Banner trang chủ

Sự cố vỡ moong khai thác tại Bình Thuận: Trách nhiệm của các bên liên quan

15/01/2014

     Vừa qua, tại vị trí mỏ titan Suối Nhum của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận đã xảy ra sự cố sạt lở vỡ bờ moong khai thác. Chỉ trong vài giờ nước cuốn theo bùn đỏ chảy ào ạt ra ngoài đường nhựa, nhà dân, bờ biển... gây ảnh hưởng đến giao thông, ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói đây là vụ vỡ hồ chứa thứ 4 tại Bình Thuận song hình như hiểm họa của hoạt động khai thác titan vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

     Từ sự cố vỡ moong khai thác

     Dự án khai thác titan của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận tại mỏ Suối Nhum được Bộ TN&MT cấp phép từ năm 2007 với diện tích hơn 180 ha. Tổng vốn đầu tư 120 triệu USD và công suất gần 200.000 tấn/năm. Thời hạn khai thác đã hết từ tháng 6/2013 và hiện Công ty đang xin gia hạn khai thác.

     Sự cố vỡ moong khai thác của Công ty vào ngày 18/11/2013 vừa qua đã làm thiệt hại đáng kể về tài sản, hoa màu của người dân xung quanh, cụ thể là 1 ao cá; 2,5 ha điều và 1 vườn chuối khoảng 300 m2; 1 phần diện tích đất của khu du lịch Tiến Phú đang xây dựng. Đặc biệt sự cố trên đã làm ô nhiễm môi trường trên diện rộng, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường địa phương. Bùn đỏ còn tràn ra biển làm nước biển chuyển sang màu đỏ trên phạm vi từ mép nước ra biển khoảng 200 m, kéo dài đến khu vực Mũi Kê Gà (gần 7 km).

     Nguyên nhân xác định ban đầu là do bờ moong nằm trên đồi cao so với đường tỉnh lộ ĐT.719 khoảng hơn 20 m, trạng thái moong luôn được tích nước nhưng nằm trong tầng cát màu đỏ, có đặc tính không thấm nước, bên trong bùn đỏ đặc quánh, bề mặt căng khô, nước trong moong lâu ngày bị rò rỉ gây vỡ moong, đẩy toàn bộ nước và bùn cát nhão ra ngoài. Trước đó, tại khu vực này có xảy ra trận mưa lớn kéo dài, đây cũng là một trong những nguyên nhân tích tụ lượng nước lớn tại các hố moong, gây thẩm thấu dẫn đến vỡ moong.

 

Bùn đỏ tràn ra sau sự cố vỡ moong khai thác

 

     Ngay sau khi sự cố xảy ra, Sở TN&MT đã tiến hành lấy 3 mẫu: 1 mẫu đất bùn thải tại vườn điều, 1 mẫu đất bùn thải trước cổng Công ty và 1 mẫu nước tại khu du lịch Tiến Phú để phân tích các thông số gây ô nhiễm. Theo đó, kết quả phân tích mẫu đất bùn thải có các hàm lượng kim loại nặng trong đất nằm trong giới hạn cho phép không ảnh hưởng đến môi trường đất xung quanh và phù hợp với đất sản xuất nông nghiệp; so sánh QCVN 07:2009/BTNMT kim loại nặng Pb, Cd, Zn, Fe, As không phát hiện. Kết quả phân tích chất lượng mặt hầu hết các chỉ tiêu đã phân tích nằm trong giới hạn cho phép, chỉ tiêu Fe vượt 1,35 lần so với QCVN 08:2008/BTNMT, riêng hàm lượng Pb trong nước cao hơn giới hạn cho phép 2 lần so với QCVN 38:2011/BTNMT về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh, có ảnh hưởng từ sự cố vỡ moong khai thác titan, tuy nhiên mức độ vượt không đáng kể, có khả năng tự khắc phục tự nhiên theo thời gian.

     Nhìn nhận về trách nhiệm của các bên liên quan

     Bình Thuận được xác định có tiềm năng khoáng sản titan rất lớn, trên 500 triệu tấn, chiếm hơn 90% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan Việt Nam. Hiện các mỏ ở Bình Thuận chỉ mới khai thác được 5-7 triệu tấn, tuy nhiên môi trường đã bị ảnh hưởng nặng, thảm thực vật và diện mạo bờ biển bị biến dạng do quá trình hoàn thổ kém. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khai thác titan đào sai vị trí, đào rộng hơn và đào moong (hố khai thác) không đúng thiết kế. Từ sự cố tràn bùn thải titan vừa qua đặt ra cảnh báo về công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

     Trách nhiệm chính để xảy ra sự cố là do Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp điều tiết nước, hạ mực nước trong hố moong theo đúng thiết kế cơ sở về khai thác mỏ phê duyệt. Trong thời gian không hoạt động khai thác, Công ty chưa làm tốt công tác kiểm tra, tổ chức quản lý thường xuyên và có biện pháp bảo vệ, gia cố an toàn mái chống sạt lở theo thiết kế cơ sở được duyệt khi có mưa, bão xảy ra; khi có sự cố xảy ra thiếu phương tiện để khắc phục kịp thời gây ảnh hưởng, thiệt hại đến môi trường, sinh thái và một số hộ dân lân cận.

     Công tác quản lý nhà nước, nhất là của Sở TN&MT và Tổ giám sát thuộc Sở TN&MT chưa tiến hành thường xuyên trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác mỏ và việc chấp hành các biện pháp an toàn trong khu vực mỏ, còn chủ quan do khu vực mỏ dừng hoạt động.

     UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 3027/QĐ-XPHC ngày 2/12/2013 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận 200 triệu đồng về hành vi gây sự cố môi trường làm vỡ bờ moong khai thác để nước bùn và cát đỏ chảy ra môi trường. UBND tỉnh yêu cầu Công ty phải triển khai các biện pháp gia cố bờ moong khai thác an toàn tuyệt đối không để xảy ra sự cố tương tự. Đồng thời yêu cầu Sở TN&MT và UBND huyện Hàm Thuận Nam điều tra, đánh giá rút bài học kinh nghiệm đối với công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác mỏ để tránh lập lại trường hợp tương tự.

 

            Nguyễn Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

 

 

Ý kiến của bạn