Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới

06/01/2023

    Tiếp nối thành công của Diễn đàn năng lượng tái tạo (NLTT) năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự phối hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 6/1/2022, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn NLTT năm 2022 với chủ đề: “Phát triển NLTT tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”. Đồng thời, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: Dự án NLTT tiêu biểu Việt Nam năm 2022. Diễn đàn thu hút sự tham dự từ các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, ngân hàng, các chuyên gia, nhà khoa học... Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn

    Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nghị Quyết nhấn mạnh, cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa những nguồn năng lượng hoá thạch; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa cam kết này, trong đó kế hoạch chuyển đổi năng lượng được ưu tiên thực hiện. Trong những năm qua, nhờ các cơ chế khuyến khích của Đảng và Chính phủ cùng với sự vào cuộc tích của bộ, ngành, lĩnh vực NLTT có những bước phát triển tích cực. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, các chính sách liên quan như Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như những bước tiếp theo.

    Diễn đàn đã được nghe tham luận về: Kết quả phát triển NLTT thời gian qua và chiến lược phát triển trong giai đoạn tới; Thực trạng về thị trường NLTT tại Việt Nam; Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển NLTT tại Việt Nam... Theo đó, hiện nay, thị trường NLTT cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Điện gió có đến 62 dự án với tổng công suất 3.479MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tuy nhiên, do không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 nên gần một năm qua vẫn đang chờ giá bán điện mới. Các dự án điện mặt trời còn có 452,62 MW công suất lắp đặt cũng đang chờ xác định giá bán điện mới. Với điện mặt trời mái nhà, gần 2 năm qua trôi qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

    Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ- TTg về “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT. Trước nhu cầu cấp thiết của ngành năng lượng, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và áp dụng các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn NLTT bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn NLTT chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát.

    Trong bối cảnh thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải các bon, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư, phát triển bền vững thị trường điện NLTT. Các doanh nghiệp đã tỏ mong muốn Chính phủ cần sớm có cơ chế mới cho các dự án chuyển tiếp để huy động nguồn công suất NLTT đã đầu tư, đồng thời cũng cần có cơ chế ổn định cho việc đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư phát triển các nguồn điện mới trong tương lai.

Toàn cảnh Diễn đàn

    Theo ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện NLTT đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện NLTT.

    Hiện nay, trên thế giới, công nghệ NLTT đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Riêng Bộ Công Thương đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên chính về phát triển nguồn NLTT và năng lượng sạch. Đồng thời, Bộ đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển NLTT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển NLTT. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích cải thiện hành vi, thói quen sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.

    Tại phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung chính: Kế hoạch đầu tư, phát triển NLTT từ năm 2023 để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải; các giải pháp thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn ngoại; xã hội hóa hoạt động đầu tư hạ tầng truyền tải, phát triển lưới điện thông minh; cơ chế phân phối điện hiệu quả. Đồng thời, Diễn đàn cũng đề xuất chính sách thúc đẩy thị trường NLTT bền vững (Đảm bảo yếu tố thu hút đầu tư và duy trì, phát triển ổn định thị trường NLTT); phương án cho các dự án chuyển tiếp (Bất cập từ các quy định hiện hành; vấn đề phát triển Dự án thuộc quy hoạch nhưng nằm trong vùng quá tải công suất)…

    Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã công bố và trao chứng nhận cho 9 dự án NLTT tiêu biểu năm 2022 được bình chọn, gồm: Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) - Nhà đầu tư: Công ty cổ phần đầu tư Hacom holdings; Trang trại phong điện Hbre Chư Prông - Nhà đầu tư: Tập đoàn Super Energy; Nhà máy điện gió Phong Nguyên - Nhà đầu tư: Công ty cp điện gió Phong Nguyên; Nhà máy điện gió số 7 - Nhà đầu tư: Công ty cổ phần năng lượng Sóc Trăng; Nhà máy điện mặt trời Thịnh Long AAA Phú Yên - Nhà đầu tư: Tập đoàn Super Energy; Nhà máy điện gió 7a - Nhà đầu tư: Tập đoàn Hà Đô; Nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 2) - Nhà đầu tư: Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình; Nhà máy điện gió Bạc Liêu - Nhà đầu tư: Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và du lịch Công Lý; Nhà máy điện rác Sóc Sơn - Nhà đầu tư: Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý, Hà Nội.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn