Banner trang chủ

Nestlé tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế của nông dân

06/10/2022

    Ngày 4/9/2022, NESCAFÉ - nhãn hiệu cà phê lớn nhất của Tập đoàn Nestlé và là một trong những thương hiệu cà phê được yêu thích trên thế giới, đã công bố kế hoạch  NESCAFÉ Plan 2030 mở rộng với mục tiêu hướng đến canh tác bền vững. NESCAFÉ tiếp tục phối hợp với nông dân để giúp họ chuyển đổi sang nền nông nghiệp tái sinh đồng thời đẩy nhanh tiến độ của dự án NESCAFÉ Plan trong thập kỷ tới.

Nestlé sẽ thí điểm một chương trình hỗ trợ tài chính để giúp nông dân đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh - Ảnh: VGP/Phương Dung

    Theo đó, NESCAFÉ sẽ đầu tư hơn một tỷ franc Thụy Sĩ cho NESCAFÉ Plan 2030. Khoản đầu tư này được xây dựng dựa trên dự án NESCAFÉ Plan hiện tại khi thương hiệu tăng cường các hoạt động bền vững của mình. Nguồn vốn đầu tư được tài trợ bởi quỹ nông nghiệp tái sinh của Nestlé song hành với cam kết của Tập đoàn trong mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh và tham vọng đạt được mức phát thải ròng bằng không.

    Ông David Rennie, Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé cho biết: “Biến đổi khí hậu đang khiến các khu vực trồng cà phê chịu nhiều áp lực. Dựa trên kinh nghiệm 10 năm thực hiện dự án NESCAFÉ Plan, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ dự án để giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và các thách thức về mặt xã hội và kinh tế trong chuỗi giá trị của NESCAFÉ”.

    NESCAFÉ sẽ tổ chức cho nông dân các khóa đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây cà phê năng suất cao để giúp họ chuyển đổi sang phương thức canh tác cà phê tái sinh. Tại Việt Nam, từ năm 2011, Nestlé Việt Nam đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh để hỗ trợ nông dân trồng cà phê thông qua dự án NESCAFÉ Plan trong hành trình chuyển đổi. Trong hơn một thập kỷ qua, chương trình đã tạo ra những tác động tích cực đáng kể đến kinh tế - xã hội và môi trường.

    Cụ thể, Dự án đã hỗ trợ cây giống cho 15.000 hộ nông dân mỗi năm ở các tỉnh Tây Nguyên (2011-2021); phân phối 63 triệu cây cà phê có năng suất cao và kháng bệnh; tái canh 63.000 ha diện tích cà phê già cỗi; thực hiện hơn 330.000 buổi đào tạo về canh tác cà phê bền vững; giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu; thành lập 274 nhóm nông dân, trong đó 30% trưởng nhóm nông dân là nữ.

    Bên cạnh đó, Dự án còn giúp nông dân tăng từ 30-100% thu nhập nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý; 86% số trang trại trồng đa dạng với trung bình 3 loài cây và năng suất cao hơn 15% so với năng suất trung bình của cả nước; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất để bảo vệ sức khỏe và độ phì nhiêu của đất. Điều này dẫn đến tỷ lệ hấp thụ các-bon cao hơn và tỷ lệ phát thải thấp hơn cũng như cải thiện đa dạng sinh học.

Phạm Đình

Ý kiến của bạn