Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 24/04/2024

Kế hoạch bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tỉnh Long An

03/07/2018

 

Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Thanh Hùng, Đào Phú Quốc 

Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Lê Phát Quới

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An

 

     TÓM TẮT

     Nguồn tài nguyên sinh học của tỉnh Long An khá đa dạng và phong phú với nhiều loài thực vật tự nhiên, cây trồng, thủy sản, động vật hoang dã và vật nuôi tồn tại trên nhiều hệ sinh thái (HST) tự nhiên và nhân tác. Các nguồn tài nguyên này vốn rất quan trọng đối với tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng hiện tại đã và đang bị khai thác quá mức và sử dụng chưa hợp lý, đe dọa đến tính nguyên vẹn của các HST và đa dạng sinh học (ĐDSH) của tỉnh. Hiện tại, tỉnh Long An đã thành lập được một số khu bảo tồn (KBT) và cơ sở bảo tồn chuyển chỗ, nhưng chừng ấy là chưa đủ với các nhu cầu thực tế đặt ra, do đó, cần xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ĐDSH tỉnh Long An trên nền tảng kế thừa các hoạt động bảo tồn hiện có, đồng thời bổ sung các hoạt động mới: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật; thiết lập mạng lưới bảo tồn, phát triển nguồn gen tỉnh Long An; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen.

     Từ khóa: Hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen, kế hoạch bảo tồn, tỉnh Long An.

  1. Giới thiệu

     Tài nguyên di truyền (hay nguồn gen) của các loài động, thực vật là một bộ phận của giống, là vật liệu ban đầu để lai tạo ra giống mới và là hạt nhân của ĐDSH nên giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia. Trên thực tế, quốc gia nào sở hữu nguồn tài nguyên di truyền sinh vật nói chung và nguồn tài nguyên thực vật nói riêng càng đa dạng và phong phú thì sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác chọn tạo giống mới để phục vụ phát triển kinh tế của quốc gia đó.

     Các vùng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tỉnh Long An, được hình thành từ nhiều HST đa dạng khác nhau, góp phần hình thành nên nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của đất nước và của các địa phương. ĐDSH với những nguồn gen quý không những cung cấp cho con người lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… mà còn có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, công nghệ thực phẩm, y tế, du lịch, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên…

     Tỉnh Long An có đặc điểm địa hình, địa mạo đa dạng từ rìa phù sa cổ đến vùng trũng phèn Đồng Tháp Mười, vùng phù sa ngọt và cửa sông, nhờ đó đã hình thành nên nhiều HST đặc trưng cho từng tiểu vùng với tính ĐDSH cao, với nhiều nguồn gen động, thực vật quý, hiếm hoặc có giá trị cao, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tính ĐDSH và nguồn gen của các loài quý, hiếm ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác tài nguyên sinh vật bừa bãi và thiếu ý thức, do chuyển đổi từ đất hoang hóa, đất rừng tự nhiên sang các mục đích khác như nông nghiệp, công nghiệp, đất ở, cơ sở hạ tầng…; do thói quen canh tác lạc hậu và chạy theo lợi nhuận trước mắt, do ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh… Hơn nữa, Long An lại là một trong những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nặng do BĐKH và mực nước biển dâng, điều đó càng làm ảnh hưởng nhiều hơn đến HST, tính ĐDSH và nguồn gen của tỉnh.

     Nhiều năm qua, tỉnh cũng đã có những hoạt động khảo sát, kiểm kê và bảo tồn ĐDSH tại một số khu vực tiêu biểu như Láng Sen, dược liệu Đồng Tháp Mười, làng nổi Tân Lập... Một số loài và nguồn gen đã được quan tâm, chú trọng và thực hiện phục hồi như: Lúa nàng thơm chợ Đào, huyết rồng, trắng tép, lúa ma (Oriza rufipogons)... các loài thủy sản như cá hô, cá tra dầu... Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu tổng thể, toàn diện về ĐDSH và nguồn gen ở tỉnh Long An, và cũng chưa có kế hoạch bảo tồn nguồn gen nào được xây dựng trong phạm vi toàn tỉnh.

     Do đó, việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ĐDSH ở tỉnh Long An là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn và nâng cao giá trị tiềm năng của nguồn gen, đặc biệt là đối với các loài cây dược liệu quý, hiếm, và các đặc sản quý có giá trị kinh tế cao của tỉnh.

     2. Hiện trạng ĐDSH và nguồn gen tỉnh Long An

     2.1. Phân vùng sinh thái

     Sự phân bố các nhóm đất và đặc tính của chúng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các HST, quần xã và các loài theo không gian trong địa bàn tỉnh Long an. Tùy thuộc vào đặc tính của các nhóm đất, phân vùng các hệ thống canh tác nông - lâm nghiệp cũng được điều chỉnh qua thời gian.

     Trên nền tảng từ vật liệu của các đơn vị trầm tích, các nhóm đất và tính chất đất, nguồn nước và các nhóm thực vật bao gồm cả thực vật tự nhiên và cây trồng phủ lên bên trên đã hình thành 4 vùng sinh thái: Vùng đất xám trên nền phù sa cổ và trầm tích biển gió; vùng phèn trên nền trầm tích đầm lầy, biển - đầm lầy; vùng  phù sa ngọt trên nền phù sa sông; vùng phù sa nhiễm mặn (Hình 1).

     Các khu vực đất phù sa và phèn nhẹ phân bố trên vùng có địa hình trung bình, thuận lợi cho việc cung cấp nước đã được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, trong khi những vùng trũng thấp và vẫn còn ảnh hưởng phèn nặng thì được phủ bởi cây tràm và những cây thân gỗ khác. Vùng ven sông thì vẫn còn hiện diện nhiều loài cây thân gỗ, cây bụi và cây ăn trái. Từ hiệu quả thị trường của sản phẩm nông nghiệp, diện tích lúa lớn của huyện Châu Thành và khu vực lân cận đã chuyển sang trồng Thanh Long, trong khi đó, vùng mía khu vực đất phèn ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ đã từng bước chuyển đổi mục đích sử dụng và cây trồng khác (Hình 2).

 

Hình 1. Sự quan hệ giữa tính chất đất và các hệ sinh thái tự nhiên trong tỉnh Long An (Nguồn: Lê Phát Quới, 2017)

 

Hình 2. Hiện trạng phân bố các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp tỉnh Long An

(Nguồn: Lê Phát Quới, Giải đoán ảnh Landsat TM7 và khảo sát (2015 - 2017)

 

2.2. Các HST chính ở tỉnh Long An

     Căn cứ kết quả phân tích từ bản đồ hiện trạng thảm thực vật, sử dụng đất, ảnh vệ tinh và kết quả các đợt khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh Long An hiện đang tồn tại các kiểu HST chính (Bảng 1).

Bảng 1. Phân loại các HST chính ở tỉnh Long An

TT

HST

Phân bố

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

I

HST TỰ NHIÊN

 

 

 

1

HST rừng tràm trên ĐNN

KBT ĐNN Láng Sen, TT Dược liệu ĐTM, KDL Làng nổi Tân Lập

    3.246,21

0,72

2

HST đồng cỏ ngập nước theo mùa

Láng Sen, Dược liệu ĐTM

    1.491,29

0,33

3

HST rừng ngập mặn

Ven cửa sông Vàm Cỏ

         90,40

0,02

4

HST nước chảy (sông, kênh rạch và thảm thực vật ven sông)

Toàn tỉnh

  23.160,79

5,15

5

HST nước đứng (bàu, lung, trấp)

Láng Sen, Dược liệu ĐTM

       122,63

0,03

II

HST NHÂN TẠO/NHÂN TÁC

 

 

 

6

HST rừng trồng tập trung           (chủ yếu là rừng tràm)

Các huyện Thạnh Hóa, Đức Huệ, Tân Thành, Mộc Hóa, Tân Hưng

  24.476,20

5,45

7

HST vườn

Toàn tỉnh

  52.171,62

11,61

8

HST đồng ruộng

Toàn tỉnh

266.668,33

59,33

9

HST khu đô thị

Các đô thị trong tỉnh

    3.004,80

0,67

10

HST khu dân cư nông thôn

Toàn tỉnh

  23.221,01

5,17

11

HST khu công nghiệp

Các huyện vùng hạ tỉnh Long An

  10.905,66

2,43

12

HST ao nuôi thủy sản

Toàn tỉnh

  12.301,08

2,74

13

HST trên đất chuyên dùng

Toàn tỉnh

  27.438,06

6,10

14

HST khác (bãi thải, nghĩa địa…)

Toàn tỉnh

    1.195,97

0,27

 

Tổng cộng

 

449.494,05

100

Nguồn: Số liệu tính toán từ phần mềm Mapinfo trên bản đồ ở Hình 2 và bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

2.3. ĐDSH và nguồn gen thực vật

     a. Hệ thực vật tự nhiên

     Kết quả khảo sát kết hợp với các nguồn tài liệu tham khảo (Lê Bá Khoa và cộng sự, 2014; Phan Văn Ngọt và cộng sự, 2014) đã ghi nhận được 340 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 95 họ của 2 ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta). Trong số 340 loài thực vật bậc cao có mặt trên địa bàn tỉnh Long An thì có 311 loài (91,5%) có giá trị sử dụng, trong đó, một số loài có đồng thời nhiều công dụng khác nhau; có 240 loài (70,6%) có giá trị làm thuốc, 60 loài (17,6%) có giá trị làm rau hoặc thực phẩm, 31 loài (9,1%) cây gia dụng, 27 loài (7,9%) cây làm cảnh, 26 loài (7,6%) cây cho củi, 20 loài (5,9%) cây lấy gỗ, 14 loài (4,1%) cây lấy quả, 13 loài (3,8%) cây dùng làm thức ăn chăn nuôi, 12 loài (3,5%) dùng làm phân xanh, 6 loài (1,8%) có giá trị sử dụng để nhuộm lưới và 4 loài (1,2%) cho tinh dầu.

     Ngoài các giá trị sử dụng nêu trên, nhiều loài thực vật còn có giá trị xử lý làm sạch môi trường, góp phần không nhỏ trong việc điều hòa và cân bằng môi trường nước: Bèo cám nhỏ (Lemna minor), bèo cái (Pistia stratiotes), bèo tai chuột (Salvinia cucullata), sậy (Phragmites karka), rau dừa nước (Ludwigia adscendens), nghễ (Polygonum tomentosum), lục bình (Eichhornia crassipes)…

     Về giá trị nguồn gen quý hiếm: Theo Sách đỏ Việt Nam (2007), Long An có 2 loài thực vật được xếp vào danh mục các loài thực vật cần được bảo tồn ở thứ hạng Sẽ nguy cấp (VU) là cây cà na (Elaeocarpus hygrophilus) và cây lúa ma/lúa trời (Oryza rufipogon).

     Kết quả khảo sát còn ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Long An, hiện có 4 loài nấm mọc trong tự nhiên gồm nấm đen nhạt (Amanita phaloides), nấm tán trắng (Amanita verna), nấm tràm (Tylopilus felleus), và nấm mối (Termitomyces albuminosus).

     Về thực vật phiêu sinh, kết quả khảo sát ở KBT Đất ngập nước (ĐNN) Láng Sen đã ghi nhận được tổng số 115 loài tảo, thuộc 37 họ, 25 bộ và 6 ngành. Trong đó, thành phần loài tảo lục chiếm ưu thế, với 55 loài (48%), xếp thứ hai là tảo Silic, với 23 loài (20%), xếp thứ 3 là tảo lam, với 21 loài (18%), tiếp đến là tảo mắt, với 14 loài (12%), thấp nhất là tảo vàng ánh và tảo giáp, chỉ có 1 loài (1%). Các đại diện thực vật nổi thường gặp ở KBT này bao gồm các chi Oscillatoria, Melosira, Surirella, Scenedesmus, Pediastrum, Closterium, Cosmarium Phacus.

    b. Hệ cây trồng

     Ngoài các loài thực vật tự nhiên, trên địa bàn tỉnh Long An còn có rất nhiều loài cây trồng khác nhau thuộc nhóm cây lương thực - thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn trái, cây lâm nghiệp, cây kiểng, cây làm thuốc và nấm, trong đó, có một số loài đặc hữu, quý hiếm của địa phương như các giống lúa: Nàng thơm chợ Đào, Tài Nguyên, Nam Thơm (tập trung ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ); nhỏ đỏ (mùa mặn), tiêu chùm, nàng co, nếp trứng ngỗng, nếp than còn rất ít, ở các các xã vùng hạ như, Cần Giuộc, Cần Đước và một số khu vực khác; huyết rồng cũng còn rất ít, tại một vài nơi ở huyện Vĩnh Hưng.

     Một số cây cỏ tự nhiên có dược tính tốt được người dân sưu tầm và trồng tại vườn nhà để làm thuốc (chủ yếu là cây thuốc Nam). Ngoài ra trong KBT ĐDSH dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An) còn tổ chức trồng, lưu giữ nguồn gen các loại cây thuốc quý: Hà thủ ô, lạc tiên, bụp giấm, đinh lăng, tràm Úc, kim tiền thảo, ngải cứu... đặc biệt có cả bộ sưu tập chuối cau lửa, trong đó, có vài giống thuộc loại cực hiếm như chuối cau sen (có bắp chuối giống bông sen).

     2.4. ĐDSH và nguồn gen động vật

      a. Hệ động vật hoang dã

  •  Các loài chim: Kết quả hai đợt khảo sát khu hệ chim trong năm 2016 tại tỉnh Long An cùng với số liệu trước đây của KBT ĐNN Láng Sen (2016), đã ghi nhận được 159 loài chim, thuộc 52 họ, 16 bộ. So với số loài chim hiện có ở Việt Nam được công bố (khoảng 884 loài), khu hệ chim ở tỉnh Long An chiếm 9,95% tổng số loài chim của Việt Nam. Có 5 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam gồm: Cổ rắn, điêng điểng (Anhinga melanogaster), Bói cá lớn (Megaceryle lugubris), Diều mào (Aviceda leuphotes), Diều trắng (Elanus caeruleus), Diều hâu (Milvus migrans).
  • Động vật trên cạn: Từ các tài liệu thu thập và qua 2 đợt khảo sát bổ sung khu hệ thú hoang dã tỉnh Long An trong năm 2016, sơ bộ đã ghi nhận được 9 loài thuộc 4 họ, 4 bộ. Nhìn chung, khu hệ thú hoang dã ở Long An khá nghèo nàn và ít có giá trị bảo tồn, loài duy nhất có ý nghĩa đối với HST khu vực là mèo cá (Prionailurus viverrinus). Loài này góp phần kiểm soát các loài bò sát, lưỡng cư, động vật nhỏ khác trong KBT ĐNN Láng Sen.
  •  Động vật lưỡng cư - bò sát: Theo kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Nghiệp, Hồ Thị Nguyệt (2014) về sự đa dạng của tài nguyên lưỡng cư, bò sát ở vùng Tây Bắc, tỉnh Long An (khảo sát 21 điểm thu mẫu tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa) bước đầu đã xác định được 63 loài lưỡng cư, bò sát. Trong đó, lớp lưỡng cư có 14 loài thuộc 10 giống, 6 họ, 2 bộ và lớp bò sát có 49 loài, thuộc 34 giống và 15 họ, 3 bộ.
  •   Loài thủy sản: Kết quả 2 đợt khảo sát khu hệ cá trong năm 2016 tại tỉnh Long An và tham chiếu các nguồn tài liệu tin cậy, sơ bộ cho thấy, đã ghi nhận được trên 11 bộ, 79 họ, 306 loài, trong đó, có 114 loài nước ngọt, 192 loài sống chủ yếu môi trường lợ và mặn. So với toàn khu vực ĐBSCL, với khoảng 540 loài thì số loài ở Long An chiếm 56,7% (trong 36 loài di cư quan trọng ở ĐBSCL, Long An đóng góp 12 loài, chiếm 33%). Như vậy, tiềm năng nguồn gen, nguồn giống thuỷ sản nước ngọt có giá trị của Long An chiếm một phần quan trọng của lưu vực sông Mê Kông nói chung và ĐBSCL nói riêng.

     b. Hệ động vật nuôi

     - Hệ động vật nuôi ở tỉnh Long An cũng khá đa dạng bao gồm các loài đại gia súc (trâu, bò, ngựa), các loài gia súc thân trung bình (các giống heo khác nhau), gia súc thân nhỏ (dê), thú nuôi (chó, mèo, thỏ...), gia cầm (gà, vịt, ngỗng, bồ câu, cút) và nhiều loài thủy sản được nuôi tại địa phương.

     3. Hiện trạng bảo tồn ĐDSH và nguồn gen tỉnh Long An

3.1. Hiện trạng các KBT

     Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có KBT ĐNN Láng Sen đã được quy hoạch thành Khu dự trữ thiên nhiên theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, và Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời Khu Ramsar Láng Sen cũng được quốc tế công nhận là khu Ramsar thứ 2.227 trên thế giới và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam (ngày 22/5/2015), và UBND tỉnh Long An đã ký Quyết định số 4122 /QĐ-UBND ngày 13/11/2017 về việc Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển Khu Ramsar Láng Sen.

     Ngoài ra, KBT ĐDSH dược liệu Đồng Tháp Mười (rừng đặc dụng cấp tỉnh) được thành lập theo Quyết định số 4015/QĐ-UBND ngày 3/11/2017 của UBND tỉnh Long An; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 3015/QĐ-UBND ngày 16/8/2017 của UBND tỉnh Long An.

Bảng 2. Kết quả rà soát các KBT hiện có ở tỉnh Long An

TT

Tên KBT

Phân hạng KBT theo Luật ĐDSH

Diện tích (ha)

Cấp quản lý

Ghi chú

1.1

KBT ĐNN Láng Sen

Khu dự trữ thiên nhiên cấp Tỉnh

5.030

Cấp Tỉnh

Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014

Chưa phân hạng, nhưng tương đương Khu dự trữ thiên nhiên cấp Tỉnh

4.630

Cấp Tỉnh

Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 10/7/2017

1.2

KBT ĐDSH dược liệu Đồng Tháp Mười

Chưa phân hạng, nhưng tương đương KBT loài - sinh cảnh cấp Tỉnh

1.029,2

Cấp Tỉnh

Quyết định số 4015/QĐ-UBND ngày 3/11/2017

1.3

Khu Văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập - Mộc Hóa

Chưa phân hạng, nhưng có một phân khu bảo tồn HST rừng tràm với diện tích 64,4231 ha, tương đương khu bảo vệ cảnh quan cấp Tỉnh

133,88

Cấp Tỉnh

Quyết định số 3015/QĐ-UBND ngày 16/8/2017

Nguồn: Viện Môi trường và Tài nguyên ( 2017). Báo cáo Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An.

3.2. Hiện trạng các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ của tỉnh Long An

     Trên thực tế, tỉnh Long An đang tồn tại một số cơ sở bảo tồn, tuy nhiên mới chỉ có duy nhất một cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn ĐDSH là Vườn thú Mỹ Quỳnh. Các cơ sở khác chưa được xác nhận là cơ sở bảo tồn ĐDSH hay cơ sở bảo tồn chuyển chỗ.

     Vườn thú Mỹ Quỳnh là một cơ sở bảo tồn ĐDSH đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận ngày 12/6/2017. Vườn thú nằm tại ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, với tổng diện tích 479.560 m2 (tổng diện tích chuồng nuôi 82.000 m2). Theo quy hoạch, Vườn thú Mỹ Quỳnh là mô hình công viên giải trí du lịch sinh thái, tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày, nhân giống các loài động thực vật trong nước và các nước trên thế giới. Hiện tại, cơ sở này đang bảo tồn 4 cá thể báo gấm, 4 cá thể báo hoa mai, 77 cá thể hổ, 4 cá thể voi, 4 cá thể gấu ngựa, 4 cá thể gấu chó, và 4 cá thể bò tót.

     Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Long An còn có khá nhiều cơ sở đang lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, và nấm đặc hữu, thuộc loại quý, hiếm hoặc có giá trị về khoa học, y học, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử, đặc biệt là các loài cây thuốc quý hiếm đang được lưu giữ tại nhiều nơi, tuy nhiên các cơ sở này chưa được công nhận chính thức là cơ sở bảo tồn ĐDSH. Một số công viên cây xanh trên địa bàn là nơi trồng và bảo tồn gen một số loài cây bản địa và cây nhập nội, nhưng số loài thực vật bản địa được trồng chưa đến 50 loài.

     4. Đề xuất kế hoạch bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ĐDSH tỉnh Long An

4.1. Mục tiêu của kế hoạch

     a. Mục tiêu tổng quát

     Bảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả nguồn gen phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu, có giá trị về kinh tế, xã hội, y học, khoa học, môi trường trên địa bàn tỉnh; ưu tiên bảo tồn các nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng để phục vụ nghiên cứu khoa học, công tác tạo giống, nhân giống.

     b. Mục tiêu đến năm 2025

     Thu thập, nhập nội, lưu giữ an toàn các nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu; các nguồn gen có giá trị sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và môi trường; các nguồn gen cần cho công tác tạo giống, lai tạo giống và nghiên cứu khoa học.

  • Đánh giá, chọn lọc và phục tráng các nguồn gen bản địa quý hiếm đã thu thập.
  • Tư liệu hóa các mẫu gen quý hiếm, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo giống hoặc trực tiếp mở rộng sản xuất;
  • Thiết lập, duy trì và phát triển được những điểm/cơ sở bảo tồn nguồn gen.
  • Tổ chức khai thác và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
  • Nâng cao năng lực quản lý các tập đoàn quỹ gen cây trồng, vật nuôi và nhận thức xã hội về nguồn gen, thông qua việc thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học trực tiếp quản lý và người dân trong tỉnh.
  • Thiết lập Mạng lưới bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen tỉnh Long An.

4.2. Nội dung của Kế hoạch

     Ngoài các nhiệm vụ, hoạt động bảo tồn ĐDSH và nguồn gen tại các KBT và các cơ sở bảo tồn đã được UBND tỉnh phê duyệt theo quy hoạch, kế hoạch (KBT ĐNN Láng Sen, KBT ĐDSH dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu Văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập, Vườn thú Mỹ Quỳnh), tỉnh Long An tiếp tục triển khai các nội dung dưới đây trong Kế hoạch Bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng bền vững nguồn gen tỉnh Long An giai đoạn 2018 - 2025.

     Nội dung 1: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật

  • Thu thập, lưu giữ, bảo quản các nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu hiện có.
  • Đánh giá, tư liệu hóa các nguồn gen có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng.
  • Đánh giá di truyền nguồn gen.
  • Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng nguồn gen một số cây trồng; thuần chủng các nguồn gen cây trồng, vật nuôi; chuẩn hóa các chủng vi sinh, nấm, tảo.
  • Khai thác, phát triển và sử dụng bền vững nguồn gen có giá trị ứng dụng.

Nội dung 2: Thiết lập mạng lưới bảo tồn và phát triển nguồn gen tỉnh Long An

  • Trên cơ sở các nguồn lực hiện có (chủ yếu là các đơn vị thành viên và trực thuộc của Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Sở TN&MT, Sở Y tế, KBT ĐNN Láng Sen, KBT ĐDSH dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu Văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Đước - Cần Giuộc…), tiến hành rà soát và thiết lập Mạng lưới bảo tồn và phát triển nguồn gen tỉnh Long An, trong đó, đặc biệt lưu ý đến vai trò của chính quyền địa phương cấp xã, cộng đồng dân cư và hộ gia đình trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen một cách bền vững.
  • Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới bảo tồn và phát triển nguồn gen, giao quyền và nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong mạng lưới.
  • Xây dựng khu trưng bày, giới thiệu nguồn gen đặc hữu, quý hiếm của tỉnh Long An tại các Khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH và trong khuôn viên của Sở NN&PTNT nhằm giới thiệu, cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật…với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

     Nội dung 3: Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen

  • Tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen cho các đơn vị trong Mạng lưới bảo tồn và phát triển nguồn gen tỉnh Long An, trước mắt (từ nay đến năm 2020) ưu tiên đầu tư các hạng mục sau:
    • Trang thiết bị Phòng cấy mô (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh).
    • Trang thiết bị Phòng nuôi cấy mô và Phòng thí nghiệm sinh học phân tử (thuộc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ - Sở KH&CN).
    • Khu trưng bày, giới thiệu nguồn gen giống nông nghiệp của tỉnh Long An (dự kiến khoảng 250 m2 trong khuôn viên của Sở NN&PTNT).
  • Khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực thực hiện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

    5. Kết luận

     Tài nguyên ĐDSH giữ vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An hiện tại và trong tương lai. Nguồn tài nguyên này đang ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi và thiếu ý thức, do chuyển đổi từ đất hoang hóa, đất rừng tự nhiên sang các mục đích khác như nông nghiệp, công nghiệp, đất ở, cơ sở hạ tầng; do thói quen canh tác lạc hậu và chạy theo lợi nhuận trước mắt, do ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh… do vậy, cần thiết phải được bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng bền vững theo một kế hoạch cụ thể được vạch ra từ nay đến năm 2025. Kế hoạch này được xây dựng trên nền tảng kế thừa các hoạt động bảo tồn hiện có tại các KBT và cơ sở bảo tồn, đồng thời bổ sung các hoạt động mới như: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật; thiết lập mạng lưới bảo tồn và phát triển nguồn gen tỉnh Long An; và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen./.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Bá Khoa, Đặng Văn Sơn, Phạm Văn Ngọt (2014), Thành phần loài và thảm thực vật ven sông Vàm Cỏ Tây, tỉnh Long An. Tạp chí Khoa học - Đại học Sư phạm TPHCM, số 61 năm 2014, tr 60-73.
  2. Phạm Thanh Lưu, Phan Doãn Đăng (2011), Ghi nhận ban đầu về khu hệ thực vật nổi ở KBT ĐNN Láng Sen. Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 4.
  3. Hoàng Thị Nghiệp, Hồ Thị Nguyệt (2014), Sự đa dạng của tài nguyên lưỡng cư, bò sát ở vùng Tây Nam tỉnh Long An. Tạp chí Khoa học - Đại học Sư phạm TPHCM, số 64/2014.
  4. Phạm Văn Ngọt, Nguyễn Thanh Nhàn, Đặng Văn Sơn (2014), Thành phần loài và sự phân bố của thực vật đất ngập nước ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Tạp chí Khoa học - Đại học Sư phạm TPHCM, số 58 năm 2014, tr 50-65.
  5. Viện Môi trường và Tài nguyên (2017). Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ ”Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
  6. Viện Môi trường và Tài nguyên (2017). Báo cáo tổng hợp đề tài ”Điều tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch bảo tồn gen tỉnh Long An”.
  7. Viện KH&CN Việt Nam (2007), Bộ KH&CN, Sách Đỏ Việt Nam - Phần I. Động vật. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, trang 15-210.
  8. Viện KH&CN Việt Nam (2007), Bộ KH&CN, Sách Đỏ Việt Nam - Phần II. Thực vật. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, 611 trang.

PLAN OF CONSERVATION, DEVELOPMENT, SUSTAINABLE EXPLOITATION AND USE OF BIODIVERSITY RESOURCES OF LONG AN PROVINCE

 

Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Thanh Hùng, Đào Phú Quốc

Institute for Environment and Resources, Vietnam National University, Hồ Chí Minh City

Lê Phát Quới

Department of Science and Technology, Long An province

 

     ABSTRACT

    The biological resources of Long An province are faily diverse and abundant with many natural plant species, plants, aquatic products, wildlife and livestock that exist on many natural and artificial ecosystems. These resources are important to the province in terms of socio-economic development, the protection of natural landscapes, the environment and climate change adaptation, but they are currently being over-exploited and unreasonable use, threatening the integrity of the ecosystems and biodiversity of the province. At present, Long An province has established a number of protected areas and ex-situ conservation facilities, but not enough to meet the actual needs, so it is necessary to develop plans of conservation, development, sustainable exploitation and use of natural resources of Long An province on the basis of inheriting existing conservation activities and at the same time adding new activities such as: research and application of advanced technologies s in work conservation and sustainable use of biological gene sources; establishing the network for conservation and development of genetic resources in Long An province; and investment in material facilities for gene conservation.

     Key words: Ecosystem, biodiversity, genetic resources, conservation plan, Long An province.

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề II/2018)

Ý kiến của bạn