Banner trang chủ

Nhãn xanh Việt Nam trong xây dựng nền Kinh tế Xanh

13/10/2013

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Nhãn xanh Việt Nam

Nhãn xanh Việt Nam là tên gọi của Chương trình Nhãn sinh thái (NST) tại Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống.

Chương trình Nhãn xanh Việt Nam được xây dựng nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp (DN) thiết kế sản phẩm và tiến hành hoạt động theo hướng giảm các tác động có hại tới TN&MT trong suốt quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, bao gói, vận chuyển, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm; Tạo lập thị trường bền vững cho sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các cơ chế ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu dùng; Khuyến khích ngành công nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường thế giới với cam kết thực hiện các quy định về môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm theo ISO 14024; Tăng cường hợp tác với mạng lưới NST trong khu vực và trên thế giới, thỏa thuận công nhận/thừa nhận lẫn nhau với các hệ thống cấp NST của các quốc gia và các tổ chức...

Tương tự như NST của các quốc gia, Nhãn xanh Việt Nam được dùng để chỉ ra những sản phẩm có mức độ ưu tiên chung về môi trường cao hơn so với những loại sản phẩm khác trong cùng một nhóm sản phẩm trên cơ sở đánh giá những tác động và ảnh hưởng lên môi trường của toàn bộ chu trình luân chuyển (vòng đời) của sản phẩm. Nhãn xanh Việt Nam được gắn trên những sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng mà còn tuân thủ các yêu cầu môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và tái chế, đồng thời là sản phẩm tốt hơn sản phẩm cùng loại về tiết kiệm năng lượng và ít tổn hại tới môi trường hơn. Việc xác nhận sản phẩm đủ điều kiện được gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động chứng nhận sự phù hợp của loại sản phẩm với các yêu cầu của Tiêu chí Nhãn xanh do Bộ TN&MT công bố.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sản phẩm được cấp NST là sản phẩm thân thiện với môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về BVMT. Vì vậy, khi sản phẩm được gắn Nhãn xanh Việt Nam cũng có nghĩa là cơ sở sẽ được hưởng những ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Các ưu đãi kèm theo chứng chỉ về NST/Nhãn xanh Việt Nam sẽ khuyến khích DN tích cực hướng tới thực hiện việc gắn NST trên các sản phẩm của mình nhằm tạo ra một lợi ích kép của DN. Một mặt, DN sẽ được hưởng các ưu đãi từ phía Nhà nước, mặt khác quan trọng hơn là thị phần sản phẩm của DN sẽ được mở rộng với các sản phẩm được gắn NST. Sở dĩ như vậy là do đang có một xu thế của người tiêu dùng (NTD) khi mua sản phẩm hàng hóa không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá cả mà còn xem xét đến các yếu tố sức khỏe, môi trường của sản phẩm - những yếu tố này được hội tụ trong các sản phẩm được gắn NST. Các sản phẩm thân thiện với môi trường là một chứng chỉ xanh để sản phẩm của các DN có thể đứng vững trên thị trường trong nước và thực hiện mục tiêu vươn tầm ra các thị trường khác, đặc biệt là những thị trường có đòi hỏi khắt khe về môi trường như EU, Mỹ...

NST không chỉ đem lại lợi ích cho nhà sản xuất mà NTD cũng được hưởng lợi. Cái lợi lớn nhất của NTD là sức khỏe được bảo đảm, nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến các sản phẩm mà họ tiêu dùng được loại bỏ do những sản phẩm thân thiện với môi trường có tiêu chí khắt khe để loại trừ tối đa những tác động có hại đến sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường NTD đã gián tiếp thực hiện hành vi có lợi cho BVMT. Bởi thông qua thói quen tiêu dùng, NTD đưa ra định hướng về kế hoạch sản xuất và chất lượng sản phẩm, các yếu tố về môi trường cho nhà sản xuất, góp phần tác động đến ý

thức của nhà sản xuất trong công tác BVMT.

Có thể nhận định rằng, NST/Nhãn Xanh Việt Nam sẽ là mục tiêu hướng tới của DN và thói quen tiêu dùng của NTD. DN hướng tới NST để bảo đảm về thị phần kèm theo đó là lợi nhuận, NTD hướng tới NST để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Hai lợi ích, hai chủ thể nhưng cùng hướng tới một mục tiêu chung là BVMT và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Xây dựng nền Kinh tế Xanh tại Việt Nam

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nền Kinh tế xanh (KTX) là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền KTX có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Trong khi tài nguyên trên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn KTX là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang diễn biến phức tạp. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền KTX sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ cácbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Việt Nam đang theo đuổi mô hình nền KTX với các định hướng của Chính phủ, thể hiện trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh được ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012. Chiến lược đặt ra mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế cácbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên; Giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Ba nhiệm vụ chính trong Chiến lược được đặt ra gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Ba nhiệm vụ chính được cụ thể hóa bằng 17 giải pháp thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng nền KTX.

Trong số những giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, giải pháp về thúc đẩy phát triển các ngành KTX; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh hướng trực tiếp tới quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nội dung chính của nhóm giải pháp này là Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về ngành kinh tế, các sản phẩm dán Nhãn xanh/sinh thái; xây dựng chính sách ưu đãi đối với nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển, sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm xanh/sinh thái; Thúc đẩy việc dán NST và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; áp dụng mua sắm xanh đối với một số nhóm sản phẩm; Nghiên cứu ban hành quy chế chi tiêu công xanh, trong đó chi đầu tư và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dán NST, hàng hóa có khả năng tái chế; Sử dụng công cụ kinh tế, kỹ thuật để khuyến khích các DN sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hạn chế lãng phí năng lượng và tài nguyên; xây dựng hệ thống chứng nhận và dán NST cho các sản phẩm xanh; hình thành và quảng bá thị trường sản phẩm xanh; Sử dụng các công cụ kinh tế, kỹ thuật và các biện pháp khuyến khích dân cư tiêu dùng hợp lý theo hướng bền vững; Áp dụng một số công cụ kinh tế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế và phí BVMT để điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý, trước hết đối với những sản phẩm có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường…

3. Nhãn xanh Việt Nam trong xây dựng nền KTX tại Việt Nam

Trong xu thế phát triển của thế giới, NST đang ngày càng là một công cụ hữu hiệu khuyến khích các nhà sản xuất và NTD hướng tới quy trình sản xuất và tiêu thụ bền vững, góp phần gia tăng giá trị của vốn tự nhiên, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống tiến tới phát triển bền vững. Không nằm ngoài xu thế đó, Nhãn Xanh Việt Nam được kỳ vọng là công cụ để nhà sản xuất qua đó khẳng định trách nhiệm của mình đối với xã hội và môi trường, nâng cao thị phần và lợi nhuận cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; NTD tìm thấy sự an toàn cho chính mình khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; và Nhà nước đạt được mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn vốn tự nhiên, giảm thiểu chi phí xử lý ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường. Có thể nói rằng, Nhãn xanh Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho sự gặp nhau giữa các nhu cầu của nhà sản xuất, NTD và Nhà nước trong mục tiêu hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, củng cố cho tiến trình xây dựng nền KTX tại Việt Nam.

Với DN, khi thực hiện Chương trình Nhãn xanh Việt Nam sẽ tạo dựng  hình ảnh DN đã tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về môi trường và lao động; tạo lợi thế cạnh tranh trong các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về môi trường và xã hội; có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; có uy tín trên thị trường và lợi thế trong các quyết định mua sắm của Chính phủ, qua đó, nâng cao lợi nhuận và tạo sự phát triển bền vững của DN.

Với NTD, khi sử dụng các sản phẩm được gắn NST sẽ yên tâm về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe của chính mình, giảm các nguy cơ mắc bệnh do sử dụng những sản phẩm có chứa chất gây hại đối với sức khỏe con người, do vậy sẽ giảm các chi phí cho việc chữa bệnh, ngoài ra, NTD còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội thông qua hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, khi NTD có các yêu cầu cao về chất lượng, mức độ an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường sẽ có tác động thúc đẩy nhà sản xuất, kinh doanh cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhu cầu của NTD sẽ là động lực cho DN sản xuất, cung ứng các sản phẩm được gắn NST- các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhà nước, một mặt đưa ra chính sách phát triển hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác với vai trò NTD lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, kích cầu sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi triển khai chương trình Nhãn xanh Việt Nam sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đầu tư cho các hoạt động BVMT, giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm ra môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; giảm các chi phí đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các ngành KTX với việc sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó chính là các mục tiêu mà Nhà nước ta hướng tới trong xây dựng nền KTX tại Việt Nam.

Lê Minh Ánh

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013

 

 

 

 

Ý kiến của bạn