Banner trang chủ

Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá

01/11/2024

    Ngày 31/10/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá”.

    Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, đại diện Ban, Bộ/ngành Trung ương: Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hôi đồng Lý luận Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương…; chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu và trường Đại học hàng đầu của Việt Nam; các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức GIZ, UNIDO, UNDP…; Đại diện các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tập đoàn, doanh nghiệp,…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

    Hiện nay, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và đảm bảo an toàn công bằng về xã hội. Tại COP26, 147 quốc gia đã cam kết đạt "Phát thải ròng bằng 0" (PTR0) vào giữa thế kỷ XXI và tính đến hết năm 2022 đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI.

    Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay. Bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Song hành với Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII... Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP); Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

    Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với năng lực chống chịu BĐKH và PTR0, Việt Nam cần huy động được nguồn lực tài chính rất lớn. Theo nghiên cứu của của Ngân hàng Thế giới (2022) cho thấy Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỷ USD cho đến năm 2040. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực của kinh tế xanh.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm nhận diện và có thêm góc nhìn đa chiều về những vấn đề trọng tâm, then chốt về tài chính xanh như: (1) Thị trường tài chính xanh ở Việt Nam hiện nay đang phát triển ở mức độ như thế nào so với thị trường tài chính xanh khu vực, thế giới, những mô hình, đối chuẩn, thông lệ tốt trên thế nào trên thế giới phù hợp mà Việt Nam có thể học hỏi; (2) Những khó khăn, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn nào về cơ chế, chính sách, pháp luật đối với sự phát triển của thị trường tài chính xanh. Hiện nay, việc ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa được quy định cụ thể, đồng bộ trong các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Đánh giá các vấn đề về quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại dự án xanh; việc ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam, do đó còn nhiều hạn chế trong việc xác định trình tự, thủ tục, vai trò, trách nhiệm của các bên có liên quan; (3) Kiến nghị, đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính xanh; cơ chế đặc biệt cho nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp dân tộc đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh ở Việt Nam, đặc biệt giải pháp khơi thông được dòng chảy để thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước cho các dự án xanh, chuyển đổi xanh có quy mô lớn, mang tầm quốc gia.

    Các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong hai phiên. Phiên thứ nhất gồm các tham luận chuyên đề mang tính chuyên biệt, chuyên sâu. Phiên thứ hai bao gồm các trao đổi, thảo luận mở giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách. Các vấn đề đã được nhận diện và được phân tích đa chiều, từ đó, kiến nghị, đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính xanh; cơ chế đặc biệt cho nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp dân tộc đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh ở Việt Nam, đặc biệt giải pháp khơi thông được dòng chảy để thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước cho các dự án xanh, chuyển đổi xanh có quy mô lớn, mang tầm quốc gia.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn