Banner trang chủ

Đổi mới sinh thái hướng đến nền kinh tế ít các bon tại Việt Nam

06/05/2015

     Ngày 5/5/2015, tại Hà Nội Chương trình Liên hợp quốc (UNEP) đã tổ chức Hội thảo quốc gia về Đổi mới sinh thái tại Việt Nam.

     Năm 2012, với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (EC), UNEP đã thành lập Dự án Đổi mới sinh thái toàn cầu, nhằm phát triển nguồn lực địa phương và năng lực đổi mới sinh thái tại các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển; Nâng cao đóng góp của khối doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ đối với mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) đi đôi với sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để tiếp cận các DN này, Dự án hợp tác với các tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các quốc gia mục tiêu, cụ thể là 8 quốc gia trong 3 khu vực, gồm châu Phi (Nam Phi, Uganda, Kenya), châu Á (Malaixia, Sri Lanka, Việt Nam) và châu Mỹ Latinh (Colombia, Peru).

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Việt Nam là nước đang trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế xanh, trong đó SX&TDBV là một trong những yếu tố then chốt, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và đẩy mạnh sự hình thành nền kinh tế ít các bon. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc tiêu thụ nguyên, vật liệu, năng lượng, cùng với đó là tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý, quy trình sản xuất lạc hậu… dẫn đến tỷ suất phát thải cao. Dựa trên kết quả đánh giá sáng kiến đề xuất Dự án dành cho các đơn vị cung cấp dịch vụ và các tổ chức nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) đã được UNEP lựa chọn để thực hiện Dự án đổi mới sinh thái tại Việt Nam. Dự án gồm 2 hợp phần: Hợp phần chính sách và hợp phần ứng dụng thí điểm. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin về Dự án; Những cố gắng của UNEF và Ủy ban châu Âu trong tiến trình hỗ trợ đổi mới sinh thái tại Việt Nam và toàn cầu.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung chính: Lồng ghép những chính sách và chương trình SX&TDBV vào đổi mới sinh thái; Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường; Dự án Đổi mới sinh thái tại Việt Nam: Hợp phần triển khai tại các DN; Đổi mới sinh thái - Thách thức và cơ hội; Triển vọng về SX&TDBV tại Việt Nam… nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh đối với các DN trong xu hướng tiêu dùng bền vững của thị trường hiện nay và tương lai.  

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn