Banner trang chủ

Hiệu quả từ mô hình Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ

15/11/2019

     Hiện nay, quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang là vấn đề nóng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đã quá tải; các lò đốt công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

     Trong bối cảnh trên để tìm được một giải pháp xử lý lượng chất thải rắn (CTR) đang là thách thức đối với nhiều địa phương. Cần Thơ đã giải quyết được bài toán khó này, kể từ khi Nhà máy đốt rác phát điện tại xã Trường Xuân (Thới Lai, TP. Cần Thơ) đi vào hoạt động (tháng 12/2018). Nhằm tìm hiểu về công nghệ xử lý rác của Nhà máy, cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Shao Qi Chao - Trưởng đại diện Công ty China Everbright International tại Việt Nam (chủ đầu tư Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ) về vấn đề này.

 

Ông Shao Qi Chao - Trưởng đại diện Công ty China Everbright International tại Việt Nam

 

     PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về Nhà máy, cũng như những ưu điểm của công nghệ đốt rác phát điện mà Nhà máy sử dụng so với các công nghệ khác, thưa ông?

     Ông Shao Qi Chao: Dự án Cần Thơ là dự án đốt rác phát điện hiện đại đầu tiên xây dựng và vận hành mà Công ty China Everbright International (Trung Quốc) đầu tư tại Việt Nam. Nhà máy có công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và phát điện khoảng 150.000 kWh (tương đương 60 triệu kWh/năm) hòa vào lưới điện quốc gia. Nhà máy áp dụng công nghệ là lò đốt tấm ghi dạng lật, máy phát điện tua bin hơi nước ngưng tụ 7,5 MW do Công ty tự nghiên cứu, công nghệ xử lý khí thải SNCR (công nghệ xử lý NOx sau quá trình cháy bằng phản ứng hóa học).

     Dựa theo một số tiêu chuẩn của châu Âu, Công ty đã cải tiến, hoàn thiện công nghệ đốt rác của Nhà máy, giúp giảm hơn 90% thể tích, 80% khối lượng rác thải, nhưng không cần thêm nhiên liệu phụ trợ. Hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy được lắp đặt đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu BU2000 và Quy chuẩn Việt Nam QCVN 61 - MT: 2016/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh học, công nghệ chính của hệ thống xử lý khí thải là: Thiết bị khử nitơ SNCR (khử chọn lọc không xúc tác), xử lý khô, bán khô và sử dụng than hoạt tính để loại bỏ các kim loại nặng, dioxin. Đồng thời, Công ty lắp đặt túi lọc bụi, xử lý dioxin theo phương pháp 3T + E giúp kiểm soát nhiệt độ, thời gian, khí dư, trong đó nhiệt độ lò được duy trì trên 950° C. Hệ thống xử lý khí thải được điều khiển tự động hoàn toàn, các chỉ số khí thải đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường. Đối với nước rỉ rác, Nhà máy sử dụng công nghệ A/O + UF + Chemistry Softener + MicroFilter + Reverse Osmosis, sau khi xử lý được tái sử dụng tuần hoàn trong Nhà máy. Thông qua quá trình xử lý ở trên, tất cả các chỉ số đều đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam.

 

Lãnh đạo TP. Cần Thơ tham quan khu điều hành Nhà máy

 

     So với các bãi chôn lấp, hoặc xử lý rác thải thành phân compost, công nghệ đốt rác phát điện là phương pháp xử lý rác có nhiều ưu thế, giúp xử lý được lượng lớn rác thải, tiết kiệm diện tích đất, tránh các tác động tiêu cực đến môi trường. Trước khi đầu tư Nhà máy tại Việt Nam, Công ty đã nghiên cứu các vấn đề môi trường của Việt Nam và quyết định lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện. Ngoài ra, đặc điểm rác thải sinh hoạt của 2 nước cũng giống nhau, đó là nhiệt lượng thấp, lượng nước, lượng tro cao và nhiều tạp chất. Vì thế, Công ty đã đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ, giúp địa phương giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe người dân. Chất thải sinh ra trong quá trình đốt rác sẽ biến thành nguồn điện năng, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

     PV: Xin ông cho biết kết quả quá trình vận hành thử nghiệm của Nhà máy thời gian qua?

     Ông Shao Qi Chao: Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ là dự án mà TP. Cần Thơ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế để chọn ra nhà đầu tư là Công ty China Everbright International. Ngày 30/6/2017, dự án bắt đầu khởi công xây dựng, ngày 26/11/2018 được cấp giấy phép hoạt động. Tính đến cuối tháng 7/2019, đã có hơn 120.000 tấn rác thải sinh hoạt được xử lý (khoảng hơn 60% lượng chất thải của TP. Cần Thơ). Từ khi Nhà máy được đưa vào hoạt động cho đến nay, công tác vận hành được đảm bảo liên tục và ổn định. Đến nay, các chỉ số về khí thải, nước thải đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Bên ngoài cổng của Nhà máy, có lắp đặt màn hình LED, hiển thị các thông số của Nhà máy, thời gian vận hành rõ ràng để các nhà quản lý môi trường địa phương, cộng đồng dân cư biết. Các chỉ số khí thải đều được lưu giữ trong hệ thống máy tính của Nhà máy để khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra thì sẽ cung cấp đầy đủ mọi dữ liệu. Trong thời gian tiến hành thử nghiệm, Nhà máy có thông qua một đơn vị thứ ba độc lập để kiểm tra, giám sát các chỉ số, đảm bảo 100% các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu. Đồng thời, Nhà máy cũng thường xuyên mở cửa đón tiếp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân đến tham quan, thể hiện tính khách quan, minh bạch các thông tin hoạt động của Nhà máy. Bắt đầu từ tháng 4/2019, cứ vào thứ sáu đầu tiên mỗi tháng, Nhà máy đều mở cửa tự do để mọi người đến tham quan. Đến nay, đã có hơn 2.000 lượt người đến Nhà máy thăm quan và nhận được rất nhiều lời khen về khuôn viên Nhà máy Xanh - Sạch - Đẹp, hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến.

     PV: Thưa ông, công tác xử lý tro xỉ, tro bay đã được Nhà máy thực hiện như thế nào?

     Ông Shao Qi Chao: Sau khi xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện, tỷ lệ xỉ lò chiếm khoảng 16% khối lượng rác đưa vào lò (khoảng 480 tấn rác/ngày). Xỉ lò được xử lý bằng cách phân loại, sàng lọc, nghiền…, sau đó, được thu gom để sản xuất gạch, hoặc vật liệu xây dựng nền đường và bán cho các đơn vị có nhu cầu san lấp mặt bằng. Nhà máy đã được cơ quan chức năng cấp phép để sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, hiện nay, lượng tro bay của Nhà máy khoảng 3%, được ổn định hóa, thu gom lại, rồi dùng bạt đậy kín và tạm thời lưu trữ tại khu vực nhà kho của Nhà máy. Sau đó, sẽ được đưa đến khu vực chỉ định của cơ quan chính quyền địa phương. Hiện TP. Cần Thơ đang xây dựng khu xử lý, chôn lấp tro bay để Nhà máy thực hiện xử lý tro bay theo quy định.

     PV: Theo ông, đối với các nhà đầu tư Dự án nhà máy đốt rác phát điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là gì? Ông có đề xuất gì để đưa công nghệ này áp dụng rộng rãi tại Việt Nam?

     Ông Shao Qi Chao: Để đầu tư một Nhà máy đốt rác phát điện tại Việt Nam, các nhà đầu tư phải dành nhiều thời gian để xin phê duyệt Dự án với rất nhiều thủ tục, khiến các nhà đầu tư khó hoàn thành các cam kết tiến độ với chính quyền địa phương. Hiện Công ty China Everbright International đang đầu tư một số dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại một số địa phương và tiến hành chuyển giao công nghệ cho một số doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách của mỗi địa phương lại khác nhau, nên gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xin phép đầu tư dự án.

     Để đáp ứng sự phát triển của ngành điện rác tại Việt Nam, Nhà máy xin đề xuất một số giải pháp: Thống nhất và hoàn thiện các tiêu chuẩn khác nhau về xây dựng, vận hành Nhà máy đốt rác phát điện; Có quy định thống nhất trên cả nước về thủ tục đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện để tránh mỗi địa phương yêu cầu một khác; Đối với các tỉnh, thành phố nhỏ, dân số ít, các cơ quan liên quan nên phối hợp xây dựng dự án điện rác ở một số tỉnh lân cận, đảm bảo tính khả thi của dự án và quy mô kinh tế để thu hút các nhà đầu tư.

     Công ty mong muốn, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ sẽ là một hình mẫu để cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương tham khảo, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác tại Việt Nam.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Hương Trần (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

Ý kiến của bạn