Banner trang chủ

Việt Nam hoàn thiện khung chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu

01/12/2021

    Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động ngày càng nghiêm trọng đến tất cả các mặt đời sống, kinh tế - xã hội của nước ta. Để tăng cường các hoạt động ứng phó với BĐKH, trong thời gian qua, khung chính sách ứng phó với BĐKH đã được lồng ghép vào chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước. Đồng thời, các quy định về BĐKH đã luật hóa trong Luật BVMT năm 2020, góp phần hoàn thiện khung chính sách về BĐKH.

    Cụ thể hóa các quy định về ứng phó BĐKH trong Luật

    Luật BVMT năm 2020, tại Chương VII, các điều 90, 91,92 quy định về nội dung thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), bảo vệ tầng ô-zôn, cụ thể: Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do  BĐKH đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư trên cơ sở kịch bản BĐKH và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; riển khai hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị…; Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải và hấp thụ KNK theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế; Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước; Quản lý hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; Thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; Phát triển và ứng dụng công nghệ, thiết bị sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-zôn, chất thân thiện khí hậu…

    Theo đó, Luật cũng xác định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát KNK. Đồng thời, quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-zôn.

    Đặc biệt, Tại Điều 139, Chương XI của Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể việc về tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải KNK trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải KNK do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH. Trong đó, quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước; căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên trong trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    Về trách nhiệm, Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải KNK theo giai đoạn và hàng năm và phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho các đối tượng theo quy định; tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới; Chính phủ quy định chi tiết về chi phí phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, lộ trình, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

    Quy định chi tiết nội dung BĐKH trong Luật

    Trên cơ sở Luật BVMT năm 2020, Cục BĐKH (Bộ TN&MT) đang xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, bao gồm 1 Nghị định và 1 Thông tư để trình cấp có thẩm quyền.

    Theo đó, Dự thảo Nghị định về giảm phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-zôn đang trong quá trình góp ý hoàn thiện sẽ được Chính phủ ban hành trong năm nay để có hiệu lực thi hành cùng với Luật BVMT năm 2020 từ ngày 1/1/2022. Dự thảo Nghị định bao gồm 5 Chương, 38 Điều và các phụ lục, quy định chi tiết các Điều 91, Điều 92 và Điều 139 của Luật BVMT năm 2020. Đối tượng áp dụng của Nghị định là cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến hoạt động phát thải KNK, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ KNK trong nước; tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Các nội dung chính trong Dự thảo Nghị định, bao gồm: Đối tượng và lộ trình loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam; xây dựng và cập nhật danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK; mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước bảo vệ tầng ô-dôn; các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn…

    Cùng với đó, theo quy định tại Khoản 4, Điều 91 Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK. Để thực hiện quy định này, hiện Bộ TN&MT đang lấy ý kiến của nhân dân với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK năm 2022. Theo đó, 5 lĩnh vực phải kiểm kê KNK là các ngành: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng. Dự thảo cũng quy định, Danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự kiến là các cơ sở có mức phát thải KNK hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Bên cạnh đó, một số trường hợp khác dự kiến cũng phải thực hiện kiểm kê KNK gồm: Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên; các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 trở lên; các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 trở lên...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến góp ý Dự thảo Thông tư

    Ngoài ra, Cục BĐKH cũng đang xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT về ứng phó với BĐKH, cụ thể hóa các điều (gồm điểm c khoản 3 Điều 90; điểm c khoản 4 Điều 91; điểm b khoản 3 Điều 92; khoản 6 Điều 92). Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư gồm: Cơ quan tổ chức có liên quan đến hoạt động thích ứng với BĐKH tại Việt Nam, các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường chiến lược; Cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động thẩm định kiểm kê KNK và kết quả giảm nhẹ phát thải KNK; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tái chế, tái sử dụng, tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính có kiểm soát.

    Dự thảo Thông tư sẽ có 3 nội dung chính: Hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; Hướng dẫn thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK); Danh mục và hướng dẫn thu gom, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Quá trình xây dựng dự thảo, Cục đã nghiên cứu các quy định quốc tế về thích ứng, giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ô-zôn; các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu của các chuyên gia khoa học đầu ngành, các cơ quan có liên quan thuộc các Bộ. Cụ thể, về đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH, dự thảo Thông tư đưa ra các nội dung về mục đích, thông tin dữ liệu phục vụ đánh giá; các yếu tố trong kịch bản BĐKH sử dụng để đánh giá; nội dung, phương pháp, trình tự đánh giá và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh.

    Về thẩm định kết quả kiểm kê KNK và thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK đối với cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK, Dự thảo Thông tư đưa ra các mẫu thẩm định cũng như quy định về hội đồng thẩm định và trình tự đối với báo cáo kiểm kê KNK, kết quả giảm nhẹ phát thải cấp lĩnh vực; yêu cầu đối với thẩm định và trình tự thẩm định báo cáo kiểm kê KNK, kết quả giảm nhẹ cấp cơ sở. Các quy định này nhằm phù hợp quy trình quản lý của Việt Nam, phục vụ nhu cầu về số liệu để có cơ sở thẩm định mức giảm nhẹ phát thải của cơ sở. Quá trình này về sau sẽ được nâng cấp và quốc tế hóa để giúp các cơ sở công nhận tín chỉ các-bon nếu muốn tham gia thị trường các-bon trong thời gian tới. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển cho các đơn vị thẩm định đủ năng lực của Việt Nam và nước ngoài.

    Về hướng dẫn sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, Dự thảo Thông tư đưa ra danh mục, thông tin, điều kiện sử dụng các chất này, đồng thời, hướng dẫn cụ thể các yêu cầu về thu gom, vận chuyển và tiêu hủy.

    Việc ban hành Dự thảo Nghị định về giảm phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-zôn và Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT về ứng phó với BĐKH là hết sức cần thiết và có vai trò quan trọng, nhằm sớm đưa các quy định của Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH.

Trần Tân

 

 

Ý kiến của bạn