Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Đánh giá hoạt động giảm phát thải khí nhà kính: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

12/12/2017

TÓM TẮT

     NAMA là cơ chế giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) mới đối với các nước đang phát triển được hình thành sau Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 13 (COP 13) trên quan điểm phát triển bền vững. Việc xây dựng NAMA gắn liền với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở tiếp cận chung lợi ích là xu hướng đang diễn ra tại nhiều nước. Phương pháp tiếp cận và công cụ đánh giá NAMA trên quan điểm phát triển bền vững đã được nhiều quốc gia nghiên cứu và xây dựng. Chúng ta có thể vận dụng một cách linh hoạt phương pháp tiếp cận và các công cụ này trong điều kiện thực tế của Việt Nam.

Từ khóa: NAMA, phát triển bền vững, khí nhà kính.

Assessment of greenhouse gas reduction activities: International experiences and lessons for Việt Nam

Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, CN. Tăng Quỳnh Anh, CN. Lê Nam Thành

Viện Chiến lược, Chính sách Yài nguyên và môi trường

ABSTRACT

     NAMA is a mechanism for developing countries to mitigate greenhouse gases emission, the mechanism developed based on sustainable development after the 13th meeting of the Conference of the Parties COP 13. The development of NAMAs which link to implementation of sustainable development goals based on co-benefit approaches is common practice/trend in many countries. Approaches and tools for the assessment of NAMA based on sustainable development principles have been studied and developed by a number of countries. We can use these approaches and tools flexibly in the context of Việt Nam.

Key words: NAMA, sustainable development, greenhouse gases.

1. Hoạt động giảm phát thải KNK và các mục tiêu phát triển bền vững

     Các hoạt động giảm nhẹ KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (Nationally Appropriate Mitigation Action - NAMA) là cơ chế giảm nhẹ mới đối với các nước đang phát triển được hình thành tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 13 (COP13) tại Bali, Inđônêxia và được nêu trong Kế hoạch hành động Bali.

     Kế hoạch hành động Bali được thông qua tại COP 13 đã chấp thuận các hoạt động tăng cường giảm phát thải KNK bao gồm các NAMAs bởi nhóm các nước đang phát triển trên quan điểm phát triển bền vững [4]. Tuy nhiên, việc xác định và đánh giá các ảnh hưởng qua lại giữa NAMAs và phát triển bền vững vẫn đang là câu hỏi mở, cần nghiên cứu để tìm ra câu trả lời phù hợp với bối cảnh quốc gia.

     NAMA hướng tới xác định và thực hiện các hoạt động phát triển ít phát thải KNK hơn so với các phương pháp truyền thống. Theo đó, các hoạt động ưu tiên trong NAMA có thể được xem như là các hoạt động phát triển sạch thay vì chỉ nỗ lực để giảm KNK. Để chắc chắn rằng NAMAs đạt được định lượng giảm khí nhà kính phù hợp cũng như phát triển bền vững một cách thật sự, NAMAs cần thể hiện được các tác động gây chuyển đổi tích cực. Nói cách khác, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cần thực hiện các chuyển đổi thông qua NAMAs. Xét trên phương diện đóng góp về mặt giảm phát thải KNK, các chuyển đổi thông qua NAMAs được thể hiện như sau [5]

     Làm gián đoạn quá trình phát thải các bon, đóng góp cho sự phát triển bền vững và duy trì những tác động của sự thay đổi theo mục tiêu phát thải ít các bon;

     Được khởi động từ các sáng kiến về mô hình phát triển các bon thấp, kết nối những đổi mới trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội và thuyết phục, phổ biến áp dụng sự đổi mới này để có ảnh hưởng tích cực trong hệ thống đa cấp thông qua quá trình chuyển đổi;

    Vượt qua các rào cản để chuyển đổi sang mô hình phát triển các-bon thấp đồng thời cũng tạo ra các rào cản gây cản trở quá trình trở về trạng thái cũ cho hệ thống đã chuyển đổi.  

 

Hình 1. Mối liên hệ giữa BĐKH và phát triển bền vững (Nguồn: IPCC 2001a)

             

    Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 15 (COP15) tại Copenhagen (2009) và lần thứ 16 tại (COP16) tại Cancun (2010) đều đưa ra quan điểm khuyến khích các quốc gia chuẩn bị chiến lược phát triển các bon thấp và coi đây là nền tảng để hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải toàn cầu. Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 (Agenda 2030) đã được thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York năm 2015 với 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững, trong đó mục tiêu số 13 về hành động BĐKH “Triển khai các hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề BĐKH và các tác động của nó”. Mối liên hệ giữa phát triển bền vững và phát triển các bon thấp là cơ sở định hướng xây dựng và phát triển NAMAs trên quan điểm tiếp cận đa lợi ích, vượt ra ngoài phạm vi giảm phát thải KNK. Theo đó, NAMAs là các hoạt động có tính liên kết, vừa có đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải KNK, vừa có đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội và BVMT (Bảng 1).

 

Bảng 1. Mối liên hệ giữa NAMA và phát triển bền vững

Xã hội

Kinh tế

Môi trường

  • Tạo cơ hội việc làm mới
  • Giảm thiếu hụt năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng tại những vùng biệt lập
  • Nâng cao sức khỏe nhờ không khí sạch hơn từ việc thay thế các nguồn năng lượng ô nhiễm
  • Nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng
  • Cải thiện mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và cộng đồng thông qua việc nâng cao chất lượng quản lý chất thải
  • Giảm ùn tắc giao thông
  • Giảm thiểu các tai nạn
  • Giảm (tiết kiệm) thời gian di chuyển
  • Giảm thuế điện trung bình
  • Cung cấp năng lượng cho sưởi ấm được cải thiện
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống
  • Giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch
  • Giảm giá thành của năng lượng sẽ đem lại lợi ích chính cho những tầng lớp nghèo hơn trong xã hội
  • Tiết kiệm chi phí trong việc tiêu thụ năng lượng đối với cộng đồng dân cư, khu thương mại và các khu công nghiệp và cho việc sử dụng ánh sáng ngoài trời
  • Tăng tính cạnh tranh
  • Tăng cơ sở tính thuế bằng việc áp đặt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trả tiền thuế điện mà hiện tại, các doanh nghiệp này đang không phải trả
  • Tiết kiệm về mặt kinh tế cho chính phủ nhờ giảm trợ cấp về năng lượng
  • Tăng số lượng công việc thân thiện với môi trường
  • Ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho việc nâng cao thu nhập cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống
  • Tiết kiệm nguyên liệu thô bằng việc sử dụng rác tái chế như là nguồn thay thế.
  • Khuyến khích cải cách chính sách về năng lượng về sau để thu hút nhanh hơn việc đo lường về điện và hiện đại hóa hệ thống năng lượng.
  • Giảm bớt các rào cản tài chính cho các chủ doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường các bon.
  • Chuyển giao công nghệ
  • Phát triển các thị trường công nghệ khác nhau
  • Giảm ô nhiễm đất và nước
  • Giảm ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và mùi độc hại từ các địa điểm thực hiện dự án
  • Giảm phát thải theo ngành
  • Giảm rủi ro lan tràn từ vận chuyển dầu
  • Giảm các vấn đề rò rỉ trong quá trình bảo quản và vận hành dầu diesel
  • Giảm phát thải từ máy phát điện diesel
  • Bảo tồn ĐDSH thông qua tăng diện tích che phủ của cây
  • Nâng cao chất lượng nước mặt, giảm tỷ lệ khai thác nước, tăng cường các dòng hữu cơ cải tiến đất và phân bón
  • Nâng cao chất lượng nước ngầm
  • Hạn chế lãng phí sinh khối hữu cơ
 

Nguồn: Framework for measuring sustainable development in NAMAs, Karen Holm Olsen, Livia Bizikova, Melissa Harris, Zyaad Boodoo,

Frederic Gagnon-Lebrun and Fatemeh Bakhtiari

2. Kinh nghiệm quốc tế về đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát KNK

     Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng NAMA được gắn liền với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở tiếp cận chung lợi ích là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, phương pháp và công cụ đánh giá hoạt động giảm phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia cũng được nghiên cứu và xây dựng trên quan điểm phát triển bền vững. Một số phương pháp tiếp cận được kể đến là: Sử dụng đường cong chi phí cận biên, phân tích đa tiêu chí, đánh giá các lợi ích phát triển đi kèm thông qua chỉ số đánh giá cải tiến phù hợp. Đi cùng với các phương pháp tiếp cận là những công cụ tính toán phù hợp để hiện thực hóa từng bước của quá trình đánh giá.

2.1. Sử dụng đường cong chi phí cận biên (Marginal abatement cost curves - MACC)

     Đường cong chi phí cận biên (MACC) được sử dụng phổ biến trong việc hỗ trợ đưa ra quyết định lựa chọn các phương án đầu tư. Trong lĩnh vực BĐKH, MACC được lựa chọn là công cụ hỗ trợ xếp hạng các phương án giảm nhẹ. Trên thực tế, MACC được ứng dụng để đánh giá hoạt động giảm phát thải KNK trong mối quan hệ giữa tiềm năng giảm phát thải và chi phí đầu tư cho hoạt động đó. Mối quan hệ này được thể hiện trên biểu đồ cột tương ứng với các phương án giảm nhẹ KNK sắp xếp theo các mức chi phí quy đổi trên mỗi đơn vị giảm cacbon ($/MtCO2e). Trong đó, trục tung của biểu đồ thể hiện chi phí biên đầu tư cho các phương án giảm nhẹ các bon, trục hoành thể hiện tổng lượng các bon có thể giảm thiểu tương ứng với từng phương án. Các giá trị trên đường cong được xác định từ xếp hạng ưu tiên dựa trên chi phí đầu tư, đồng thời dựa trên các chi phí phát sinh khác và rào cản trong quá trình thực hiện.

     Kenya và một số quốc gia khác đã tích hợp MACC trong xây dựng công cụ đánh giá tác động phát triển - DIA (Development impact assessment visualization tool) nhằm đánh giá tác động của hoạt động giảm phát thải KNK đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Vì các ưu tiên phát triển quốc gia là động lực thúc đẩy chiến lược phát triển các bon thấp (LEDS), do đó các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK và các chính sách tương ứng dùng cho LEDS nên xét tới những lợi ích phát triển đi kèm [6]. Ví dụ như, tác động của việc giảm nhẹ KNK đến sức khỏe cộng đồng có thể thông qua việc cải thiện chất lượng không khí. Mối tương quan giữa khí thải với nhu cầu sử dụng năng lượng và các quá trình công nghiệp, nồng độ các chất gây ô nhiễm, các tác động đến sức khỏe… và những tổn thất kinh tế kéo theo có thể dùng để ước lượng những lợi ích phát triển đi kèm với các hành động giảm nhẹ phát thải KNK. Để giải quyết vấn đề đặt ra, DIA là bộ công cụ được đề xuất phục vụ các nhà hoạch định chính sách nhằm thể hiện các lợi ích phát triển như một phần quá trình thực hiện LEDS. Mục đích của công cụ này bao gồm: Chuyển tải các lợi ích phát triển trong từng bối cảnh thực hiện LEDS; Hỗ trợ việc ra quyết định lựa chọn phương án tốt nhất để vừa đảm bảo các chỉ tiêu giảm phát thải cácbon, đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển.

2.2. Phân tích đa tiêu chí

     Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn giải pháp lồng ghép các nội dung liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH vào các chính sách phát triển. Theo đó, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH được xây dựng trên quan điểm phát triển bền vững. Hay nói cách khác, việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững cũng đồng thời đem lại các lợi ích về ứng phó với BĐKH.

     Phương pháp phân tích đa tiêu chí được áp dụng trong việc đánh giá mức độ đồng lợi ích giữa mục tiêu giảm phát thải KNK và các mục tiêu khác của phát triển bền vững. Các đóng góp và ảnh hưởng của hoạt động giảm phát thải KNK đối với phát triển bền vững là cơ sở tính điểm và trọng số cho các đồng lợi ích khác nhau. Điểm số càng cao thể hiện hoạt động có đóng góp tích cực vào các đồng lợi ích đi kèm và ngược lại, điểm số thấp có thể đưa kết quả xuống thấp hơn kịch bản tăng trưởng thông thường (BAU).

     Kết quả phân tích có thể hỗ trợ việc ra quyết định theo hai cách.

     Thứ nhất, điểm số được cộng gộp lại thành một điểm số tổng hợp cho mỗi lựa chọn. Tuy nhiên, việc tính tổng điểm theo cách này làm cho mỗi lựa chọn trở nên độc lập và được đánh giá đều nhau. Mặt khác, kết quả được dùng như biện pháp so sánh, đối chiếu các lựa chọn trong bối cảnh khác nhau. Cách cho điểm số cộng dồn đặc biệt phù hợp trong khi xem xét trong điều kiện điểm số tổng hợp biến thiên.

     Thứ hai, kết quả có thể được thể hiện bằng “biểu đồ mạng nhện” cung cấp cái nhìn trực quan về các kết quả đồng thời thể hiện điểm số tổng hợp. Diện tích mạng nhện càng lớn thể hiện rằng các mục tiêu phát triển được đáp ứng càng tốt. Biểu đồ mạng nhện có thể xếp chồng nhiều lớp lên nhau để tiện đối chiếu.

     Quá trình đánh giá nên có sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các chuyên gia kỹ thuật, nhà hoạch định chính sách, đại diện các ngành/lĩnh vực và cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương để ghi nhận tất cả các quan điểm, nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình cho điểm số.

2.3. Đánh giá các lợi ích phát triển đi kèm thông qua chỉ số cải tiến phù hợp

     Một cách tiếp cận khác để đánh giá hoạt động giảm phát thải KNK là đánh giá dựa trên các lợi ích phát triển đi kèm. Theo đó, các hoạt động giảm phát thải KNK sẽ được đánh giá thông qua những đóng góp của nó trong suốt vòng đời hoạt động trên cơ sở các chỉ thị phát triển bền vững.

     Trên quan điểm tiếp cận này, South Pole và Millennium Development Goals (MDG) đã xây dựng công cụ đánh giá tính bền vững của các NAMA. Công cụ đã cung cấp những liên kết chặt chẽ giữa NAMAs với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (SDGs) được Đại hội đồng liên hợp quốc thông qua. Các mục tiêu phát triển bền vững được chia thành các nhóm tương ứng với các nhóm chỉ thị. Giai đoạn đầu công cụ được xây dựng với 4 nhóm chỉ thị về: (1) môi trường, (2) xã hội, (3) tăng trưởng và phát triển và (4) kinh tế. Hiện nay, công cụ được phát triển hoàn thiện hơn với việc bổ sung thêm nhóm chỉ thị (5) về thể chế.

     Công cụ được thực hiện trên định dạng bảng tính exel, trong đó đã thiết lập cấu trúc và cách xác định đối với các chỉ số về lợi ích phát triển bền vững đi kèm với từng can thiệp của NAMA trong một giai đoạn giám sát cụ thể. Những lợi ích phát triển bền vững của NAMAs được định lượng thông qua việc sử dụng những cải tiến phù hợp với điều kiện quốc gia và được thể hiện bằng chỉ số NAIs (NAIs - Nationally Appropriate Improvements) [8]. Mỗi cải tiến cùng với sự ảnh hưởng tích cực có thể nhận được một giá trị của NAI với giá trị được phân loại từ 0 đến 5. Giá trị nhỏ tương ứng với với những cải tiến thấp, trong khi những giá trị lớn hơn thể hiện những tiến bộ cao. Những cải tiến cùng với sự ảnh hưởng tiêu cực có thể nhận giá trị âm của NAI từ 0 đến -5. Chỉ số NAI được tính theo công thức:

NAI = |((IV - BV)/(TV - BV)*5)|

Trong đó: IV là giá trị can thiệp, BV là giá trị tiêu chuẩn, TV là giá trị mục tiêu

           

     Mỗi nhóm chỉ thị sẽ có một chỉ số NAIs tương ứng trong từng giai đoạn giám sát đánh giá. Kết quả đánh giá cho phép so sánh những cải tiến của các lợi ích phát triển bền vững với đường cơ sở hoặc so sánh với các năm khác nhau.

3. Kết luận, kiến nghị

     Việt Nam đã đệ trình cam kết quốc tế về đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) lên Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH (UNFCCC). Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và mức đóng góp có thể tăng lên 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế [3].

     Số liệu cập nhật về các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK của nước ta hiện nay cho thấy, có 2 hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK liên ngành, 7 hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia, 2 hoạt động thuộc lĩnh lực năng lượng, 2 hoạt động thuộc lĩnh vực xây dựng và các quá trình công nghiệp, 1 hoạt động thuộc lĩnh vực giao thông, 2 hoạt động thuộc lĩnh vực chất thải, 3 hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 3 hoạt động thuộc lĩnh vực thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) [1]. Đa số các hoạt động đang trong giai đoạn hoàn thiện đề xuất và tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện, một số hoạt động đã bước đầu triển khai (hoạt động chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam, sản xuất điện khí sinh học tại các trang trại nuôi lợn quy mô trung bình và lớn) .Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm phương pháp tiếp cận và công cụ phù hợp để đánh giá, giám sát quá trình hoạt động là rất cần thiết.

     Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phương pháp tiếp cận và công cụ đánh giá NAMAs và điều kiện thực tiễn trong nước, nhóm nghiên cứu có một số kiến nghị cụ thể đối với Việt Nam như sau:

     Có thể áp dụng cả ba cách tiếp cận trên để đánh giá và giám sát các hoạt động giảm phát thải KNK phù hợp với điều kiện Việt Nam.

     Kết quả đánh giá hướng tới mục đích gì sẽ lựa chọn cách tiếp cận và công cụ phù hợp với mục đích đó. Trong trường hợp việc đánh giá liên quan tới quyết định lựa chọn công nghệ và có sự cân nhắc về chi phí đầu tư nên sử dụng đường cong chi phí cận biên. Để đánh giá tính bền vững của các NAMAs cũng như đóng góp của nó đối với các mục tiêu phát triển bền vững có thể áp dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí và đánh giá các lợi ích phát triển đi kèm. Tuy nhiên, đối với cách tiếp cận thứ ba chúng ta cần điều chỉnh công cụ cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Một số điều chỉnh có thể kể đến là trên cơ sở 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc [9], Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững đến năm 2030 với 17 mục tiêu và 115 chỉ tiêu [2]. Như vậy, việc lựa chọn và phân bổ các chỉ thị vào các nhóm chỉ số sẽ được thay đổi phù hợp với số liệu quốc gia.

     Phương pháp tiếp cận và công cụ sử dụng có khác nhau nhưng có chung yêu cầu về cơ sở dữ liệu. Tất cả cơ sở dữ liệu liên quan tới hoạt động giảm phát thải và mục tiêu phát triển bền vững phải được cung cấp chính xác, đầy đủ và cập nhật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ hai của Việt Nam cho UNFCCC (2017).

2. Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đất nước.

3. Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.

4. Decision 1/CP.13 UNFCCC: Bali action plan.

5.Karen Holm Olsen, Livia Bizikova, Melissa Harris, Zyaad Boodoo, Frederic Gagnon-Lebrun and Fatemeh Bakhtiari (2015): Framework for measuring sustainable development in NAMAs.

6. LEDS-GP 2012; Cameron et al.2014.

7. REF 2012: Broadening the appeal of marginal abatement cost curves: Capturing both carbon mitigation and development benefits of clean energy technologies, National Renewable Energy laboratory.

8. UNDP (2014): NAMA SD tool.

9. UN (A/RES/70/1 - 2015): Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development.

 

Nguyễn Thị Thu Hà

Tăng Quỳnh Anh

Lê Nam Thành

1Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề III năm 2017)

Ý kiến của bạn