Banner trang chủ

Mô hình cộng đồng dân cư tham gia quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng khôn khéo đất ngập nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, tỉnh Ninh Bình

30/07/2021

    Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) đất ngập nước (ĐNN) Vân Long, tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 2888/QĐ-UB ngày 18/12/2001 của UBND tỉnh Ninh Bình với tổng diện tích 2.736 ha. Nơi đây không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp, mà còn là vùng ĐNN đa dạng các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý bảo vệ KBT đang gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí hoạt động hàng năm hạn hẹp. Bên cạnh đó, KBT là vùng giáp ranh ba tỉnh, có địa hình chia cắt mạnh do đó việc tổ chức tuần tra bảo vệ rừng rất khó khăn. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích về vai trò của các bên liên quan trong quản lý rừng, bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN KBTTN Vân Long, tỉnh Ninh Bình để xác định các tồn tại, khó khăn khi cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường vai trò cộng đồng tham gia quản lý ĐDSH cho KBT trong thời gian tới.

Xây dựng các mô hình điểm về sử dụng khôn khéo ĐNN, góp phần bảo vệ ĐDSH bền vững ở KBTTN Vân Long, Ninh Bình

1. Địa điểm và phương pháp nghiên cứu

    KBTN ĐNN Vân Long nằm trên địa bàn 7 xã Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh và Liên Sơn, huyện Gia Viễn, nơi đây có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với 1.194 loài động thực vật sinh sống, trong đó có 15 loài thực vật và 12 loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Các loài đặc hữu của Việt Nam được ghi nhận ở khu vực này là gỗ nghiến, lim xẹt và voọc mông trắng. Với những giá trị sinh thái quan trọng cùng tính độc đáo của ĐDSH, năm 2019 KBT Vân Long được đón bằng công nhận là Khu Ramsar (khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 2360 của thế giới và là khu thứ 9 của Việt Nam. Theo số liệu từ BQL KBT, năm 2019 có khoảng 41.163 nhân khẩu sống trong địa phận KBT. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư chủ yếu là trồng lúa nước, hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

    Phương pháp điều tra xã hội học: Nghiên cứu sử dụng Bộ bảng hỏi (87 phiếu) phỏng vấn, điều tra và thu thập thông tin trực tiếp hộ dân sống trong vùng lõi của KBT Vân Long thuộc 3 xã Giao Hòa, Gia Hưng, Gia Thanh. Tổng số phiếu điều tra thực hiện trong nghiên cứu này được tính theo công thức [8]:

                                        n = N1+N.e2

    Trong đó, n là kích cỡ mẫu, N là tổng số hộ ở khu vực nghiên cứu và e là xác suất có khả năng gặp sai số loại 2 (10 %).

2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

    Sự thay đổi về thu nhập của cộng đồng sau khi thành lập KBT       

    Theo kết quả điều tra cho thấy, trước khi thành lập KBT các hoạt động thường xuyên diễn ra trong KBT là khai thác gỗ (củi đun, củi bán, than củi), khai thác đá xây dựng, khai thác thủy sản, khai thác rừng làm nông nghiệp và chăn thả gia súc, săn bắt động vật. Điều này, dẫn đến hậu quả suy giảm mật độ che phủ rừng, xói mòn đất và hiện tượng lũ tràn xảy ra ở các thôn với tần xuất lớn. Hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng cho sinh hoạt và sản xảy ra tại thôn Đồi Ngô, Đá Hàn. Sau khi thành lập KBT, tại thời điểm khảo sát các hoạt động tác động lên KBT đã giảm đi rõ rệt, hầu như là không còn. Chỉ còn ít các hộ khai thác củi đun và chăn thả gia súc trong KBT.

  

Hình 1. Hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương trước và sau khi thành lập KBT

    Mặc dù khi mới thành lập KBT, các hoạt động khai thác của người dân lên KBT đều bị nghiêm cấm, các nguồn thu từ trước khi thành lập KBT không còn, người dân cho rằng việc thành lập KBT đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, theo kết quả điều tra thu nhập của người dân ổn định hơn so với trước khi thành lập KBT, trước khi thành lập KBT chỉ có 38,8% số hộ được hỏi cho rằng thu nhập của họ ổn định, 61,2% số hộ cho rằng thu nhập của họ không ổn định; tại thời điểm hiện tại, có tới 91,9% số hộ cho rằng hiện tại thu nhập của họ đã ổn định và chỉ có 8,1% số hộ cho rằng thu nhập không ổn định. Khi được hỏi về cuộc sống trước khi thành lập KBT, người dân cho biết cuộc sống của họ thiếu thốn nếu chỉ trông vào nông nghiệp thì không đủ ăn. Ngoài những vụ mùa, họ tranh thủ lúc nông nhàn khai thác tài nguyên rừng để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi thành lập KBT đã có rất nhiều chuyển biến về ngành nghề, giúp thu nhập của người dân ổn định hơn.

    Theo kết quả phỏng vấn trực tiếp người dân tham gia chèo thuyền tại đầm Vân Long cho thấy, hiện nay giá vé tham quan đầm Vân Long là 80.000đồng/người/lượt, người dân được chiết khấu 20.000 đồng/1 người/lượt. Trung bình thu nhập mỗi người dân tham gia chèo thuyền là từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Còn đối với các hoạt động kinh doanh lưu trú tùy theo quy mô mà thu nhập mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng mỗi tháng.

    Từ khi thành lập KBT vào năm 2001 thì rừng được trồng mới và bảo vệ tốt hơn. Nhờ đó mà nguồn nước được điều tiết và duy trì ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy, 91,9% số người được hỏi cho biết hoạt động sản xuất và thu nhập của họ ổn định và nâng cao do có được nguồn nước ổn định để phục vụ sản xuất [6].

    Đối với thu nhập từ lâm nghiệp của hộ gia đình chủ yếu từ nhận khoán bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc phát triển rừng. Kết quả điều tra thu được, có 21/87 hộ điều tra có nguồn thu nhập từ lâm nghiệp (nhận khoán bảo vệ rừng và trồng chăm sóc bảo vệ rừng) chiếm tỷ lệ 24,4% số hộ và 66/87 hộ không có nguồn thu nhập từ lâm nghiệp. Trong số các hộ có thu nhập từ lâm nghiệp, mức thu nhập 3 - 5 triệu chiếm tỷ lệ cao nhất là 20,42%.  Như vậy, thu nhập từ các hoạt động nhận khoán bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng đang có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng dân cư sống gần rừng.

    Vai trò của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN tại KBTTN Vân Long

    Cộng đồng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng

    Hiện nay, KBT đang giao khoán bảo vệ 2.000 ha rừng cho 150 hộ gia đình theo tổ bảo vệ rừng ở các thôn bản, qua đó đã huy động được sự tham gia tích cực của cộng địa phương trong bảo vệ rừng. Hoạt động này không chỉ góp phần vào công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học mà còn mang lại thu nhập cho người dân. Theo quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 thì mức khoán quản lý bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Mức cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Tại KBT Vân Long nói riêng, tỉnh Nimh Bình nói chung đơn giá nhận khoán bảo vệ rừng là 100.000đ/ha/năm, đơn giá này hiện đang ở mức thấp so với mặt bằng trung của cả nước. Hàng năm, Ban quản lý Khu bảo tồn kết hợp với lực lượng kiểm lâm địa phương và chính quyền xã nghiệm thu tình trạng rừng được bảo vệ. Sau đó căn cứ vào tình trạng rừng, khả năng và nhu cầu của các hộ để ký tiếp hợp đồng nhận khoán trông coi, bảo vệ rừng mới.

    Sự tham gia của cộng đồng trong việc tuần tra bảo vệ rừng

    Tại KBT ĐNN Vân Long, BQL phối hợp với UBND các xã nằm trong KBT thành lập các tổ tuần tra bảo vệ rừng (BVR) ở các thôn. Mỗi thôn có 1 tổ BVR, mỗi tổ gồm 2 người tiến hành tuần tra 1 tháng/lần. Khi phát hiện các vụ vi phạm các tổ BVR báo cho BQL để tiến hành xử lý. Bên cạnh đó, qua điều tra các hộ dân có tới 56/87 hộ (chiếm tỉ lệ 64,4%) số hộ được hỏi cho biết, họ thường xuyên tham gia và phối hợp với Ban Quản lý trong các hoạt động bảo vệ rừng.

    Hỗ trợ kinh phí từ các chương trình, dự án BVR: Từ năm 2015 đến tháng 9/2020, có 20 hộ dân tham gia vào công tác tuần tra BVR, được trang bị máy để ghi lại hành trình tuần tra, giám sát rừng và những phát hiện về loài động, thực vật. Người dân tham gia tuần tra BVR được Dự án trả lương 1.000.000đ/tháng. Tuy nhiên, sau đó nguồn tài trợ không còn, nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục duy trì công việc, vì thông qua Chương trình họ ý thức được vai trò quan trọng của rừng đối với đời sống [7].

    Công tác phòng chống cháy rừng: Các tổ BVR ở các thôn cũng chính là lực lượng xung kích PCCR của thôn, huy động toàn bộ người dân tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Tổ BVR và các hộ nhận khoán BVR tổ chức trực 24/24h trong các ngày có báo động cháy rừng ở các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và những khu vực trọng điểm cháy rừng. Với sự tham gia của cộng đồng vào công tác PCCR thì số vụ cháy rừng trong KBT giảm rõ rệt.

    Nhận thức của người dân về quản lý BVR và ĐDSH: Người dân đóng vai trò quan trọng trong công tác thực hiện hoạt động liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng, vì họ mới chính là người trực tiếp tham gia và sinh sống trong KBT. Nếu nhận thức của người dân tốt sẽ giảm thiểu được các tác động đến KBT giúp cho việc quản lý và BVR hiệu quả.

    Theo kết quả điều tra có 87,1% tổng số người được hỏi biết các hoạt động liên quan đến rừng bị cấm trong khu bảo tồn; 83,5% số người trả lời cho rằng họ có biết mục đích thành lập KBT; và có 80,9% số người được hỏi biết ranh giới của KBT. Có được kết quả này cán bộ BQL KBT hàng năm đều mở các buổi tuyên truyền lưu động tới người dân, phối hợp với UBND các xã nằm trong KBT phát động các phong trào học tập BVR. Đồng thời, nhân viên BVR lại chính là người dân trong thôn nên việc tuyên truyền chỉ dẫn ranh giới KBT cho những người dân trong khu bảo tồn rất thuận lợi. Chính nhờ hiểu biết và nhận thức của cộng đồng ngày càng nâng cao nên họ tham gia rất nhiệt tình vào các hoạt động bảo tồn ĐDSH ở KBTN ĐNN Vân Long.

    Nghiên cứu cho thấy, hoạt động cộng đồng tham gia nhiều nhất là nhận khoán BVR (24,4%), dịch vụ du lịch sinh thái (21,3%) và tham gia lực lượng BVR, phát hiện và tố giác tội phạm (19,7%), trong khi đó hoạt động trồng và chăm sóc rừng trồng (10,75 %). Trao đổi với cán bộ KBT về vấn đề các hộ ít tham gia vào hoạt động chăm sóc, trồng rừng vì do trùng với lịch thời vụ nông nghiệp.

Bảng 1. Đánh giá sự tham gia của người dân trong quản lý và BVR

Hạng mục

SOWT

Mạnh (S)

Yếu (W)

Cơ hội (O)

Thách thức (T)

Tham gia nhận khoán quản lý BVR

Mong muốn được nhận khoán BVR

Người nhận chưa ý thức hết được những yêu

cầu và nhiệm vụ được giao

Sử dụng lao động địa phương bảo vệ rừng

Diện tích và kinh phí khoán chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân

Trồng và chăm sóc rừng trồng

Tăng thu nhập

Trùng với lịch thời vụ nông nghiệp

Phát triển rừng

Người dân thường ít tham gia

Tham gia phòng cháy chữa cháy rừng

Giảm thiểu việc cháy rừng

 

Ngăn chặn việc cháy rừng thông

qua việc đào tạo cho tổ phòng chống cháy rừng dựa vào cộng đồng

Thiếu sự tham gia thật sự của

người dân, thiếu kỹ năng phòng chống lửa rừng, người dân không nhiệt tình

Tham gia lực lượng BVR, phát hiện và tố giác tội phạm

Lực lượng hùng hậu, thông thạo về rừng

Một số người dân vì lợi ích rừng còn bao che cho  lâm tặc, ít tố giác tội phạm

Sử dụng lực lượng tại chỗ BVR

Thiếu một mạng

lưới xã hội trong quản lý rừng

 

Dịch vụ DLST

Nâng cao cơ hội giao tiếp, thu nhập

Nguồn vốn của người dân không đủ để đầu tư

Sử dụng lao động địa phương

Tăng thêm các

nguyên nhân

làm mất ĐDSH

Họp về QLBVR

Người dân có thể đưa ra ý kiến phản hồi

Các nguồn thông tin không được đầy đủ

Có được sự thỏa thuận của cộng đồng

Đôi khi bị áp đặt bởi một số cán bộ và cả một số

người chủ chốt trong thôn

 

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

    Vai trò của các bên liên quan trong bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN

    Các nhà bảo tồn, đặc biệt các KBT ĐNN đang thay đổi từ triết lý KBT nghiêm ngặt sang công nhận cộng đồng sống phụ thuộc vào khai thác các dạng tài nguyên ĐNN. Việc tách biệt giữa bảo tồn và sử dụng tài nguyên không còn được coi là phù hợp, đặc biệt tại Việt Nam, người dân đã có truyền thống sinh kế từ khai thác tài nguyên thủy sinh ở các vùng ĐNN. Với triết lý sử dụng khôn khéo ĐNN, ở nước ta đã xây dựng và áp dụng nhiều mô hình quản lý, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học và nâng cao sinh kế với sự tham gia của cả nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng. Tại KBTTN  ĐNN Vân Long, BQL đã xây dựng mô hình điểm về sử dụng khôn khéo ÐNN với mục tiêu nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái vùng ĐNN có sự tham gia tích cực của cộng đồng tại 3 xã vùng đệm đã khuyến khích được sự tham gia của các bên liên quan bao gồm chính quyền và cộng đồng địa phương. Ngoài ra, mô hình du lịch sinh thái tại KBTTN ĐNN Vân Long cũng đã tạo ra nhiều việc làm cho khoảng 456 lao động trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, chưa kể đến số lao động gián tiếp có thêm việc làm như sản xuất hàng lưu niệm, bán hành, các dịch vụ bổ trợ… 

3. Kết luận và kiến nghị

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn ĐDSH là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội và phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của địa phương. Trước khi thành lập KBT Vân Long, các hoạt động khai thác nông lâm sản, săn bắt động vật diễn ra thường xuyên. Từ khi thành lập KBT thì công tác BVR và ĐDSH có sự tiến bộ, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, cơ cấu thu nhập của người dân thay đổi so với trước khi giao rừng. Nhận thức của người dân về vai trò của rừng và ĐDSH cũng có sự thay đổi theo hướng có lợi cho việc quản lý, bảo vệ.

    Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Mức chi trả cho hoạt động khoán quản lý bảo vệ rừng còn quá thấp; định mức cho trồng rừng, chăm sóc rừng cũng còn rất thấp; người dân địa phương vẫn chưa thực sự hiểu rõ được vai trò và sự tham gia của mình trong từng khâu của quá trình quản lý... Do vậy, một số kiến nghị được đưa ra nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng và ĐDSH như sau:

    Một là, tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế quản lí hợp tác trong bảo tồn và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan. Trao cho cộng đồng quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định của địa phương cũng như kiểm tra, giám sát việc bảo tồn ĐNN tại địa phương để kịp thời có các kiến nghị điều chỉnh. Đối với các nhóm doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao nhận thức phải có các chế tài xử phạt nghiêm khắc để vừa răn đe, vừa giáo dục trong việc bảo tồn ĐNN.

    Hai , các hợp đồng khoán  quản lý BVR cần được xem xét lại trên cơ sở có sự tham gia của người dân địa phương phối hợp với ban quản lý rừng để đạt được sự đồng thuận trong các điều khoản nội dung quản lý bảo vệ cũng như trách nhiệm và quyền lợi của các bên nhận khoán, giao khoán và thời gian của hợp đồng. Việc khen thưởng kịp thời các nhóm hộ tích cực trong công tác BVR cũng là một động lực không thể thiếu trong công tác giao khoán này.

    Nâng cao giá giao khoán, bảo vệ rừng cho người dân để họ yên tâm bảo vệ rừng. Đơn giá đang thực hiện hiện nay là quá thấp so với qui định. Ngoài ra, cần nghiên cứu đưa ra hướng dẫn những sản phẩm người dân được hưởng lợi khi nhận giao khoán bảo vệ rừng. Điều này sẽ thúc đẩy họ tham gia nhận khoán, góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

    Ba là, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.

    Bốn là, tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng và ĐDSH, những lợi ích có được khi bảo vệ tốt tài nguyên rừng cũng như ĐDSH. Người dân ở đây đã có ý thức khá tốt thì phải duy trì những hoạt động nâng cao hơn nữa sự hiểu biết và tự nguyện tham gia vào công tác bảo tồn.

Nguyễn Thị Huyền Thu, Cao Thị Thanh Nga

Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT (2016), Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 27/6/2016 về Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

2. Ban Quản lý rừng đặc dung Hoa Lư - Vân Long (2020), Thuyết minh thiết kế dự toán công trình lâm sinh (Hạng mục thiết kế bảo vệ rừng đặc dụng).

3. Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long (2020), Báo cáo Kết quả công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021.

4. Ban Quản lý KBT rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long (2020), KBTTN ĐNN Vân Long, Tài liệu nội bộ.

5. Lê Văn Khoa (2014), Cần khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ ĐDSH, Tạp chí Môi trường, số 11/2014.

6. Tài liệu điều tra của tác giả, 2021.

7. Tài liệu phỏng vấn sâu của tác giả, 2021.

8. IPCC (2007), Climate Change 2007: Synthesis Report. Contribution of Working Groups I, II and III to the Fourth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change [Core Writing Team, Pachauri, R.K and Reisinger, A. (eds.)], IPCC, Geneva, Switzerland.

 

Ý kiến của bạn