Banner trang chủ

Xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế - Giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả

07/10/2019

     Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa (RTN) và ứng dụng vào thực tiễn, giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường do RTN. Nhằm biến rác thải nhựa thành những sản phẩm mới, Công ty Dow Chemical Việt Nam (Dow) và Công ty TNHH DEEP C đã ký Thỏa thuận Hợp tác về việc xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế đầu tiên tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C tại TP. Hải Phòng. Đây được xem là giải pháp cứu cánh nhằm giảm thiểu ô nhiễm trắng - chất thải nhựa đối với Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung. Để tìm hiểu rõ hơn về Dự án này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Ekkasit Lakkananithiphan - Tổng Giám đốc Công ty Dow Chemical Việt Nam.

     PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về Dự án hợp tác xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam?

     Ông Ekkasit Lakkananithiphan: Theo nội dung Thỏa thuận đã ký kết, đoạn đường giao thông thử nghiệm làm từ nhựa tái chế đầu tiên dài 1 km tại Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C), sẽ hoàn thành vào tháng 9/2019 và chuyển hóa gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo - tương đương với khoảng 1 triệu bao bì nhựa từ các khách hàng của Dow tại các khu vực lân cận cung cấp. Các loại bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng như màng nhựa polyethylen, sau khi làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ khoảng 150 - 180oC. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường giúp nâng cao độ bền cho con đường. Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường. Đây cũng là một minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa.

 

Ông Ekkasit Lakkananithiphan - Tổng Giám đốc Công ty Dow Chemical Việt Nam

 

     Vừa qua, Đoàn chuyên gia của Công ty TNHH Dow Chiemical Việt Nam đã tiến hành những bước thí nghiệm đầu tiên tại Trung tâm tư vấn phát triển thuộc trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Theo đó, tại trạm trộn bê tông nhựa asphalt, các kỹ sư đã thực hiện 4 mẫu gồm một mẫu trộn bê tông nhựa thông thường và ba mẫu có thành phần là rác thải nhựa sau khi đã được làm sạch, sấy khô, nghiền nhỏ, trộn với cốt liệu. Đối với mẫu có trộn phế thải nhựa, sau khi nung trộn ở nhiệt độ 170oC, các chuyên gia của Đại học Hàng hải tiến hành đúc khuôn bằng máy đầm và chính thức thử độ dẻo, ổn định, độ rỗng cốt liệu, rỗng dư… cũng như các thông số kỹ thuật khác để so sánh với mẫu đường bê tông thông thường. Các thông số kỹ thuật của mẫu bê tông có trộn phế thải nhựa không những đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8860-1:2011 về bê tông nhựa - phương pháp thử, mà một số tiêu chí còn có phần tốt hơn.

     Trên cơ sở kết quả thí nghiệm khả quan trên, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với trường Đại học Hàng hải triển khai những bước tiếp theo để có được kết quả hoàn thiện hơn, đồng thời sớm đưa vào triển khai 1 km đường thử nghiệm đầu tiên từ bê tông nhựa có trộn rác thải nhựa, trước khi nhân rộng trên toàn Khu công nghiệp DEEP C.

     Theo thống kê của các chuyên gia về môi trường, ước tính đến nay, con người trên thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỷ tấn đã trở thành phế thải và 79% trong số đó hiện còn đang nằm tại các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên. Hy vọng, trong tương lai, Dự án sẽ thu hút chính quyền địa phương, các đơn vị thu gom rác thải và chuỗi giá trị ngành nhựa cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải biển và rác thải nhựa tại Việt Nam, đồng thời phát triển thị trường đầu ra tốt hơn cho rác thải nhựa. Sự hợp tác liên kết trên là một giải pháp cho sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

     PV: Thời gian qua, Công ty Dow Chemical Việt Nam đã áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn như thế nào, thưa ông?

     Ông Ekkasit Lakkananithiphan: Dow đã có mặt ở Việt Nam kể từ năm 1995. Hiện nay, Công ty có khoảng 110 nhân viên tại 3 cơ sở, phục vụ khách hàng trong các ngành chăm sóc người tiêu dùng, cơ sở hạ tầng và công nghiệp đóng gói bao bì. Dow là đối tác đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam bằng cách tạo giá trị gia tăng cho những ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến, cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo và bền vững, nhằm giúp Việt Nam giải quyết các thách thức, đồng thời cũng là một thành viên quan tâm chăm lo đến cộng đồng.

 

Bê tông làm từ rác thải nhựa đang trong quá trình nghiên cứu, kiểm nghiệm trước khi áp dụng vào thực tế

 

     Trong những năm qua, Công ty không chỉ tập trung vào sản xuất xanh mà luôn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tạo cơ hội để họ tiếp cận, nhận diện sản phẩm thân thiện với môi trường qua thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa. Từ đó xây dựng chính sách tài chính, khuyến khích người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh.

     Hiện nay, Dow là thành viên sáng lập của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW), một tổ chức mới thành lập với cam kết ủng hộ hơn 1 tỷ USD với mục tiêu huy động 1,5 tỷ USD trong 5 năm tới để phát triển và mở rộng các giải pháp quản lý chất thải nhựa và thúc đẩy các giải pháp sau khi sử dụng nhựa. AEPW hiện bao gồm gần 30 công ty, sẽ phát triển, mở rộng các giải pháp nhằm giảm thiểu và quản lý chất thải nhựa; thúc đẩy các giải pháp bằng cách chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa. Thành viên của AEPW là đại diện của các công ty và tổ chức toàn cầu ở khắp Bắc, Nam Mỹ, châu Âu, Á, Phi và Trung Đông. AEPW sẽ đầu tư và thúc đẩy tiến độ trong 4 lĩnh vực chính: Phát triển cơ sở hạ tầng để thu gom, quản lý chất thải, gia tăng tái chế; Đổi mới sáng tạo để cải tiến, mở rộng các công nghệ mới giúp tái chế, thu hồi nhựa dễ dàng hơn và tạo ra giá trị từ tất cả các loại nhựa đã qua sử dụng; Giáo dục, hợp tác với Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng để kêu gọi hành động; Dọn dẹp các khu vực tập trung chất thải nhựa đang tồn tại trong môi trường, đặc biệt là các hệ thống dẫn chất thải chính như các dòng sông, đại dương.

     Vai trò lãnh đạo tiên phong của Dow trong AEPW thể hiện qua những hành động, cam kết và sự đầu tư của công ty nhằm loại bỏ rác thải nhựa khỏi môi trường. Tháng 10/2018, Dow đã hỗ trợ Circulation Capital (công ty quản lý đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng thải nhựa ra đại dương) tái chế và quản lý chất thải trên khắp khu vực Nam, Đông Nam Á. Dow cũng là thành viên của Hợp tác hành động nhựa toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới, với mục đích trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp, xã hội dân sự, chính quyền quốc gia, địa phương, nhóm cộng đồng và chuyên gia để cùng nhau hợp tác giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Năm 2018, các nhân viên của Dow đã tham gia thực hiện 55 chương trình dọn dẹp rác thải trên toàn cầu, loại bỏ gần 24 tấn rác thải trên bãi biển và đường thủy.

     Đổi mới sản phẩm là một phần quan trọng khác trong nỗ lực chấm dứt rác thải nhựa ra môi trường của Dow. Công nghệ RecycleReady của Dow cho phép các nhà sản xuất tạo ra bao bì đủ tiêu chuẩn dán nhãn “Tái chế -How2Recycle” của Liên minh bao bì bền vững và đáp ứng việc tái chế thông qua các dòng tái chế polyetylen. Dow cũng tiếp tục tập trung vào các công nghệ tương thích hóa cho phép vật liệu đóng gói đa lớp được tái chế thành các sản phẩm mới. Từ năm 2014, Dow đã triển khai Chương trình thu thập nhựa khó tái chế và sau đó biến chúng trở thành những tài nguyên có giá trị. Tính đến tháng 7/2018, Chương trình đã thu gom được hơn 176.500 túi và chuyển hơn 115 tấn nhựa từ các bãi chôn lấp để đem đi tái chế.

     Một bước tiến nữa mà Dow đang thực hiện để hoàn thiện các hoạt động kinh tế tuần hoàn của mình là thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh tái chế thương mại mới và chiến lược tăng trưởng nhằm đem lại lợi nhuận từ việc tái chế chất thải nhựa trên toàn cầu.

     PV: Để triển khai áp dụng Dự án này tại Việt Nam, cũng như đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong thời gian tới, Công ty có kế hoạch gì?

     Ông Ekkasit Lakkananithiphan: Những loại nhựa dùng một lần không thể tái chế, thay vì kết thúc ở bãi chôn lấp hay thải ra biển, sẽ được sử dụng để làm những con đường. Không những giải quyết vấn đề về môi trường, việc này còn mở ra thị trường cho loại rác nhựa, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Khó khăn lớn nhất của Dự án cũng là việc kết nối các bên liên quan với nhau.

     Áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp đón đầu chính sách khi các nhà lập pháp sẽ xây dựng thêm nhiều chính sách mới để định hướng hoạt động của doanh nghiệp theo Chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia. 

     Tại Hội nghị Đại dương của chúng ta, tổ chức tại Bali, Inđônêxia, tháng 10/2018, Dow đã công bố kế hoạch tài trợ thêm 1 triệu USD cho Tổ chức BVMT biển trong hai năm (2019 - 2020) để hỗ trợ giải pháp thu gom và tái chế rác thải cho các nước Đông Nam Á. Số tiền này sẽ được sử dụng cho dự án tăng cường năng lực của tổ chức phi Chính phủ địa phương và hợp tác với lãnh đạo thành phố để phát triển, mở rộng, nhân rộng những giải pháp thu gom, tái chế rác thải hiệu quả.

     Thông qua việc áp dụng tư duy kinh tế tuần hoàn, hợp tác xuyên suốt chuỗi giá trị và cải tiến sản phẩm mới, cũng như cam kết của nhân viên, khách hàng nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, trong thời gian tới, Dow sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong ngành, chính quyền địa phương, quốc gia, quốc tế, tổ chức phi Chính phủ và người tiêu dùng để đảm bảo phát triển các giải pháp kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn