Banner trang chủ

Tập đoàn URBASER-CNTY hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

29/01/2021

     Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), đặc biệt là tại các bãi chôn lấp đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế, lượng CTRSH phát sinh ngày càng nhiều, trong khi đó chúng ta chưa có công nghệ phù hợp để xử lý lâu dài, triệt để. Ngoài ra, trong thành phần CTRSH có nhiều chất thải nhựa khó phân hủy cũng là vấn đề thách thức trong công tác quản lý môi trường hiện nay.

     Mối nguy hại từ CTRSH

     Không chỉ tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên như làm hỏng cảnh quan, gia tăng khí nhà kính, ô nhiễm đất và nước ngầm, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường biển... CTRSH và việc kiểm soát, xử lý CTRSH không hiệu quả còn gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong xã hội. Do vậy, thiệt hại về kinh tế không chỉ bao gồm chi phí xử lý ô nhiễm, mà còn bao gồm chi phí liên quan đến khám chữa bệnh và thiệt hại thu nhập từ các ngành như du lịch, thủy sản...

Ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội thăm quan Dự án của Nhà máy

     Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia 2019 với chủ đề “Quản lý CTRSH” do Bộ TN&MT mới công bố, CTRSH tại các đô thị năm 2019 ở mức 35.624 tấn/ngày, ở nông thôn là 28.394 tấn/ngày. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom CTRSH ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%. Cả nước hiện có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm: 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó, chôn lấp vẫn là hình thức xử lý chính (71% khối lượng thu gom) nhưng chỉ có khoảng 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh.

     Bàn về giải pháp xử lý rác thải, các chuyên gia môi trường đô thị nhận định, điện rác là công nghệ tiên tiến cần được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, bởi nhiều bãi rác chôn lấp đang bị quá tải, không phù hợp trong bối cảnh hiện tại do gây sức ép lớn đến chất lượng môi trường. Công nghệ này không những xử lý triệt để được CTRSH mà còn tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo cả về mặt bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế. Tuy vậy, việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức bởi chi phí đầu tư cao, công nghệ và việc vận hành nhà máy tương đối phức tạp, trong khi chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực này chưa đủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ.

     Công nghệ tiên phong, giá trị bền vững

     URBASER-CNTY là tập đoàn đa quốc gia, sở hữu công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực BVMT, xử lý rác thải. Tại Việt Nam, Tập đoàn đã được phê duyệt đầu tư 4 dự án đốt rác phát điện tại các địa phương: Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa và Hải Dương. Trong đó, Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư gần 8000 tỷ đồng, công suất xử lý CTRSH đạt 4.000 tấn/ngày đêm (lớn thứ 2 trên thế giới); công suất phát điện 75MW với công nghệ hiện đại, tiên tiến, xuất xứ từ châu Âu, thân thiện với môi trường và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam. Được khởi công từ tháng 8/2019, vượt qua rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, đến nay công tác thi công Nhà máy đã hoàn thành 85% khối lượng công việc và dự kiến bắt đầu tiếp nhận, xử lý rác từ quý I/2021.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội

     Năm 2021, khi Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đi vào vận hành cùng với việc khởi công xây dựng các dự án đốt rác phát điện khác của Tập đoàn URBASER-CNTY sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xử lý triệt để CTRSH tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương, đồng thời, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng phát triển bền vững do Chính phủ Việt Nam đề ra.

Sơn Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn