Banner trang chủ

Đề xuất một số giải pháp góp phần bảo vệ môi trường không khí ở Thủ đô Hà Nội

03/06/2024

    Theo Báo cáo đánh giá tác động và thuyết minh Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là ô nhiễm bụi PM10 và bụi PM2.5 có xu hướng tăng qua các năm. Do đó, quy định về Vùng phát thải thấp là cơ sở để xây dựng các biện pháp giảm ô nhiễm không khí. Các biện pháp này được đề xuất tại khoản 4, Điều 29 Dự thảo luật, phù hợp với khả năng thực hiện của Thủ đô, như “hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải”. Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô cũng đã xác định cần phải có sự phối hợp giữa TP. Hà Nội với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô như theo quy định tại Điều 48.

    Thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, chất lượng không khí ở Hà Nội có sự khác biệt giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, tại một số khu vực đặt trạm quan trắc như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm), Thành Công (quận Ba Đình), Chi cục BVMT (quận Cầu Giấy)… Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động ở ngưỡng từ 101 (mức kém) đến dưới 200 (mức xấu), một số ngày vượt ngưỡng 200 (mức rất xấu), gây hại cho sức khỏe. Mùa mưa, chỉ số AQI được cải thiện theo hướng tốt hơn.

    Theo Báo cáo của Chi cục BVMT Hà Nội, có nhiều nguồn gây ô nhiễm MTKK. Cụ thể, toàn Thành phố có 17 khu công nghiệp; khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770 nghìn xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp khiến cho tình trạng ô nhiễm MTKK ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm MTKK. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra MTKK 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2, gây ô nhiễm MTKK nghiêm trọng… Kết quả giám sát vào tháng 3/2023 của Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội chỉ ra, trên địa bàn Thành phố hiện có nhiều nguồn khí thải lớn ra môi trường, từ phương tiện giao thông, sản xuất làng nghề, hoạt động tại các cụm công nghiệp. Trong khi đó, một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt nên tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, tái sử dụng bếp than tổ ong, đốt rác thải sinh hoạt vẫn tiếp diễn, ý thức BVMT của một số người dân còn hạn chế. Ngoài ra, do quỹ đất hạn hẹp, một số địa phương chưa có điểm trung chuyển, phải sử dụng điểm tập kết rác thải ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Một số huyện gặp khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, vẫn còn tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định. Đặc biệt, tình trạng các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn, phát tán bụi ra môi trường khá phổ biến. Việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông (nhất là xe máy) cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, song tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… chưa được giải quyết triệt để.

    Trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã nỗ lực triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, vượt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và tiếp tục trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí... Tuy nhiên, ô nhiễm không khí vẫn đang là mối quan ngại lớn của người dân Thủ đô, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp hiệu quả hơn, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, cần tăng cường trồng cây xanh trong nội đô, đặc biệt khu vực ven đường giao thông nơi có mật độ xe lớn, mức ô nhiễm cao. Từ năm 2016 đến 2020, Hà Nội đã trồng mới hơn 1,5 triệu cây xanh, trong đó nhiều loại cây lần đầu tiên xuất hiện trên đường phố Thủ đô. Tuy nhiên, cây xanh được trồng theo tiêu chí cảnh quan là chủ đạo với nguyên tắc “đồng đều, đa dạng và đồng bộ về cả chủng loại, chiều cao và kích cỡ”, tạo điểm nhấn đặc trưng trên một số tuyến phố. Mục tiêu cải thiện chất lượng không khí chưa thực sự được chú trọng do việc trồng cây chưa tính tới khả năng khuếch tán khí thải, lọc bụi… của hệ thống cây xanh, cũng như đặc thù nguồn thải, hướng gió của từng mùa, từng địa bàn. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục tăng số lượng cây xanh, Hà Nội cần có nghiên cứu cụ thể về mô hình trồng cây xanh có đặc điểm chiều cao, khoảng cách phù hợp với điều kiện khí tượng, góp phần hấp thụ và khuếch tán khí thải nhằm cải thiện chất lượng không khí.

    Thứ hai, vận động người dân thay đổi thói quen suwrdungj nhiên liệu trong đun nấu và trong giao thông. Hà Nội đã đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào năm 2020 và đến năm 2023 thì kết quả đạt được là xóa bỏ được 99%.

    Về giải pháp thay nhiên liệu trong giao thông, xe buýt sử dụng khí nén CNG đã bắt đầu được triển khai ở Hà Nội. 50 xe buýt CNG bắt đầu vận hành từ 1/7/2018, kỳ vọng có thể giảm thải NOx so với xe diesel với mức giảm khoảng 37 kg/xe mỗi năm (Lowell, 2013). Ngày 2/12/2021, các tuyến xe buýt điện cũng đi vào hoạt động, kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội. Lượng thải từ các xe vận hành thí điểm cần được đo đạc, thống kê để đánh giá được hiệu quả thực tế đối với chất lượng không khí tại Hà Nội. Dưới góc độ kinh tế, việc đánh giá hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm không khí của xe buýt CNG là cơ sở để hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt tài chính khi mở rộng nhiều tuyến hơn trên toàn Thành phố.

    Thứ ba, tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình giao thông công cộng để dần thay thế được nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân của người dân. Hà Nội dự kiến sẽ cấm hoàn toàn xe máy vào năm 2030 và với khoảng 6,5 triệu chiếc đang hoạt động trong Thành phố; hệ thống giao thông công cộng cần được đầu tư mở rộng để đáp ứng được số lượng người đang đi xe máy hiện tại.

    Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới giao thông công cộng với 8 tuyến đường sắt đô thị và 7 tuyến xe buýt nhanh BRT. Đến nay, các tuyến BRT đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2017; đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh vận hành từ 11/2021. Gần đây, dự án xe đạp đô thị cũng được triển khai từ tháng 8/2023. Tuy nhiên, không chỉ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, cơ quan quản lý Nhà nước còn cần có biện pháp tác động thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện giao thông của người dân.

Châu Long

Ý kiến của bạn