Banner trang chủ

Việt Nam tích cực hợp tác toàn cầu về giảm thiểu rác thải nhựa

17/03/2021

     Rác thải nhựa (RTN) đã và đang gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường, đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Trước tình trạng RTN ngày càng tăng, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về RTN. Trong 2 năm qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam để đưa ra các giải pháp chấm dứt RTN và phát triển bền vững. Cùng với Inđônêxia và Ghana, Việt Nam hiện là một trong 3 quốc gia tiên phong trên toàn cầu thực hiện Sáng kiến Chương trình Đối tác Hành động toàn cầu về nhựa. Để hiểu rõ hơn về Chương trình này, Tạp chí Môi trường đã phỏng vấn TS. Trịnh Thái Hà - Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam.

TS. Trịnh Thái Hà - Giám đốc Chương trình NPAP Việt Nam

PV. Trước áp lực gia tăng RTN toàn cầu, việc khởi động Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa hiện nay, thưa bà?

TS. Trịnh Thái Hà: Ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách trên phạm vi toàn cầu. Cùng với việc gia tăng tiêu thụ sản phẩm nhựa, lượng RTN đang ngày càng gia tăng, nhất là từ việc sử dụng túi ni lông do loại túi này siêu mỏng, khó phân hủy và thường thải bỏ sau một lần sử dụng. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, trong giai đoạn 2010-2020, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện khoảng 54 kg/năm/người. Mức tăng này cho thấy, nhu cầu sử dụng sản phẩm của ngành nhựa ở trong nước ngày một tăng lên. 

     Để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về giảm thiểu RTN, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Theo Kế hoạch, đến năm 2025 phải tạo được sự đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của RTN đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

    Vấn đề ô nhiễm RTN cũng được các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cộng đồng và doanh nghiệp tham gia giải quyết thông qua các chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau, từ việc rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế và chính sách pháp luật, đến tăng cường thu gom, xử lý RTN và các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng.

     Trong nỗ lực cùng chung tay giảm thiểu RTN, việc khởi động Chương trình Đối tác Hành động toàn cầu về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) là rất cần thiết. Đây là một trong những nội dung hợp tác giữa Bộ TN&MT với Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện Sáng kiến Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa. Đồng thời, đây cũng là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường.

     Chương trình NPAP đóng vai trò quy tụ các chủ thể thuộc nhà nước, tư nhân và xã hội cùng gắn kết theo một cách tiếp cận chung nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa, đồng thời chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa. NPAP được thiết kế như một nền tảng hợp tác công-tư hướng tới tập hợp và kết nối đối tác, các sáng kiến, các nguồn đầu tư, và trên cơ sở đó hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhân rộng và thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu quốc gia về quản lý chất thải nhựa và giảm thiểu RTN đại dương.

Các tầng lớp nhân dân trong xã hội tích cực thu gom rác

PV. Bà có thể cho biết mục tiêu, nội dung và các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình NPAP để chuyển kế hoạch thành hành động?

TS. Trịnh Thái Hà: Mục tiêu của Chương trình NPAP là hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm RTN và ủng hộ triển khai các đề án, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. NPAP Việt Nam sẽ tập trung vào ba trụ cột chiến lược, cụ thể:

     Thứ nhất là tổng hợp kiến thức và hiểu biết chuyên sâu về thực tiễn tại Việt Nam. Thông qua nghiên cứu giám sát, đánh giá phạm vi và trọng tâm ưu tiên theo chuỗi giá trị ngành nhựa tại Việt Nam, NPAP sẽ xác định các yếu tố có thể dẫn đến các thay đổi mang tính hệ thống, tìm ra các điểm là đòn bẩy mang tính chiến lược có thể tạo ra thay đổi toàn diện nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề về nhựa và chất thải nhựa.

     Thứ hai là thúc đẩy việc triển khai các chương trình hành động quốc gia. Thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, NPAP sẽ thúc đẩy hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực trong việc xây dựng và triển khai hỗ hợ các chiến lược, kế hoạch và cơ chế quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam.

     Thứ ba là xúc tác các hoạt động đầu tư mang tính chiến lược. Song song tiến hành nghiên cứu trong nước và thúc đẩy các phiên thảo luận theo hướng tập trung đề xuất được giải pháp cụ thể, NPAP sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác công-tư chiến lược để triển khai huy động vốn quy mô lớn, nhằm hỗ trợ thực hiện lộ trình và kế hoạch hành động.

PV. Trong thời gian tới, NPAP sẽ có những hỗ trợ như thế nào cho những sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm nhựathúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?

     Lễ khởi động Chương trình NPAP vừa diễn ra mới đây đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Bộ TN&MT và Diễn đàn Kinh thế thế giới để thực hiện các sáng kiến, chiến lược nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và ASEAN thông qua đối thoại chính sách, quan hệ đối tác mới và các cơ hội hợp tác khác.

     Trong thời gian tới, NPAP sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện chuyên đề và các phiên thảo luận để tăng cường kết nối mạng lưới, tập hợp và tham vấn đơn vị liên quan về việc xây dựng mạng lưới kết nối toàn hệ thống, xác định phương hướng nghiên cứu và đánh giá các kết quả nghiên cứu phân tích toàn diện, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị chính sách và chiến lược hành động sâu sát với thực tiễn.

Các đại biểu dự Lễ khởi động Chương trình NPAP ngày 23/12/2020

    Một trong số các nhiệm vụ quan trọng của NPAP là xây dựng và giới thiệu lộ trình hành động quốc gia có sự tham gia của đa chủ thể, đưa ra các giải pháp đổi mới hệ thống mà Việt Nam cần thực hiện nhằm ngăn ngừa cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa và RTN đại dương đang diễn ra. Lộ trình hành động này được xây dựng dựa trên các bằng chứng thực tiễn và cơ sở khoa học. Dự thảo báo cáo lộ trình hành động do NPAP thực hiện đang được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế thông qua ba vòng tham vấn toàn thể. Dự kiến NPAP sẽ công bố Báo cáo toàn văn Lộ tình hành động trong thời gian tới.

    NPAP mong muốn tận dụng sức mạnh tập hợp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới để hướng các luồng đầu tư toàn cầu và nội địa từ các tổ chức như Quỹ Môi trường Toàn cầu, Ngân hàng Thế giới, các đối tác quốc tế, nhà đầu tư và các tập đoàn tài chính vào các sáng kiến có hiệu quả cao trong việc giảm ô nhiễm từ rác thải nhựa. NPAP sẽ đóng vai trò là nền tảng cho các sáng kiến liên quan đến nhựa ở Việt Nam, từ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến các dự án về cơ sở hạ tầng lớn, cùng hợp tác và điều phối các hoạt động đầu tư và nguồn lực để xúc tiến việc đáp ứng các nhu cầu về quản lý rác thải, thiết kế vật liệu và đổi mới sáng tạo.

PV:Trân trọng cảm ơn bà!

 Châu Loan (Thực hiện)       

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2021)

Ý kiến của bạn