Banner trang chủ

Việt Nam hướng đến nền kinh tế các bon thấp vào năm 2050

05/04/2022

Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Hơn nữa, chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu với các biểu hiện: trái đất nóng lên, thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, nước biển dâng... Nguyên nhân chính đến từ sự gia tăng lượng CO2 trong khí quyển.

    Cam kết phát triển nền kinh tế xanh và bền vững

    Khí CO2 thường tích tụ trong một thời gian dài khi thải vào khí quyển, chỉ một phần được thực vật và động vật tự nhiên hấp thụ, phần còn lại vẫn tồn tại trong bầu khí quyển và gây ra hiệu ứng nhà kính. 7% là con số chỉ lượng khí thải CO2 trong không khí thấp ở mức kỷ lục vào năm 2020, đặc biệt tại thời điểm tháng 4 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nhiều quốc gia. 

    Việc giãn cách xã hội tuy cải thiện được lượng khí thải ra, giúp Trái Đất “phục hồi” nhanh hơn 15 năm so với dự kiến của các chuyên gia nghiên cứu, nhưng đã gây ra tình trạng đình trệ đối với nền kinh tế của các quốc gia. Có thể nói, việc cam kết hướng đến một nền kinh tế bền vững là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp có thể dung hoà được việc phát triển kinh tế và bảo vệ hành tinh xanh. 

Ảnh minh họa

    Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26), hơn 100 quốc gia đã cam kết thực hiện các biện pháp bền vững để đối mặt với biến đổi khí hậu. Trong đó, Mỹ và Liên minh châu  Âu đã đưa ra những cam kết khi đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 2005. Trung Quốc cũng đã nói không với điện than, đặt mục tiêu sản xuất 25% năng lượng từ các nguồn năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời hoặc năng lượng hạt nhân vào trước năm 2030.

    Là một trong sáu nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải "Các bon thấp", "kinh tế xanh". Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Chính phủ, đó là phát triển xanh và bền vững.

    Kinh tế các bon thấp cho sản xuất và tiêu dùng

    Việc tiến xa hơn với những giải pháp công nghệ các bon thấp sẽ mang lại những lợi ích như giảm áp lực lên môi trường, cải thiện an ninh nguồn cung và giá nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh, kích thích đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm xanh và bền vững.

    Hiện nay, việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh khối và khí tự nhiên là một trong những định hướng hành động quan trọng của doanh nghiệp, cân bằng lượng các bon tạo ra để giảm khí thải nhà kính trong khí quyển bằng cách khuyến khích trồng rừng và sử dụng công nghệ thu giữ và lưu giữ CO2.

    Có thể nói, việc ứng dụng nền kinh tế các bon thấp trên phạm vi toàn cầu có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho cả các nước phát triển và đang phát triển, là một trong những phương thức cho các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với BVMT,  là một bước tiến hướng tới tương lai tiến bộ, bền vững và đáng tin cậy.

Vũ Hồng

 

Ý kiến của bạn