Banner trang chủ

Thực hiện các quy định trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất góp phần nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường

01/08/2022

    Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nhập khẩu là chính sách mang tính đột phá của Chính phủ trong việc BVMT, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (KTTH). Việc thực thi chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhựa nỗ lực thiết kế sản phẩm sinh thái, đẩy mạnh hoạt động thu gom và tái chế, thúc đẩy cải tiến sản phẩm theo hướng tiết kiệm nguyên liệu. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã phỏng vấn bà Vũ Thị Xoan - Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận về trách nhiệm cũng như vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định EPR.

Bà Vũ Thị Xoan -  Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận

PV: Luật BVMT năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành đã có quy định trách nhiệm tái chế chất thải của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Là doanh nghiệp trong ngành nhựa, bà đánh giá như thế nào về vai trò cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định EPR?

Bà Vũ Thị Xoan: EPR được quy định trong Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tác động tới môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra trong suốt chuỗi cung ứng, từ giai đoạn thiết kế đến thải bỏ. EPR giúp tiết kiệm tài nguyên thông qua giảm chất thải, tăng cường tái chế, thực hiện KTTH.

    Như vậy, có thể nói, chính sách sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực thiết kế sản phẩm và bao bì sinh thái có khả năng thu gom, tái chế cao hơn, đồng thời, giúp hỗ trợ ngành tái chế chuyển đổi hệ thống tái chế giản đơn, chất lượng thấp sang hệ thống chất lượng cao, tiên tiến, hiện đại…

    Ngoài ra, thực hiện quy định EPR sẽ tạo ra dòng tiền, tăng thêm kinh phí cho thu gom tái chế, nhờ đó làm cho thị trường thu gom tái chế mạnh hơn, những cá nhân, tổ chức hoạt động trong thị trường đó đều được hưởng lợi. Các doanh nghiệp tái chế được hỗ trợ kinh phí từ chính sách sẽ cạnh tranh để thu gom, tái chế với sản lượng lớn, giá cao hơn. Đặc biệt, các hộ tái chế nhỏ trong các làng nghề có cơ hội để chuyển đổi từ tái chế giản đơn, gây ô nhiễm thành các doanh nghiệp tái chế tiên tiến, BVMT.

    Chính sách EPR quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với 6 nhóm ngành hàng bao gồm: bao bì, pin - ắc quy, dầu nhờn, săm lốp, thiết bị điện tử, ô tô - xe máy. Mặc dù Tập đoàn Nhựa Bình Thuận không nằm trong nhóm doanh nghiệp có trách nhiệm tái chế hoặc thu gom xử lý vỏ bao bì của sản phẩm đưa ra thị trường theo quy định tại Điều 54,55 Luật BVMT năm 2020. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp sản xuất nhựa, chúng tôi nhận thấy, cần phải phải thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) về trách nhiệm tái chế và thu gom rác thải, hoặc phải đóng góp tài chính để hỗ trợ cho việc tái chế và thu gom đó. Vì vậy, chúng tôi rất ủng hộ việc ban hành Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Việc đóng góp tài chính sẽ nâng cao tính chủ động và trách nhiệm thực hiện của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT.

PV: Với mục tiêu tái tạo năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên, thực hiện KTTH, hiện nay, hệ thống nhà máy của Công ty CP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận đã triển khai các hoạt động này như thế nào, thưa bà?

Bà Vũ Thị Xoan: Tập đoàn Nhựa Bình Thuận hiện có 3 Nhà máy ép nhựa hiện đại tại Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương và 1 Nhà máy sản xuất khuôn. Các nhà máy được trang bị hệ thống trang thiết bị, hiện đại tiên tiến, với quy trình sản xuất các phẩm nhựa sinh thái nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như: tiêu chuẩn ISO 14001:2015, ISO 9001:2015. Nhằm tái tạo nguồn nguyên liệu và sản xuất ra các sản phẩm nhựa phụ trợ thiết yếu cho các ngành Công-Nông-Ngư nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, Tập đoàn Nhựa Bình Thuận luôn chú trọng áp dụng mô hình KTTH, thực hiện sản xuất khép kín, từ việc tái chế nguyên liệu nhựa phế loại như PP, HDPE…; nghiên cứu phát triển sản phẩm đặc trưng cho ngành hàng khác nhau, sản xuất khuôn mẫu, ép phun thành phẩm.

    “Phát triển kinh doanh song song với BVMT” là mục tiêu trong Chiến lược phát triển của Tập đoàn. Nhà máy Nhựa Đông Hải (DHP) là một trong các nhà máy của Tập đoàn được xây dựng để thực hiện Chiến lược trên. DHP là một trong số ít các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu theo quy định của Nhà nước, đáp ứng các quy định bắt buộc theo Luật Đầu tư và Luật BVMT năm 2020. DHP có hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, theo công nghệ mới nhất, được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc; hệ thống robot tự động hiện đại và sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ châu Âu.

    Nhà máy DHP dự kiến sẽ khánh thành giai đoạn 2 mở rộng quy mô lên tới 75 tỷ VND vào tháng 7/2022. Hoạt động trên quy mô lớn, DHP sẽ hoạt động phun công suất đáp ứng cho nguyên liệu đầu vào là phôi nhựa và hạt nhựa cho các nhà máy của Tập đoàn, cũng như các doanh nghiệp khác có nhu cầu trong cả nước.

Khách hàng tham quan gian hàng sản phẩm nhựa sinh thái của Tập đoàn Nhựa Bình Thuận

PV: Được biết, Công ty đang triển khai “Chương trình thu đổi sản phẩm nhựa cũ, bà có thể cho biết ý tưởng, thời gian thực hiện cũng như mục tiêu chung tay cùng cộng đồng BVMT mà Chương trình hướng đến?

Bà Vũ Thị Xoan: Tập đoàn Nhựa Bình Thuận đang thực hiện Chương trình “Thu đổi sản phẩm pallet nhựa cũ lấy sản phẩm pallet nhựa mới”. Chương trình được bắt đầu thực hiện từ 19/5/2022. Với khẩu hiệu “tái chế để bảo vệ tương lai”, đây là kim chỉ nam hành động cho các hoạt động của Nhà máy Đông Hải nói riêng và Tập đoàn Nhựa Bình Thuận nói chung.

    Nhà máy Đông Hải sẽ tiếp nhận các yêu cầu thu đổi của khách hàng, từ đó sẽ phân loại theo nguyên liệu đầu vào của sản phẩm, theo chất lượng và hiện trạng của sản phẩm và các quy định đầu vào về phân loại đã công bố. Theo đó, khách hàng không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào, chi phí xử lý, mà còn giảm thiểu rác thải thải ra môi trường và các yếu tố gây ảnh hưởng tới môi trường.

    Với mỗi 1 kg nhựa được thu hồi, khách hàng của Nhựa Bình Thuận đang đồng hành cùng Tập đoàn đóng góp 500 đồng vào Quỹ BVMT do Nhựa Bình Thuận sáng lập. Các khách hàng sẽ được vinh danh theo mức độ đóng góp tính trên số lượng thu đổi.

    Theo mục đích thành lập Quỹ này, Nhựa Bình Thuận mong muốn được tham gia đóng góp tự nguyện vào Quỹ  BVMT của Nhà nước, cùng chung tay với các doanh nghiệp khác trong việc thực hiện tái chế và thu gom rác thải, BVMT cho một tương lai bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

 Trần Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2022)

Ý kiến của bạn