Banner trang chủ

Tiêu thụ và sản xuất nhựa theo hướng bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa tại Việt Nam

20/06/2022

    Ngày 16/6/2022, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã phối hợp với Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp  (Expertise France) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”. Dự án được Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức hỗ trợ nhằm mục tiêu chuyển đổi việc tiêu thụ và sản xuất nhựa theo hướng bền vững, góp phần giảm rác thải biển thông qua việc áp dụng cách tiếp cận, chính sách và mô hình kinh tế tuần hoàn.Tham dự Hội thảo có bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao xanh và chủ nghĩa đa phương, Tổng vụ Môi trường thuộc Ủy ban châu Âu; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT và các cơ quan tham gia Dự án…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất là cái nôi của sự sống, có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, các giá trị văn hóa, tinh thần của con người. Tuy nhiên, biển đại dương hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Cùng chung tay với nỗ lực của cộng đồng quốc tế hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trong hai năm qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Expertise France tích cực triển khai 4 hoạt động thí điểm và một số hoạt động kỹ thuật được thực hiện trong khuôn khổ Dự án.

    Tại Hội thảo, các đơn vị phối hợp đã giới thiệu kết quả các hoạt động thí điểm trong khuôn khổ của Dự án, liên quan đến chất thải nhựa tại 3 tỉnh, TP: Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phú Yên. Các Dự án thí điểm đã góp phần giải quyết thách thức liên quan đến rác thải nhựa với cách tiếp cận mới, cải thiện hiện trạng và đưa ra các khuyến nghị chính sách cũng như tài liệu hướng dẫn cụ thể ở 3 tỉnh, thành khác nhau tại Việt Nam. Đồng thời, các dự án thí điểm tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải nhựa, cải thiện công tác thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa trên đất liền và tại các cảng.

    Ngoài ra, Dự án đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách quan trọng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và nâng cao chất lượng quản lý rác thải nhựa, sản xuất - tiêu dùng bền vững nhựa và các phương pháp xử lý rác thải biển. Trong đó, phải kể đến việc Dự án góp phần hỗ trợ xây dựng khung pháp lý về Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) và xây dựng các tài liệu thông tin, hướng dẫn về EPR.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Xuân Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên tìm kiếm các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa trên biển tập trung giải quyết các vấn đề rác thải từ các nguồn thải trên đất liền và từ các hoạt động trên biển. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến năm 2030. Tôi tin rằng các hoạt động được triển khai trong khuôn khổ Dự án đã góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, phù hợp với Luật BVMT năm 2020. Hy vọng các kết quả của Dự án sẽ được nhân rộng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa và cải thiện công tác quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

    Đánh giá về kết quả Dự án, bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao xanh và chủ nghĩa đa phương, Tổng vụ Môi trường thuộc Ủy ban châu Âu nhận định: Rác thải nhựa liên quan đến tất cả chúng ta, vì vậy cần hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa - một nền kinh tế trong đó tài nguyên được sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững hơn. Thông qua Dự án 'Suy nghĩ lại về nhựa', chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển và chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu và cũng như kinh nghiệm của các nước trong khu vực, như Thỏa thuận Xanh châu Âu và Chiến lược nhựa của EU. Bốn dự án thí điểm đã bổ sung cho những nỗ lực chung hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn bằng các hành động và kinh nghiệm cụ thể từ cấp địa phương, cùng sự tham gia của cộng đồng, các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, các hoạt động này có thể gợi mở cho các sáng kiến ​​và chính sách nhằm giảm phát sinh chất thải, nâng cao chất lượng tái chế và hỗ trợ cho quy trình từ thiết kế, sản xuất, vận chuyển, phân phối, tiêu dùng, quản lý, xử lý đến tái chế chất thải.

Châu Long

Ý kiến của bạn