nhãn xanh và 112 loại sản phẩm được cấp Chứng chỉ Nhãn xanh Việt Nam [15].

     Để đánh giá được tiềm năng dán nhãn các bon cho các sản phẩm của Việt Nam trước hết cần xem xét hệ thống chính sách và năng lực kỹ thuật. Dưới góc độ chính sách chung, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH (2011) với mục tiêu “Phát triển nền kinh tế các bon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững; giảm nhẹ phát thải KNK và tăng khả năng hấp thụ KNK trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội [16]. Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012) có mục tiêu “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải KNK và tăng khả năng hấp thụ KNK dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội [17].

     Triển khai các hành động chính sách về giảm nhẹ phát thải KNK ở Việt Nam, hoạt động giảm phát thải KNK chính thức được Chính phủ cụ thể hóa từ năm 2012 trong Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon ra thị trường thế giới [18]. Mục tiêu tổng thể của Đề án là quản lý phát thải KNK nhằm thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển nền kinh tế các bon thấp, tăng trưởng xanh và cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Cùng với đó, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 [19], Chương trình Nhãn xanh Việt Nam [14] và Chương trình nhãn năng lượng [20] là nền tảng quan trọng để thúc đẩy việc dán nhãn các bon tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện Chương trình nhãn các bon cần phải xây dựng được tiêu chí nhằm lựa chọn nhóm sản phẩm để thử nghiệm nhãn các bon dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tế của Việt Nam.

     Chương trình dán nhãn các bon thấp là chương trình ghi nhãn loại I, tức là chương trình tự nguyện, dựa trên các chuẩn cứ của bên thứ 3, được bên thứ 3 cấp giấy phép cho sử dụng nhãn các bon thấp trên sản phẩm, để chỉ ra mức phát thải KNK của một sản phẩm trong một chủng loại sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ cụ thể trên cơ sở xem xét lượng KNK phát thải trong suốt vòng đời của sản phẩm đó. Tiêu chí đánh giá hay chuẩn cứ phát thải phải đáp ứng theo nguyên tắc của tiêu chuẩn TCVN ISO 14024:2005 (ISO 14024:1999) - Nhãn môi trường và công bố môi trường - Ghi nhãn môi trường kiểu I - Nguyên tắc và thủ tục.

     Khi xây dựng các tiêu chí lựa chọn sản phẩm để dán nhãn cần phải tính đến lợi thế cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác (đối với thị trường xuất khẩu). Nói cách khác, các sản phẩm có tỷ lệ phát thải lớn trong quá trình sản xuất so với lượng phát thải KNK trong quá trình phân phối hàng hóa (vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ) nên được ưu tiên. Việc tính toán lượng phát thải KNK được thực hiện trên cơ sở đánh giá vòng đời của sản phẩm, gồm: Khai thác tài nguyên, sản xuất, phân phối, sử dụng và thải bỏ liên quan đến những chỉ thị môi trường trung gian tương ứng. Bất kỳ sự chệch hướng nào khỏi cách tiếp cận tổng hợp này hoặc việc sử dụng thu hẹp phạm vi tính toán (lượng phát thải KNK) cần phải kiểm soát và được lý giải.

     Tiêu chí đánh giá của sản phẩm phải được thiết lập để phân biệt sản phẩm các bon thấp với những sản phẩm cùng loại, dựa trên thông tin phát thải một cách định lượng hoặc thông báo về mức độ phát thải của sản phẩm dán nhãn. Chúng tôi đề xuất 5 nhóm tiêu chí/yêu cầu để lựa chọn nhóm sản phẩm để dán nhãn các bon thấp, gồm: Lĩnh vực giảm phát thải bắt buộc trong NDC; sử dụng nhiều năng lượng trong sản xuất, phân phối, sử dụng và thải bỏ; được sản xuất ở Việt Nam; được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ; sản xuất bởi doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000/hoặc doanh nghiệp đã có sản phẩm được cấp Nhãn xanh Việt Nam.

     Trên cơ sở các tiêu chí nêu trên và thực tế sản xuất tại Việt Nam cũng như yêu cầu về nhãn các bon, nhóm nghiên cứu đề xuất lựa chọn các nhóm sản phẩm về dệt may, giầy dép, tivi, máy giặt, đồ gỗ và nông sản (như gạo xuất khẩu, cà phê, ca cao…) là những nhóm sản phẩm ưu tiên, có tiềm năng dán nhãn các bon của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất quy trình dán nhãn các bon thấp ở Việt Nam gồm 4 bước: (1) Sàng lọc và lựa chọn sản phẩm thuộc nhóm ưu tiên dán nhãn các bon; (2) tính toán dấu chân các bon của sản phẩm dán nhãn (dựa trên phương pháp PAS 2050 trong tính toán phát thải KNK); (3) so sánh lượng phát thải các bon của sản phẩm dán nhãn với mức phát thải cơ sở; (4) chứng nhận nhãn các bon thấp cho sản phẩm nếu mức phát thải các bon của sản phẩm thấp hơn mức phát thải cơ sở. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, Chương trình nhãn các bon của Việt Nam có thể bỏ qua bước 3 để cấp nhãn các bon (không phải nhãn các bon thấp) cho sản phẩm đã có số liệu phát thải các bon (dấu chân các bon).

     Để Chương trình dán nhãn các bon có hiệu quả, cần đề ra lộ trình thực hiện phù hợp, vì vậy, chúng tôi đề xuất lộ trình thúc đẩy dán nhãn các bon ở Việt Nam cần được triển khai qua 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (từ năm 2020 - 2021); giai đoạn thử nghiệm (từ 2022 - 2024) và giai đoạn mở rộng (từ 2025 - 2030).

     IV. KẾT LUẬN

     Có thể thấy, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích của nhãn các bon, đặc biệt là hạn chế được tình trạng “rò rỉ” hay “chuyển dịch” phát thải từ quốc gia này sang quốc gia khác. Việc áp dụng cách tiếp cận đánh giá LCA trong quá trình tính toán lượng phát thải các bon (hoặc tổng KNK) sẽ giúp tính toán đầy đủ lượng KNK phát thải trong từng giai đoạn của sản phẩm (nguyên liệu thô, sản xuất, lưu thông, sử dụn và thải bỏ), giúp cho doanh nghiệp biết được công đoạn nào phát thải nhiều (thường đi cùng với tiêu hao năng lượng), từ đó có biện pháp cắt giảm phù hợp. Ngoài ra, trong bối cảnh nóng lên toàn cầu và yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia trong việc giảm phát thải KNK, nhãn các bon có thể trở thành công cụ hữu ích trong việc huy động sự tham gia của cả bên cung (sản xuất) và bên cầu (người sử dụng) nhằm thúc đẩy phát triển theo hướng các bon thấp.

     Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để áp dụng nhãn các bon cần phải xây dựng được cơ sở dữ liệu về dấu chân các bon của từng nhóm sản phẩm, lựa chọn nhóm sản phẩm để dán nhãn và tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp dán nhãn. Việc thiết kế nhãn ở giai đoạn đầu của Chương trình nhãn các bon nên đơn giản, nhằm chuyển tải thông điệp đến người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt, Việt Nam có thể xem xét, áp dụng bài học về Chương trình dán nhãn của Thái Lan và Hàn Quốc. Cụ thể, áp dụng kinh nghiệm của Thái Lan trong việc thiết lập nhãn các bon cho các sản phẩm nội địa và nhãn các bon cho các sản phẩm xuất khẩu; tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu về dấu chân các bon của sản phẩm (PCF) nhằm so sánh để cấp nhãn các bon thấp các bon thấp cho các sản phẩm có giá trị PCF thấp hơn sản phẩm cùng loại.

     Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai nhãn Xanh và nhãn Năng lượng, Việt Nam cần xây dựng Chương trình Nhãn các bon quốc gia theo 3 giai đoạn để phù hợp với thực tiễn chính sách và các yêu cầu về kỹ thuật trong việc tính toán phát thải các bon từ các nhóm sản phẩm khác nhau. Trong đó việc thiết lập cơ sở dữ liệu và cơ chế hỗ trợ trong giai đoạn chuẩn bị là hết sức cần thiết.Trước mặt nên ưu tiên dán nhãn các bon đối với nhóm sản phẩm có thị trường xuất khẩu như dệt may, giầy dép, tivi, máy giặt, đồ gỗ và nông sản (như gạo xuất khẩu, cà phê…).

 

Nguyễn Sỹ Linh, Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Nam Thành

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2020)

 

Carbon labels: Intertational experiences and Proposals for application in Viet Nam

 

Nguyen Sy Linh, Nguyen Thi Thu Ha and Le Nam Thanh

Institute of Strategy and Policy for natural resources and environment

 

ABSTRACTS

     Carbon labeling has been implemented by a number of countries in the world since 2006 with the participation of manufacturing enterprises, especially supermarket systems in Europe. The benefits of carbon labels have also been shown by many studies, such as limiting the "leakage" or "shifting" of greenhouse gas (GHG) emissions from one country to another; The application of a life cycle assessment (LCA) approach in the process of calculating carbon emissions also helps to fully calculate the amount of GHG emissions in each phase of the product (from raw materials, production, circulation, consumption, and disposal) assisting businesses know which processes are high in emissions (often accompanied by energy consumption) in order to take appropriate measures to reduce GHG acccordingly. Additionally, in the context of global warming and mandatory requirements for countries to reduce GHG emissions, carbon labels can become a useful market tool in mobilizing participation of both supply side (producers) and demand side (users) in promoting low carbon development. Over the past years, Vietnam has developed many policies on green growth, low carbon development and has established the Green Labeling and Energy Labeling Programs but has not implemented carbon labeling yet. From the year 2021, Vietnam is required to implement measures to reduce GHG emissions to achieve the committed goals in the Nationally Determined Contribution (NDC), the implementation of the Carbon Labeling Program will help mobilize involvement of businesses and consumers in efforts to reduce GHG emissions, contributing to the goal of sustainable production and consumption. Therefore, the experience of establishing and operating the Carbon Labeling Program from other countries, particularly experiences of Korea and Thailand will be useful for Vietnam to develop the Carbon Labeling Program in the future.

     Keywords: Carbon label; Greenhouse gas emission; sustainable production and consumption; labelled products; carbon footprints

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Tiantian Liu, Qunwei Wang, and Bin Su, (2016). A review of carbon labeling: Standards, implementation, and impact. Renewable and Sustainable Energy Reviews. 53: p. 68-79.

[2] Center for International Environmental Law, (2005). Eco-labeling Standards, Green Procurement and the WTO. p. 51.

[3] OECD, (2016). Environmental labelling and information schemes- Policy Perspectives. p. 24.

[4] Colin Macleod, (2008). Carbon footprint measurement and labelling of products: UK activities.

[5] Phakamon Supappunt, (2011). Carbon footprint label in Thailand.

[6] Yvonne Stirjan, (2019). The Effectiveness of Carbon Labels on Groceries - a case study on German purchase behaviour.

[7] Chuanmin Shuai, et al., (2014). Consumer behavior on low-carbon agri-food purchase: a carbon labeling experimental study in China. Agricultural Economics (AGRICECON). 60: p. 133-146.

[8] MITI, (2010). Carbon Footprint of Products (CFP) in Japan (Minitry of International Trade and Industry)

[9] Mark A. Cohen and Michael P. Vandenbergh, (2012). The potential role of carbon labeling in a green economy. Energy Economics. 34: p. S53-S63.

[10] Mika Kortelainen and Jibonayan Raychaudhuri, (2015). Effects of carbon reduction labels: Evidence from scanner data. Economic Inquiry. 54 (2).

[11] Kyung-Hwan Kim, (2011). Introduction to Low-carbon Product certification system in Korea.

[12] Carbon Trust and Asia Carbon Footprint Network, (2016). Common Product Carbon Footprinting Framework for Asia p. 84.

[13] Tiantian Liu, Qunwei Wang, and Bin Su, (2016). A review of carbon labeling: Standards, implementation, and impact. Renewable and Sustainable Energy Reviews. 53(C): p. 68-79.

[14] Bộ Tài nguyên và Môi trường, (2009). Quyết định số 253/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình cấp NST.

[15] Văn phòng Nhãn xanh Việt Nam (2019). Giới thiệu về nhãn sinh thái.

[16] Thủ tướng Chính phủ, (2011). Chiến lược quốc gia về BĐKH (Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011).

[17] Thủ tướng Chính phủ, (2012). Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012).

[18] Thủ tướng Chính phủ, (2012). Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon ra thị trường thế giới (Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

[19] Thủ tướng Chính phủ, (2016). Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11 tháng 1 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)

[20] Bộ Công Thương, (2016). Thông tư quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương (Thông tư số 36/2016/TT-BCT).


 

Ý kiến của bạn