Banner trang chủ

Nestlé Việt Nam tiên phong hướng tới nền nông nghiệp tái sinh

03/08/2022

    Tại Việt Nam, Nestlé tiên phong trong các hoạt động hướng tới một nền nông nghiệp tái sinh thông qua Chương trình NESCAFÉ Plan. Kể từ khi triển khai vào năm 2011, NESCAFÉ Plan đã phân phối hơn 53 triệu cây cà phê giống chống chịu hạn, năng suất cao tới người nông dân và cải tạo 53.000 hecta diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên… Để hiểu thêm về Chương trình này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam.

Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam

PV: Thưa ông Binu Jacob, phát triển bền vững là một chủ trương lớn, một cam kết mạnh mẽ mà Tập đoàn Nestlé đang thực hiện trong nhiều năm qua trên toàn cầu. Chương trình NESCAFÉPlan mà Nestlé thực hiện trong hơn 10 năm qua ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trồng cà phê khác, có phải cũng nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Nestlé? Đến nay, NESCAFÉPlan ở Việt Nam đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào, nhất là ở khía cạnh phát triển bền vững đối với cả nông dân và môi trường?

Ông Binu Jacob: Tập đoàn Nestlé chính thức trở lại Việt Nam với việc thành lập Công ty Nestlé Việt Nam vào năm 1995 và liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đạt 730 triệu USD. Hằng năm, Nestlé đồng hành cùng nông dân trồng cà phê Việt Nam thực hành canh tác bền vững và đưa vào nền kinh tế khu vực nông thôn 700 triệu USD thông qua hoạt động thu mua cà phê bền vững. Chúng tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiên phong đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam.

    Tất cả hoạt động Nestlé đều hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam để "tạo giá trị chung", là đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội trong khi vẫn đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh và các mục tiêu đó nếu muốn bền vững phải gắn với một tầm nhìn vào tương lai. Hơn thế, chúng tôi tin rằng phát triển bền vững là không đủ mà chúng ta có thể can thiệp để có những tác động tích cực nhằm tái tạo lại hệ sinh thái, từ đó duy trì khả năng tự phục hồi và tái sinh của tự nhiên, góp phần tích cực trong nỗ lực chống biển đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai.

    Từ 2020, Chiến lược phát triển bền vững của Nestlé hướng tới cách tiếp cận toàn diện tập trung vào các mục tiêu nhằm tái tạo và "tái sinh" cho hệ sinh thái tự nhiên (Regeneration). Nhằm chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Tập đoàn Nestlé đã xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải carbon theo từng giai đoạn, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 thông qua giảm thiểu lượng phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng.

    Tại Việt Nam, Nestlé tiên phong trong các hoạt động hướng tới một nền nông nghiệp tái sinh thông qua chương trình NESCAFÉ Plan. Kể từ khi triển khai vào năm 2011, NESCAFÉ Plan đã phân phối hơn 53 triệu cây cà phê giống chống chịu hạn, năng suất cao tới người nông dân và cải tạo 53.000 hecta diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức trên 300.000 khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững cho 300.000 nông dân, giúp cho 21.000 nông dân đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C.

Cán bộ nông nghiệp dự án NESCAFÉ Plan hướng dẫn người nông dân cách chăm sóc cà phê

PV: Ông có thể cho biết Nestlé Việt Nam đã có hành động cụ thể gì để hướng tới một nền nông nghiệp tái sinh?

Ông Binu Jacob: Thông qua Chương trình NESCAFÉ Plan, các kỹ sư nông nghiệp của chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước cùng các chuyên gia nông nghiệp thực hiện các hành động cụ thể sau:

    Bảo vệ sức khỏe và độ màu của đất: Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh góp phần bảo vệ đất nhờ giảm lượng phân bón vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và phân ủ từ vỏ cà phê và phụ phẩm sau thu hoạch. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác này, người nông dân có thể giảm khoảng 20-30% lượng phân bón vô cơ, từ đó nâng cao độ phì nhiêu màu mỡ và cải tạo sức khỏe cho đất.

    Bảo vệ nguồn nước ngầm: Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh giúp bảo vệ nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm. Dự án NESCAFÉ Plan đã đưa ra các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước bao gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa hoặc sử dụng công cụ đơn giản, dễ kiếm và rẻ tiền như vỏ lon sữa bò hoặc chai nhựa đựng nước để đo lường độ ẩm trong đất. Các biện pháp này giúp người nông dân tiết kiệm đến 40%-60% lượng nước tưới cây cà phê so với trước.

    Bảo vệ tính đa dạng sinh học: Nestlé Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp tái sinh với mô hình xen canh hợp lý, tiêu biểu như trồng hồ tiêu xen cà phê. Trong đó, cây tiêu vừa là cây che bóng vừa là cây chắn gió nên chỉ cần trồng xen 30% cây tiêu trên vườn cà phê thì lượng cácbon hấp thụ vào đất sẽ cao hơn lượng phát thải. Ngoài ra, cây che bóng đóng vai trò là cây chắn gió trong mùa khô, giúp cải thiện điều kiện sinh thái, làm giảm nhiệt độ và độ bốc hơi trong vườn cây. Cây tiêu cũng là một loại cây cố định đạm có tác dụng cải thiện cấu trúc đất và tăng thêm dưỡng chất cho cả cây trồng.

    Hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để sản xuất ra các giống cà phê mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt để phân phát cho người nông dân. Giống cà phê mới giúp giảm lượng nước tưới và cải thiện chất lượng hạt cà phê đáng kể so với các giống cũ. Việc sử dụng giống cà phê khỏe, sạch bệnh kết hợp với mô hình trồng xen canh hợp lý góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân cũng như đảm bảo nguồn cung cà phê chất lượng tốt cho các nhà máy cà phê của Nestlé Việt Nam.

    Duy trì các chương trình tập huấn cập nhật kiến thức mới nhất về phương pháp canh tác cà phê tiên tiến tại Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, công ty ưu tiên quản lý nông nghiệp tái sinh bằng các công cụ số như FARMS (Farmer Relationship Management Solution) và Nhật ký nông hộ số (Digital Farmers Field Book), nhằm cung cấp kiến thức về khởi nghiệp nông nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động trong quản lý kinh tế nông hộ trong khi đó Nestlé sẽ có số liệu nhanh chóng trong quản lý kinh tế vi mô.

    Giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác cà phê: Chúng tôi hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức kiểm kê phát thải khí nhà kính trong canh tác cà phê và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ phát thải trong canh tác cà phê xuống mức thấp nhất có thể. Tất cả các hoạt động kể trên đều nhằm góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong nông nghiệp trong một tương lai không xa.

Theo ông Binu Jacob, Nestlé Việt Nam đã và đang phối hợp cùng các tổ chức khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước để cùng hướng tới nền nông nghiệp tái sinh

PV: Nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp có trách nhiệm đang được Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương ở Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây. Ông nhận thấy nông nghiệp xanh, bền vững, có trách nhiệm ở Việt Nam đang phát triển ra sao? Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các mô hình nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững, có trách nhiệm?

Ông Binu Jacob: Tôi cho rằng, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương ở Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp bền vững và nông sản được sản xuất một cách có trách nhiệm. Đây là một điều rất đáng mừng và cũng là định hướng phát triển đúng đắn. Để thúc đẩy các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững và có trách nhiệm, chúng ta cần xuất phát từ những vấn đề cơ bản nhưng rất quan trọng. Đó là cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, thói quen canh tác, cơ chế tổ chức và hỗ trợ.

    Điều này quan trọng không kém việc nhận ra mức độ ảnh hưởng mà các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với an ninh lương thực và đời sống của người nông dân. Như chúng ta đã biết, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đóng góp một phần tạo nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính và chính những thói quen canh tác lạc hậu, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu trách nghiệm đã và đang gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích ngày càng nhiều nông dân và cộng đồng cùng chuyển đổi từ phương thức sản xuất kém bền vững sang phương thức hiện đại và bền vững hơn, đồng thời giúp bảo tồn và phục hồi, tái tạo đất và hệ sinh thái gắn liền với đất.

    Các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế và áp dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm, tăng cường hợp tác công tư trong sản xuất, nhân rộng các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm, đẩy mạnh công tác tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp. Tại Nestlé, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác để thực hiện các mục tiêu này nhằm hướng tới một nền nông nghiệp xanh và nông nghiệp tái sinh.

PV: Ông có thể chia sẻ những định hướng phát triển của Nestlé Việt Namtrong giai đoạn tới, nhất là sự đồng hành cùng nông dân sản xuất bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, thức uống đóng gói cho cả thế giới?

Ông Binu Jacob: Với cam kết dài hạn, chúng tôi đã và đang làm việc chặt chẽ với người nông dân trồng cà phê trong hơn 11 năm qua. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ những người nông dân tại Tây Nguyên có kiến thức canh tác bền vững hơn, nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt, đồng thời đẩy mạnh xây dựng nông nghiệp tái sinh thông qua Chương trình NESCAFÉ Plan.

    Trong hoạt động chế biến, gần đây chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại Nhà máy Nestlé Trị An, hướng tới mục tiêu đưa thị trường Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới. Đây sẽ là một trong những Nhà máy sản xuất lớn nhất của Nestlé tại Việt Nam và cũng là một trong những Nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trong khu vực của Tập đoàn. Ngoài mục tiêu sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, các sản phẩm sản xuất tại Nhà máy này cũng được xuất khẩu tới hơn 25 quốc gia bao gồm những thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Úc.

Dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto đi vào hoạt động từ 2018 sử dụng nguyên liệu từ cà phê Việt Nam

    Được trang bị dây chuyền, thiết bị và công nghệ tiên tiến, Nestlé Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm cà phê, đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm Made in Vietnam ra khu vực và thế giới.

    Tôi tin tưởng rằng thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và đồ uống đóng gói cho cả thế giới, nhờ có một lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cao. Ngoài ra, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam hiện nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà Tập đoàn Nestlé đang có mặt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2022)

Ý kiến của bạn