Banner trang chủ

Tăng cường rừng ngập mặn góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đầm phá ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế

15/09/2015

     Rú Chá là khu rừng ngập mặn ven phá Tam Giang, thuộc xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có tổng diện tích 4,6 ha, gồm 3 rú: rú trên 0,8 ha, rú giữa 3,0 ha và rú dưới 0,85 ha. Cây ngập mặn tập trung chủ yếu ở rú giữa và phân bổ rải rác ở rú trên và rú dưới, gồm các loài giá, ngọc nữ biển, cỏ gấu biển, bời lời nhớt, quao, đước vòi, sú, vẹt khang, trà hoa vàng, ô rô trắng.   Trồng cây tại rừng ngập mặn Rú Chá        Rú Chá có hệ sinh thái độc đáo, có giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời là "tấm bình phong" BVMT cho cả khu vực và là nơi ươm ấu trùng thủy sản, là sân chim của vùng cửa sông Hương - Thuận An. Mặc dù đóng vai trò, giá trị quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa và BVMT, nhưng diện tích Rú Chá ngày nay đã bị thu hẹp khá nhiều, hiện chỉ còn 4,65 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do những tác động thiếu hợp lý của con người như: Khai thác cây ngập mặn để làm chất đốt; lấy đất làm ao nuôi thủy sản, xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn... Sự suy giảm diện tích Rú Chá đã dẫn đến suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học (ĐDSH): Số lượng loài chim di cư ít hơn đáng kể, nguồn lợi thủy sản cũng suy giảm, đồng thời làm gia tăng khả năng bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) do khu vực này là vùng thấp trũng, ở sát ngay cửa biển Thuận An và phá Tam Giang. Hàng năm vào mùa lụt, bão, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, gây xói lở nhiều vùng đất ven biển, ven phá; xói lở nhiều ao nuôi thủy sản, các tuyến đường giao thông; gây gãy đổ nhà cửa, cây cối, hoa màu làm thiệt hại nhiều tài sản của nhà nước và người dân.      Trong bối cảnh đó, hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng khu vực cũng như góp phần giảm thiểu và thích ứng BĐKH, cải thiện sinh kế bền vững cho người dân cộng đồng, từ năm 2012, WWF - Việt Nam đã đề xuất Dự án: Tăng cường rừng ngập mặn nhằm góp phần thích ứng với BĐKH và bảo tồn ĐDSH vùng đầm phá ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án được thực hiện để tăng thêm diện tích rừng ngập mặn; nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, cộng đồng về tầm quan trọng của rừng ngập mặn và xây dựng phương thức nuôi thủy sản thân thiện với môi trường.      Sau hai năm triển khai Dự án, hơn 23.000 cây ngập mặn đã được trồng, trong đó hơn một nửa được trồng tại các ao nuôi thủy sản nhằm giúp thanh lọc nước, cung cấp môi trường sống lý tưởng cho các loài thủy sinh như cá, tôm, cua, do đó mang lại nguồn thực phẩm cũng như cơ hội nghề nghiệp cho cộng đồng địa phương. Cũng trong khuôn khổ Dự án, 300 người dân đã được đào tạo về trồng và quản lý rừng ngập mặn; 400 hộ dân được giúp đỡ cải thiện quản lý nuôi trồng thủy sản thông qua áp dụng các mô hình nuôi trồng thủy sản sinh thái. Trong thập kỷ tới, khi các cây ngập mặn trưởng thành, khu rừng mở rộng này sẽ là lá chắn bảo vệ tự nhiên cho cộng đồng khỏi các cơn bão lũ.      Dự án cũng thực hiện một chương trình nâng cao nhận thức trong đó giúp người dân hiểu được giá trị cây ngập mặn và làm thế nào để chăm sóc và quản lý rừng ngập mặn mới. Từ đó, họ sẽ chủ động đầu tư vào duy trì rừng ngập mặn và giúp chúng phát triển. TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam chia sẻ "Với những thay đổi lạc quan của người dân trong nhận thức về khái niệm chia sẻ lợi ích và quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, đồng thời cũng tham khảo các dự án quốc tế hiệu quả khác, chúng tôi xây dựng Dự án để người dân không chỉ đóng vai trò là người tham gia mà còn là chủ nhân của Dự án. Với mô hình này, Dự án sẽ đảm bảo được tính bền vững".      Đặc biệt, Dự án có sự kết hợp giữa mô hình tổ chức phi chính phủ (WWF) - Doanh nghiệp (Microsoft) - Cộng đồng. Ngoài việc thực hiện Dự án, nhà tài trợ Microsoft đang tiến hành triển khai chương trình "Tái chế điện thoại, trồng một cây xanh". Theo chương trình này, với mỗi một điện thoại không sử dụng được mang tới điểm thu gom, Microsoft sẽ trồng thêm một cây cho rừng ngập mặn. Ngoài ra, người tham gia sẽ có một cây ngập mặn đặt theo tên mình trong chương trình "Tái chế điện thoại, Trồng một cây xanh"      Việc phục hồi rừng ngập mặn giúp bảo vệ các khu vực dễ tổn thương khi có thiên tai, bão lũ, thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, duy trì ĐDSH trong khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế cộng đồng bền vững thông qua việc cải thiện môi trường dài hạn.               Nam Việt Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014      
Ý kiến của bạn