Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 04/12/2024

Các phương pháp lượng giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng và áp dụng thực tế tại Việt Nam

07/02/2020

     Hệ sinh thái rừng của Việt Nam

     Theo các thông tin được công bố trong Quyết định số 911/QĐ-BNN-TCLN, ngày 19 tháng 03 năm 2019, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 14.491.295 ha rừng (chiếm 41,65% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước), trong đó 10.255.525 ha rừng tự nhiên (gồm rừng nguyên sinh và rừng tái sinh tự nhiên) và 4.235.770 ha rừng trồng. Rừng tự nhiên của Việt Nam được chia thành 8 nhóm: (i) rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với thảm thực vật dày và độ đa dạng sinh học cao; (ii) rừng thường xanh trên núi đá vôi với hệ thực vật bản địa đặc trưng của miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc; (iii) rừng khộpchịu hạn trong thời gian dài với cây họ dầu là loài ưu thế; (iv) rừng ngập mặn phân bố dọc theo các vùng bờ biển; (v) rừng kín lá rộng nửa rụng nhiệt đới phân bố ở ở vùng núi có lượng mưa lớn với mùa khô kéo dài từ 1 -  3 tháng; (vi) rừng lá kim tự nhiên ở các khu vực miền núi; (vii) rừng tràm phát triển mạnh mẽ ở những khu vực thường xuyên bị úng nước như vùng đồng bằng sông Cửu Long; và (viii) rừng tre nứa. Rừng trồng của Việt Nam có độ đa dạng thấp hơn, trong đó các rừng trồng các loài keo và bạch đàn là phổ biến nhất, chiếm 70 – 75% tổng diện tích rừng trồng của cả nước.

      Bảng 1 dưới đây thể hiện diện tích các hệ sinh thái rừng của Việt Nam theo vùng sinh thái và theo mục đích sử dụng.

     Bảng 1: Diện tích rừng theo vùng sinh thái năm 2017

Vùng

Rừng tự nhiên  (ha)

Rừng trồng (ha)

Tổng diện tích  (ha)

Tỷ lệ che phủ (%)

Tây Bắc

1.530.833

173.335

1.704.168

41,65

Đông Bắc

2.353.991

1.549.658

3.903.648

56,02

ĐBSông Hồng

45.678

36.867

82.544

6,02

Bắc Trung Bộ

2.222.455

881.146

3.103.601

57,65

Nam Trung Bộ

1.563.540

846.601

2.410.141

49,27

Tây Nguyên

2.206.975

350.347

2.557.322

46,01

Đông Nam Bộ

257.707

229.012

486.719

19,44

Tây Nam Bộ

74.347

168.805

243.152

5,26

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2019)

 

     Các dịch vụ hệ sinh thái rừng quan trọng của Việt Nam

     Các hệ sinh thái rừng của Việt Nam cung cấp cho con người, môi trường và nền kinh tế rất nhiều hàng hoá và dịch vụ quan trọng được chia thành 4 nhóm theo cách phân loại dịch vụ hệ sinh thái của Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (Millenium Ecosystem Assessment, 2005) gồm: (i) dịch vụ cung cấp (là cáchàng hoá, sản phẩm hữu hình mà con người nhận được từ hệ sinh thái như:vật liệu thô, nước sạch, thực phẩm, dược liệu v.v); (ii) dịch vụ điều tiết (là các lợi ích mà con người nhận đượctừ chức năng điều tiết của hệ sinh thái như xử lý chất thải, hấp thụ các-bon, điều tiết vi khí hậu, v.v), (iii) dịch vụ văn hoá (là các lợi ích phi vật chất mà con người nhận được từ hệ sinh thái thông qua các hoạt động du lịch, giáo dục, nghiên cứu, tâm linh, v.v.); và (iv) dịch vụ hỗ trợ (là những gì cần thiết cho sự hình thành các dịch vụ hệ sinh thái khác như đa dạng nguồn gen, chu trình dinh dưỡng, v.v).

     Dịch vụ cung cấp: Các hệ sinh thái rừng của Việt Nam hiện đang cung cấp hàng loạt các hàng hoá khác nhau, được chia thành 3 nhóm: gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ (LSNG). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2017), mỗi năm các hệ sinh thái rừng của Việt Nam cung cấp khoảng 18 triệu m3gỗ rừng trồng và rừng tự nhiên làm nguyên liệu để sản xuất bột giấy, ván dăm, trụ mỏ, dàn giáo, v.v. Bên cạnh đó, mỗi năm các hệ sinh thái rừng của Việt Nam còn cung cấp khoảng 24,5 triệu tấn củi được sử dụng làm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp dựa vào năng lượng nhiệt như chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, v.v. và được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm trong các hộ gia đình. Ngoài ra, hệ sinh thái rừng còn cung cấp hơn 60.000 tấn lâm sản ngoài gỗ có giá trị cho người dân và cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 3.830 loài dược liệu (trong đó, 1.800 loài có giá trị dược lý), 500 loài tinh dầu, 620 loài nấm, 820 loài tảo, 40 loài mây, 76 loài cho nhựa thơm, 600 loài cho tannin, 823 loài cho dầu béo, 186 loài đặc hữu đã được tìm thấy ở Việt Nam. Lâm sản ngoài gỗ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trong các hộ gia đình dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa (ví dụ, lá cây dùng làm thực phẩm cho gia súc, củi để nấu ăn, trái cây, hoa, mật ong, vỏ cây để làm thức ăn và thuốc, v.v.). Lâm sản ngoài gỗ cũng là nguồn nguyên liệu thô để sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị (như: tinh dầu, thủ công mỹ nghệ, trang sức, v.v.) phục vụ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu (Dzung, 2017).

     Dịch vụ điều tiết: Các hệ sinh thái rừng của Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn nhờ khả năng giữ đất, kiểm soát xói mòn, ngăn ngừa sự bồi lắng và tích tụ bùn, cát trong dòng chảy. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái rừngcủa Việt Nam cũng có khả năng điều tiết dòng nước, giảm thiểu lũ lụt và cải thiện chất lượng nước. Suy thoái rừng do khai thác bừa bãi và thay đổi sử dụng đất gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khả năng phòng hộ đầu nguồn của hệ sinh thái này (FSIV, 2009). Ngoài ra, các hệ sinh thái rừng cũng giúp giảm lưu lượng nước chảy trên bề mặt và tăng khả năng thẩm thấu nước vào đất. Theo Thái Phiên và Trần Đức Toàn (1998), tốc độ dòng chảy bề mặt bên dưới các tán rừng thấp hơn 2,5 đến 2,7 lần so với tốc độ dòng chảy tại khu vực canh tác nông nghiệp. Lưu lượng dòng chảy bề mặt trong rừng tự nhiên thấp hơn 3,5 đến 7 lần so với rừng trồng. Trong rừng tự nhiên, tốc độ thẩm thấu nước vào đất là 16,8 mm/phút, trong rừng trồng, tốc độ này là  10,2 mm/phút và ở các khu vực có cỏ và cây bui thì tốc độ giảm xuống còn  2,1 mm/phút (Vũ Văn Tuấn, 2003). Rừng tự nhiên lá rộng thường xanh với độ che phủ 70-80% có thể ngăn ngừa 9,5-11,7% nước mưa rơi xuống đất, trong khi đó các thảm thực vật có độ che phủ 30 - 40% chỉ có thể ngăn ngừa được 5,7%. Nếu độ che phủ của thảm thực vật giảm từ 70-80% xuống 30-40%, xói mòn đất sẽ tăng 42,2% và dòng chảy trên mặt đất sẽ tăng 30,4%. Tương tự, nếu độ che phủ của các rừng tre nứa được giảm từ 70-80% xuống 40-50% thì tốc độ xói mòn sẽ tăng 27,1% và dòng chảy bề mặt sẽ tăng 33,8% (Nguyễn Ngọc Lung và Võ Đại Hải, 1997). Các hệ sinh thái rừng với nhiều tầng tán có khả năng trữ nước trong mùa mưa và cấp nước trong mùa khô rất hiệu quả. Những năm gần đây, lũ lụt đã xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho tính mạng và tài sản của người dân. Lũ lụt gia tăng có một phần nguyên nhân là do nạn phá rừng ở các khu vực đầu nguồn (Bann et al, 2017).

     Dịch vụ văn hóa: Các hệ sinh thái rừng là một phần rất quan trọng của văn hóa Việt Nam cả về mặt tinh thần lẫn mặt  giải trí. Các nghiên cứu nhân chủng học tại Việt Nam đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ sinh thái tự nhiên với sinh kế và văn hóa của người dân tộc bản địa. Ví dụ, các nhóm người bản địa ở Tây Nguyên rất gắn bó với rừng. Họ sử dụng gỗ để xây dựng nhà truyền thống và các vật dụng khác trong nhà, sử dụng cây rừng để làm thuốc, thu nhặt các lâm sản ngoài gỗ để làm lương thực, chất đốt. Thêm vào đó, tất cả các nghi lễ văn hóa ở đây đều liên quan đến rừng và tài nguyên thiên nhiên (Bann et al, 2017).Ngoài ra, hầu hết các hệ sinh thái rừng có tính đa dạng sinh học cao và có vẻ đẹp hữu hình, lôi cuốn đều được quy hoạch thành các vườn quốc gia và rừng đặc dụng, cung cấp cơ hội cho nền công nghiệp giải trí tại Việt Nam, đặc biệt là ngành du lịch sinh thái – một ngành có nhiều tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp đa dạng hoá sinh kế và xoá đói giảm nghèo thông qua việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại phương và tạo ra các cơ hội để người dân địa phương có thể tiếp thị các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng như các loại lâm sản ngoài gỗ như mật ong, dược liệu.

     Dịch vụ hỗ trợ: Dịch vụ hỗ trợ của các hệ sinh thái rừng Việt Nam không có tác động rõ ràng và trực tiếp đến nền kinh tế nhưng chúng là nền tảng cho nhiều hoạt động kinh tế có lợi cho con người. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào khả năng cung cấp như nước, cải thiện độ phì đất của các hệ sinh thái rừng. Quá trình thụ phấn của nhiều loại cây trồng phụ thuộc vào việc môi trường xung quanh có duy trì được đủ số lượng các loài thụ phấn hay không. Sự phụ thuộc của hoạt động sản xuất nông nghiệp vào các hệ sinh rừng thể hiện ở chỗ, bất kỳ thay đổi nào của hệ sinh thái rừng ngay lập tức sẽ gây ra những tác động đáng kể về năng suất của hệ thống nông nghiệp liên quan. Các dịch vụ hỗ trợ của hệ sinh thái rừngkhông chỉ ảnh hướng đến địa điểm và hình thức canh tác mà còn ảnh hưởng tới giá trị kinh tế của diện tích đất canh tác. Mặc dù đất canh tác được định giá một phần bởi giá trị của cây trồng nhưng giá trị kinh tế của đất canh tác cũng phụ thuộc vào chi phí sản xuất có liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái như tăng cường độ phì, độ xốp của đất hay kiểm soát dịch bệnh (Bann et al, 2017).

     Các phương pháp lượng giá giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng

     Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái (bao gồm các hệ sinh thái rừng) là thước đo về sự đóng góp của chúng cho phúc lợi của con người (Pascual et al, 2010). Giá trị kinh tế thường được thể hiện dưới dạng tiền tệ. Trong các nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái được quan sát qua giá thị trường – đại lượng phản ánh lợi ích của tiêu dùng và chi phí của sản xuất. Trong trường hợp các dịch vụ hệ sinh thái không có thị trường thì giá trị kinh tế của chúng được đo lường bởi các phương pháp phi thị trường.

     Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp để lượng giá giá trị các dịch vụ hệ sinh thái. Các phương pháp này có thể chia thành 2 nhóm, gồm: các phương pháp lượng giá sơ cấp (sử dụng các dữ liệu sơ cấp để tạo ra thông tin mới/thông tin gốc) và các phương pháp chuyển giao giá trị (sử dụng các thông tin có sẵn cho các bối cảnh chính sách mới). Hình 2 trình bày các phương pháp hiện có đểlượng giá dịch vụ hệ sinh thái.

     Hình 2: Các phương pháp lượng giá dịch vụ hệ sinh thái

 

Nguồn: Brander (2013)

 

Các phương pháp lượng giá sơ cấp

Bảng 2 dưới đây trình chi tiết về một số phương pháp lượng giá sơ cấp thường được sử dụng trong các nghiên cứu gần đây:

     Bảng 2:  Các phương pháp lượng giá sơ cấp

Phương pháp

Tiếp cận

Các dịch vụ hệ sinh thái phù hợpđể lượng giá

Dịch vụ hệ sinh thái điển hình

Ưu điểm

Hạn chế

Giá thị trường

Ước lượng giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái bằng cách quan sát trực tiếp giá thị trường của

Các dịch vụ hệ sinh thái được trao đổi, mua bán trên thị trường

Gỗ, củi, nước sạch, sản phẩm thuỷ sản, tín chỉ các-bon, v.v.

Trực quan, dễ sử dụng, không đòi hỏi số liệu phức tạp

Chưa tính đến các chi phí khai thác dịch vụ hệ sinh thái; giá cả thị trường có thể bị bóp méo do các thất bại thị trường hoặc do có sự can thiệp của Chính phủ (thông qua chính sách trợ giá, bảo hộ, v.v.); nhiều loại dịch vụ hệ sinh thái không có thị trường

Hàm sản xuất

Uớc lượng giá trị dịch vụ hệ sinh thái bằng cách xem xét mối liên hệ giữa sự thay đổi về chất lượng hoặc số lượng của dịch vụ hệ sinh thái với sự thay đổi trong đầu ra của quá trình sản xuất các hàng hoá liên quan

Các dịch vụ hệ sinh thái là đầu vào của một hoạt động sản xuất ra các hàng hoá thương mại, có thị trường

Chất lượng của đất hoặc nước là đầu vào hoạt động sản xuất nông nghiệp

Được phát triển trên một nền tảng vững chắc của lý thuyết kinh tế vi mô

Khó xác định được mối quan hệ về liều lượng thích ứng (dose adaptation) giữa sự thay đổi về chất lượng hoặc số lượng của dịch vụ hệ sinh thái với sự thay đổi về đầu ra của quá trình sản xuất hàng hoá; phức tạp và khó áp dụng nếu sự thay đổi về chất lượng hay số lượng của dịch vụ hệ sinh thái kéo theo sự thay đổi về giá thị trường của các hàng hoá có liên quan

Chi phí thay thế, chi phí phòng ngừa, chi phí tránh được

Nếu con người phải gánh chịu những chi phí nhằm phòng tránh các thiệt hại do sự mất đi của các dịch vụ hệ sinh thái, hoặc gánh chịu các chi phí nhằm thay thế dịch vụ hệ sinh thái bằng các công trình nhân tạo có công năng tương đương thì giá trị tối thiểu của dịch vụ hệ sinh thái sẽ bằng chính các chi phí đó

Các dịch vụ điều tiết của hệ sinh thái

Dịch vụ làm sạch nước, dịch vụ phòng hộ ven biển

Không đòi hỏi thông tin, số liệu đầu vào quá phức tạp

Chỉ có thể áp dụng ở những nơi có giải pháp thay thế dịch vụ (đã bị mất đi) của hệ sinh thái và ở những nơi lưu giữ thông tin về chi phí; chi phí không phải là phép đo tương đương/chính xác của lợi ích; khó kết nối giữa chất lượng của dịch vụ hệ sinh thái với mức độ thiệt hại

Giá Hedonic

Ước lượng giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái thông quaảnh hưởng của chúng lên giá cả của các hàng hoá khác trên thị trường, đặc biệt là giá bất động sản

Các dịch vụ hệ sinh thái làm thay đổi chất lượng môi trường xung quanh

 

Dịch vụ làm sạch không khí, làm sạch nước; dịch vụ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên

Cho phép lượng giá dịch vụ hệ sinh thái dựa trên lựa chọn thực tế của con người

Khó về mặt kỹ thuật; đòi hỏi dữ liệu chuyên sâu; Chỉ áp dụng cho những dịch vụ hệ sinh thái liên quan về mặt không gian đối với vị trí của bất động sản

Chi phí du lịch

Sử dụng số liệu về chi phí du lịch và tỷ lệ các chuyến du lịch để ước lượng đường cầu đối với dịch vụ giải trí tại các điểm du lịch dựa vào hệ sinh thái

Dịch vụ hệ sinh thái tại các điểm giá trí

Vui chơi giải trí ngoài trời với không gian mở

Kết quả ước lượng dễ giải thích và có độ thuyết phục cao

Khó về mặt kỹ thuật; đòi hỏi dữ liệu chuyên sâu;chỉ giới hạn trong việc lượng giá dịch vụ giải trí;việc lượng giá trở lên phức tạp nếu chuyến đi có nhiều mục đích khác nhau hoặc chuyến đi có nhiềuđiểm đến khác nhau.

Lượng giá ngẫu nhiên

Hỏi người hưởng lợi về mức sẵn lòng chi trả hoặc mức chấp nhận đền bù cho sự thay đổi về chất lượng hoặc

Tất cả các dịch vụ hệ sinh thái

Sự tồn tại các loài, các diện tích tự nhiên, chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước, cảnh quan, yế tố thẩm mĩ

Có độ linh hoạt cao; có thể áp dụng với mọi loại dịch vụ hệ sinh thái

Việc thực hiện các cuộc điều tra trên diện rộng rất tốn kém; kỹ thuật xử lý số liệu khá phức tạp; kết quả ước lượng có thể gây tranh cãi

Mô hình lựa chọn

Hỏi mọi người để họ lựa chọn các đánh đổi giữa DV HST và các hàng hoá khác nhằm khai thác về sự sẵn lòng chi trả

Tất cả các DV HST

Sự mất mát về các loài, các diện tích tự nhiên, chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước, cảnh quan, thẩm mĩ

 

Tốn kém và khó về mặt kỹ thuật trong việc thực hiện. Dễ bị thành kiến trong thiết kế và phân tích

 

 

     Các phương pháp chuyển giao giá trị

     Phương pháp chuyển giao giá trị được sử dụng khi thời gian và nguồn lực tài chính không đủ để thực hiện một nghiên cứu sơ cấp để ước lượng giá trị dịch vụ hệ sinh thái bằng các phương pháp khác. Phương pháp chuyển giao giá trị liên quan đến việc chuyển giao các giá trịcủa một dịch vụ hệ sinh thái được ước lượng ở điểm này (nghiên cứu nguồn) chomột điểm khác (nghiên cứu mục tiêu). Phương pháp này có thể áp dụng cho bất cứ dịch vụ hệ sinh thái nào, đặc biệt là  dịch vụ giải trí của hệ sinh thái (Bergstrom and Taylor, 2005).Phương pháp chuyển giao giá trị có3 cách tiếp cận chính gồm: chuyển giao giá trị đơn vị, chuyên giao hàm giá trị và chuyển giao hàm phân tích tổng hợp. Trong đó,  hai cách tiếp cận cuối cùng linh hoạt hơn và cho kết quả chính xác hơn khi chuyển giao giá trị nghiên cứu từ điểm này sang điểm khác. Đặc biệt, chuyển giao hàm phân tích tổng hợp có thể sử dụng để chuyển giao giá trị từ các nghiên cứu nguồn ở quốc gia này sang các nghiên cứu mục tiêu ở quốc gia khác.

     Chuyển giao giá trị đơn vị: Là việc chuyển giao các giá theo các đơn vị (thường là theo diện tích hoặc số người được hưởng lợi) từ nghiên cứu nguồn sang nghiên cứu mục tiêu. Các giá trị chuyển giao có thể được điều chỉnh để phản ánh sự khác biệt giữa bối cảnh thực hiện nghiên cứu nguồn với bối cảnh thực hiện nghiên cứu mục tiêu, ví dụ: khác biệt về mức thu nhập hoặc khác biệt về sức mua.

     Chuyển giao hàm giá trị: Hàm giá trị là một phương trình thể hiện mối liên hệ giữa giá trị dịch vụ hệ sinh thái với các đặc điểm của hệ sinh thái và những người được hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái. Chuyển giao hàm giá trị là việc sử dụng một hàm giá trị ước lượng cho một điểm nghiên cứu đơn lẻ, kết hợp với các tham số khác nhau của điểm mục tiêu, để tính toán giá trị của dịch vụ hệ sinh thái tại điểm mục tiêu. Các hàm giá trị có thể được ước lượng từ rất nhiều các nghiên cứu có sử dụng các phương pháp lượng giá khác nhau như: phương pháp giá Hedonic, chi phí du lịch, hàm sản xuất, lượng giá ngẫu nhiên, mô mình lựa chọn, v.v.

     Chuyển giao hàm phân tích tổng hợp: Là việc sử dụng một hàm phân tích tổng hợp được ước lượng từ kết quả của nhiều nghiên cứu sơ cấp ở các điểm nghiên cứu khác nhau, kết hợp với các tham sốcủa điểm mục tiêu nhằm tính toán giá trị của một dịch vụ hệ sinh thái ở điểm mục tiêu. Do đượcước lượng từ kết quả của nhiều nghiên cứu khác nhau, hàm phân tích tổng hợp có thể thể hiện và kiểm soát những khác biệt lớn trong đặc điểm của hệ sinh thái, của những người được hưởng lợi và của bối cảnh nghiên cứu. Đồng thời, hàm phân tích tổng hợp cũng cho phép tính đến những thay đổi về lượng của hệ sinh thái. Với việc đưa thêm các tham số đo lường sự khan hiếm của dịch vụ hệ sinh thái vào tập dữ liệu mô tả của từng nghiên cứu nguồn, hàm phân tích tổng hợp cho phép ước lượng mối quan hệ định lượng giữa sự khan hiếm và giá trị dịch vụ hệ sinh thái. Tham số này sau đó được sử dụng để tính đến những thay đổi về sự khan hiếm của dịch vụ hệ sinh thái khi thực hiện việc chuyển giao giá trị ở quy mô địa lý lớn (Brander and Ha, 2016).

     Áp dụng các phương pháp lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam

     Các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam đã được thực hiện từ cuối những năm 1990, tập trung vào các hàng hoá và dịch vụ do rừng ngập mặn cung cấptại Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, lượng giá dịch vụ hệ sinh thái đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý nhà nước và các học giả. Đầu những năm 2000, Sở Khoa học - Công nghệ của một số tỉnh thànhđã chủ trì các nghiên cứu lượng giá dịch vụ của các hệ sinh thái rừngquan trọng trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã chủ trì nghiên cứu ước lượng giá trị của loàidược liệu quý hiếm trong rừng ngập mặn;Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã so sánh giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái khi rừng ngập mặn ở trạng thái ban đầu và khi rừng ngập mặn bị suy thoái.

     Trong khoảng thời gian từ giữa những năm 2000 đến giữa những năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai một loạt các nghiên ước tính giá trị kinh tế của hàng hóa và dịch vụ của các hệ sinh thái rừng ngập mặn trên cạn (bao gồm cả rừng trồng lẫn rừng tự nhiên) tại tất cả các vùng sinh thái chính trên toàn quốc nhằm cung cấp thông tin đầu vào cho việc xây dựng các chính sách lâm nghiệp. Chẳng hạn, từ năm 2005 đến 2007, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam – một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn -  đã chủ trì một đề tài nghiên cứu cấp Bộ nhằm ước lượng giá trị kinh tế của các hàng hóa (như: gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ) và các dịch vụ (gồm: dịch vụ phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, hấp thụ các-bon và giải trí) của các hệ sinh thái rừng trồng và rừng tự nhiên khác nhau tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam của Việt Nam để hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc tính phí sử dụng rừng khi Nhà nước giao rừng, tính giá cho thuê rừng khi Nhà nước cho thuê rừng không qua đấu thầu, tính mức đền bù khi nhà nước thu hồi rừng, tính mức vốn đóng góp dưới dạng quyền sử dụng rừng và tính mức bồi thường bằng tiền mặt đối với các hành vi phá hoại rừng gây ra bởi những người vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2010 – 2012, Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện một nghiên cứu cấp Bộ khác nhằm lượng giá dịch vụ của các hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển khu vực miền trung của Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách về rừng phòng hộ ven biển.  Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị trực thuộc bộ tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu lượng giá về dịch vụ môi trường rừng trong sản xuất công nghiệp, du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, v.v. phục vụ cho việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (Fenn and Ha, 2017).

     Bên cạnh các cơ quan nghiên cứu của nhà nước, nhiều cá nhân, tổ chức trong nước quốc tế cũng tiến hành các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng độc lập. Chẳng hạn, nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên đã được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện năm 2013 trong khuôn khổ dự án "ValuES: Phương pháp tích hợp các dịch vụ hệ sinh thái vào ra quyết định" nhằm hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bên liên quan trong việc xem xét việc bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái như một hoạt động có lợi về mặt kinh tế trong lĩnh vực sử dụng đất, sử dụng các các nguồn tài nguyên và các quỹ đầu tư công. Nghiên cứu tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng, gồm: gỗ và lâm sản ngoài gỗ, điều tiết lưu lượng và chất lượng nguồn nước, hấp thụ carbon, thụ phấn và phát tán hạt giống, du lịch, vui chơi giải trí và giáo dục dựa vào thiên nhiên.

     Tính đến hết thời điểm, ở Việt Nam đã có hàng trăm các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng lớn nhỏ khác nhau (Xem các nghiên cứu điển hình tại Hình 3). Nhìn chung, chất lượng của các nghiên cứu lượng giá càng ngày càng được cải thiện nhờ việc áp dụng các phương pháp lượng giá tiên tiến, các thông tin đầu vào cập nhật và đặc biệt là sự tham gia của nhiều chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia lượng giá quốc tế.

     Hình 3: Các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng điển hình tại Việt Nam

 

Nguồn: Fenn and Ha (2017)

 

     Bảng 4 dưới đây trình bày tóm tắt một số thông tin của các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng được thực hiện trong những năm gần đây gồm: địa điểm nghiên cứu, hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá, các phương pháp lượng giá đã được sử dụng trong nghiên cứu.

     Bảng 4: Các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam

Tác giả

Địa điểm nghiên cứu

Hệ sinh thái

Dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá

Phương pháp lượng giá

Emerton và các cộng sự (2014)

Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai

Rừng mưa nhiệt đới trên đất thấp

Lâm sản ngoài gỗ, các sản phẩm phi gỗ có nguồn gốc từ động, thực vật, hoa màu, hấp thụ các-bon, nghiên cứu khoa học tự nhiên, bảo vệ đầu nguồn, dịch vụ thuỷ văn, giải trí, sinh cảnh sống cho các loài động, thực vật quan trọng, thụ phấn, kiểm soát dịch bệnh, phát tán hạt giống

Giá thị trường; Chuyển giao giá trị; Chi phí thay thế, chi phí tránh được, tác động lên sản xuất

Trần Thị Thu Hà (2014)

Tỉnh Cà Mau

Rừng ngập mặn

Các sản phẩm từ rừng ngập mặn, Hấp thụ các-bon, Bảo vệ bờ biển; giải trí

Giá thị trường; Thu nhập thuần; Chi phí tránh được; Chi phí du lịch

Đinh Đức Trường và Lê Hà Thanh (2012a)

Huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định

Rừng ngập mặn

Nuôi dưỡng và bãi đẻ cho các loài thuỷ sản

 

Hàm sản xuất

Đinh Đức Trường và Lê Hà Thanh (2012b)

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh

Rừng ngập mặn

Du lịch sinh thái

Chi phí du lịch

Uỷ ban MAB quốc gia (2000)

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh

Rừng ngập mặn

Gỗ; Lâm sản ngoài gỗ; Giải trí; Giá trị tồn tại

Giá thị trường; Chi phí thiệt hại tránh được, Chi phí du lịch; Lượng giá ngẫu nhiên; Chi phí cơ hội

Kuenzer và Nguyễn Hữu Tuấn (2013)

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh

Rừng ngập mặn

Cá, các sản phẩm liên quan đến gỗ, du lịch, kiểm soát xói mòn, hấp thụ các-bon

Giá thị trườngs; Chi phí du lịch; Chi phí thanh thế; Chi phí thiệt hại tránh được

Ngân hàng phát triển Châu Á (2013)

Tỉnh Quảng Nam

Rừng phòng hộ đầu nguồn

Gỗ, lâm sản ngoài gỗ, mùa màng, phòng hộ đầu nguồn, đa dạng sinh học, hấp thụ các-bon

Giá thị trường; Chuyển giao giá trị

Bộ NN và PTNT, USAID, WINROCK International (2011)

Rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đa Nhim, tỉnh Quảng Nam

Rừng phòng hộ đầu nguồn

Điều tiết nguồn nước, điều tiết lượng lắng đọng ở các nhà máy thuỷ điện khu vực hạ lưu

Hàm sản xuất

Ngân hàng phát triển châu Á (2010)

Hành lang đa dạng sinh học, tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị

Rừng tự nhiên

Lâm sản ngoài gỗ; Lưu trữ các-bon; Phòng hộ đầu nguồn; Kiểm soát chất lượng nguồn nước, kiểm soát xói mòn đất

Giá thị trường; Chi phí thay thế (xây dựng các hồ chứa); giá thay thế, các chi phí tránh được từ việc nạo vét trầm tích

Đỗ Nam Thắng (2013)

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng

Rừng hỗn giao lá rộng thường xanh

Các sản phẩm gỗ và phi gỗ, dịch vụ giải trí, hấp thụ các-bon, phòng hộ đầu nguồn, đa dạng sinh học;

Giá thị trường, Chi phí du lịch, Chi phí tránh được, Lượng giá ngẫu nhiên

Hoa và Ly (2009)

 

Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, tỉnh Tây Ninh

Rừng tự nhiên

Đa dạng sinh học

Lượng giá ngẫu nhiên

Vũ Tấn Phương và cộng sự (2012)

Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận và Bình Thuận

Rừng phòng hộ ven biển

Gỗ, củi, thuỷ sản, giải trí, hấp thụ các-bon, hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản

Giá thị trường; Chi phí tránh được; Chi phí du lịch; Hàm sản xuất

 

     Kiến nghị

     Qua việc rà soát các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng hiện có tại Việt Nam có thể thấy rằng hiện nay chúng ta đã có số lượng nghiên cứu đủ lớn, trong đó có nhiều nghiên cứu được thực hiện công phu, chất lượng và tạo ra các kết quả đáng tin cậy, có thể sử dụng làm đầu vào cho việc hoạch định chính sách liên quan đến hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa xây dựng được một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về giá trị kinh tế của các hàng hoá và dịch vụ do hệ sinh thái rừng cung cấp. Điều này sẽ gây ra khó khăn trong các trường hợp cần có thông tin tham khảo nhanh để ra quyết định trong khi việc thực thực hiện một nghiên cứu lượng giá cơ bản thường mất trung bình từ 3 đến 6 tháng, chưa kể các tốn kém về mặt thời gian và chi phí. Việc xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu về giá trị của hệ sinh thái rừng là hoàn toàn cần thiết, giúp tăng cường quản lý nhà nước và cải thiện vấn đề chia sẻ thông tin.

 

TS. Trần Thị Thu Hà

 Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

     Tài liệu tham khảo

     - Bann, C, Linde, L., Nguyen Hanh Quynh, Nguyen Manh Ha and Tran Thi Thu Ha (2017), Rapid Ecosystem Assessment, Project “Border Area Development, ADB:https://www.researchgate.net/publication/320869678_ADB_Regional_Technical_Assistance_Project_RETA_8564_Promoting_Ecosystem_Services_and_Sustainable_Forest_Carbon_Finacing_in_the_Asia_Pacific_Investing_in_natural_capital_and_sustainable_transport_in_the Mekong sub region A case study in Viet Nam.

     - Bergstrom, J.C andTaylor, L.O (2005), Using meta-analysis for benefits transfer: theory and practice, Ecological Economics, vol. 60, no. 2, pp. 351-60

     - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2019), Công bố hiện trạng rừng quốc gia năm 2018, Hà Nội.

   - Brander, L.M (2013),Guidance manual on value transfer methods for ecosystem services, United Nations Environment Programme, ISBN 978-92-807-3362-4.

     - Dzung, N.M (2017), Promotion of non-timber forest products, creating livelihood for mountainous people and contributing to sustainable development, Hanoi

     - FSIV (2009), Vietnam forestry outlook study, Asia-Pacific forestry sector outlook study, Working paper series, FAO, Bangkok, Thailand.

     - MARD (2017a), Country report on forestry production in 2017, Hanoi

     - Fenn, M.D and Ha, T.T.T (2017), Applying ecosystem service valuation into planning and policy making process in Vietnam, Project “Enhancing Capacity for Implementing Rio Conventions in Vietnam”, Hanoi.

     - Nguyen Ngoc Lung and Vo Dai Hai (1997), Initiate results of research on impacts of several main vegetative types on water sources and the principles to establish forests for water protection, Agricultural Publishing House, Hanoi, Vietnam.

     - Thai Phien and Tran Duc Toan (1998), Flow and erosion on slope land of cultivated systems, Summary of scientific reports – Impact of Hoa Binh Lake on the environment, Hanoi.

 

Ý kiến của bạn