Banner trang chủ

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại vịnh Nha Trang

15/09/2015

     Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507 km² với 19 hòn đảo lớn nhỏ, là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi có hầu hết các hệ sinh thái (HST) điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là HST đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, HST cửa sông, biển đảo và bãi cát ven bờ. Đặc biệt, vịnh Nha Trang có HST biển rất đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Hiện nay đã phát hiện được trên 222 loài cá và trên 350 loài san hô tạo rạn (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới). Với đặc tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, môi trường ổn định và tiềm năng phát triển kinh tế, vịnh Nha Trang đã được chọn làm mô hình mẫu cho công tác bảo tồn ĐDSH biển đầu tiên ở Việt Nam.      Với các điều kiện khí hậu ôn hòa, nhiệt độ ấm quanh năm, cửa vịnh rộng, tiếp giáp với đại dương, vịnh Nha Trang phù hợp cho việc phát triển, nuôi trồng thủy sản biển. Đối tượng nuôi chính là tôm hùm, cá biển. Hiện nay, lượng lồng bè trên vịnh là trên 367 bè, với hơn 9.347 ô lồng nuôi tập trung tại các điểm Hòn Miếu, Vũng Ngán, Bích Đầm, Đầm Báy, Hòn Một… Theo các đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là nghề chính của hơn 80% số hộ gia đình ở Vịnh Nha Trang và gần đây, hoạt động này có xu hướng phát triển mạnh. Tuy nhiên, phần lớn người dân trong và trên độ tuổi lao động ở các khóm đảo đều sống tách biệt, trình độ hiểu biết thấp, thiếu tiếp cận với các thông tin cần thiết; Kinh tế của mỗi hộ gia đình đều phụ thuộc vào đàn ông và mùa vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản… Đây là những nguyên nhân chính cản trở các hộ dân xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế bền vững. Hơn nữa, tình hình nuôi kém hiệu quả cùng với dịch bệnh xảy ra hàng năm dẫn đến công suất nuôi chỉ đạt khoảng 50% ô lồng hiện có. Tình trạng đánh bắt quá mức dẫn đến sự suy giảm và cạn kiệt một số nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng tràn lan và không theo quy hoạch. Thức ăn thừa, chất thải sinh hoạt… đổ trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan. Vì vậy, chủ trương của UBND tỉnh Nha Trang là hạn chế hoạt động nuôi trồng thủy sản trên Vịnh.   Vịnh Nha Trang - Mô hình mẫu cho công tác bảo tồn ĐDSH        Để vịnh Nha Trang xứng đáng với tầm vóc là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới. Trước mắt Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đề xuất một số giải pháp sau:      Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp và thống nhất TN&MT biển, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mọi phương tiện, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ TN&MT biển vịnh Nha Trang; Áp dụng các biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm; Tăng cường, bổ sung một số chức năng và các thẩm quyền liên quan để BQL thực thi trong quá trình kiểm soát vịnh; Xây dựng hệ thống quản lý tàu thuyền cụ thể về đăng kiểm, phạm vi hoạt động, an toàn vệ sinh, giao thông, kích thước thủy sản được phép khai thác… Đồng thời, UBND tỉnh cần xem xét, phê duyệt Kế hoạch quản lý, Quy chế phối hợp giữa BQL với các cơ quan/đơn vị liên quan; Điều chỉnh và bổ sung Quy chế tạm thời quản lý KBT biển và ban hành chính thức; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động BVMT biển.      Tiếp tục triển khai công tác nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư sống ven biển, trên đảo cũng như tăng cường các hoạt động cải thiện sinh kế và xóa đói giảm nghèo; Xây dựng thêm các công trình phúc lợi xã hội và mở rộng các mô hình việc làm tăng thu nhập cho người dân...      Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác quản lý và BVMT biển và hải đảo; Đề xuất tăng phí đối với các phương tiện hoạt động trong vịnh, tăng phí vào KBT biển nhằm xây dựng nguồn tài chính bền vững cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ; Thúc đẩy quan hệ, hợp tác song phương, đa phương để nâng cao năng lực quản lý và tranh thủ các nguồn kinh phí viện trợ.      Có thể nói, hiện nay công tác quản lý, BVMT và ĐDSH không chỉ là mối quan tâm riêng ở phạm vi vịnh Nha Trang, từng quốc gia mà đã trở thành vấn đề chung của toàn nhân loại. Môi trường và ĐDSH có sự gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tác động của BĐKH đến phát triển bền vững của toàn cầu. Hệ thống các KBT nói chung và KBT biển vịnh Nha Trang nói riêng đã và đang phát huy tác dụng trong việc BVMT và ĐDSH. Để công tác quản lý, bảo tồn tốt hơn, ngoài việc phải có kế hoạch phát triển thích hợp, các nhà quản lý cần có những hiểu biết hơn về môi trường và ĐDSH, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa của từng khu vực, từ đó có những quyết định và chính sách phù hợp, kịp thời.      Mục tiêu của BQL vịnh Nha Trang không chỉ dừng lại ở việc BVMT và ĐDSH mà còn hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý cho hệ thống các KBT khác. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi phải có sự liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng trong, ngoài nước. Hy vọng với những nỗ lực của BQL và cộng đồng dân cư, trong tương lai không xa KBT biển vịnh Nha Trang sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của du khách trong và ngoài nước, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương.   Đàm Hải Vân Ban Quản Lý vịnh Nha Trang Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014
Ý kiến của bạn