Banner trang chủ

Phát triển vùng nguyên liệu bền vững: Giấy An Hòa giải bài toán khó của ngành giấy

26/01/2021

    Những năm qua, ngành công nghiệp giấy có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế, đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất như: Sản xuất bao bì, dùng trong bao gói sản phẩm... cộng hưởng để phát triển các ngành kinh tế khác như: Trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng của lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc và hỗ trợ người trồng rừng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam nói chung và Công ty CP Giấy An Hòa nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển, thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường và phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Ngành giấy đối mặt với thách thức về mặt nguyên liệu

    Hiện nay, sản phẩm giấy trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ giấy nhập khẩu, nhất là các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia… Một trong những lý do khiến sản phẩm giấy sản xuất trong nước kém sức cạnh tranh chính là các doanh nghiệp sản xuất giấy không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào.  

    Theo giải thích của các doanh nghiệp ngành này, tình trạng nhập khẩu nguyên liệu cao là vì ít doanh nghiệp đầu tư được dây chuyền chế biến nguyên liệu thô (chủ yếu là gỗ) thành bột giấy làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm.

    Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất. Thêm vào đó, nguồn gỗ thô trong nước phục vụ cho sản xuất bột giấy không dồi dào do chịu sự cạnh tranh với ngành chế biến đồ gỗ công trình nội, ngoại thất.

Vườn ươm cây giống của Công ty nguyên liệu giống An Hòa

    Thực tế này khiến nguyên liệu đầu vào của ngành giấy trong nước vừa không ổn định, chi phí lại cao hơn so với doanh nghiệp giấy trong khu vực.

    Theo đại diện Công ty CP Giấy An Hòa, đơn vị sở hữu và vận hành Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa, việc đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy, chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, lộ trình này còn tuỳ vào năng lực tài chính của từng doanh nghiệp.

    Với Giấy An Hòa, để phát triển bền vững, ngoài đầu tư cho trang thiết bị, Công ty còn đặt ra chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu giấy với việc xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và vùng nguyên liệu rộng lớn, từ đó làm giảm đi gánh nặng nhập khẩu nguyên liệu giấy và bột giấy.

Giấy An Hòa, điển hình phát triển vùng nguyên liệu

    Theo ông Nguyễn Văn Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy An Hòa, việc phát triển nguồn nguyên liệu được xem là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy. Nằm trong chiến lược dài hạn, thời gian qua, Công ty CP Giấy An Hòa đã tập trung xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và tự chủ vùng nguyên liệu rộng lớn.

    Ngày 27/6/2008, UBND tỉnh Tuyên Quang có Quyết định số 1012/QĐ-CT về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa nhằm tạo nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ cho Nhà máy, phát triển trung tâm nghiên cứu với nhiệm vụ chính là ươm giống cây, trồng rừng nguyên liệu đủ cung cấp các loại giống tốt cho các đơn vị sản xuất nguyên liệu giấy trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang.

    Tổng diện tích được quy hoạch 85.650,9 ha rừng trồng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất tại 105 xã của các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình và thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Rừng gỗ keo nguyên liệu tại các trung tâm lâm nghiệp do An Hòa phát triển

    Với điều kiện về vị trí địa lý thuận lợi, Công ty cũng đã xây dựng các trung tâm nguyên liệu lâm nghiệp tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và Bắc Cạn. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, hàng năm, Giấy An Hòa cung cấp gần 3 triệu cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu mua gỗ và dăm gỗ nguyên liệu của người dân. 

    Hiện nay, Công ty CP Giấy An Hòa đang sở hữu dây chuyền sản xuất bột giấy với công suất 130.000 tấn/năm, với công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF). Bên cạnh đó, Công ty cũng đang vận hành dây chuyền sản xuất giấy in viết cao cấp với công suất 140.000 tấn/năm được tư vấn, thiết kế và lắp đặt bởi Hansol EME, trực thuộc tập đoàn Hansol, một trong những nhà sản xuất hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất giấy.

    Với những đầu tư về trang thiết bị máy móc hiện đại cùng việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, nhiều năm qua, Giấy An Hòa không chỉ là đơn vị có công suất sản xuất bột giấy và giấy cao cấp lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp tiên phong giải bài toán khó về xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu giấy.

Phạm Đình

 

Ý kiến của bạn