Banner trang chủ

Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030

14/07/2022

    Ngày 14/7/2022, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (VISI) - Tổng cục Biển và hải đảo, Bộ TN&MT đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Tổ chức Bảo tồn đại dương tổ chức Hội thảo Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động (KHHĐ) quốc gia về quản lý rác thải nhựa (RTN) đại dương đến năm 2030.

    Hiện nay, ô nhiễm môi trường biển do RTN đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, là một trong những mối đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội tại các vùng biển, vùng bờ biển như du lịch, nghỉ dưỡng, đánh bắt cá, giao thông, môi trường, đa dạng sinh học… Đặc biệt, dưới tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các quá trình chuyển hóa và những tác động khác, RTN sẽ chuyển hóa thành rác thải vi nhựa, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

    Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều các tuyên bố khu vực, những lời kêu gọi cần có hành động pháp lý mang tính toàn cầu để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm RTN đại dương. Tại Việt Nam, theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT công bố, chỉ số tiêu thụ, sử dụng nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người (năm 1990) lên 54 kg/người (năm 2018), trong đó trên 37% là sản phẩm bao bì và trên 29% là đồ nhựa gia dụng. Chính phủ Việt Nam đã chủ động tham gia cùng các nỗ lực chung để giải quyết vấn đề RTN. Đơn cử, năm 2017, Việt Nam đã chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Đến năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canađa, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề RTN trên biển. Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố ven biển được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng VISI cho biết, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam, năm 2019, với sự đồng hành, giúp đỡ của MCD, Tổ chức Bảo tồn Đại dương và các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng, tham vấn, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu RTN thông qua việc tổ chức các phong trào, KHHĐ của Bộ, ngành, địa phương, đồng thời, triển khai một số nghiên cứu cơ bản về RTN. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tham gia vào đối thoại song phương, đa phương với Chính phủ các nước để thảo luận, đưa ra giải pháp tối ưu, xây dựng cơ chế tiềm năng… nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc triển khai Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021.

    Để huy động nguồn lực tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu của KHHĐ, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cùng MCD, Tổ chức Bảo tồn đại dương phối hợp tổ chức Hội thảo Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật hỗ trợ thực hiện KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương đến 2030. Đây là diễn đàn tăng cường kết nối, hợp tác, cập nhật thông tin để cùng tham gia, phối hợp thực hiện KHHĐ, thể hiện qua công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình can thiệp trong tăng cường hiệu quả quản lý rác thải rắn, giảm RTN từ đất liền ra biển cũng như các nguồn rác thải trên biển. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh biển và đại dương đang phải đối mặt với thách thức môi trường mới nổi như ô nhiễm RTN, đã và  đang gây ra nhiều tác động tới môi trường, các hệ sinh thái biển, gây tử vong nhiều loài động vật biển, tác động xấu tới chuỗi thức ăn của các loài hải sản và có thể gây tổn thương đến sức khỏe con người.

    Hội thảo đã được nghe tham luận về: Chính sách, kế hoạch, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật của các quốc gia về quản lý RTN, RTN đại dương; Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống RTN đại dương; chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam; các phương pháp đánh giá RTN đã nghiên cứu và thực hiện; phương pháp nghiên cứu đánh giá hiện trạng ô nhiễm RTN ở khu vực ven sông, cửa sông ven biển và kết quả đã nghiên cứu tại Việt Nam; phương pháp đánh giá rác thải áp dụng quy trình đánh giá theo vòng tuần hoàn… Bên cạnh đó, những kinh nghiệm triển khai KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương tại các địa phương; các sáng kiến, mô hình thực hành tốt trong quản lý RTN đại dương như: Thúc đẩy tiếp cận kinh tế tuần hoàn đối với RTN theo mô hình đối tác công - tư; KHHĐ giảm tiêu thụ túi ni lông sử dụng một lần tại các nhà bán lẻ; kết quả và kinh nghiệm triển khai các mô hình/dự án từ Liên minh không rác tại Việt Nam; mô hình tích hợp giải pháp công nghệ và xã hội trong tăng cường hiệu quả quản lý RTN đại dương…  cũng được chia sẻ các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại Hội thảo.

    Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về chính sách, quy định pháp lý, chương trình quản lý RTN đại dương tại Việt Nam; các phương pháp đánh giá RTN ven biển, ven sông, từ sông ra biển của quốc tế và Việt Nam; kinh nghiệm triển khai KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương tại các địa phương - cơ hội và thách thức; những khó khăn, thách thức trong thực hiện Kế hoạch ở các cấp và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả công - tư - cộng đồng trong thực hiện Kế hoạch… nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan, hỗ trợ nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật về quản lý chất thải rắn, giảm RTN, hướng tới góp phần đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn