Banner trang chủ

Hà Nội: Tăng cường kiểm soát đốt rơm rạ trên đồng ruộng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí

14/09/2021

     Theo kết quả nghiên cứu “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” do Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2021, tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng tại Hà Nội trung bình là 43,2% (cao gấp đôi so với cùng vụ năm 2020).

     Trong đó, các quận, huyện như Hoài Đức, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm là những địa phương có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ ở mức cao, từ khoảng 75 - 92%. Các huyện Thanh Trì, Quốc Oai, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất và Phúc Thọ, tỷ lệ đốt nằm trong khoảng từ 50 - 70%.

     Kết quả tính toán từ nghiên cứu cho thấy, tổng lượng bụi phát sinh trong điều kiện thực tế đối với vụ Đông - Xuân năm 2021 trên địa bàn TP.Hà Nội là 193.621 tấn bụi mịn PM2.5, tăng gần 1,5 nghìn tấn và gấp 4 lần lượng phát thải cùng kỳ năm 2020. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ là nguồn phát thải đáng kể khiến chất lượng không khí bị ô nhiễm.

     Theo các chuyên gia, bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Ngoài ra, còn ảnh hưởng tới an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM2.5…

     Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch. Ảnh hưởng đến tầm nhìn của giao thông…

    Các chuyên gia môi trường cho rằng, đốt rơm rạ là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM2.5, PM10, black cacbon, NOX, NH3, HC... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân bản địa và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.

     Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, khói rơm rạ cũng được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh liên quan đến hô hấp và tim mạch như phổi tắc nghẽn mãn tích, hen suyễn…

Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm - Ảnh: Internet

     Để kiểm soát các hoạt động này, ngày 18/9/2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15 /CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận huyện cũng đã có các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.

     Từ việc phân tích các đặc tính xung quanh cây lúa, nhiều giải pháp được thiết lập nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả xử lý rơm rạ, trong đó phải kể đến các quy mô hiệu quả như: Với quy mô nhỏ áp dụng với các hộ gia đình, cá nhân có thể ủ rơm bằng chế phẩm sinh học, vi sinh (làm phân bón hữu cơ ngay tại đồng ruộng hoặc hỗ trợ các cây trồng khác); trồng nấm; tận dụng rơm rạ trong chăn nuôi (làm thức ăn và làm đệm lót sinh học); làm sản phẩm thủ công...

     Quy mô lớn áp dụng với các khu vực sử dụng máy móc, công nghệ: Cày vùi rơm rạ vào đất và lấy nước vào ruộng ngay sau thu hoạch; mô hình kết hợp (cuốn rơm - cày vùi gốc rạ - rải phân vi sinh); sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất năng lượng sinh học thay thế. Cùng trong một huyện nhưng các xã, cụm xã có thể lựa chọn nhiều giải pháp khác biệt để phù hợp với đặc tính địa phương như: Vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), Bò sữa (huyện Ba Vì), Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…. Song, theo người dân, thực tế ở nhiều vị trí các giải pháp này còn khó thực hiện hay gây mất thời gian tiêu tốn kinh phí. Đốt rơm rạ sẽ không tốn công xử lý sau khi thu hoạch mà còn tiêu diệt được mầm mống dịch hại và sau khi đốt rơm thành tro và tro này ủ khoảng 2 - 3 tháng, sẽ đem bón cho các ruộng trồng rau.

     Năm 2021, Dự án "Chung tay hành động vì không khí sạch" do USAID tài trợ  tiếp tục đồng hành cùng TP. Hà Nội hỗ trợ nhóm nghiên cứu khoa học, song song với quá trình xây dựng kế hoạch của các địa phương (cấp huyện/xã) và các đơn vị truyền thông. Nhiều hoạt động được đưa ra, bao gồm hỗ trợ ngân sách, nhân lực từ địa phương và các nhóm cộng đồng/ hợp tác xã trực tiếp thí điểm giải pháp xử lý rơm rạ hoặc hướng dẫn người dân triển khai... Trong đó, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh... đã lập kế hoạch thúc đẩy các giải pháp truyền thông, xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng. Một số giải pháp kỹ thuật cũng được áp dụng, như sử dụng các loại chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân bón, thu cuốn rơm rạ để tiếp tục sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác và thu gom rơm làm thức ăn cho cá, làm mái nhà, sân chơi…

     Từ đầu năm 2021, huyện Đông Anh đã phối hợp cùng Live & Learn và nhiều doanh nghiệp xử lý rác triển khai Chương trình Giảm rác tại cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ đốt rác tại địa phương. Tính đến tháng 8/2021, Chương trình được thí điểm triển khai tại 4 xã trên địa bàn huyện với các hoạt động phân loại và ủ rác hữu cơ. Kết quả kiểm kê rác với 54 hộ gia đình chỉ ra rằng sau khi phân loại và xử lý rác hữu cơ, khối lượng rác chuyển đến bãi chôn lấp giảm 50 - 70%. Tuy nhiên, những người làm nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới các chính sách/kế hoạch của các cấp và sự tham gia của các bên liên quan để giảm thiểu hoạt động đốt rơm rạ triệt để và bền vững.

An Vi

Ý kiến của bạn