Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Kết quả thực chỉ tiêu về cấp nước sinh hoạt tại các địa phương

11/02/2020

     Nước sạch và VSMTNT là mục tiêu thiên niên kỷ và chiến lược phát triển của Việt Nam. Qua hơn 15 năm nỗ lực phấn đấu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành, đoàn thể; sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ ngân sách từ năm 2007-2015, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần nâng cao cuộc sống, sức khỏe của người dân, môi trường khu vực nông thôn.

     Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Thủy lợi, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87,5%; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT đạt 49%. Hiện nay, các tỉnh có tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% gồm: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; trong đó: TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ 100% dân số sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.

    Đến cuối năm 2016 tỷ lệ người dân sử dụng nước nhỏ lẻ, phân tán hộ gia đình hợp vệ sinh: 56,5% dân số, trong đó, cao nhất là vùng Tây Nguyên 75,6%; thấp nhất là vùng Đông Nam bộ 35,3%. Nguồn nước sử dụng gồm: Nước mưa, nước mặt và nước ngầm. Kết quả công tác rà soát, khảo sát, đánh giá, đề xuất giải pháp hoàn thiện để vận hành bền vững mô hình cấp nước sạch tập trung thuộc Đề án 712 cho thấy, đến hết năm 2018, toàn quốc có 16.965 công trình cấp nước tập trung nông thôn (CNTTNT). Các tỉnh có tỷ lệ công trình bền vững 100% gồm: Hải Phòng, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu; Tỷ lệ công trình: 32,3% (5.832 công trình) hoạt động trung bình; Tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả: 18,7% (2.886 công trình)

     Những năm gần đây, do chính quyền một số địa phương quan tâm nên giá tiêu thụ nước sạch nông thôn đã có nhiều tiến triển, một số địa phương đã yêu cầu các đơn vị cấp nước lên phương án tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý theo quy định; giao các ngành tổng hợp thẩm định để có cơ sở quyết định giá tiêu thụ nước sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời, một số địa phương đã áp dụng biểu giá luỹ tiến, giá cho đối tượng sử dụng nước khác nhau với nguyên tắc thấp nhất là giá nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt, đến giá nước sản xuất vật chất và cao nhất là giá nước dịch vụ để các đơn vị cấp nước có thể bù chéo, tạo điều kiện cho sản xuất và tiêu thụ nước sạch.

     Năm 2018, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và VSMTNT đã tổng hợp số liệu tại 21 tỉnh, thành phố, kết quả tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT là 53,3%. Vùng Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn BYT thấp nhất 26%, vùng duyên hải Nam Trung bộ có tỷ lệ cao nhất là 62%, đồng bằng sông Cửu Long 61%, đồng bằng sông Hồng 58%, MNPB 49,3%, Bắc Trung bộ 58%. Các chỉ tiêu chất lượng của các mẫu nước không đạt chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu: độ đục, màu sắc, độ cứng và vi sinh (Coliforms và E.coli).

     Sau năm 2015, nước sạch và VSMT nông thôn được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Để việc triển khai thực hiện Chương trình không bị gián đoạn và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai tránh những rủi ro do công tác quản trị, tổ chức, thể chế triển khai thực hiện tại địa phương có sự thay đổi phù hợp với xu thế phát triển chung. Thông qua các hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường. Tập quán và hành vi vệ sinh của người dân và môi trường nông thôn đang được cải thiện đáng kể ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Việc tổ chức thực hiện nội dung nước sạch trong nông thôn mới tại các địa phương cũng đạt được nhiều kết quả, từ công tác điều hành, tổ chức, chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép đến kiểm tra, giám sát thực hiện.

 

Đã có 53,3% người dân nông thôn được dùng nước sạch 

 

     Bên cạnh đó, các tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nội dung nước sạch trong tiêu chí 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, chỉ tiêu cấp nước nông thôn đã được xác định là chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương. Nhiều tỉnh đã thành lập riêng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, do đó sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành liên quan có tiến bộ, mặc dù chưa đồng đều ở các tỉnh. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, nước sạch nông thôn được thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nguồn nhà tài trợ quốc tế, các thành phần kinh tế tư nhân; đã có những văn bản khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực nước sạch và VSMT nông thôn, triển khai chỉ đạo sát sao thực hiện vấn đề xã hội hóa đa dạng nguồn vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho công tác đầu tư xây dựng cũng như trong khâu quản lý vận hành sau đầu tư.

     Công tác giám sát đánh giá đã được đặc biệt quan tâm và nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Unicef, Ngân hàng thế giới, Đan Mạch, Úc... Từ năm 2009, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường, thống nhất 14 chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Lần đầu tiên Chương trình Giám sát đánh giá (M&E) toàn diện đang được triển khai tốt. Thông qua hệ thống M&E này sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu chính xác về độ bao phủ cho cấp nước sạch và vệ sinh. Đến hết 2015, tất cả các tỉnh đều triển khai thực hiện công tác theo dõi, đánh giá theo Bộ chỉ số Theo dõi - đánh giá nước sạch và VSMTNT (với 8 Chỉ số trong đó có chỉ số về cấp nước và vệ sinh cho đối tượng nghèo).     

     Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, TW Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… tham gia thực hiện Chương trình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Do đó, công tác xã hội hóa cấp nước nông thôn đang được triển khai mạnh mẽ tại một số khu vực và địa phương. Nhiều địa phương đã chủ chủ động ban hành chính sách của tỉnh để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, điển hình như Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Tiền Giang, Long An Cần Thơ… Tuy nhiên, việc xã hội hóa trong đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước còn chậm, chưa thu hút được các thành phần kinh tế trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn, sự tham gia của doanh nghiệp còn thấp (chiếm 5,3%) do sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước còn kém hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều cấp trung gian, thông tin thiếu minh bạch và công khai.

     Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, chính quyền địa phương đã ban hành được nhiều cơ chế chính sách cũng như văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, tuy nhiên còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các hướng dẫn để thúc đẩy thực hiện mô hình đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nước sạch nông thôn; Cơ chế lồng ghép giữa các chương trình, dự án có cùng mục tiêu trên cùng địa bàn còn rất hạn chế và chưa hiệu quả; Việc lựa chọn mô hình quản lý nhiều nơi chưa phù hợp, còn tồn tại nhiều mô hình quản lý thiếu tính chuyên nghiệp, như mô hình UBND xã, cộng đồng, tổ hợp tác quản lý. Nhiều nơi đã có công trình cấp nước tập trung với chất lượng tốt, nhưng tỷ lệ đấu nối còn thấp, nhiều hộ chỉ dùng nước máy để ăn uống, còn sinh hoạt vẫn dùng nước chưa đảm bảo vệ sịnh...

     Để nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn, cần có sự phối hợp chặt chẽ và phân công rõ ràng giữa các Bộ, ngành, đoàn thể trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý kịp thời khi có những vướng mắc trong quá trình thực hiện; Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Đồng thời, các địa phương cần làm tốt việc triển khai Chương trình theo phương châm “Chuẩn bị kỹ, tổ chức tốt, thực hiện quyết liệt, thường xuyên kiểm tra”; Thực hiện đồng bộ các giải pháp về công nghệ, tài chính và thông tin giáo dục truyền thông; Việc phân cấp thực hiện nội dung nước sạch phải gắn liền với công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở. Cần đặc biệt coi trọng và lựa chọn mô hình phù hợp cho công tác quản lý vận hành khai thác các công trình cấp nước và VSMTNT, nhất là công trình cấp nước tập trung, nước sạch và vệ sinh công cộng, tổ chức thu gom và xử lý rác thải nông thôn. Cần chuyển mạnh từ phương thức phục vụ sang dịch vụ, do các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện theo chủ trương xã hội hóa và giá dịch vụ được tính đúng tính đủ chi phí hợp lý, nhà nước chỉ hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo. Chủ trương phân cấp thực hiện nội dung nước sạch nông thôn cho cấp huyện và thấp hơn là chủ trương đúng đắn tuy nhiên gắn với phân cấp phải tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở và công tác kiểm tra giám sát, uốn nắn kịp thời những hạn chế khi phân cấp.

     Trong thời gian tới, nước sạch nông thôn cần tập trung nghiên cứu và chuyển giao một số công nghệ phù hợp cho các vùng đặc thù như: Công nghệ xử lý nước mặn cho các vùng ven biển, các xã đảo, vùng bãi ngang ven biển; Công nghệ xử lý nước quy mô hộ gia đình cho những vùng lũ lụt; Áp dụng công nghệ hồ treo cho các vùng núi cao, hạn hán.

 

Lương Văn Anh

Giám đốc Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn